Giải mã sức hút của show Bling Empire trên Netflix

Show Bling Empire của Netflix phản ánh sức hấp dẫn của cộng đồng mê thời trang Á Đông siêu giàu đối với các thương hiệu thời trang xa xỉ

 

Một thế giới phù hoa như phim Con nhà siêu giàu châu Á (Crazy Rich Asians). Pha lẫn với những drama thường nhật trong show The Real Housewives. Có thể gọi đây là Keeping Up with the Kardashians phiên bản châu Á không nhỉ? Xin giới thiệu bạn đến thế giới thượng lưu của Bling Empire, show truyền hình thực tế mới của Netflix.

Từ khi ra mắt hồi giữa tháng 01/2021 đến nay, Bling Empire luôn nằm trong top 10 show được xem nhiều nhất của Netflix. Có người xem show vì thích hóng drama của giới siêu giàu, chỉ để phán xét họ cũng lắm chuyện như ai. Có người thì lại xem vì mê mẩn loạt hàng hiệu, trang sức cao cấp mà các nhân vật diện như ăn cơm bữa.

Việc Netflix tung ra show Bling Empire ngay vào giai đoạn này có lẽ là một cú tính toán chi li. Giữa đại dịch toàn cầu hoành hành, giới thời trang cao cấp, xa xỉ đang ngày càng phải dựa dẫm vào sức mua và niềm đam mê thời trang của người dân châu Á.

Đã đến lúc thế giới đón nhận các ngôi sao gốc Á giàu có và thành đạt

DJ Kim Lee (trái) và Christine Chiu (phải) trong tập 5 của Bling Empire. Ảnh: Netflix

DJ Kim Lee (trái) và Christine Chiu (phải) trong tập 5 của Bling Empire. Ảnh: Netflix

Show truyền hình thực tế này theo chân một số những cư dân siêu giàu của thành phố Los Angeles, Mỹ. Điểm chung là họ đều là những người gốc Á.

“Thật vui là show có thể chia sẻ văn hóa châu Á với thế giới. Không phải một phiên bản đơn giản hóa, mà đa dạng vì chúng tôi có đủ các thành viên gốc Hoa, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam”, theo lời quý cô Christine Chiu, một thành viên của hội Bling Empire, và cũng là nhà đồng sản xuất của show.

Các nhà sản xuất đã có ý tưởng sản xuất show sau khi Crazy Rich Asians của tác giả Kevin Kwan trở thành hiện tượng toàn cầu. “Thế giới giải trí đã sẵn sàng cho một dàn sao toàn dân châu Á, hoặc là người Mỹ gốc Á. Và chúng ta cần một chương trình truyền hình thực tế thật, chứ không chỉ riêng phim ảnh giả tưởng”, trích lời Jeff Jenkins, nhà sản xuất chính của chương trình.

Với kinh nghiệm từ nhiều năm sản xuất show Keeping Up With the KardashiansA Simple Life, Jeff Jenkins đã giúp truyền tải một cuộc sống thượng lưu, nhiều drama, nhưng giữ vững các yếu tố văn hóa làm nên sắc màu của cộng đồng châu Á.

Văn hóa châu Á quen thuộc trong Bling Empire của Netflix

Từ trái sang: Kane Lim, Jamie Xie và Kevin Kreider, ba thành viên của dàn nhân vật chính mùa 1 Bling Empire.

Từ trái sang: Kane Lim, Jaime Xie và Kevin Kreider, ba thành viên của dàn nhân vật chính mùa 1 Bling Empire. Ảnh: Netflix

Yếu tố văn hóa Á Đông được nhân mạnh trong show. Dàn cast đều là công dân Mỹ, tiếp xúc với sự cởi mở của Tây phương, nhưng lại lớn lên trong gia đình châu Á truyền thống và khắt khe. Giàu có đến đâu thì họ cũng phải đối mặt với những giá trị văn hóa Á Đông.

“Các gia đình châu Á rất khép kín. Vì vậy, show Bling Empire của Netflix như mở một cánh cửa, giúp người xem Tây phương hiểu thêm về quan điểm Á Đông”, cô Christine Chiu nói. Sinh sống và làm việc tại Mỹ, nhưng đến từ Đài Loan, nên cô thấm nhuần sự khác biệt giữa hai phong tục tập quán. “Ví dụ như khi phải đối mặt với rắc rối trong cuộc sống, người châu Á thường ngậm bồ hòn làm ngọt, chẳng bao giờ vạch áo cho người xem lưng. Văn hóa Tây phương ngược lại, đề cao sự sẻ chia để tìm cách giải quyết”.

“Chúng tôi được dạy là phải kín miệng. Nhưng đối với cá nhân tôi thật khó”, theo lời Cherie Chan, một thành viên chính của show. Lớn lên trong một gia đình Trung Quốc cực kỳ bảo thủ, cô đã gặp rất nhiều vấn đề tâm lý khi bị trầm cảm sau khi sinh mà không thể giãi bày cùng ai. Việc gia đình ép cô phải uống thuốc Bắc thay vì dùng thuốc Tây cũng khiến Cherie Chan lạ lẫm.

Và một thế giới thượng lưu phù hoa lạ lẫm

Bộ sưu tập giày trị giá 300,000 đô-la Mỹ của Kane Lim. Ảnh: Netflix

Người xem cũng sẽ bị choáng ngợp trước thế giới thời trang xa xỉ của hội bạn Bling Empire. Từ đó, bạn sẽ hiểu thêm về các thú vui, văn hóa ứng xử của giới thượng lưu.

Ví dụ, tìm hiểu về bộ môn cưỡi ngựa, môn thể thao của giới quyền quý, cùng con gái tỉ phú Jaime Xie. Học cách tổ chức một bữa tiệc gây quỹ từ thiện của Christine Chiu, khi có thể chặn đường toàn bộ khuôn viên Rodeo Drive để biến thành khu phố đi bộ. Hoặc am hiểu cách chọn trang phục khi đi dự tiệc. Đến tiệc Piaget mà đeo trang sức Chanel thì thật khiếm nhã.

Jaime Xie, con gái tỉ phú tập đoàn Fortinet. Cô là bạn thân của Eve Jobs, con gái nhà sáng lập Apple Steve Jobs quá cố. Ảnh: Netflix

Hàng hiệu xuất hiện nhan nhản xuyên suốt show Bling Empire. Các ngôi sao châu Á này chẳng cần bất kỳ thương hiệu nào tài trợ trang phục. Vì tủ đồ của họ đã đủ rồi!

Thời trang thì có Alexander McQueen, Dolce & Gabbana, Balenciaga, Versace, Chanel. Trang sức – loại haute joaillerie đắt đỏ nhất – thì có Piaget, Boucheron, Tiffany & Co, Louis Vuitton. Đồng hồ Cartier đính kim cương và Rolex quý hiếm thì tràn ngập tủ đồ của Kane Lim, con trai tập đoàn bất động sản Singapore.

“Sống ở Los Angeles nhưng họ đến Paris dạo chơi như cơm bữa”, nhà sản xuất Jeff Jenkins nói. “Sở hữu túi Hermès Birkin chưa đủ. Nhà phải đủ bộ chén dĩa, tách trà sứ Hermès thì mới gọi là sang chảnh”.

Bling Empire của Netflix lý giải vì sao giới thời trang chuyển hướng sang cộng đồng châu Á

Christine Chiu diện chiếc vòng cổ haute joaillerie của Louis Vuitton, đến từ bộ sưu tập Les Eclatantes năm 2010. Mách nhỏ: Củng Lợi từng diện một chiếc nhẫn cùng bộ sưu tập lên thảm đỏ LHP Cannes năm ấy. Ảnh: Netflix

Trong giai đoạn đại dịch hoành hành, các quốc gia Tây phương khó khăn trong công cuộc dập dịch và khống chế lây lan. Trong khi đó, các quốc gia châu Á lại đã bắt đầu hồi phục.

Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là thị trường quan trọng cho những thương hiệu như Louis Vuitton, Dior và Moncler Genius. Tại Việt Nam và Thái Lan, các sự kiện thời trang đã bắt đầu được tái tổ chức. Những thần tượng châu Á, với hội fan khủng và trung thành, mang lại sức mạnh cho thương hiệu mà nhiều ngôi sao Âu Mỹ khó sánh bằng.

“Đây là một giai đoạn tuyệt vời cho cộng đồng Á châu. Tôi rất vui mừng là các thương hiệu ngày càng để tâm đến những hoạt động của chúng tôi, tăng cường sự hỗ trợ ở nhiều phương diện”, cô Christine Chiu nói, trích dẫn việc Tiffany & Co đã quyên góp số tiền lên đến hàng trăm nghìn đô-la Mỹ cho các hoạt động từ thiện của cô.

Nói chung, không thể kết luận rằng Bling Empire trên Netflix chỉ là một show truyền hình thực tế phù phiếm. Có thể xem đây là một trong những bước tiến lớn để cộng đồng Á Đông tăng cường sức nhận diện đối với các thương hiệu và người xem toàn cầu.

>>> Xem thêm: CON NHÀ SIÊU GIÀU CHÂU Á NGOÀI ĐỜI THẬT: NHỮNG TIỂU THƯ TRÂM ANH THẾ PHIỆT CÓ GU THỜI TRANG BẬC NHẤT

Trích WWD, Life Style Asia
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm