“Sự so sánh là kẻ đánh cắp niềm vui”
– Theodore Roosevelt –
Bạn có bao giờ cảm giác, mình luôn tự so sánh bản thân với người khác? Hãy nghĩ lại xem, trong vòng 24 tiếng đồng hồ vừa qua, bạn đã ghen tị với ai? Có thể là cô bạn vừa tậu túi xách đắt đỏ mới. Nàng KOL khoe da đẹp tuyệt vời. Hay là một kiến trúc sư có căn nhà đẹp sang mà bạn hằng mơ tưởng. Tất cả những sự ghen tị này đều đến từ phép so sánh.
Sự so sánh mang đến trầm cảm
Việc hay so sánh bản thân với người khác không mới. Có thể xem nó là một bản năng của loài người. Chúng ta so sánh bản thân với một người khác (hay thậm chí là một loài vật khác), tự hỏi vì sao chúng ta không bằng đối phương. Từ đấy mang đến động lực thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển trong công nghệ kỹ thuật. Việc so sánh trong kinh doanh giúp mang đến các sản phẩm mới, chất lượng hơn cho đời sống cộng đồng.
Tuy nhiên, đó là về mặt vĩ mô. Còn về mặt cá nhân, thì việc so sánh bản thân với người khác lại thường mang khía cạnh tiêu cực. Nó khiến chúng ta tự ti, ác cảm về bản thân.
Nữ doanh nhân thành đạt đôi khi ao ước được trở thành kẻ làm công ăn lương, không cần phải lo lắng về sự sống còn của doanh nghiệp. Người nhân viên thì lại ghen tị với kẻ làm sếp có lương cao.
Dân công sở bận bịu vì phải “đảm việc nhà giỏi việc nước”; chỉ muốn được sống an nhàn như các bà vợ, bà mẹ ở nhà. Ngược lại, người phụ nữ gia đình lại ao ước được có thu nhập riêng để có tiền được mua sắm những gì mình thích. Nói chung, việc so sánh chẳng bao giờ khiến ta hạnh phúc.
Nhưng oái oăm thay, mạng xã hội lại khiến chúng ta dễ so sánh bản thân với người khác. Mở trang mạng xã hội lên là chúng ta ngay lập tức thấy hình ảnh hội họp, đi chơi, trang điểm xinh đẹp của kẻ khác.
Từng có rất nhiều nghiên cứu cho thấy mạng xã hội dễ khiến người dùng cảm thấy bị trầm cảm. Mà nguyên nhân chính là do việc liên tục so sánh bản thân với người khác. Có một tỉ lệ thuận giữa việc “like” tấm hình/bài đăng về cuộc sống vui vẻ của người khác, cùng cảm giác tự ti về bản thân.
Làm sao để ngừng so sánh bản thân với người khác?
Thật khó để tự ngừng bản thân tự so sánh bản thân với kẻ khác. Đây có thể xem là một phần của cấu tạo sinh học của loài người. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế tư duy tiêu cực này. Sau đây là 4 biện pháp từ Harper’s Bazaar.
1. Giới hạn thời lượng sử dụng mạng xã hội
Tư duy so sánh của bạn có phải đến từ việc lướt feed Instagram và Facebook? Bạn có thể giảm thời gian sử dụng mạng xã hội như biện pháp đầu tiên giúp cải thiện tư duy.
Trên điện thoại, bạn có thể xóa app mạng xã hội. Muốn truy cập chúng thì phải mở giao diện web lên và đăng nhập. Tốn thời gian hơn rất nhiều! Động tác nhỏ này sẽ giúp hạn chế thói quen truy cập mạng xã hội.
Kế tiếp, bạn có thể thiết lập thời lượng sử dụng app. Trên các dòng điện thoại tối tân đã có chức năng giới hạn thời gian sử dụng app – cho dù là app xem phim, chơi game, hay mạng xã hội. Khi thiết lập thời gian chuẩn, app sẽ tự động bị khóa khi bạn vượt thời lượng sử dụng.
2. Hãy nhớ rằng những gì đăng tải trên mạng xã hội chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”
Chúng ta chẳng bao giờ thể hiện những gì xấu xí, yếu đuối của bản thân ra ngoài. Con người ảo luôn là phiên bản đẹp nhất.
Trong thực tế, những câu chuyện thành công chưa chắc hào nhoáng như vậy. Những tấm ảnh đẹp có lẽ đã được chỉnh sửa nhọc công. Kẻ mới thao thao bất tuyệt về hạnh phúc lứa đôi hôm qua, hôm nay đã chia tay. Còn những người đăng tải câu chuyện yếu đuối nhiều khi chỉ muốn mua nước mắt thiên hạ. Rất ít người chia sẻ thông tin vì muốn chân chính mang lại lợi ích cho người khác.
Vì vậy, bạn đừng quá buồn khi nhìn thấy bài đăng trên mạng xã hội khoe thành tích. Tất nhiên, bạn luôn nên dành những lời chúc tốt đẹp cho người khác. Nhưng, cũng tự nhủ rằng: Có thể họ đang ẩn giấu một nỗi buồn trong lòng, cũng như chính bạn vậy.
3. Dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động mang lại hạnh phúc
Như bạn thấy, việc ít sử dụng mạng xã hội sẽ hạn chế việc tự so sánh bản thân với người khác. Nhưng, đôi khi thói quen này khó bỏ. Một cách khác giúp bạn không sa đà vào mạng xã hội là dành quỹ thời gian cho những hoạt động khác.
Ngoài việc xoá app mạng xã hội, bạn có thể tham gia vào các hoạt động hạn chế việc sử dụng điện thoại để lên mạng. Ví dụ theo một lớp học nhảy, thể dục, hay nấu ăn. Đi hoạt động tình nguyện. Tổ chức buổi dã ngoại, hiking tại những khu vực khó bắt sóng điện thoại. Những hoạt động này sẽ khiến bạn ít có cơ hội lên mạng hơn.
Đồng thời, khi tham gia các hoạt động này, cơ thể của bạn sẽ sản sinh các hormone vui vẻ. Bạn không cần phải “đánh lừa” bản thân, bắt buộc mình phải suy nghĩ lạc quan. Não bộ của bạn tự động sản sinh chúng khi bạn sống lành mạnh hơn.
>>> Xem thêm: THAM GIA NHỮNG HOẠT ĐỘNG NÀO ĐỂ SẢN SINH 4 HOÓC-MÔN GIÚP BẠN SỐNG VUI VẺ?
4. Dùng sự so sánh bản thân với người khác như một động lực phấn đấu
Việc so sánh có thể mang những khía cạnh tích cực nếu được áp dụng đúng. Quan trọng là bạn hãy nhìn nó dưới một lăng kính khác.
Khi xem hình của người mẫu, thay vì nhìn vào vòng eo nhỏ xíu để rồi nhịn đói, hành hạ bản thân để ốm như cô ta, hãy chú tâm vào cơ bụng 6 múi để lấy động lực tập thể dục cải thiện sức khỏe. Hoặc, khi đọc bài viết về người thành đạt, thay vì chăm chăm soi khối tài sản của họ, hãy lấy cảm hứng từ cách họ thường xuyên góp tiền gây quỹ từ thiện. Nếu bạn thành công như họ, bạn cũng có thể thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt đẹp tương tự.
>>> Xem thêm: LÀM SAO ĐỂ NHÌN SỰ VIỆC QUA LĂNG KÍNH KHÁC?
Cuối cùng, cẩn thận vì những gì bạn đăng tải lên mạng xã hội
Bản thân bạn cũng có thể là người gây ghen tị ở người khác. Những tấm hình bạn đăng tải có thể khiến kẻ khác tự ti. Như tôi đã chia sẻ, chúng ta luôn có cảm giác thèm muốn những gì mình không có. Và bạn có thể sở hữu một cuộc sống khiến người khác ước ao.
Khi chia sẻ một tấm ảnh du lịch gia đình, có thể bạn muốn giữ lại kỷ niệm hạnh phúc. Nhưng, tấm ảnh check-in tại khách sạn 5-sao lại dễ khiến một người bạn khác không thành đạt bằng chạnh lòng. Hãy suy nghĩ lại: Bạn có nhất thiết phải mở chế độ chia sẻ hết với thiên hạ (public)? Hay bạn chỉ cần chia sẻ riêng với một vài thành viên gia đình là đủ?
Cá nhân tôi, thời gian vừa qua đã ngừng đăng tải hình ảnh đi du lịch của gia đình. Tôi cũng không khoe selfie hay túi xách, giày dép. Nếu có viết gì, tôi chỉ thường chia sẻ những bài viết hay, hoặc thông tin hài hước chọc cười bạn bè. Tôi nghĩ, chúng ta đều có thể tham gia một trào lưu mang lại một mạng xã hội lành mạnh hơn, thân thiện hơn.
>>> Xem thêm: KHI BẠN CÔ ĐƠN, ĐÂY LÀ NHỮNG TÁC HẠI LÊN CƠ THỂ
Harper’s Bazaar Việt Nam