Đánh giá một món ăn có có thể mang tính chất chủ quan, tùy vị giác của thực khách. Tuy nhiên, yếu tố “đẹp” là tiêu chuẩn rõ nét nhất thể hiện đẳng cấp của một nhà hàng.
Kiến trúc và thiết kế sang trọng của nhà hàng thôi chưa đủ. Những đĩa thức ăn được trình bày đẹp như tranh vẽ cũng là một phần không thể thiếu trong việc trải nghiệm ẩm thực hoàn hảo.
Thưởng thức món ăn bằng…mắt
Giáo sư Charles Spence tại Đại học Oxford tin rằng, cách trưng bày món ăn gây ảnh hưởng trực tiếp đến vị ngon của chúng. Thực khách không chỉ thưởng thức món ăn với thính giác và vị giác, mà cảm xúc và thị giác cũng góp phần không nhỏ cho trải nghiệm này.
Trong nghiên cứu của mình, giáo sư Spence đã cho 60 người ăn thử ba đĩa salad, sau đó đánh giá mùi vị của chúng. Những đĩa salad này thực chất là cùng một loại salad được trình bày theo ba cách khác nhau. Đĩa salad đầu tiên được xúc ra đĩa rồi dọn ngay cho thực khách. Đĩa thứ hai được sắp xếp một cách ngay ngắn và gọn gàng. Và đĩa salad cuối cùng được trình bày theo cảm hứng từ một bức tranh của họa sỹ Wassily Kandinsky.
Chắc bạn đoán được phần salad nào được đánh giá là ngon nhất? Hiển nhiên là đĩa thức ăn mang cảm hứng từ bức tranh. 60 thực khách cho rằng phần salad này ngon hơn 29% so với hai phần còn lại. Nghiên cứu này còn cho biết, thực khách sẽ sẵn sàng trả gấp ba lần số tiền cho một món ăn được trình bày bắt mắt hơn.
Khoa học đằng sau nghệ thuật trình bày món ăn
Vì đã được gọi là “nghệ thuật” nên cách các bếp trưởng “họa tranh” trên từng đĩa thức ăn cũng đầy ngẫu hứng và không (cần phải) tuân theo một quy luật nào. Tuy nhiên, thành phần chính của món ăn thường sẽ đóng vai trò tâm điểm của bức tranh này.
Ví dụ như trong món ăn ở bức hình trên. Những lát thịt bê được nấu vừa chín tới vẫn còn ửng hồng chính là điểm nhấn. Phần nước sốt và rau thơm chỉ đóng vai trò trang trí.
Hoặc, trong món khai vị ở trên, đầu bếp dùng sốt và các loại thực phẩm có đầu nhọn như quả vả làm hình mũi tên, nhằm hướng sự chú ý vào những miếng sò điệp áp chảo. Điều này khiến ta để ý liền đến thành phần chính, và chỉ muốn thưởng thức ngay khi món vừa được dọn ra.
Ngoài ra, khi trình bày món ăn, các bếp trưởng thường lưu ý cả cách pha trộn hài hòa giữa màu sắc và kết cấu. Ví như những lá ngò xanh trên nền thịt hồng, hay nhúm rau tươi giòn cạnh những lát vả chín dẻo. Không chỉ đẹp mắt, chúng còn tạo cảm giác hết sức thỏa mãn cho thực khách khi cảm nhận sự hòa quyện của hương vị và kết cấu trong miệng khi nhai.
Những cách trình bày món ăn đẹp và ngon miệng
Harper’s Bazaar bật mí một số bí quyết trình bày món ăn của các đầu bếp thượng thừa, giúp bạn mang lại bữa ăn ngon miệng hơn cho gia đình. Có rất nhiều cách nhưng 3 cách sau đây thường được áp dụng nhất.
Như bất kỳ môn nghệ thuật nào khác, nghệ thuật trình bày món ăn cũng được chia thành nhiều trường phái:
Chiều dọc: Những món ăn sẽ được xếp chồng lên nhau hoặc dựng theo chiều đứng để tạo độ cao cho món ăn.
Mặt đồng hồ: Đây là một trong những trường phái kinh điển được sử dụng từ năm 1960. Nếu chiếc đĩa tròn là mặt đồng hồ, hãy bày món đạm (thành phần chính) từ khoảng 3 đến 9 giờ. Tinh bột từ 9 tới 12 giờ và rau từ 12 tới 3 giờ.
Nordic: Phong cách trình bày tối giản với nhiều khoảng trống trên đĩa cho món ăn đơn giản với thành phần hảo hạng. Tuy nhiên, cách trang trí này cần một tay nghề trang trí món ăn vững và không “run”. Vì bạn chỉ có một cơ hội duy nhất để làm đẹp cho đĩa ăn.
MÁCH BẠNNên có 50% khoảng trống trên đĩa: Điều này giúp thực khách thưởng thức từng chi tiết của món ăn mà không bị “ngộp”. Chưa kể, khoảng trống này cũng là nơi người ăn có thể thao tác thoải mái mà không gây xáo trộn phần thức ăn còn lại. Sử dụng đĩa to hơn cũng giúp chúng ta mau cảm thấy no hơn. |
>>> Xem thêm: NẤU ĂN VỚI HOA CHO BÀN TIỆC ĐẸP MÀ THI VỊ
Harper’s Bazaar Việt Nam