Cấu tạo của son môi: Bạn đã hiểu hết các thành phần của thứ mỹ phẩm mình yêu thích?

Để chế tác nên một cây son môi vừa đơn giản, lại vừa phức tạp

Cấu tạo của son môi: Bạn đã hiểu hết các thành phần của thứ mỹ phẩm mình yêu thích?

Khi nói về mỹ phẩm và xu hướng mỹ phẩm xanh, càng hiểu rõ về cấu tạo hóa học của mỹ phẩm càng giúp chúng ta chọn lựa sản phẩm an toàn. Hôm nay, Harper’s Bazaar sẽ chia sẻ về thành phần của son môi. Một phần giúp bạn hiểu cách chọn loại son môi phù hợp với nhu cầu của mình. Một phần khác giúp bạn phân biệt giữa son cao cấp và son chất lượng kém, từ đó chọn mua mỹ phẩm thông minh hơn.

Điều gì làm nên một cây son môi chất lượng tốt?

Khoan nói về các loại son nước (liquid) hay son bóng. Ở đây, chúng ta chỉ thảo luận về son môi dạng thỏi.

Nhìn chung, một cây son môi tốt phải để lại một lớp màu trên môi bạn khi thoa lên. Ở nhiệt độ phòng, nó giữ được hình thái thỏi. Nhưng lại không gãy dù bị miết lên môi. Lớp màu khi thoa lên môi phải đều đặn. Và lớp màu phải có độ bám dính nhất định, không dễ phai dù chúng ta có ăn uống hay nói chuyện.

Để làm được những điều này, một thỏi son sẽ thông thường có thành phần hóa học như sau:

  • Sáp
  • Dầu
  • Chất giữ kết cấu, tạo độ đặc, làm mượt
  • Thành phần tạo màu
  • Chất bảo quản và chống ôxy-hóa
  • Mùi hương và chất điều vị
Cấu tạo của son môi: Bạn đã hiểu hết các thành phần của thứ mỹ phẩm mình yêu thích?

Son tint Dior Lip Tattoo. Ảnh: Dior

Thành phần chính tạo nên một thỏi son môi

Nền: Dầu, sáp và chất tạo kết cấu

Nhìn chung, chiếm đa phần trong bảng thành phần son môi chính là các loại dầu và sáp.

Sáp chính là thành phần tạo nên độ cứng của thỏi son. Một số các loại sáp thường thấy trong son môi gồm sáp ong, sáp carnauba, hay sáp từ dầu khoáng.

Trong khi đó, dầu lại đảm bảo tính mượt mà cho thỏi son. Ở đây, dầu có thể là dầu thực vật thiên nhiên (dầu castor, dầu hạnh nhân), các loại bơ thiên nhiên (bơ hạt mỡ shea butter), hoặc dầu từ dầu khoáng (mineral oil).

Dầu cũng là thành phần chống nước giúp bảo vệ màu son. Vì môi bạn tiếp xúc với nước thường xuyên hơn khi so với các vùng da khác trên gương mặt. Được thành phần dầu bảo vệ, màu son mới khó trôi, khó phai.

Sự cộng hưởng của dầu nền và sáp tạo nên nền tảng cho một thỏi son. Thay đổi hàm lượng và bạn đang thay đổi kết cấu của son môi. Ví dụ, son satin thường nhiều dầu hơn, để tạo độ bóng loáng và mượt mà. Trong khi đó, son lì lại nhiều sáp hơn. Vì lý do này mà son lì có cảm giác gây khô môi, vì chúng không nhiều dầu bảo vệ độ ẩm trên môi. Bù lại, cũng vì vậy mà chúng khó phai hơn.

Dầu và sáp sẽ được quyện lại với những chất tạo kết cấu, chất làm mượt, nhũ tương… Tất cả để làm nên một thỏi son khó nứt gãy, mịn màng, êm ái trên môi.

LÀM SAO BIẾT CÂY SON MÔI KÉM CHẤT LƯỢNG?

Nền tảng của cây son môi, dù nhiều dầu hơn hay nhiều sáp hơn, cũng phải đảm bảo được pha đều tay. Cây son chất lượng có kết cấu mịn, khi thoa lên môi để lại lớp màu đều. Còn cây chất lượng kém sẽ có những hạt li ti, không mượt. Đồng thời, thỏi son rẻ tiền sẽ dễ khô nứt, thậm chí là gãy, dù chưa hết thời hạn sử dụng.

Một yếu tố nữa tố cáo chất lượng son môi kém chính là hiện tượng son đổ mồ hôi. Sau một thời gian không sử dụng son môi, bạn mở nắp và bỗng phát hiện cây son có những giọt “mồ hôi” trên bề mặt. Thực chất đây là dầu trong nền tảng son. Điều này chứng tỏ các thành phần không được pha trộn kỹ. Hoặc chúng không hợp nhau về mặt hóa chất. Trong tiết trời nóng ấm hơn, phần dầu thừa bị loại bỏ ra khỏi kết cấu son, đọng lại trên mặt thỏi son.

Ảnh: Instagram Lisa Blackpink

Các chất tạo màu

Màu thỏi son chính là yếu tố quan trọng gây hấp dẫn cho thứ mỹ phẩm này. Ở đây, Harper’s Bazaar nói đến các chất tạo màu. Vì màu son không chỉ đơn thuần là hồng hay đỏ. Thỏi son còn có thể lấp lánh ánh nhũ hay trộn kim tuyến. Hoặc đậm lì hoặc trong veo. Tất cả những điều này đều đến từ chất tạo màu.

Trước hết, về bột tạo màu. Chúng được phân tán trong phần dầu nền. Điều này có nghĩa rằng, thay vì bị hoà tan, bột tạo màu được quyện vào trong lớp dầu – hệt như cách bạn pha bột protein vào trong sinh tố vậy. Nếu thỏi son của bạn thuộc dạng đậm màu (không phải son sheer), chúng sẽ chứa zinc oxide hay titanium dioxide – những chất tạo màu đặc giúp lên màu chuẩn.

Để tạo những hiệu ứng lạ mắt như lấp lánh hay lì (matte), thương hiệu có thể thêm các thành phần khác. Hiệu ứng ánh nhũ đến từ bột mica, bột ngọc trai, hoặc bismuth oxychloride. Son bóng lấp lánh có thể sử dụng kim tuyến (chính là một loại nhựa). Còn hiệu ứng lì thì có thể đến từ silica hoặc các loại đất sét.

MÀU TRONG SON MÔI KHÁC GÌ VỚI MÀU PHẤN MẮT?

Tôi từng đọc một hướng dẫn DIY trên mạng cho rằng, bạn có thể lấy bơ hạt mỡ (shea butter) pha với dầu hạnh nhân và thêm màu mắt để tạo hỗn hợp son môi riêng. Đây là một suy nghĩ rất sai!

Son môi, do tiếp xúc với miệng, phải sử dụng các chất tạo màu có thể an toàn khi nuốt. Loại màu thực phẩm này được kiểm soát gắt gao nhất. Trong khi đó, màu má, màu mắt lại có quy chuẩn lỏng lẻo hơn do không dễ bị liếm, nuốt. Vì vậy, có một số phẩm màu không bao giờ được sử dụng cho son môi vì chúng không đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

>>> Xem thêm: GIẢI MÃ MÀU SẮC TRONG MỸ PHẨM: 8 CHẤT TẠO MÀU MỸ PHẨM THIÊN NHIÊN AN TOÀN

Ảnh: Carolina Herrera

Các chất bảo quản và chống ôxy hóa

Mỹ phẩm luôn cần chất bảo quản. Đây là quy tắc bất di bất dịch. Vì nếu không có chất bảo quản, mỹ phẩm có thể bị nấm mốc, nhiễm vi khuẩn… từ đó gây hại đến làn da của bạn. Nếu có loại mỹ phẩm nào tự nhận “không chứa chất bảo quản”, bạn hãy tránh xa nó!

Chất chống ôxy hóa thì được thêm vào để ngăn ngừa thành phần dầu và sáp bị ôi. Một số loại chất chống ôxy hóa thường thấy chính là vitamin E (tocopherol), BHA hay BHT.

LÝ DO MỸ PHẨM CÓ HẠN SỬ DỤNG

Trên bao bì mỹ phẩm, đôi khi bạn sẽ thấy ký hiệu 6M hoặc 12M đặt trong một chai lọ. Ký hiệu này cho biết bạn nên sử dụng sản phẩm trong vòng bao nhiêu tháng hậu mở nắp. Lý do vì quá thời hạn này, các chất bảo quản và chất chống ôxy hóa không còn làm việc hiệu quả. Đồng thời, một số chất tạo màu có thể biến dạng sau thời gian này.

Phiên bản giới hạn mùa Xuân Hè 2020 của Rouge Hermès

Mùi hương và chất điều vị

Những mùi hương hay chất điều vị thường được quảng bá như một phương thức làm đẹp cho cây son. Ví dụ, son môi Hermès Rouge được khoe là có mùi hương nhẹ đặc trưng, được chế tác riêng bởi “cái mũi” làm nước hoa lâu năm của nhà mốt, bà Christine Nagel. Những cây son vị xì-tin như dâu, vị chanh thì hấp dẫn tuổi teen.

Thực chất, tất cả những mùi hương và chất điều vị này đều được thêm vào cây son để che phủ hương vị chẳng mấy thơm ngon của nền sáp và dầu. Đặc biệt, khi dầu bắt đầu trở nên hư hại hay bị ôi, thì mùi hương và chất điều vị sẽ giúp khỏa lấp điều này.

Những thành phần khác trong cây son môi

Những yếu tố trên chỉ là các thành phần chủ đạo. Mỗi thương hiệu sẽ thêm thắt những thành phần khác vào cây son môi của mình. Có thể là chất chống tia UV. Hoặc một số hóa chất ổn định màu, giúp cây son lên màu mượt hơn, chẳng hạn.

***

Cùng đọc bảng thành phần của một cây son môi…

…để giúp bạn hiểu rõ hơn về lý do vì sao bao bì son môi có hàng tá sản phẩm như đang niệm thần chú!

Nhìn chung, điều bạn nên nhớ là các hãng mỹ phẩm bắt buộc phải liệt kê chi tiết bảng thành phần trong bất cứ mỹ phẩm nào, kể cả son môi*. Và top 5 thành phần đầu tiên luôn chiếm chủ đạo cấu tạo mỹ phẩm.

*Ngoại lệ duy nhất là mảng mùi hương (fragrance), vì một điều lệ nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nước hoa.

Cấu tạo của son môi: Bạn đã hiểu hết các thành phần của thứ mỹ phẩm mình yêu thích?

SHISEIDO Modern Matte Powder Lipstick, màu 516 Exotic Red

MICA (chất tạo ánh nhũ) • DIMETHICONE (chất nhũ hóa) • NEOPENTYL GLYCOL DICAPRATE (dầu) • POLYETHYLENE (chất tạo độ đặc, giữ kết cấu) • DIISOSTEARYL MALATE (chất làm mượt) • SYNTHETIC FLUORPHLOGOPITE (chất tạo kết cấu) • TITANIUM DIOXIDE (CI 77891) (chất tạo màu) • GLYCERYL DIISOSTEARATE (chất làm mượt và giữ ẩm) • RED 7 (CI 15850) (chất tạo màu) • MICROCRYSTALLINE WAX (sáp) • TRIISOSTEARIN (chất khóa ẩm) • IRON OXIDES (CI 77491) (chất tạo màu) • TRIMETHYLOLPROPANE TRIETHYLHEXANOATE (chất làm mượt) • IRON OXIDES (CI 77492), IRON OXIDES (CI 77499) (chất tạo màu) • METHICONE (chất làm mượt) • ALUMINUM HYDROXIDE (chất tạo màu) • TETRADECENE, SILICA (chất tạo kết cấu) • POLYSILICONE-2 (chất chống sủi bọt, chất bảo quản) • TOCOPHEROL (chất chống ôxy hóa, bảo quản) • CALCIUM STEARATE (chất chống vón cục) • SIMETHICONE (chất chống sùi bọt) • BHT (chất bảo quản)

>>> Xem thêm: TRẮC NGHIỆM: LOẠI SON MÔI NÀO PHÙ HỢP NHẤT VỚI BẠN?

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm