Điện ảnh Hàn thất thu ở sân nhà, thành công ở Đông Nam Á

Hàn Quốc đang nắm lấy cơ hội tại Đông Nam Á như thế nào?

bzvn-phim-han-gap-kho-khan (1)

Tình hình bán vé của Bogotá: City of the Lost có Song Joong Ki tham gia đặt ra nhiều câu hỏi về tình hình phim ảnh Hàn Quốc tại thị trường trong nước. Ảnh: Netflix

Đầu năm 2025, các tin tức cho thấy tình hình điện ảnh Hàn đang gặp khó trong nước. YG Entertainment ngừng quản lý diễn viên, đóng cửa YG Stage sau 10 năm thành lập. Phim Bogotá: City of the Lost của tên tuổi lớn như Song Joong Ki thất bại khi chỉ bán được hơn 400.000 vé sau hai tuần công chiếu so với điểm hòa vốn là 3,000,000 vé. Chính bản thân Song Joong Ki, Lee Sung Min cũng chia sẻ trong họp báo rằng ngành điện ảnh Hàn Quốc đang gặp nhiều thử thách, khó để phim được chiếu tại rạp và các cụm rạp lúc nào cũng ở trong tình trạng vắng khách.

Không chỉ ít đến rạp xem, khán giả Hàn Quốc cũng thể hiện sự khắt khe thấy rõ của mình. Bộ phim Dark Nuns (2025) đánh dấu sự trở lại với màn ảnh lớn sau 11 năm của Song Hye Kyo, dù thành công về doanh thu nhưng lại gặp phải làn sóng tẩy chay và đánh giá tiêu cực vì có chủ đề nhạy cảm nhưng triển khai không được khéo léo. Nhiều khán giả đi xem còn chỉ ra doanh thu cao là do có quá nhiều suất chiếu, chứ độ che phủ của mỗi suất rất ít.

Tuy nhiên, khi Dark Nuns trình chiếu tại các quốc gia Đông Nam Á như Philippines, bộ phim trụ hạng một doanh thu phòng vé trong hai tuần liên tiếp với các đánh giá tích cực. Tại Indonesia, phim của Song Hye Kyo đạt thành tích trở thành phim Hàn có doanh thu ngày đầu cao nhất, vượt 1 triệu người xem. Dark Nuns cũng sẽ sớm phát hành tại Việt Nam vào ngày 21/02/2025 và hiện đang rất được quan tâm.

Điều gì đứng đằng sau sự khác biệt trong đối đãi giữa phim Hàn ở thị trường nội địa và quốc tế, và Hàn Quốc đang nắm lấy cơ hội tại Đông Nam Á như thế nào?

Vòng luẩn quẩn ảm đạm của điện ảnh Hàn Quốc tại thị trường trong nước

Trong suốt hai thập kỷ trở lại, phim ảnh Hàn đã đối mặt với vô số biến động, từ sự du nhập phim ngoại đến hiện tượng phim lậu, nhưng khó khăn nhất vẫn là những ảnh hưởng của COVID-19, làm nên một vòng luẩn quẩn kéo dài đến hiện tại: Người xem ít ra rạp → Phim không có doanh thu → Không kêu gọi được đầu tư, gặp khó trong việc ra mắt dự án mới → Ngày càng ít phim ra rạp → Cuối cùng trở về với hậu quả là ít người xem phim.

Người xem ít ra rạp vì ảnh hưởng từ kỷ nguyên streaming hậu đại dịch

bzvn-phim-han-gap-kho-khan (3)

Dark Nuns dù có thành tích thứ 2 về doanh thu trong tháng 1/2025 tại Hàn, nhưng thực ra là vì có nhiều suất chiếu. Độ che phủ của mỗi suất khá thấp, dù đây là sản phẩm tái xuất của tên tuổi lớn như Song Hye Kyo và có đề tài huyền bí dễ hút khán giả. Ảnh: Next Entertainment World

Đại dịch COVID-19 đã tái định hình cách con người xem phim, theo hướng ưu tiên sự tiện lợi, chi phí thấp vì bản thân thu nhập của mỗi người dân đều bị ảnh hưởng. Giờ đây, đi xem phim tại rạp trở nên bất tiện hơn với họ cả về mặt thời gian, công sức lẫn tài chính. Khán giả chỉ ra rạp trong những dịp đặc biệt, mang tính đi chơi hơn là thưởng thức phim, hoặc khi họ có một bộ phim mà họ đặc biệt mong chờ và tin tưởng vào chất lượng.

Để so sánh, vé xem phim tại Hàn rơi vào khoảng 15,000 won (~255,000 VND). Nếu có mua thêm bắp, nước, số tiền chi cho hai tiếng xem phim có thể lên đến 50,000 won (~ 850,000 VND), con số này được xem là cao so với mức sống của người dân Hàn hiện tại, và Hàn Quốc cũng đứng thứ 30 trên toàn bộ 98 cuộc gia trên thế giới về độ đắt đỏ của vé xem phim, theo thống kê từ chuyên trang Numbeo.

Trong khi đó, mức giá Netflix tại Hàn chỉ khoảng từ 10,000 – 13,000 won/tháng. Dù không thể xem trên màn hình lớn, tốn chút thời gian chờ đợi cho đến khi phim chiếu rạp được phát hành trên nền tảng, nhưng dịch vụ streaming cho phép xem cả phim bộ lẫn phim lẻ, được ăn vặt tùy ý thích mà không cần phải mua bắp nước với mức giá đắt một cách phi lý. Netflix và những nền tảng streaming tại Hàn Quốc cũng ngày càng đằm tay trong việc làm ra những bộ phim siêu phẩm hàng trăm triệu lượt xem: Squid Game, All Of Us Are Dead, Sweet Home. Hình thức ra tất cả tập trong một ngày không còn khiến người xem phải mòn mỏi chờ đợi, làm mới trải nghiệm xem phim bộ.

Hãy nhìn vào ví dụ phim Song Joong Ki được liệt kê ở đầu bài. Khi ra rạp thất thu, nhưng khi lên Netflix, bộ phim đã lọt vào top 10 lượt xem của khá nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc. Mức phí thấp cho phép khán giả sẵn sàng trải nghiệm hơn, bất chấp phim được đánh giá thế nào.

bzvn-phim-han-gap-kho-khan (2)

Làm ăn thất bát tại rạp nhưng lại được chú ý khi lên nền tảng streaming, sử dụng những tên tuổi hạng A để kéo khán giả cho những bộ phim mới không còn là phương cách hay? Ảnh: Netflix

CÁC NỀN TẢNG STREAMING RẤT LÝ TƯỞNG CHO CÁC NHÀ SẢN XUẤT

Khi ra rạp hay phát sóng, một bộ phim phải được kiểm duyệt rất khắt khe và chính vì thế, các nhà sản xuất phải cân nhắc, xét chọn, gọt bỏ các tình tiết sao cho phù hợp. Việc này cũng đồng nghĩa nếu có các yếu tố bạo lực, gợi dục… bộ phim sẽ bị giới hạn độ tuổi, ảnh hưởng đến rating. Trong khi chi phí sản xuất một tập phim dài khoảng 1 tiếng đã chạm mốc 700 triệu – 1 tỷ won từ năm 2020.

Ngược lại, trên các nền tảng streaming như Netflix, kiểm duyệt bớt gay gắt hơn và cũng vì thế ghi nhận được nhiều lượt xem hơn. Các nhà sản xuất cũng được phép tự do triển khai ý tưởng.

Ít doanh thu dẫn đến ít dự án phim được ra mắt

bzvn-phim-han-gap-kho-khan (4)

Lee Dong Hwi gần như nhận mức thù lao bằng 0 khi tham gia vào bộ phim indie Will We Get Married?, với hi vọng thu hút được khán giả cho phim. Kết cục không như mong đợi của nam diễn viên. Ảnh: Santa Claus Entertainment

Hiệp hội Điện ảnh Hàn Quốc cho biết vào năm 2023, lượng người xem phim indie, phim nghệ thuật của Hàn chỉ còn vỏn vẹn 1,14 triệu, bằng 40% so với mức trước đại dịch (2019). Dòng phim indie giờ đây chỉ mong thu được 10,000 khán giả ra rạp. Con số bé nhỏ ấy thực chất vẫn còn rất khó đạt được: Tính đến tháng 10/2024, có 103 bộ phim indie ra mắt, chỉ có 5 phim trên được số lượng 10,000 vé xem, thua xa so với những bộ phim nước ngoài như Anatomy of a Fall (100,000), Dogman (47,000). Kể cả nếu phim đạt mức 10,000 vé thì cũng không thể xem là thành công. CEO của doanh nghiệp marketing phim Indie Feel & Film, Jo Gye Young cho biết: “Chi phí sản xuất phim indie vào khoảng 300-400 triệu won, thì để hòa vốn cần ít nhất 50,000 vé”.

Bản thân các cụm rạp lớn như CGV cũng không còn mặn mà với những bộ phim độc lập, mang tính thử nghiệm. Những năm gần đây, CGV đã đóng 14 cụm rạp CGV Arthouse (chuyên phân phối dòng phim nghệ thuật, Indie), càng thêm khó khăn cho những phim indie vốn đã bị ép suất chiếu, chiếu giờ xấu.

Trước tình hình đó, ngày càng có nhiều dự án bị bỏ dở. Các diễn viên Hàn, trong nỗ lực duy trì sự đa dạng của ngành điện ảnh trong nước, chấp nhận mức cát-xê thấp với hy vọng san sẻ bớt gánh nặng chi phí để phim có thể hoàn thành. Tuy nhiên, nỗ lực này cũng không mang lại kết quả như mong đợi.

Chẳng hạn, vào tháng 10/2024, bộ phim độc lập Will We Get Married? với sự tham gia của diễn viên nổi tiếng Lee Dong Hwi cũng thất bại nặng nề. Bộ phim có doanh thu kém đến mức Lee Dong Hwi gần như không nhận được cát-xê. Nam diễn viên cho biết anh chấp nhận tham gia phim indie với thù lao thấp để góp phần thu hút khán giả, vì hiện nay nhiều dự án phải hủy bỏ do chi phí sản xuất quá cao trong khi doanh thu lại quá thấp. Tuy nhiên, ngay cả danh tiếng của Lee Dong Hwi cũng không đủ sức kéo khán giả đến rạp.

Ít phim ra mắt, người xem ngại thử điều mới làm nghèo nàn bối cảnh phim Hàn

bzvn-phim-han-gap-kho-khan (5)

Sát Thủ Vô Cùng Cực Hài (Hitman 2) gây bão phòng vé Hàn hiện tại là nhờ phần 1 xuất sắc, khiến khán giả chịu chi. Ảnh: CGV

CEO công ty sản xuất phim SHOTCAKE, doanh nghiệp đứng sau thành công của nhiều series Netflix, nói về hậu quả của việc ít phim được ra rạp: “Ít phim nhận được đầu tư, ít phim ra rạp nên ngày càng có ít phim thành công.”

Khi số lượng bị hạn chế như vậy, những bộ phim ra mắt sau đó sẽ không có kinh nghiệm để học hỏi. Họ sẽ dựa mãi trên những công thức cũ và ngày càng có ít cải tiến. Nếu thử nghiệm đồng nghĩa với kết quả kinh doanh không khả quan, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ ép buộc nhà làm phim phải chọn phương án an toàn.

Và tình hình trong mùa Tết nguyên đán 2025 vừa qua là ví dụ. Hàn Quốc ra mắt nhiều phần phim tiếp nối của một thương hiệu phim đã thành công, hay phim remake. Thay vì phát triển phim mới, thương hiệu mới, họ bám víu lấy những cái tên cũ để chí ít có thể thu hút khán giả đến rạp xem như làm phần 2 của phim Sát Thủ Vô Cùng Cực (Hitman: Agent Jun), mong đạt được thành tích thống trị phòng vé. Trước đó, The Notebook, phim Mỹ ra mắt từ 2004, vẫn thu hút được 164,000 người xem khi tái chiếu tại Hàn vào tháng 10/2024. Khán giả thà xem lại một bộ phim kinh điển đã ra mắt cách đó 2 thập kỷ còn hơn là cho những bộ phim mới một cơ hội.

Càng thêm khó khăn khi ngân sách trợ giúp phim indie của hiệp hội cũng cắt giảm từ 11,7 tỷ won trong năm 2023 xuống còn 7 tỷ won trong năm 2024, cắt hẳn việc hỗ trợ cho phim hoạt hình.

Trong bối cảnh thất thu ở Hàn Quốc, phim ảnh Hàn vẫn có phong độ tốt ở thị trường Đông Nam Á

dark-nuns-su-tro-lai-tao-bao-cua-song-hye-kyo-voi-dong-phim-kinh-di-thum

Ảnh: CGV

Ví dụ về Dark Nuns ở phần mở đầu của bài viết cho thấy xu hướng này. Hay trước đó, Exhuma, bom tấn dòng phim kinh dị Hàn ra mắt hồi tháng 2/2024, cũng đạt được doanh thu 8 triệu đô-l Mỹ ở Việt Nam dù ra rạp chậm hơn so với Hàn Quốc gần một tháng. Doanh thu này gấp 8 lần so với Hồng Kông, Nga, Úc…

Việc các bộ phim Hàn dễ thành công hơn ở Đông Nam Á so với sân nhà xuất phát từ hai nguyên do chính.

Khi Hàn Quốc đứng thứ 30 trên tổng 98 quốc gia xếp hạng theo độ đắt đỏ của vé xem phim so với mức sống, thì các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan chỉ xếp thứ 52, Philippines xếp thứ 66, Malaysia xếp thứ 82, Việt Nam xếp thứ 91 và Indonesia thứ 94. Tức có nghĩa mức sống của họ giúp họ dễ tiếp cận với vé xem phim hơn là so với Hàn Quốc. Đó là điểm thuận lợi đầu tiên, cho phép khán giả chi tiền ra rạp thường xuyên hơn, lựa chọn phim ít khắt khe hơn.

you-are-the-apple-of-my-eye-dahyun

You Are The Apple Of My Eyes bản Hàn có Dahyun (TWICE), Jinyoung (cựu thành viên B1A4) đóng, đẩy mạnh quảng bá tại Đông Nam Á. Ảnh: @dahhyunnee

Tiếp theo, làn sóng Hallyu vẫn được hưởng ứng vô cùng mạnh mẽ tại các quốc gia này. Việc ngành âm nhạc ngày càng tổ chức nhiều concert trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, cũng là một chỉ báo cho thấy sự hứng thú của khán giả với các nội dung, dịch vụ, sản phẩm “made in Korea”. Người Đông Nam Á  chịu nhiều ảnh hưởng từ những ngôi sao Hàn Quốc hay văn hóa thần tượng, nên họ sẽ ra rạp xem để ủng hộ diễn viên yêu thích trước tiên.

Rất dễ tiếp cận đến người hâm mộ trong khu vực này thông qua những phúc lợi giao lưu để lan truyền về danh tiếng của bộ phim, lấy ví dụ là tác phẩm chuyển thể You Are The Apple Of My Eyes có sự tham gia của hai diễn viên thần tượng Dahyun (TWICE) và Jinyoung (cựu thành viên B1A4) sẽ sớm ra rạp vào ngày 21/2. Họ đã đến Jakarta, Indonesia để tổ chức sự kiện quảng bá. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều thần tượng lấn sân sang làm diễn viên, các nhà sản xuất phim cũng có thể tận dụng lợi thế này để lôi kéo người xem ra rạp.

Phim Hàn cứ tập trung vào Đông Nam Á là thành công?

Liệu con đường này có hoàn toàn thuận lợi cho các nhà làm phim Hàn Quốc? Chắc chắn không. Nếu theo dõi từ tình hình trong chính Việt Nam, các bộ phim ngoại dù được theo dõi nhiều cũng sẽ gặp bất lợi về xuất chiếu so với những bộ phim do Việt Nam sản xuất. Khó khăn trước mắt là những bộ phim ngoại sẽ ảnh hưởng đến khả năng “cá kiếm” doanh thu.

Sau cùng, các nhà làm phim Hàn Quốc thực sự cần phải đảm bảo khai thác tốt cả thị trường nước ngoài lẫn trong nước để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Hiệp hội Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) cũng nhận ra tình hình đi xuống của thị trường và đang có kế hoạch thúc đẩy những bộ phim có ngân sách tầm trung (2 tỷ đến 8 tỷ) để tiếp thêm sức sống cho ngành phim trong nước. Chủ tịch KOFIC Han Sang Jun giải thích: “Nhiều bộ phim thu hút được 1 triệu người xem sẽ có giá trị hơn 1 bộ phim bom tấn thu hút 10 triệu người xem. Việc này cũng làm đa dạng hóa điện ảnh Hàn”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm