Những đồ án tốt nghiệp của sinh viên ngành Thiết kế Thời trang thuộc trường Đại học Tôn Đức Thắng không chỉ khiến mọi người trầm trồ vì độ hoành tráng mà còn cho thấy tư duy thời trang khác biệt của các bạn trẻ gen Z.
Thời trang không phải lúc nào cũng được định nghĩa bằng những bộ đẹp lộng lẫy mà đôi khi còn nằm ở quá trình sáng tạo và thông điệp truyền tải trong từng mẫu thiết kế. Xuất phát từ tinh thần đó, các sinh viên của ngành Thiết kế thời trang thuộc Đại học Tôn Đức Thắng đã mang đến những đồ án độc đáo nhưng giàu ý nghĩa, nhân văn trong bài thi đánh dấu cột mốc trưởng thành trong quá trình học tập.
Dưới sự cảm nhận vẻ đẹp của Gen Z các thiết kế là cuộc hội thoại giữa những điều xưa cũ và hiện đại; giữa ảo và thực; giữa mộc mạc và phức tạp. Qua đó, những bộ sưu tập này đề cao dấu ấn cá nhân song cũng mang đến những thông điệp ý nghĩa mang tính cộng đồng như: truyền cảm hứng lối sống lạc quan, yêu đời, tự tin vào hình thể bản thân; ký ức về miền Tây sông nước; tôn vinh nét văn hoá thường nhật của người Việt… Cùng điểm qua một số bộ sưu tập (BST) ấn tượng của các nhà thiết kế trẻ từ đại học Tôn Đức Thắng.
Sắc Màu Chợ Nổi – Nguyễn Tú Hảo
Chợ nổi được xem là một nét văn hóa đậm chất miền Tây Nam Bộ, phù hợp với đặc thù của vùng sông nước. Hình ảnh người dân mộc mạc giản dị tấp nập buôn bán trên thuyền đã trở thành ký ức khó quên trong lòng du khách. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại thì chợ nổi Cái Răng vẫn giữ gìn và phát huy được nét văn hóa đặc trưng vùng sông nước.
Sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước, tác giả Nguyễn Tú Hảo đã mượn hình ảnh quen thuộc này để đưa vào đồ án tốt nghiệp của mình. Bộ sưu tập của nhà thiết kế trẻ dành cho cả nam và nữ, lấy cảm hứng từ Chợ nổi Cái Răng. Đây không chỉ là cách anh giới thiệu nét văn hóa quê hương đến với mọi người; mà còn là dấu ấn cho sự kết hợp văn hóa – thời trang trong tương lai.
Đặc biệt BST còn có sự tham gia trình diễn của người mẫu Bolo Nguyễn. Cô là thí sinh đầy tiềm năng trong đội của huấn luyện viên Bùi Quỳnh Hoa tại Miss International Queen Vietnam 2023. Với kinh nghiệm nhiều năm làm người mẫu, Bolo Nguyễn không gặp khó khăn khi truyền tải đúng tinh thần mà NTK Nguyễn Tú Hảo gửi gắm trong trang phục.
Love Yourself – Hồ Lê Phước Linh
Love Yourself là những thiết kế dành cho nữ giới, lấy cảm hứng từ vấn nạn body shaming – đề tài đang nhận được sự quan tâm của dư luận suốt thời gian qua. Theo tiết lộ, bộ sưu tập lần này lấy cảm hứng từ chính câu chuyện của tác giả. Bởi khi còn bé, Hồ Lê Phước Linh từng là nạn nhân, phải chịu những lời miệt thị, bình phẩm về cơ thể mình. Từ những lời nói tưởng chừng như vô hại mà đeo đuổi, ám ảnh nhà thiết kế suốt quãng thời gian dài rồi trở thành nguồn cảm hứng để làm nên Love Yourself.
Phước Linh chia sẻ từ câu chuyện bản thân, muốn nhân rộng, lên án tình trạng miệt thị cơ thể thông qua ngôn ngữ của thời trang. Phước Linh cho biết mong muốn đề tài của mình vượt qua tầm vóc của một đồ án tốt nghiệp. BST như một lời khích lệ những bạn bị body shaming giống như mình sẽ tự tin; mạnh mẽ và vui tươi, thay vì đắm chìm trong suy nghĩ tiêu cực.
Không chỉ đầu tư về ý tưởng, cách sáng tạo, Phước Linh còn có những trợ thủ đắc lực là người mẫu plussize nổi tiếng như: Nguyễn Kỳ Kỳ, Trương Diễm Quỳnh cùng tham gia trình diễn cho bộ sưu tập của mình. Họ là những bạn trẻ đang trên hành trình truyền cảm hứng đến những nạn nhân của body shaming. Từ đó lan tỏa thông điệp: Hãy luôn tự tin vào chính bản thân mình.
Bếp Quê – Nguyễn Thị Nguyệt Huế
Thiết kế trang phục dành cho nữ từ 20-35 tuổi lấy ý tưởng từ gian bếp ở vùng Vũng Liêm, Vĩnh Long – quê hương của Nguyệt Huế. Chia sẻ về bộ sưu tập này, nhà thiết kế trẻ bày tỏ: “Đối với tôi cảm xúc và tình yêu gia đình là điều gì đó hết sức thiêng liêng; khó miêu tả và điều làm tôi có nhiều cảm xúc nhất đó là hồi ức về gian bếp quê; về những bữa cơm đoàn tụ bên gia đình. Mỗi lúc ở nhà được ăn những món ăn mẹ nấu tuy dân dã với con cá dưới ao; rau mọc sau nhà mà mang lại cho tôi cảm giác hạnh phúc, yên bình đến lạ”.
Chính những cảm xúc dành cho gia đình đã thôi thúc Nguyệt Huế tìm hiểu và thực hiện bộ sưu tập Bếp Quê. Cô mong muốn lan tỏa cái mộc mạc, đơn sơ nhưng thấm đượm chất thơ, chất tình. Những hình ảnh như chái củi, đồ nhắc nồi, rế nồi… tưởng chừng đơn giản nhưng khi được lồng ghép vào từng bộ trang phục lại mang đến sự độc đáo, ấn tượng.
Thông qua “đứa con tinh thần” của mình, Nguyệt Huế hy vọng có thể truyền tải thông điệp về tình cảm gia đình; gợi nhắc những hình ảnh khó quên của quê hương.
“Bằng những cảm nhận trải nghiệm của chính mình, tôi muốn mang những gì hết sức đời thường vào thời trang; tôn vinh những nét văn hoá thường nhật của người dân Việt Nam nói chung và miền Tây nói riêng”, Nguyễn Thị Nguyệt Huế bày tỏ.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
9 ĐỒ ÁN TỐT NGHIỆP KHÓA THỜI TRANG 2022 ẤN TƯỢNG TỪ SINH VIÊN VĂN LANG
VĂN LANG K23TT GRADUATE FASHION SHOW: CÁC ĐỒ ÁN TỐT NGHIỆP ẤN TƯỢNG
NHỮNG THIẾT KẾ TỐT NGHIỆP ĐẶC SẮC NHẤT TỪ HỌC VIỆN THIẾT KẾ & THỜI TRANG LONDON TẠI HÀ NỘI
Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam