Cách đọc thành phần trong mỹ phẩm giúp bạn chọn kem dưỡng da an toàn

Bạn có biết thành phần trong kem dưỡng da của mình là gì, và công dụng chính xác của nó không? Bảng phân tích này có thể khiến bạn bất ngờ.

Ảnh: Instagram @khanhvannguyen25

Tôi có làn da rất nhạy cảm. Vì vậy, tôi phải kỹ lưỡng trong khâu chọn mỹ phẩm dưỡng da. Từ serum và ampoule cho đến kem dưỡng da, tôi luôn cẩn thận đọc qua bao bì. Tuy vậy, đôi lúc thành phần trong mỹ phẩm được ghi bằng ngôn ngữ khoa học khó hiểu. Nó khiến chúng ta lo sợ khi không hiểu rõ tác dụng của từng thành phần.

Tôi chắc chắn bản thân không phải là người duy nhất muốn tìm hiểu rõ hơn về các thành phần trong mỹ phẩm mình sử dụng. Vì vậy, tôi đã tìm đến các bác sỹ da liễu để tư vấn cách đọc và hiểu bao bì mỹ phẩm. Họ sẽ hướng dẫn chúng ta cách đọc bảng thành phần mỹ phẩm, để chọn ra kem dưỡng da an toàn.

Sau khi bạn đọc bài tư vấn này, bạn sẽ hiểu thêm về:

  • Các thành phần trong kem dưỡng da thông dụng
  • Tính năng của từng nhóm thành phần
  • Và các loại thành phần trong mỹ phẩm nên tránh

Lưu ý gì khi đọc thành phần trong mỹ phẩm dưỡng da?

Thành phần trong mỹ phẩm

Đọc kỹ thành phần trên bao bì mỹ phẩm để đảm bảo chọn sản phẩm đúng cho mình. Top 5 sản phẩm là quan trọng nhất. Nó sẽ cho bạn biết liệu công thức sản phẩm có thực sự chứa hoạt chất dưỡng da, hay nó chỉ là các nguyên liệu “dỏm”. Ảnh: LilyAna

Đối với bất kỳ loại mỹ phẩm dưỡng da nào, top 5 thành phần đầu tiên trên bảng nguyên liệu là quan trọng nhất. Vì chúng sẽ chiếm khoảng 80% công thức sản phẩm.

Nhìn chung, lọ kem dưỡng da của bạn phải có 4 loại thành phần khác nhau: Dưỡng ẩm; Khóa ẩm; Hoạt chất chống ôxy-hóa; Chất bảo quản.

***

Nhóm thành phần cấp ẩm

Thành phần dưỡng ẩm là các hoạt chất có tính năng giữ nước lại dưới da. Nó có thể hút độ ẩm từ không khí, hoặc từ sâu trong chân bì, để dưỡng ẩm cho lớp thượng bì và trung bì của làn da.

Một số các hoạt chất dưỡng ẩm thông dụng gồm:

  • Glycerin
  • Axít hyaluronic hoặc sodium hyaluronate, phiên bản có phân tử nhỏ hơn
  • Lô hội (aloe vera/aloe barbadensis)
  • Panthenol
  • Mật ong (honey)
  • Gluconolactone
  • Propylene glycol
  • Urea
  • Các loại AHA như axít lactic, axít glycolic, axít mandelic…
Thành phần trong mỹ phẩm: chất dưỡng ẩm

Fresh Reviver Sorbet Water Mist là sản phẩm trong bộ sưu tập Hydra Life của DIOR BEAUTY. Chai xịt khoáng chứa những thành phần cấp ẩm đỉnh cao. Glycerin và Hyaluronic Acid giúp nước ngấm sâu vào các tế bào da.

Tuy nhiên, theo bác sỹ da liễu Leslie Baumann từ Florida, nếu chỉ dùng hoạt chất dưỡng ẩm thì chưa đủ. Bạn còn phải khóa ẩm, để ngăn ngừa hơi ẩm bay mất khỏi da. Chính vì vậy, các loại gel dưỡng da thường tạo cảm giác khô sau khi đắp lên mặt, vì gel dưỡng ẩm thường không có lớp khóa ẩm.

Nhóm thành phần khóa ẩm

Những hoạt chất có tính năng khóa ẩm tạo một lớp màng bao bọc bên ngoài làn da bạn. Chúng ngăn ngừa độ ẩm “bốc hơi” mất. Các mỹ phẩm cho người có làn da dầu có thể sẽ ít thành phần khóa ẩm hơn, vì chính dầu trong da bạn đã là một hoạt chất khóa ẩm tốt.

Một số thành phần trong mỹ phẩm có tính năng khóa ẩm bao gồm:

  • Bơ hạt mỡ (shea butter)
  • Dầu jojoba
  • Dầu dừa
  • Lanolin (một loại sáp đến từ cừu)
  • Sáp ong (beeswax)
  • Cetyl alcohol
  • Lethicin

Bác sỹ da liễu Elizabeth Tanzi lưu ý rằng: các nguyên liệu khóa ẩm không có tính năng dưỡng ẩm! Vì vậy, nếu bạn đang layer mỹ phẩm riêng biệt – sản phẩm dưỡng ẩm riêng, sản phẩm khóa ẩm riêng – hãy cẩn thận áp dụng chúng đúng quy trình.

Luôn luôn dùng dưỡng ẩm trước khi khóa ẩm. Vì nếu bạn không dưỡng ẩm, làn da không đủ ẩm để lớp khóa ẩm phát huy tác dụng tốt nhất.

Hoặc, tai hại hơn, nếu bạn layer mỹ phẩm sai quy trình, bôi lớp khóa ẩm lên trước lớp dưỡng ẩm, thì lớp khóa ẩm sẽ ngăn ngừa độ ẩm thâm nhập vào da bạn.

Thành phần trong mỹ phẩm: chất khóa ẩm

Bơ hạt mỡ (shea butter) có xuất xứ từ châu Phi là một nguyên liệu thiên nhiên có tính chất khoá ẩm cao.

Nhóm hoạt chất chống ôxy hóa, dầu và chất béo tự nhiên

Gần đây, khoa học bắt đầu hiểu rõ hơn về cấu tạo da. Các nghiên cứu cho thấy, các tuyến bã nhờn tiết ra dầu rất quan trọng đối với da. Vì dầu trong da giúp tạo nên lớp chắn, bảo vệ da khỏi tia cực tím và ô nhiễm môi trường. Qua thời gian, lớp chắn này bị hư tổn, dẫn đến làn da ngày càng thô ráp.

Chính vì vậy, bạn cần bổ sung các hoạt chất chống ôxy-hóa, dầu và chất béo, để khắc phục tình trạng khô da từ bên trong các tế bào. Có ba loại hoạt chất là:

  • Ceramide
  • Cholesterol
  • Các axít béo (ví dụ như axít stearic, glyceryl stearate, axít palmitic)

“Làn da khoẻ mạnh phải có cả ba chất béo trên – cholesterol, ceramide và axít béo. Chúng tạo nên lớp màng bảo vệ da tự nhiên, theo tỉ lệ 1:1:1”, theo bác sỹ da liễu Mervyn Patterson.

Thành phần trong mỹ phẩm: ceramide

Kem dưỡng da DRUNKEN ELEPHANTS. Chứa ceramides, sodium hyaluronate và tinh dầu khoá ẩm.

Hệ thống chất bảo quản

Mỹ phẩm có ba dạng: gốc nước/gel, gốc dầu hoặc khô. Mà tất cả mỹ phẩm gốc nước – bao gồm kem dưỡng da – đều cần chất bảo quản (mỹ phẩm khô không cần, còn mỹ phẩm gốc dầu cần hoạt chất chống ôxy hóa dầu). Không có chất bảo quản, mỹ phẩm sẽ nhanh bị hư, mốc và nhiễm khuẩn.

Chúng ta thường nghe về paraben như một thứ gì đó rất tệ cho làn da và cơ thể. Nhưng đây là nhóm chất bảo quản hữu hiệu nhất, có tác dụng chống hư mỹ phẩm tốt nhất. Tuy nhiên, khoa học tiên tiến đã tìm ra nhiều loại chất bảo quản khác.

Các chất bảo quản an toàn bao gồm:

  • Nhóm chất bảo quản chất lượng thực phẩm, có thể ăn được (sodium benzoate, potassium sorbate)
  • Các loại cồn (ethanol, benzyl alcohol, witch hazel)
  • Tinh dầu thiên nhiên (rosemary, neem oil, tea tree oil)
  • Chất bảo quản thực vật (ví dụ gluconolactone)
  • Chất bảo quản hóa học (ví dụ như dehydroacetic acid và phenoxyethanol)

Nếu mỹ phẩm nào ghi chú “không chứa chất bảo quản” trên bao bì, bạn hãy tránh xa! Vì chúng sẽ rất mau hỏng. Nếu bôi thứ mỹ phẩm hư hỏng lên mặt, bạn có thể khiến làn da bị hư tổn vì vi khuẩn.

*Cá nhân tôi từng có lần bị nổi mẩn đỏ khắp mặt do sử dụng gel lô hội tự làm tại gia, đã lên mốc mà tôi không để ý. Mất hơn một tuần để tôi khôi phục lại làn da mịn màng. Rất đáng sợ, bạn ạ!

>>> Xem thêm: DA NỔI MỤN, DỊ ỨNG, NGỨA NGÁY? LÝ DO CÓ THỂ VÌ NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC

***

Ảnh: Instagram @khanhvannguyen25

Những thành phần trong mỹ phẩm dưỡng da nên tránh

Bây giờ bạn đã biết những thành phần tốt cho da. Vậy, những thành phần không tốt là gì? Có thể liệt kê sơ một vài nhóm hoạt chất sau: Hương liệu; Silicone; Dầu khoáng; và Chất béo không bão hoà đa thể.

Hương liệu (fragrance)

Nếu bạn bị dị ứng với kem dưỡng da, có khả năng vì kem dưỡng da ấy chứa hương liệu. Số liệu cho thấy, hương liệu là chất gây dị ứng da số một – nhưng nó lại xuất hiện nhan nhản trong hầu hết các sản phẩm dưỡng da và chăm sóc cơ thể.

Lý do vì hương liệu có thể chứa hàng loạt các chất gây dị ứng, nhưng thương hiệu không bị bắt buộc phải ghi rõ cấu tạo của hương liệu. Theo bác sỹ Sharyn Laughlin, “Fragrance là hỗn hợp của hàng loạt các hóa chất phức tạp. Khó để bác sỹ da liễu kiểm tra chính xác thành phần nào đang khiến da bạn bị dị ứng”.

Hương liệu, ở đây, bao gồm cả chất tạo mùi hóa học lẫn tinh dầu thiên nhiên và chiết xuất của chúng (ví dụ như geraniol, linalool, hay limonene). Nếu sản phẩm dưỡng da phù hợp với nhu cầu của bạn có “lỡ” chứa hương liệu, hãy đảm bảo chúng nằm ở đáy danh sách bảng thành phần. Như vậy, với hàm lượng thấp nhất có thể, chúng sẽ khó gây dị ứng cho da bạn hơn.

Thành phần trong mỹ phẩm nên tránh: hương liệu

Sản phẩm dưỡng da của CETAPHIL hoàn toàn không có hương liệu (fragrance). Công thức dịu nhẹ phù hợp với cả làn da nhạy cảm.

>>> Xem thêm: VÌ SAO KHÔNG NÊN CHỌN MỸ PHẨM CÓ MÙI HƯƠNG CHO LÀN DA NHẠY CẢM

Silicone

Các thương hiệu mỹ phẩm thấp cấp đặc biệt thích dùng silicone. Nguyên liệu này rẻ tiền. Nhưng nó ngay lập tức tạo cảm giác mượt mà cho sản phẩm. Khi áp dụng lên da, nó mang đến bề mặt trơn láng cho làn da.

Tuy nhiên, silicone nguy hiểm vì nó có khả năng gây tắc nghẽn lỗ chân lông cực cao. Chuyên viên điều trị da mặt Kate Kerr cho biết, “silicone là một chất khóa ẩm. Nhưng ngoài việc giữ nước dưới da, nó còn chặn lại cả dầu thừa, bã nhờn và bụi bẩn. Lớp màng silicone khiến làn da ‘khó thở’, đặc biệt là trong tiết trời nóng ẩm”.

Đồng thời, silicone còn có tính năng giảm khả năng tự loại bỏ tế bào chết của làn da. Hậu quả là da chậm sản sinh tế bào mới, dễ sạm đen và khô đi sau một thời gian.

Thành phần trong mỹ phẩm nên tránh: silicone

Silicone là hoạt chất thường được tìm thấy trong mỹ phẩm trang điểm primer, nhằm xoá mờ nếp nhăn và lỗ chân lông trên mặt. Hãy để dành silicone cho primer thay vì kem dưỡng da. Ảnh: TATCHA

Dầu khoáng (mineral oil)

Các loại dầu khoáng – mà trên bao bì có thể ghi là petrolatum jelly, paraffin oil, liquid paraffin, paraffinum liquidum, liquid petroleum, petroleum oil, petrolatum, petrolatum liquid – là một dạng dầu thô. Nó có tác dụng khoá ẩm siêu việt.

Tuy nhiên, do tác dụng dưỡng ẩm quá tốt, nên dầu khoáng khiến làn da trở nên yếu đi.

Theo hai bác sỹ da liễu Jetske Ultee và Ava Shamban, “Ban đầu, khi sử dụng mỹ phẩm có dầu khoáng, làn da của bạn sẽ trông rất tốt. Nó sẽ căng mọng vì được giữ ẩm tối ưu. Nhưng khi lạm dụng những mỹ phẩm này, da bạn sẽ trở nên ỷ lại, không còn thúc đẩy việc tự đề kháng chống mất chất ẩm dưới da nữa. Về lâu dài, bạn sẽ thấy rằng, da bạn ngay lập tức khô hẳn khi không dùng mỹ phẩm có dầu khoáng. Thế là bạn cứ phải dùng chúng mãi mãi. Nó là một vòng luẩn quẩn gây hại cho làn da”.

Vaseline là loại kem dưỡng da làm từ dầu khoáng (petrolatum jelly) nổi tiếng nhất. Sử dụng lâu dài, nó sẽ khiến các chức năng tái sinh của da bạn tê liệt.

Chất béo không bão hòa đa thể (Polyunsaturated Fatty Acids)

Các loại chất béo không bão hoà đa thể có thể gây ôxy hóa làn da.

Một vài ví dụ của chất béo không bão hòa gồm dầu mè, dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu hạt nho (grapeseed oil), dầu safflower hay dầu rosehip. Bạn có thể thấy, có nhiều loại được dùng trong nấu ăn. Khi dầu ăn để lâu sẽ hăng, lên mùi nồng. Đây là dấu hiệu của dầu đã bị ôxy-hóa.

Bác sỹ Sharyn Laughlin giải thích, “Vì cấu trúc phân tử của chúng, những hoạt chất này rất dễ bị hư hại. Khi chúng tiếp xúc với không khí, tia UV hay nhiệt, chúng nhanh chóng bị ôxy hóa. Quá trình này tạo ra nhiều gốc tự do tấn công làn da”.

Chính vì vậy, nếu kem dưỡng da của bạn chứa nguyên liệu là chất béo không bão hoà đa thể, hãy đảm bảo rằng chúng nằm ở cuối bảng thành phần để không ảnh hưởng chung đến chất lượng của kem. Đồng thời, dùng hết trong vòng từ 3-6 tháng như ghi chú trên bao bì. Bảo quản sản phẩm nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nguồn nhiệt và ánh nắng trực tiếp để giữ vững chất lượng kem dưỡng da.

Đối với những sản phẩm dưỡng da mặt chứa chất béo không bão hoà đa thể, bạn hãy mua chai nhỏ, để dùng hết trong vòng 3-6 tháng. Đồng thời, chọn loại dầu dưỡng da tách biệt khỏi kem dưỡng da hàng ngày để tiện bảo quản. Ảnh: Dầu dưỡng da mặt TATA HARPER Retinoic Nutrient Face Oil chứa hàng loạt dầu Polyunsaturated Fatty Acids.

Cuối cùng, nếu bạn chọn kem dưỡng da ban ngày…

…không thể thiếu thành phần chống nắng.

Nhìn chung, bạn nên ưu tiên loại kem chống nắng vật lý (physical sunscreen). Kem dưỡng da có tính năng chống nắng vật lý sẽ chứa zinc oxide. Hoạt chất này cũng đồng thời có tính năng khóa ẩm tốt.

Tuy nhiên, nên bỏ qua các loại kem dưỡng da có chất chống nắng họ dầu khoáng. Chúng bao gồm:

  • avobenzone
  • oxybenzone
  • homosalate
  • octisalate
  • octocrylene
  • octinoxate
  • meradimate
  • cinoxate
  • padimate O
  • ensulizole
  • dioxybenzone
  • sulisobenzone

Các hoạt chất này đã được chứng minh là gây ô nhiễm nguồn nước, làm hại thủy sinh vật và hải quỳ trong nước biển. Đồng thời, chúng cũng được hấp thụ trực tiếp vào cơ thể, dẫn đến khả năng bị ung thư và thay đổi hoóc-môn.

TIPS: Cách khắc phục những nhược điểm của thành phần trong mỹ phẩm

Bây giờ bạn đã hiểu cặn kẽ hơn về những thành phần trong mỹ phẩm dưỡng da. Tuy nhiên, Harper’s Bazaar hiểu rằng để tìm ra một sản phẩm đáp ứng tất cả các nhu cầu trên có thể khá khó khăn.

Giải pháp cho bạn là hãy chọn mua các mỹ phẩm chuyên biệt. Sau đó layer chúng với nhau để tạo nên hiệu quả tương tự.

Ví dụ, bắt đầu bằng serum cấp ẩm, ampoule chứa các chất chống ôxy-hóa, rồi kết thúc bằng kem dưỡng da khóa ẩm. Như vậy, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát quy trình làm đẹp của mình hơn.

>>> Xem thêm: GIẢI MÃ MÀU SẮC TRONG MỸ PHẨM: 8 CHẤT TẠO MÀU MỸ PHẨM THIÊN NHIÊN AN TOÀN

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm