Làn da rám nắng có lịch sử khá thú vị. Thuở ban đầu, đại đa số người dân, nhất là tầng lớp quý tộc, ghét bỏ màu da này. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, quan điểm của đại chúng về làn da rám nắng lại đảo chiều. Nhờ Coco Chanel, làn da rám nắng trở thành xu hướng ưa chuộng, gắn liền với vẻ đẹp khỏe khoắn, tràn đầy sức sống. Quan niệm của xã hội về làn da rám nắng diễn ra theo thời gian như thế nào?
Khi màu da thể hiện tầng lớp xã hội
Thời xa xưa, làn da nhợt nhạt biểu thị cho người có địa vị cao trong xã hội. Chính vì thế, người ta tìm mọi cách để làm trắng da bất chấp. Tại Ai Cập cổ đại, đàn ông và phụ nữ tẩy trắng làn da bằng mỹ phẩm làm từ chì và tắm với clo – những thành phần nguy hiểm đến tính mạng. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại sử dụng phấn hoặc chì trắng để tạo nên lớp phủ trắng sáng hơn trên da.
Dưới thời nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất của nước Anh, phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu luôn che chắn kỹ càng làn da khỏi ánh nắng mặt trời. Để có làn da trắng sứ, họ còn đắp lên mặt lớp mỹ phẩm dày làm từ chì trắng, giấm và bột hàn the. Phụ nữ Nhật Bản ở thế kỷ 18 sử dụng một loại mặt nạ làm trắng da bằng bột chứa chì hay thủy ngân độc hại.
Vào thế kỷ 19, phụ nữ thượng lưu sử dụng dù che nắng và kem dưỡng trắng để bảo vệ tông màu da trắng. Dưỡng da mặt hay toàn thân chưa đủ, họ còn chăm chút cả phần da ở mu bàn tay. Bởi khi ấy, sắc màu làn da nói lên địa vị của mỗi người.
Làn da trắng giúp phân biệt người giàu với kẻ nghèo. Giới thượng lưu quan niệm rằng làn da trắng, có chút nhợt nhạt, chứng tỏ lối sống an nhàn khi họ không cần bước chân ra đường để mưu sinh. Trái lại, người có làn da ngăm đen là tầng lớp vất vả công việc đồng áng để duy trì kế sinh nhai.
Quan niệm này tồn tại trong nhiều thế kỷ cho đến khi cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra. Hàng triệu người thuộc tầng lớp lao động ở nông thôn chuyển đến thành thị để tìm việc trong các nhà máy và xí nghiệp.
BÍ QUYẾT DƯỠNG TRẮNG DA CỦA PHÁI ĐẸP TRÊN KHẮP THẾ GIỚI TỰ CỔ CHÍ KIM
NGỌC TRAI CÓ TÁC DỤNG DƯỠNG TRẮNG DA VÀ CHỐNG LÃO HÓA NHƯ NGƯỜI XƯA ĐỒN ĐẠI?
Sức mạnh chữa lành của ánh nắng mặt trời
Quan niệm về màu da thực sự thay đổi khi các bác sĩ bắt đầu nhận ra những lợi ích của ánh sáng mặt trời. Năm 1855, Arnold Rikli, bác sĩ người Thụy Sĩ nổi tiếng với các phương pháp chữa bệnh tự nhiên, đã mở một viện điều dưỡng tại Áo để điều trị bệnh nhân lao phổi bằng liệu pháp ánh sáng.
Vào năm 1890, nhà truyền giáo y khoa, Tiến sĩ Theobald Palm, nhận ra rằng ánh sáng mặt trời rất quan trọng đối với sự phát triển của xương. Ông có một phát hiện đột phá rằng một số lượng lớn trẻ em thành thị núp trong nhà suốt ngày để tránh khói bụi công nghiệp, đang bị còi xương do thiếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Một năm sau đó, bác sĩ kiêm nhà quảng bá thực phẩm cho sức khỏe John Harvey Kellogg đã phát minh ra “buồng tắm bằng đèn sợi đốt”. Thiết bị được lắp đặt trong cung điện Buckingham để chữa bệnh gút cho vua Edward VII. Năm 1903, Niels Finsen giành được giải Nobel Y học nhờ việc áp dụng trị liệu bằng ánh sáng để chữa lành các vết loét trên da do bệnh lupus vulgaris gây ra.
Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 20, giới tinh hoa tại Anh vẫn lo sợ rằng ánh nắng mặt trời chói chang sẽ gây ra chứng suy nhược thần kinh. Điển hình, chúng sẽ gây nên tình trạng mệt mỏi, cáu kỉnh, thậm chí gây tử vong. Lúc này, làn da rám nắng vẫn không thật sự hợp thời trong xã hội lúc bấy giờ. Phụ nữ luôn tìm kiếm các sản phẩm dưỡng da có công dụng loại bỏ các vết sạm và tàn nhang gây mất thẩm mỹ.
Làn da rám nắng trở thành biểu tượng của cuộc sống sành điệu
Làn da rám nắng chỉ trở nên thịnh hành vào 20 năm sau. Vào năm 1923, biểu tượng thời trang Coco Chanel trở nên rám nắng trong hành trình bằng du thuyền tới Địa Trung Hải. Những bức ảnh chụp của Coco với làn da rám nắng khi đặt chân xuống Cannes đã làm nên một tiền lệ mới về cái đẹp.
Một người bạn của bà, Hoàng tử Jean-Louis de Faucigny-Lucigne sau này nói: “Tôi nghĩ Coco có thể đã phát minh ra trào lưu tắm nắng. Lúc đó, cô ấy phát minh mọi thứ”.
Lần đầu tiên, làn da rám nắng biểu trưng cho lối sống nhàn rỗi, dư dả kinh tế. Bạn chỉ có làn da sậm màu này khi du lịch đến những vùng đất đầy nắng gió, tốt cho sức khỏe. Làn da rám nắng lúc này đại diện cho sự hào nhoáng thượng lưu, chứ không gắn với giai cấp lao động.
Ngay sau đó, làng giải trí và tầng lớp quý tộc đổ xô đến các vùng nhiệt đới để nhuộm da nâu. Năm 1927, nhà pha chế nước hoa Jean Patou đã cho ra mắt một loại dầu làm nâu da.
Sự lên ngôi của các sản phẩm nhuộm da
Sau Thế chiến thứ Nhất, người lao động ở Anh thường đến bãi biển để tắm nắng vào những ngày nghỉ. Hồ bơi công cộng ngoài trời trở nên vô cùng phổ biến. Nhưng cuộc Đại khủng hoảng và Thế chiến thứ hai đã kéo theo các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Phụ nữ thời ấy đắp túi trà dùng rồi, bôi Bovril – một loại xốt đặc chiết xuất từ thịt bò, thậm chí cả xi đánh giày lên đôi chân để tạo màu như thể rám nắng.
Đặc biệt, Man-Tan ra đời, làm bùng nổ thị trường thập niên 1950. Đây là sản phẩm có tác dụng làm đen da một cách tự nhiên. Sản phẩm có vẻ như dành cho giới mày râu này đã đánh dấu sự khởi đầu của cơn sốt làn da rám nắng không cần ánh nắng.
Man-Tan chứa dihydroxyacetone (DHA), một chất hóa học có nguồn gốc từ đường mía sẽ phản ứng với các axit amin trên bề mặt da. Có tin đồn rằng đặc tính làm nâu da của nó được phát hiện khi một y tá điều trị cho một bệnh nhân tiểu đường bằng DHA và vô tình làm đổ nó lên ngực của ông ta.
Sức ảnh hưởng của điện ảnh
Những năm 1960, tình hình kinh tế thế giới khả quan hơn. Đa số người dân Anh có thể du lịch bằng máy bay và thưởng thức các bộ phim màu. Họ lui tới các bãi biển ở Địa Trung Hải để tắm nắng.
Vào những năm 1970 khi xung đột kinh tế diễn ra ở Anh, các phương pháp nhuộm da nâu không cần ánh nắng đã trở nên phổ biến. Năm 1978, giường nhuộm da nâu ra đời, đáp ứng nhu cầu nhuộm da nhanh của nhiều người lúc bấy giờ.
Sự bùng nổ của ngành công nghiệp mỹ phẩm vào những năm 1980 và sự thịnh vượng của ngành du lịch đã đi cùng xu hướng chuộng da nâu cho đến những năm 1990. Năm 2000, một cuộc khảo sát cho thấy 50% người Anh nói rằng lý do quan trọng nhất khiến họ đi nghỉ hè là để có làn da rám nắng.
Các minh tinh Hollywood sở hữu làn da nâu quyến rũ như Jessica Alba, Halle Berry, Kim Kardashian là những biểu tượng sắc đẹp tiên phong của thế kỷ 21. Thế là, phần lớn bộ phận phụ nữ da trắng đi nhuộm da nâu theo các hình mẫu. Không chỉ người thường. Nhiều ngôi sao ưa chuộng và công khai nhuộm da nâu như Katie Price, Victoria Beckham, thậm chí cả ê-kíp của chương trình Geordie Shore, đều là hình mẫu của làn da rám nắng. Mong muốn được nhuộm da nâu trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết.
Nguy cơ của việc tắm nắng không an toàn
Tổ chức Ung thư Da báo cáo rằng khi tiếp xúc với bức xạ UV, cơ thể sẽ giải phóng endorphin, giúp cải thiện tâm trạng. Vì thế, điều này sẽ dẫn đến tình trạng một số người nghiện tắm nắng hoặc nhuộm da nhân tạo.
Những lo ngại xoay quanh nguy cơ của việc làm nâu da được xác nhận vào năm 2009, khi nghiên cứu phát hiện ra tỷ lệ ung thư tế bào hắc tố ở Anh tăng gấp 4 lần trong vòng 30 năm qua. Đây là dạng ung thư phổ biến nhất xảy ra trong độ tuổi 15–34 tuổi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát hiện ra rằng những người sử dụng các thiết bị nhuộm da trước 30 tuổi có nguy cơ phát triển khối u ác tính cao hơn 75%.
Sau đó, vào năm 2012, Tổ chức Nghiên cứu Ung thư tại Anh Quốc cũng thông báo tỷ lệ ung thư da đang tăng vọt ở Anh. Đặc biệt, những người trên 50 tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi căn bệnh ung thư tế bào hắc tố, loại ung thư da nguy hiểm nhất.
Luật Sunbed được ban hành vào năm 2010 với sự giúp đỡ của nhóm nhạc nữ Girls Aloud. Luật đã quy định các tiệm nhuộm da không bán dịch vụ cho người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định về tần suất nhuộm da cho người trưởng thành.
Ở thế kỷ 21, định nghĩa về vẻ đẹp trải dài trên tất cả các tông màu da. Dù trắng hay nâu, chỉ cần bạn hài lòng với vẻ ngoài của mình và tự tin thể hiện bản thân. Có thể trong tương lai, thế kỷ 21 sẽ được ghi nhớ với sự thay đổi văn hóa – một thời đại mà tất cả chúng ta đều biết thay đổi cách nhìn và cảm nhận tốt hơn về làn da của mình.
ĂN GÌ TRẮNG DA: 4 HOẠT CHẤT, 8 THỰC PHẨM GIÚP DA HỒNG HÀO TỪ BÊN TRONG
HYDROQUINONE LÀ GÌ? VÌ SAO BẠN NÊN CÂN NHẮC KHI SỬ DỤNG THÀNH PHẦN DƯỠNG TRẮNG DA NÀY?
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam