Một trong những bộ ảnh look book mới nhất mà Hương Ly tham gia chụp trong thời gian gần đây không phải của local brand Việt Nam, mà của một thương hiệu đến từ Nepal, xứ sở của len cashmere thượng hạng. Đó là bộ sưu tập mùa Thu 2022 của thương hiệu MISHUS, thành lập bởi nhà thiết kế Mishu Shrestha.
Khi tôi hỏi vì sao một nhà thiết kế đến từ Nepal lại chụp ảnh look book với một người mẫu Việt như Hương Ly, Mishu cười và bảo, “Cho mùa Thu 2022, chúng tôi muốn tăng cường sự đa dạng trong việc truyền tải bộ sưu tập. Tôi tò mò muốn biết một êkíp sáng tạo Việt Nam sẽ biến hóa các thiết kế của tôi như thế nào, do đó chúng tôi đã hợp tác cùng Hương Ly và nhiếp ảnh gia Shinvox cho bộ ảnh lần này”.
Mishu đặc biệt vui mừng trước thành quả: “Hương Ly trông thật tuyệt trong các thiết kế của tôi”.
Việc tăng cường tính đa dạng cho thương hiệu, từ thiết kế đến hình ảnh, rất quan trọng đối với việc phát triển ra quốc tế. “Một trong những mục tiêu của MISHUS trong năm tới là tổ chức show diễn thực tế tại Tuần lễ thời trang London”, Mishu chia sẻ. “Bên cạnh đó là phát triển mạng lưới khách hàng và đối tác toàn cầu”.
Đối với một thương hiệu đến từ quốc gia không phải một thủ phủ thời trang, thì những mục tiêu phát triển toàn cầu này quả thật không hề dễ dàng.
Thương hiệu MISHUS sinh ra từ tình yêu cho len cashmere
Mishu Shrestha có 22 năm kinh nghiệm trong việc sản xuất thảm bằng len cashmere cho các nhà hàng khách sạn. Hiện cô là một giám đốc trong Hội đồng quản trị của khách sạn Radisson Hotel Kathmandu ở Nepal. Nhưng trong cô luôn thôi thúc cảm hứng sáng tạo nên những tác phẩm thời trang. Do đó, cô quyết định theo học thiết kế thời trang tại Milan và khởi nghiệp với thương hiệu MISHUS năm 2012.
Dựa trên kinh nghiệm hàng chục năm làm việc cùng len cashmere, thương hiệu MISHUS sử dụng chất liệu này làm chủ đạo cho các mẫu thiết kế. Cashmere không chỉ được dùng cho khăn hay áo choàng, mà còn được biến tấu thành đầm dạ hội, đầm đi tiệc, mang lại những cách nhìn nhận mới về phương pháp sử dụng chất liệu len này.
Trong giai đoạn hai năm đại dịch, Mishu Shrestha phát triển cách dệt cashmere thêm bền vững, ít phí phạm. “Chúng tôi bây giờ dệt nên được vải có họa tiết và màu sắc riêng. Được chơi đùa với những sợi đa sắc, dệt nên họa tiết riêng của mình, tôi thật sự yêu cảm giác ấy”, nhà thiết kế chia sẻ.
Thành quả là bộ sưu tập Thu 2022 mang họa tiết da báo dệt trực tiếp vào vải len, với những màu sắc rực rỡ hay họa tiết da báo gấm tinh tế.
MISHUS hợp tác cùng Hương Ly vì tìm được tiếng nói chung
Mishu Shrestha đặc biệt vui mừng khi cộng tác với Hương Ly chụp bộ ảnh look book mùa Thu 2022 vì vì cô là đại sứ của Empower Women Asia, một tổ chức thiện nguyện vì quyền phụ nữ. “Tổ chức này mang nhiều ý nghĩa to lớn cho Nepal, quê nhà của tôi”, cô nói.
Quốc gia này, giống như Việt Nam, có truyền thống làng nghề cần được hỗ trợ truyền thông và hướng dẫn tài chính để gìn giữ kỹ thuật thủ công, tránh bị mai một khi cuộc sống đô thị hóa. “Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp bước cùng các dự án của Hương Ly liên quan đến ngành dệt may, ví dụ trao đổi kỹ thuật giữa người Nepal và Việt Nam chẳng hạn”, cô Mishu hy vọng.
Cũng vì vậy mà nhà thiết kế Mishu Shrestha tán thưởng Hương Ly tại Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2022. “Cô ấy thật thông minh khi dùng cuộc thi phát sóng truyền hình cả nước để nói về tầm quan trọng của sự phát triển bền vững trong thời trang”. Mishu yêu thích cách Hương Ly truyền bá về thời trang bền vững và mong muốn ủng hộ cô trong các dự án tương lai.
Giúp đỡ cộng đồng, hướng đến quốc tế là cách phát triển bền vững
Công tác xã hội và mang đến công ăn việc làm cho nghệ nhân địa phương là cách tốt nhất để tạo nền tảng chắc chắn cho thương hiệu riêng, theo nhà thiết kế người Nepal. Cô Mishu Shrestha cho biết mình khởi nghiệp thành công vì dành nhiều thời gian nghiên cứu sợi len cashmere từ nghệ nhân bản địa.
“Vì kinh nghiệm sản xuất thảm len cashmere, tôi được mời làm giám đốc sáng tạo cho hai thương hiệu tại Đức chuyên kinh doanh hàng may đo sẵn bằng cashmere. Từ đó tôi được tiếp lửa để khởi nghiệp”. Ngày nay, những người phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn là nghệ nhân dệt vải cho MISHUS.
Tuy nhiên, những gì cô học được ở các thương hiệu ấy chỉ giúp đỡ Mishu một phần khi điều hành doanh nghiệp riêng. “MISHUS là một thách thức cho tôi”, nhà thiết kế thú nhận.
May mắn, cô gặp được Cee Langeveldt, người trở thành Giám đốc thương hiệu cho MISHUS. “Cee giúp tôi quảng bá thương hiệu, theo dõi và dự báo các xu hướng, quản lý khách hàng và đối tác quốc tế”, Mishu nói về vị cộng sự. “Cô ấy giúp tôi mơ lớn khi tiếp cận thị trường quốc tế”.
Khi được đề nghị đưa ra lời tư vấn cho các nhà thiết kế trẻ muốn gia nhập ngành thời trang, Mishu bảo: Để sống sót trong thị trường thời trang khắc nghiệt, bạn cần biết sức mạnh của mình nằm ở đâu.
“Những gì giúp các thương hiệu khác thành công chưa hẳn sẽ mang lại hiệu ứng tương tự cho bạn, do đó đừng so sánh bản thân với người khác. Bạn cần một người giúp mình phát triển các ý tưởng, giống như tôi có Cee vậy. Và cuối cùng, đừng quên hỗ trợ cộng đồng xung quanh bạn”.
**Êkíp thực hiện**
Fashion: MISHUS @mishusdesigns
Model: Huong Ly @huonglyy.ngg
Photo: Shinvox @voducthinhofficial
Stylist: Vo Anh Duy @_duyanh6
Makeup and Hair: Quach Vu Son
Mishus PR Agency: Jera Creative Agency @jera_creativeagency
HƯƠNG LY TỎA SÁNG TẠI BÁN KẾT HOA HẬU HOÀN VŨ VỚI ĐẦM LÀM TỪ… GIẤM ĂN
HƯƠNG LY CÙNG EMPOWER WOMEN ASIA TRAO QUỸ CHO CHỊ EM LÀNG DỆT MAI CHÂU
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam