Vấn đề môi trường và quyền động vật ngày càng được người tiêu dùng nhận thức cao, trong cuộc sống cũng như làm đẹp. Xu hướng dưỡng da thuần chay (vegan) và mỹ phẩm không thử nghiệm trên động vật (cruelty-free) đang dần thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp làm đẹp. Thế nào là mỹ phẩm vegan? Thế nào là mỹ phẩm cruelty-free? Bài viết này sẽ giúp hiểu rõ những khái niệm này và cả những điều cần biết để bắt đầu hành trình dưỡng da thuần chay của mình.
Mỹ phẩm thuần chay là gì?
Vegan – thuần chay là cách gọi bao hàm về lối sống không sử dụng sản phẩm có nguồn gốc động vật. Thuần chay không chỉ nói về chế độ ăn uống, mà còn cả những gì bạn mặc trên người, những thứ bạn thoa lên cơ thể hằng ngày. Đó cũng giải thích vì sao mỹ phẩm thuần chay là một phần thiết yếu của lối sống thuần chay.
Về bản chất, mỹ phẩm thuần chay không sử dụng thành phần từ động vật và phụ phẩm động vật.
Phụ phẩm động vật là các bộ phận của động vật không được con người trực tiếp tiêu thụ. Collagen là một ví dụ điển hình về sản phẩm phụ của động vật thường được tìm thấy trong các sản phẩm dưỡng da và trang điểm.
Các thành phần chiết xuất từ động vật phổ biến trong mỹ phẩm là: collagen, gelatin, sáp ong, lanolin (mỡ cừu), cholesterol, bột tơ tằm, glycerin động vật. Ngoài ra, màu đỏ carmine thường được sử dụng trong các loại son môi là chiết xuất từ xác khô của loài rệp son.
Mỹ phẩm Cruelty-Free là gì?
Đôi khi, mỹ phẩm dưỡng da thuần chay thường có gắn nhãn mác không thử nghiệm trên động vật (cruelty-free). Tuy nhiên, hãy biết rằng chúng là hai thể loại mỹ phẩm riêng biệt, như một sơ đồ venn, có thể trùng lặp ở giữa nhưng không giống nhau về mặt căn bản.
Các sản phẩm vegan dù không có thành phần từ động vật nhưng vẫn có thể đã được thử nghiệm trên động vật. Ngược lại, các sản phẩm cam kết không thử nghiệm trên động vật lại có thể chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật.
Chỉ khi nào một sản phẩm gắn mác cả vegan lẫn cruelty-free, thì nó mới là mỹ phẩm xanh không chứa các thành phần từ động vật và hoàn toàn không thử nghiệm trên động vật. Bạn hãy kiểm tra xem mỹ phẩm mình đang sử dụng có phải là mỹ phẩm vegan hoặc cruelty-free hay không bằng cách đọc thành phần và nhận biết các ký hiệu trên bao bì sản phẩm.
Những lợi ích của mỹ phẩm thuần chay và mỹ phẩm cruelty-free là gì?
Thế giới đã chứng kiến những lợi ích to lớn của chế độ ăn chay đối với sức khỏe con người và cả việc ăn chay có tác động tích cực thế nào môi trường. Vậy khi áp dụng chế độ làm đẹp thuần chay, ta cũng đang góp phần tăng cường những lợi ích này.
Mỹ phẩm thuần chay cung cấp dưỡng chất thiên nhiên cho làn da
Các sản phẩm làm đẹp thuần chay sử dụng nguyên liệu thực vật chứa nhiều khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa được chứng minh có tác dụng dưỡng da. Việc sản xuất mỹ phẩn có thành phần từ thực vật sẽ giúp giảm thiểu hiệu ứng nhà kính và tạo ra rác thải thân thiện với môi trường hơn.
Tính nhân đạo đối với động vật
Cũng giống như chế độ ăn thuần chay, sử dụng mỹ phẩm thuần chay sẽ giúp hạn chế việc giết hại động vật để lấy nguyên liệu. Đặc biệt, sản phẩm cruelty-free giúp nâng cao nhận thức quyền động vật. Vì thế, các thương hiệu làm đẹp đang chịu sự giám soát gắt gao từ thành phần sản phẩm đến quy trình thử nghiệm trước khi sản phẩm có mặt trên thị trường tiêu dùng.
Bảo vệ hệ sinh thái
Nói về xu hướng làm đẹp bền vững, việc sử dụng mỹ phẩm thuần chay giúp hạn chế sự khai thác các nguồn tài nguyên và sức nặng rác thải lên môi trường sống. Ngành nông nghiệp chăn nuôi là yếu tố khiến Trái Đất nóng dần lên mỗi năm do các khí thải nhà kính như carbon dioxide, methane, nitrous oxide. Bằng cách loại bỏ các phụ phẩm động vật khỏi quy trình chăm sóc da và làm đẹp, chúng ta có thể góp phần làm giảm đáng kể tác động tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái.
Nhiều thương hiệu mỹ phẩm thuần chay cũng rất chú ý đến bao bì sản phẩm. Bao bì tái chế đang là xu hướng rất thịnh mà các nhãn hiệu chăm sóc da hướng đến. Nhiều hãng mỹ phẩm còn có chương trình tái chế chai, lọ hoặc người tiêu dùng có thể đem đến trạm refill sau khi sử dụng hết sản phẩm. Chúng ta đang ở trong một thế giới nơi hệ sinh thái đang bị đe dọa bởi ô nhiễm và rác thải, mọi hành động dù ít nhiều có tác động tốt đến môi trường đều mang lại lợi ích cho chính bản thân mỗi người và cho các thế hệ sau.
Lưu ý gì trước khi mua mỹ phẩm vegan và cruelty-free?
Do xu hướng dưỡng da thiên nhiên ngày càng thịnh hành, mà ngành công nghiệp mỹ phẩm xanh vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khởi, các luật lệ chưa ổn định, nên nhiều người đầu cơ trục lợi đã gắn những nhãn mác mỹ miều lên mỹ phẩm chất lượng kém nhằm móc túi hầu bao người tiêu dùng. Lối làm ăn lừa lọc này còn được gọi là greenwashing (tẩy xanh).
Khi mua mỹ phẩm thuần chay và/hoặc không kiểm nghiệm trên động vật cũng vậy, bạn lưu ý những chi tiết sau:
• Mỹ phẩm chứa parabens, chất tạo bọt sodium laureth sulfate (SLS) và dầu khoáng cũng có thể được liệt kê vào nhóm mỹ phẩm thuần chay. Vì parabens và SLS được chiết xuất từ nguồn thực vật. Còn dầu khoáng đến từ gốc dầu mỏ. Cả hai đều không có xuất xứ động vật. Đối với những ai bị dị ứng các hoạt chất này, hãy cẩn thận đọc nhãn mác trước khi chọn mua mỹ phẩm, dù nó được gắn mác thuần chay.
• Mỹ phẩm thuần chay và không kiểm nghiệm trên động vật không phải lúc nào cũng 100% dịu nhẹ cho làn da. Đôi khi bạn cho rằng thành phần gốc thực vật sẽ dịu dàng nâng niu da. Nhưng sự thật là thành phần thực vật vẫn có thể gây dị ứng da. Đừng mua sản phẩm một cách mù quáng. Hãy luôn đọc bảng thành phần trước khi mua, cho dù bạn mua mỹ phẩm drugstore giá mềm hay loại xa xỉ.
Các ký hiệu giúp bạn nhận biết sản phẩm thuần chay và sản phẩm cruelty-free
Biểu tượng chú thỏ đang nhảy (Leaping Bunny)
The Coalition for Consumer Information on Cosmetics (CCIC) là một tổ chức bao gồm 8 nhóm bảo vệ động vật quốc gia hợp tác với nhau để giúp người tiêu dùng nhận biết trình Leaping Bunny được quốc tế công nhận. Khi trên bao bì sản phẩm có biểu tượng này có nghĩa là sản phẩm được chứng nhận 100% không có bất kỳ động vật nào bị làm hại trong tất cả các giai đoạn nghiên cứu và sản xuất sản phẩm.
Biểu tượng Vegan Society
Hiệp hội thuần chay (Vegan Society) là tổ chức có trụ sở tại Anh Quốc. Biểu tượng Vegan Society chứng nhận sản phẩm 100% không có nguồn gốc từ động vật và không thử nghiệm trên động vật.
Biểu tượng trái tim Vegan
Trái tim vegan là biểu tượng mang đến cam kết rằng sản phẩm bạn đang cầm trên tay không thử nghiệm trên động vật và không chứa bất kỳ thành phần có nguồn gốc từ động vật.
TÌM HIỂU THÊM:
BẠN ĐÃ HIỂU Ý NGHĨA 9 KÝ HIỆU THUỜNG THẤY TRÊN BAO BÌ MỸ PHẨM?
CÁCH ĐỌC THÀNH PHẦN TRONG MỸ PHẨM GIÚP BẠN CHỌN KEM DƯỠNG DA AN TOÀN
GIẢI MÃ MÀU SẮC TRONG MỸ PHẨM: 8 CHẤT TẠO MÀU MỸ PHẨM THIÊN NHIÊN AN TOÀN
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam