Cách giặt quần áo thể thao đúng để tránh phai màu, mất độ co giãn của chất liệu

Quần áo thể thao nếu giặt sai có thể bị mất độ co giãn, mau chóng bị bạc màu và dễ xù lông

Cách giặt quần áo thể thao đúng sẽ hạn chế làm bạc màu vải, bảo vệ độ co giãn của trang phục. Ảnh: Aerie

Để duy trì lối sống khỏe mạnh, việc tập luyện thể thao đều đặn là cần thiết. Do đó, trang phục thể thao đã trở thành một phần cốt lõi của tủ quần áo hiện đại. Từ từ, những phục trang thể thao như áo ngực thể thao, áo hoodie, quần legging, quần jogger, chân váy tennis… đã vượt ra ngoài giới hạn của thể thao để trở thành thời trang đường phố trẻ trung.

Đặc điểm chung của thời trang thể thao là chất liệu co giãn tốt, ôm sát vóc dáng, có tính thấm hút mồ hôi tốt khi tập thể dục. Vậy làm sao để duy trì những tính năng này của trang phục? Đó là áp dụng những cách giặt và bảo quản quần áo thể thao đúng cách.

Giặt quần áo thể thao đúng cách khi hiểu rõ về chất liệu

Thời trang thể thao thường làm bằng vải có chất thun – chính xác là sợi elastane có độ co giãn cao. Các sản phẩm có khả năng thấm hút mồ hôi tốt thường được làm từ polyester. Đồ bơi, áo gió chạy bộ, chân váy tennis thì thường được làm bằng nylon có độ láng bóng. Những loại quần jogger, áo hoodie làm bằng cotton pha lẫn ba loại sợi tổng hợp kể trên.

Đặc điểm của các sợi tổng hợp này là chúng không thấm hút mồ hôi, do đó ít vương lại mùi hôi. Cũng vì vậy mà chúng khô nhanh khi so với quần áo bằng sợi tự nhiên. Tuy vậy, chúng dễ bị mất tính co giãn khi giặt trong nhiệt độ cao hoặc sấy khô trong máy sấy. Bên cạnh đó, giặt chúng ở cường độ mạnh sẽ khiến vải mau xù lông.

Chất liệu nylon thường thấy trong áo ngực thể thao, quần legging, áo bơi dễ xù lông khi giặt mạnh tay. Ảnh: Aerie

Do đó, bạn nên chọn những chế độ sau khi giặt quần áo thể thao để hạn chế làm hư hại độ co giãn của chất liệu, tránh bay màu sản phẩm.

Nếu trang phục nặng mùi mồ hôi, hãy ngâm sơ trước khi giặt.

Bạn pha loãng một thau nước lạnh cùng một 3 – 4 nắp dấm trắng. Ngâm quần áo từ 15 đến 30 phút. Giấm sẽ giúp khử trùng, từ đó loại bỏ mùi mồ hôi nhanh chóng.

Nếu quần áo thể thao dính vết bẩn từ dầu mỡ, làm sao xử lý?

Chất liệu bằng sợi tổng hợp thường khó bị ố bẩn, lý do vì sợi tổng hợp khó ăn màu. Tuy nhiên, đôi khi các vết bẩn từ dầu mỡ bám khá chắc nên bạn có thể dùng các thủ thuật sau để tẩy sơ trước khi giặt:

1. Dùng bột (bột bắp, bột phấn rôm em bé) để thấm hút dầu khỏi quần áo. Bạn rắc bột lên bề mặt trang phục, chờ 30 phút, rồi giặt như bình thường. Phương pháp này cũng có thể được áp dụng cho trang phục bằng vải tự nhiên như linen hay lụa tơ tằm.

2. Dùng gel rửa tay khô để ngay lập tức thoa vào vết bẩn dầu mỡ. Chất cồn trong gel rửa tay khô sẽ mau chóng loại bỏ các chất bẩn. Bạn cũng có thể dùng mẹo này để tẩy vết son môi hay tương các loại.

Lưu ý không áp dụng cho linen hay lụa tơ tằm vì có thể làm bay màu nhuộm vải, cũng không dùng cho da thuộc vì sẽ gây khô và nứt nẻ tấm da.

Chọn gel rửa tay khô không màu để tẩy vết bẩn nhanh chóng. Photo by Neil Bates on Unsplash

Cách giặt quần áo thể thao đúng cách là chọn nước lạnh ở chế độ giặt nhẹ.

Chế độ giặt với nước lạnh (15 – 25ºC) hoặc ấm (25 – 40ºC), ở chế độ giặt nhẹ (delicate) phù hợp nhất để giặt quần áo thể thao. Tránh nước nóng (60ºC trở lên) vì nhiệt độ nóng sẽ dễ làm hư hại trang phục, khiến chất lượng sản phẩm mau xuống cấp. Còn chế độ giặt mạnh sẽ khiến sợi thun trở nên yếu đi và tăng cường khả năng bị xù lông vải.

>>> XEM THÊM: VÌ SAO QUẦN ÁO BỊ XÙ LÔNG VẢI, VÀ 4 CÁCH KHẮC PHỤC

Khi giặt quần áo thể thao, bạn nên lộn mặt trong của trang phục ra ngoài rồi đặt vào trong túi lưới.

Túi lưới sẽ hạn chế bề mặt trơn láng của quần yoga, áo khoác chạy bộ bị cà xước trong quá trình giặt. Túi lưới cũng giúp tránh ma sát bề mặt của áo bơi, giúp hạn chế xù lông vải.

Nếu có thể, bạn nên phân loại các sản phẩm. Quần legging trong một túi lưới riêng, áo hoodie trong một túi lưới khác. Trong trường hợp phải giặt chung tất cả các loại trang phục thể thao thì đồ cùng màu nên được đặt chung trong cùng một túi giặt.

Đối với áo ngực thể thao, nếu có gọng thì bạn nên giặt chúng trong túi lưới chuyên dụng cho áo ngực để bảo vệ hình dáng của gọng áo. Nếu không, áo sẽ dễ bị méo gọng, từ đó không còn vừa vặn với cơ thể bạn.

Túi lưới giặt đồ lót chuyên dụng. Ảnh: Chammart

>>> XEM THÊM: CÁCH GIẶT ÁO NGỰC, ĐỒ LÓT ĐÚNG CÁCH ĐỂ KÉO DÀI TUỔI THỌ TRANG PHỤC

Dùng giấm trắng thay cho nước xả làm mềm vải.

Chúng ta luôn thích hương hoa dễ chịu của nước xả làm mềm vải. Tuy nhiên, sự thực là đa số chúng ta luôn quá tay khi cho nước xả vào. Hàm lượng quá trớn này khiến nước xả bị đọng lại trên trang phục, từ đó gây yếu các sợi vải và khiến chúng mau hư hỏng.

Sử dụng giấm trắng vừa có khả năng diệt khuẩn, khử mùi, lại không tạo nên sự tồn đọng của xà bông trên trang phục. Giấm trắng cũng an toàn cho chất nhuộm vải, do đó không làm bạc màu phục trang.

Ảnh: Hello Nest

Bạn cũng có thể giặt tay quần áo thể thao.

Giặt bằng tay là phương pháp được khuyến khích cho đồ tập thể thao, đặc biệt là những món đồ bằng lưới mịn hay có trang trí. Đối với cách giặt này, hãy cho một ít nước giặt vào một chậu chứa đầy nước mát, sau đó nhấn ngập đồ vào trong và dùng tay khuấy nhẹ nước để hoà tan xà phòng. Ngâm trong 30 phút, xả sạch bằng nước mát cho hết xà phòng. Sau đó, loại bỏ nước thừa bằng cách ấn vào quần áo thay vì vắt.

Bạn nên hong khô quần áo thể thao thay vì sấy chúng trong máy sấy.

Biết rằng một số khu vực lạnh và ẩm trong mùa đông như Đà Lạt, Hà Nội thường hay chuộng máy sấy. Tuy nhiên, quần áo thể thao do được làm bằng chất liệu tổng hợp nên vẫn có thể khô nhanh mà không bị mùi ẩm mốc, không cần phải được sấy khô.

Trong thực tế, hong khô sản phẩm trong bóng râm cũng hạn chế bay màu sản phẩm, vì ánh nắng mặt trời trực tiếp dễ làm bạc màu vải.

Ảnh: Adobe Stock

Bao lâu thì nên giặt quần áo thể thao một lần?

Quần áo thể thao nên được giặt ngay sau mỗi lần sử dụng. Đây là thứ trang phục bạn không nên tiết kiệm mặc lại nhiều lần trước khi giặt.

Theo chuyên gia Madeline Miller, chuyên gia sản phẩm của thương hiệu tẩy rửa The Laundress, sau mỗi lần tập thể thao, dù ở cường độ nhẹ hay mạnh, làn da bạn cũng sẽ toát ra mồ hôi, dẫn đến việc tích tụ chất bẩn trên trang phục. Nếu mặc lại quần áo thể thao cũ sẽ khiến làn da tiếp xúc với vi khuẩn, từ đó bị kích ứng.

Dù ra mồ hôi ít hay nhiều, bạn cũng không nên mặc lại đồ thể thao sau khi tập luyện. Ảnh: Alo Yoga

>>> XEM THÊM: CÁCH GIẶT ỦI VÀ BẢO QUẢN LỤA TƠ TẰM BỀN ĐẸP, CHỐNG CŨ VẢI

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm