Vì sao mỹ phẩm của bạn vón cục khi đang dưỡng da/trang điểm?

Cùng Harper's Bazaar giải mã hiện tượng vón cục mỹ phẩm khi dưỡng da và trang điểm, và hiểu cách phòng ngừa tình trạng này

Giải mã hiện tượng vón cục mỹ phẩm khi dưỡng da và trang điểm

Buổi sáng, bạn chuẩn bị đi làm. Bạn tỉ mẩn xịt khoáng. Rồi bôi serum. Thêm kem dưỡng mắt. Chắc chắn không thể thiếu kem dưỡng da. Kế đó là kem chống nắng, primer, rồi kem nền. Bỗng nhiên bạn nhận thấy những cục tròn tròn nhỏ hình thành trên gương mặt bạn. Chúng xuất hiện quá bất chợt, chẳng hiểu lý do vì sao? Harper’s Bazaar mách nhỏ: Đây là hiện tượng vón cục mỹ phẩm.

Hiện tượng vón cục mỹ phẩm là gì?

Mỹ phẩm có thể bị vón cục vì nhiều lý do. Có thể chia các nguyên nhân này thành hai thể loại: do tính chất của sản phẩm (kết cấu, thành phần) và do cách áp dụng mỹ phẩm.

Lý do đầu tiên: Tính chất sản phẩm. Có thể sản phẩm của bạn có kết cấu không phù hợp với nhau, không thể hoà tan, dẫn đến tình trạng vón cục. Thành phần mỹ phẩm cũng có thể là “thủ phạm”.

Lý do thứ hai: Cách áp dụng mỹ phẩm. Có thể bạn đã kết hợp và layer quá nhiều sản phẩm. Hoặc bạn không để sản phẩm có đủ thời gian ngấm vào da. Cũng có thể là bạn đã layer sai quy trình, khiến lớp mỹ phẩm bên dưới tạo một lớp màng ngăn ngừa lớp mỹ phẩm bên trên thẩm thấu vào da.

Đối với cả hai lý do trên, có thể giải thích là lớp mỹ phẩm đang hiện diện trên gương mặt bạn “bài xích” với lớp sản phẩm tiếp theo. Rồi khi bạn mát-xa chúng thì sự ma sát tạo nên những viên bi nho nhỏ.

Cách giải quyết tất cả tình trạng vón cục mỹ phẩm

Đừng lo nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng này. Cách giải quyết rất đơn giản. Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu những trường hợp căn bản và cách khắc phục.

1. Tình trạng vón cục đến từ thành phần chứa silicone

Silicone là hoạt chất thường được tìm thấy trong mỹ phẩm trang điểm primer, nhằm xoá mờ nếp nhăn và lỗ chân lông trên mặt. Hãy để dành silicone cho primer thay vì kem dưỡng da. Ảnh: Primer của TATCHA

Silicone là một chất khóa ẩm rẻ mà siêu việt. Chúng thường xuất hiện trong các loại kem nền hoặc primer, nhằm tạo nên bề mặt mịn như nhung cho da bạn khi bạn trang điểm. Một số các loại kem dưỡng da rẻ tiền cũng chứa silicone.

“Silicone là một hoạt chất khóa ẩm. Tính chất của chúng là nằm lên bề mặt của làn da và khoá chặt tất cả những gì ở bên dưới. Do phân tử silicone rất to nên không thể bị làn da hấp thụ. Cũng chính vì lý do này mà mỹ phẩm chứa thành phần chủ đạo là silicon rất dễ gây vón cục”, theo lời Ada Ooi, nhà sáng lập 001 Skincare.

CÁCH KHẮC PHỤC

Nếu silicone đến từ kem dưỡng da hay serum của bạn, thì bạn nên loại bỏ chúng ngay lập tức. Vì silicone có khả năng gây mụn cực kỳ cao. Do tính chất khóa ẩm quá siêu việt, silicone có thể giữ lại tất cả những loại dầu thừa, bụi bẩn trên da, không cho phép làn da thở, gây tắc lỗ chân lông và mọc mụn.

Nếu silicone đến từ mỹ phẩm trang điểm, bạn có thể an tâm sử dụng. Vì mỹ phẩm trang điểm không nhằm mục đích dưỡng da và được bôi lên sau khi chu trình dưỡng da của bạn đã hoàn tất. Hãy để lớp mỹ phẩm trang điểm khô khoảng từ 5 đến 10 phút trước khi bôi lớp kế tiếp.

>>> Xem thêm: CÁCH ĐỌC THÀNH PHẦN TRONG MỸ PHẨM GIÚP BẠN CHỌN KEM DƯỠNG DA AN TOÀN

2. Tình trạng vón cục đến từ kết cấu sản phẩm

Sản phẩm gel/jelly được ưa chuộng cho làn da dầu. Nhưng chúng cần một thời gian để thẩm thấu vào da. Ảnh: Clinique

Cô Ada Ooi cũng cho biết, ngoài silicone thì mỹ phẩm dạng gel cũng rất dễ gây vón cục “khi bạn không cho phép chúng đủ thời gian để thẩm thấu vào da. Polymer của kết cấu gel vẫn đang an vị trên bề mặt bạn dễ bị trộn lẫn với lớp mỹ phẩm kế tiếp.”

Dầu dưỡng da ngày càng phổ biến trong chu trình làm đẹp. Ảnh: Biosssance

Kết hợp mỹ phẩm gốc nước và gốc dầu cùng với nhau trong cùng chu trình làm đẹp cũng dễ tạo tình trạng vón cục. Nước và dầu không thể kết hợp nếu không có một chất nhũ tương. Vì vậy, bạn cần để tâm đến thể loại sản phẩm khi layer. Lưu ý rằng makeup và kem chống nắng cũng là sản phẩm gốc dầu.

CÁCH KHẮC PHỤC

Nếu sử dụng mỹ phẩm dạng gel, hãy chờ cho mỹ phẩm ngấm vào da trước khi bôi sản phẩm kế tiếp. Các sản phẩm dạng gel/jelly thường được thiết kế như bước cuối cùng trong chu trình dưỡng da cho làn da thiên dầu, thay thế cho kem dưỡng ẩm đậm đặc của da khô. Vì vậy, tình trạng vón cục ban đêm có lẽ sẽ khó xảy ra. Chỉ khi trang điểm thêm ban ngày thì bạn mới cần lưu ý điểm này.

Còn nếu là người mix hai sản phẩm gốc nước và dầu, thì bạn nên layer các loại mỹ phẩm gốc nước trước, rồi hẵng bôi các sản phẩm gốc dầu.

>>> Xem thêm: VÌ SAO BẠN NÊN DÙNG DẦU ĐỂ DƯỠNG DA MẶT?

3. Tình trạng vón cục đến từ cách áp dụng sản phẩm sai

Giải mã hiện tượng vón cục mỹ phẩm khi dưỡng da và trang điểm

Cách áp dụng mỹ phẩm sai có thể bao hàm: không layer đúng thứ tự, hoặc không chờ sản phẩm khô trước khi bôi lớp kế tiếp.

CÁCH KHẮC PHỤC

Trong bất kỳ chu trình dưỡng da nào, nguyên tắc căn bản là luôn áp dụng lớp mỏng nhẹ nhất trước, rồi mới bôi lớp dày hơn lên. Mỹ phẩm gốc nước trước, rồi mới đến mỹ phẩm gốc dầu. Áp dụng sai thì sản phẩm dày hơn sẽ ngăn cản sản phẩm mỏng nhẹ hơn ngấm vào da.

Một chu trình căn bản có thể được layer như sau: (1) Toner > (2) serum/ampoule > (3) kem dưỡng da > (4) dầu khóa ẩm.

Giữa các layer, bạn hãy chờ khoảng 5 phút hoặc đến khi sản phẩm khô hẳn. Một số sản phẩm, ví dụ như toner chứa AHA/BHA cần đến 20 phút để có hiệu nghiệm. Và serum vitamin C thì cũng cần thời gian tương tự.

Ngoài ra, để giúp mỹ phẩm thẩm thấu nhanh vào da, bạn có thể kết hợp với các thiết bị chăm sóc da cá nhân. Những chiếc máy có đi kèm chế độ rung, ví dụ như FOREO Luna, sẽ giúp mỹ phẩm thấm nhanh hơn, đồng thời có chức năng mát-xa kích thích trẻ hóa da.

Giải mã hiện tượng vón cục mỹ phẩm khi dưỡng da và trang điểm

Máy FOREO Luna có chế độ rung giúp toner, serum thấm nhanh vào da.

4. Có thể bạn đang dùng quá lượng mỹ phẩm cần thiết

Sử dụng nhiều hơn lượng mỹ phẩm cần thiết khiến làn da bạn bị “quá tải”, không thể thẩm thấu hết. Về mặt dưỡng da thì nó thật sự không có nhiều tác hại. Chỉ là bạn đang phí phạm lượng sản phẩm.

Còn về mặt trang điểm, sử dụng quá nhiều kem nền/kem che khuyết điểm/primer có thể khiến lớp makeup của bạn trông bị dày và giả tạo. Đồng thời bạn sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để tán đều lớp mỹ phẩm.

CÁCH KHẮC PHỤC

Đối với mỹ phẩm dưỡng da, bạn có thể theo hướng dẫn hàm lượng từ thương hiệu Elemis của Anh Quốc.

Ảnh: Elemis

Còn đối với mỹ phẩm trang điểm, hãy chỉ bắt đầu với một lần bơm nhỏ như đồng xu. Tán đều mỹ phẩm lên mặt. Khi ấy, nếu bạn cảm thấy chưa hài lòng với độ che phủ thì có thể tăng thêm sản phẩm như ý. Đừng cùng lúc bơm quá nhiều mỹ phẩm ra tay.

Ảnh: iStock.com/Massonstock

5. Và cuối cùng, có thể lâu rồi bạn chưa tẩy tế bào chết

Việc tẩy tế bào chết loại bỏ đi lớp da cũ xù xì ở bề mặt làm da, tẩy sạch sâu trong lỗ chân lông. Bước dưỡng da này giúp da bạn dễ hấp thụ các mỹ phẩm dưỡng da hơn, tránh để lại lượng sản phẩm thừa trên bề mặt da gây nên tình trạng vón cục.

CÁCH KHẮC PHỤC

Một tuần bạn nên tẩy tế bào chết cho làn da tối thiểu một lần. Việc chọn thể loại tẩy tế bào chết vật lý hay hóa học phụ thuộc vào bạn.

>>> Xem thêm: TRẮC NGHIỆM: CÁCH CHỌN SẢN PHẨM TẨY TẾ BÀO CHẾT PHÙ HỢP VỚI TỪNG LOẠI DA

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm