Trà thảo mộc từ hoa đậu biếc: Thức uống dân dã giúp chống lão hóa ưu việt

Không chỉ là loài hoa dùng để tô màu ẩm thực vui mắt, hoa đậu biếc còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe

Hoa đậu biếc, món trà thảo mộc không caffeine đẹp da, chống lão hóa

Tuần vừa qua, tôi có dịp đi xuống Sadec chơi. Cô bạn “thổ địa” của tôi dẫn đi hái hoa đậu biếc, phơi khô pha trà uống. Nhấm thử một ngụm, thấy trà thảo mộc này vị thanh. Nhưng đặc biệt nhất là màu xanh tím mát mắt. Sau đó, bạn tôi mách: vách tí nước cốt chanh vào. Và tách trà đậu biếc lập tức chuyển sang màu hồng ngọt ngào. Như ma thuật vậy!

Hoa đậu biếc là gì?

Những bông hoa đậu biếc vừa thu hoạch

Những bông hoa tươi rói vừa thu hoạch

Bông hoa này mỏng manh, cánh xoè như con bướm đang đậu. Chẳng vì vậy mà tên khoa học của nó là Clitoria ternatea, được đặt theo… hình dáng vùng kín của phái yếu!

Trong các văn hóa châu Á, loài hoa này được sử dụng chủ yếu trong ẩm thực. Bình thường nhất là pha trà dùng sau bữa tối, vì trà thảo mộc từ hoa không caffeine, không gây mất ngủ.

Ngoài pha trà, công dụng khác của nó là tạo màu thực phẩm. Bạn có thể mang đồ xôi, nấu cùng bánh trôi nước và chè, tạo nên màu món ăn tím ngát lạ mắt. Bên Tây phương cũng có bán bột hoa đậu biếc dùng làm phẩm màu tự nhiên cho bánh ngọt. Nhưng, càng đọc thêm về khía cạnh khoa học của nó, tôi càng ngạc nhiên trước những công dụng tốt cho sức khỏe của hoa đậu biếc.

Những lợi ích cho sức khỏe và làn da của hoa đậu biếc

Hoa đậu biếc khi pha trà có màu xanh thẳm. Thêm chút nước chanh vào, nó sẽ ngả sang màu tím huyền diệu.

1. Giàu chất kháng viêm

Trong hoa đậu biếc có rất nhiều chất chống ôxy hóa. Đặc biệt là anthocyanin, hoạt chất chống ôxy hóa cũng được tìm thấy ở trong dâu blueberry và rượu vang đỏ. Các hoạt chất chống ôxy hóa giúp cơ thể bản chống lại sự hư tổn, viêm nhiễm từ các gốc tự do.

2. Chống lão hóa da

Vì chứa rất nhiều chất chống ôxy hóa, nên hoa đậu biếc cũng là nguyên liệu làm đẹp tuyệt vời. Theo Sonya Dakar, nhà sáng lập thương hiệu mỹ phẩm cùng tên, “hoa đậu biếc giàu polyphenols và flavonoid. Đây là các chất chống ôxy hóa giúp tăng cường sản sinh collagen dưới da, ngăn ngừa nếp nhăn, giúp da giữ lại độ đàn hồi tốt”. Đây là lý do cô đã dùng hoa đậu biếc như nguyên liệu “thần dược” trong kem dưỡng da mình sáng chế.

Kem dưỡng da từ thương hiệu Sonya Dakar được chiết xuất từ cánh hoa đậu biếc, cùng các loại dầu dưỡng mặt ẩm mượt.

3. Kiểm soát đường huyết trong máu

Trong Đông y và y học Ayurvedic Ấn Độ, hoa đậu biếc được sử dụng như một phương thuốc chữa chứng mất ngủ. Nhưng mãi đến bây giờ thì Tây y mới bắt đầu nghiên cứu thêm về các tác dụng y học của loài hoa này. Một nghiên cứu đăng tải năm 2018 trên chuyên san y khoa Complement Alternative Medicine giải mã lý do.

Sau khi bạn nạp món ăn có đường, cơ thể bạn sẽ sản sinh insulin để điều tiết hàm lượng đường huyết đang tăng đột biến. Nhưng ở những người mắc bệnh tiểu đường, cơ thể sẽ không sản sinh insulin, hoặc insulin không có mấy tác dụng. Hàm lượng đường huyết mãi tăng cao, về lâu dài, sẽ làm hư tổn hệ tim mạch và gây nên các biến chứng khó lường.

Nghiên cứu cho thấy: sau khi uống soda nhiều đường, nếu dùng kèm một tách trà hoa đậu biếc, thì hàm lượng đường huyết và insulin không tăng đột biến. Điều này cho thấy hoạt chất trong hoa đậu biếc có khả năng kiềm chế lượng đường huyết khả quan.

Những người thường xuyên ăn khuya, hoặc ăn nhiều tinh bột trước khi đi ngủ sẽ không có giấc ngủ ngon và yên ổn. Nguyên nhân cũng vì lượng đường trong máu tăng giảm thất thường. Vì vậy, dùng một tách trà hoa đậu biếc sau bữa tối sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn.

>>> Xem thêm: VÌ SAO ĂN NHIỀU TINH BỘT BUỔI TỐI SẼ KHIẾN BẠN NGỦ KHÔNG NGON?

Cách pha một tách trà hoa đậu biếc

Bạn còn có thể dùng nước hoa đậu biếc để làm latte sữa đá, cocktail, mocktail, nấu xôi…

Do đây là trà thảo mộc, không chứa lá trà thật, nên nó không có caffeine, và cũng không có vị đắng đặc trưng của trà.

1. Đun sôi nước trên bếp.
2. Thả hai muỗng canh hoa vào trong nồi.
3. Đun lửa liu riu trong vòng từ 3 đến 5 phút. Hoặc đến khi nào nước ngả màu xanh đậm.
4. Lọc nước trà, bỏ cánh hoa đi.

Bạn có thể uống nóng cùng vài giọt nước chanh và mật ong để tăng thêm hương vị. Bật mí là bạn cũng có thể dùng nước cốt hoa để pha cocktail/mocktail. Hoặc dùng nó để nấu xôi, nấu chè, ngâm với hạt chia làm món tráng miệng đẹp siêu thực.

Pudding hạt chia pha cùng với sữa dừa. Ảnh: Instagram @suncorefoods

Nâng cấp cho ly sữa hạt với chút hoa đậu biếc mát mắt. Ảnh: Instagram @suncorefoods

Làm kem cho bánh cupcake với màu xanh tự nhiên. Ảnh: Instagram @suncorefoods

Xôi xoài nước dừa kiểu Thái có màu xanh đẹp mắt khi nấu với nước cốt hoa đậu biếc. Ảnh: Nomtastic Foods

>>> Xem thêm: ĐÃ VÀO MÙA TÁO TÀU TƯƠI, MÓN SNACK THIÊN NHIÊN ÍT CALO

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm