Ban đầu, Carlos Rosario do dự khi được mời thiết kế trang phục cho series phim Shōgun (Đại Tướng Quân) của FX. Anh ưu tiên làm việc trên các bộ phim điện ảnh, vì đối với anh, chúng mang lại một cấu trúc câu chuyện rõ ràng hơn. Tuy nhiên, bố mẹ của Carlos – những người yêu thích phiên bản Shōgun của thập kỷ 1980 – đã thay đổi quan điểm của anh.
Hành trình thiết kế phục trang cho một bộ phim lịch sử Nhật Bản
Để thiết kế trang phục cho series phim lần này, Carlos quyết định anh không muốn tái khám phá những thiết kế trang phục trong phiên bản Shōgun thập niên 1980. Thực tế, anh thậm chí không xem lại bất kỳ bộ phim hoặc chương trình truyền hình nào của Nhật Bản để lấy cảm hứng cho những thiết kế trong series phim Shōgun 2024!
Carlos chia sẻ rằng việc bắt đầu từ con số không, để bản thân như một tờ giấy trắng, là điều cần thiết cho dự án lần này. Thay vì nghiên cứu phim ảnh, anh chọn dành thời gian nghiên cứu sâu rộng về các tác phẩm hội họa từ thế kỷ 17. Carlos tin rằng những bức tranh này phản ánh chân thực nhất bản chất của thời đại mà không qua bất kỳ sự biến đổi nào so với trang phục trong các bộ phim Nhật Bản cùng kỳ.
Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn về thiết kế trang phục, Carlos đã biên soạn một bộ sưu tập nghiên cứu chi tiết lên đến 125 trang và sau đó tinh giản nó xuống còn 30 trang. Anh không chỉ dừng lại ở đó mà còn tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhà sử học và chuyên gia để đảm bảo mức độ chính xác trong việc tái hiện lịch sử Nhật Bản thời phong kiến.
Trong số những chuyên gia mà Carlos đã liên hệ, một giáo sư từ đại học Kyoto đã hướng dẫn anh về lịch sử trang phục từ đầu đến cuối dự án. Dưới sự giám sát của Carlos, một xưởng sản xuất đã được thành lập với sự tham gia của hơn 125 người đến từ năm quốc gia khác nhau – Nhật Bản, Canada, Hoa Kỳ, Thái Lan và Trung Quốc – để tạo ra 2.300 bộ trang phục cho series phim Shōgun (Đại Tướng Quân).
Ngôn ngữ trang phục trong series phim Shōgun
Carlos không chỉ tìm hiểu sâu về văn hóa Nhật Bản thời kỳ phong kiến mà còn nắm bắt được ngôn ngữ trang phục đặc trưng của thời đại đó.
Anh giải thích rằng, đối với phụ nữ quý tộc, cấp bậc càng cao thì số lớp áo càng nhiều. Việc hiểu biết về các loại vải dành cho tầng lớp thống trị cũng rất quan trọng; ví dụ, sợi bông (cotton) là một loại vải quý hiếm thời bấy giờ, chỉ dành cho những người giàu có nhất.
Trong thành Osaka, việc sở hữu một đôi giày thậm chí cũng là biểu hiện của địa vị xã hội. Carlos cho biết, các lãnh chúa có giày tabi* (giày xẻ ngón) làm từ da nai, trong khi những người khác trong lâu đài đi chân trần.
*Giày tabi, một phần không thể thiếu của văn hóa Nhật Bản từ thời Shōgun, đã trở thành hiện tượng trong văn hóa đại chúng nhờ vào thiết kế của Maison Margiela.
Trong tập đầu tiên của series, có một cảnh Kashigi Yabushige (do Tadanobu Asano thủ vai) vật lộn để leo xuống vách đá để cứu thuyền trưởng người Bồ Đào Nha. Cảnh này khiến người xem không khỏi căng thẳng khi thấy đôi giày tabi bằng rơm của Kashigi cố gắng bám vào mặt đất. Tuy nhiên, Carlos tiết lộ rằng, thực chất đôi giày được làm từ cao su để phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi quay phim ở Vancouver vào mùa đông.
Trang phục là cách xây dựng cá tính cho từng nhân vật trong phim Đại Tướng Quân
Carlos coi việc sử dụng trang phục như một phương tiện để xây dựng thương hiệu cho từng nhân vật trong Shōgun. Do bộ phim sử dụng tiếng Nhật làm chủ đạo và có số lượng nhân vật đông đúc, khán giả Tây phương sẽ phần nào gặp khó khăn trong việc theo dõi diễn biến câu chuyện. Việc tạo ra phong cách cho mỗi lãnh chúa, thông qua bảng màu đặc trưng, là cần thiết để giúp khán giả phân biệt các tuyến nhân vật.
Carlos đã thiết kế trang phục sao cho mỗi nhóm nhân vật có màu sắc riêng biệt, như phe của Toranaga mặc màu vàng và đồng, trong khi Ishido và Kiyama lần lượt mặc trang phục màu bạc và đỏ.
Carlos không chỉ quan tâm đến việc tái hiện chính xác thời kỳ lịch sử qua trang phục mà còn chú trọng đến việc thể hiện hành trình nội tâm của mỗi nhân vật. Anh chia sẻ:
“Nhiệm vụ của tôi là đọc 10 kịch bản và thực sự hiểu rõ cảm xúc của từng nhân vật. Chỉ như thế, tôi mới biết trang phục như nào là phù hợp với họ. Các bộ trang phục cần phản ánh chính xác những biến đổi tâm lý mà họ đang trải qua.”
Nhân vật Lady Mariko (do Anna Sawai thủ vai) là một thách thức lớn cho Carlos trong việc thiết kế trang phục. Lady Mariko là người phiên dịch cho John Blackthorne (do Cosmo Jarvis thủ vai) và mang một quá khứ đau thương. Mariko ban đầu được miêu tả là người phụ nữ khép kín và lạnh lùng.
Carlos giải thích góc nhìn của anh về các thiết kế dựa trên tính cách nhân vật Lady Mariko:
“Khi chúng ta gặp Lady Mariko ở đầu phim, cô ấy trơ trọi, vì vậy tôi muốn trang phục của Mariko phản ánh điều đó. Nó trở nên rất đơn sắc. Tôi muốn mùa đông được thể hiện qua quần áo của cô ấy. Thiết kế cho Mariko có những đồ họa và họa tiết của tuyết che phủ cỏ cây. Đó là cách để tôi nói với khán giả đây là một nhân vật sống cuộc sống không có mục đích.Theo thời gian, khi Mariko tìm ra sức mạnh và mục đích sống của mình, trang phục của cô cũng dần thay đổi, với hình ảnh hoa trà nở rộ, tượng trưng cho sự tái sinh và hy vọng.”
THỜI TRANG TRONG PHIM:
THỜI TRANG THƯỢNG HẢI THỜI KỲ DÂN QUỐC TRONG TRƯỜNG PHONG PHÁ LÃNG (TRUY PHONG GIẢ)
6 LÝ DO VÌ SAO DIOR NEW LOOK KHÔNG CHỈ LÀ MỘT PHOM DÁNG HAY MỘT BỘ SƯU TẬP
THỜI TRANG THẬP NIÊN 1990 TRONG PHIM PHỒN HOA CỦA VƯƠNG GIA VỆ
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar