Các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam

Cách hay để tìm hiểu văn hóa địa phương chính là ghé thăm làng nghề truyền thống. Tại Việt Nam, nếu bạn quan tâm đến thời trang bền vững, hãy lưu những địa điểm này và tìm đến khi có cơ hội

Đi du lịch, đừng quên ghé thăm các làng nghề truyền thống của Việt Nam khắp mọi miền tổ quốc. Ảnh: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Điện Biên

Các làng nghề truyền thống về mỹ thuật, nghề thủ công của Việt Nam có vô số. Một số nơi chuyên ươm tơ, dệt vải. Một số nơi khác lại chuyên thêu thùa, may vá. Đi một ngày đằng, học một sàng khôn, đắm mình trong nét đẹp truyền thống văn hóa phong phú và lâu đời của Việt Nam.

Làng nghề thêu Liển Hài: Mường Chà, Điện Biên

Ảnh: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Điện Biên

Là một trong 19 cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, người Xạ Phang có dân số khoảng hơn 2.000 người, cư trú thành bản, theo dòng họ. Đến bản Thèn Pả, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, bạn dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Xạ Phang đang cần mẫn may trang phục bên hiên cửa. Thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng khi “zoom” kỹ từng chi tiết hoa văn, đường thêu mới thấy được sự công phu, tinh xảo.

Ảnh: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Điện Biên

Không chỉ trang phục, đôi giày của người Xạ Phang cũng không kém phần cầu kỳ. Nghề làm giày thêu (tiếng Xạ Phang là liển hài) được thực hành, trao truyền trong gia đình, cộng đồng. Đây cũng là cách lan tỏa lối sống tích cực, chăm chỉ, nhẫn nại và kiên trì.

Giày của người Xạ Phang có nhiều loại, phân biệt theo giới tính, độ tuổi, sử dụng hàng ngày hay trong những sự kiện trọng đại. Mỗi loại đều có kiểu dáng, màu sắc, họa tiết riêng. Ðiểm chung là giày nữ kín mũi, giày nam hở một phần phía trước và thân.

Vật liệu chính để chế tác một đôi giày gồm có vải, mo tre, chỉ khâu, chỉ thêu, keo dán, giấy bản. Các dụng cụ đi kèm như kéo, dao nhỏ, kim khâu, kim thêu, sáp ong khô. Thông thường mất khoảng 10–12 ngày để hoàn thiện một đôi giày thêu.

Vải để khâu đế và thân giày phải là loại dày, dai. Công phu nhất là vật liệu lót giữa hai lớp đế giày. Người ta lấy lá tre rừng thái nhỏ, luộc chín và giã nhuyễn. Sau đó đem phơi khô để tăng độ xốp, tạo cảm giác êm ái khi sử dụng. Loại keo dán đế giày được làm ra từ củ cây mùa rỉ.

Làng nghề dệt đũi: Nam Cao, Thái Bình

Đũi Nam Cao là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Ảnh: Hợp tác xã lụa đũi Nam Cao

Hiếm có vùng đất nào tại Việt Nam mà nghề dệt đũi được bảo tồn, phát triển đến ngày nay như tại xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ngót nghét gần nửa thế kỷ từ khi hình thành, trải qua bao thăng trầm, người dân vẫn trân quý, gìn giữ tinh hoa của cha ông để lại.

So với nhiều làng dệt vải khác trên cả nước, sản phẩm đũi của Nam Cao rất sắc nét, nhẹ, dễ tạo phom và linh hoạt. Bản chất sợi đũi không giống tơ. Trong khi tơ có độ xoăn nhỏ thì đũi rút bằng tay có độ xốp. Vì vậy khi sử dụng sẽ giữ ấm trong mùa đông và thoáng mát vào mùa hè.

Đây là một trong các làng nghề truyền thống chuyên về lụa đũi của Việt Nam. Ảnh: Hợp tác xã lụa đũi Nam Cao

Nghề kéo đũi hay rút đũi hiện nay chưa có máy móc nào thay thế được. Công đoạn này vẫn làm hoàn toàn thủ công. Nếu như lụa mềm, mịn, mảnh hơn và được kéo bằng máy thì đũi cũng từ tơ tằm mà ra, nhưng được kéo bằng tay. Thành phẩm nhìn sần, thô ráp hơn, mang vẻ đẹp chân phương, mộc mạc.

Ảnh: Hợp tác xã lụa đũi Nam Cao

Hiện nay, Hợp tác xã lụa đũi Nam Cao có đón tiếp khách đến tham quan và tìm hiểu về nghề dệt đũi. Ngoài ra, bạn còn được trải nghiệm các công đoạn nấu kén, kéo sợi, quay tơ, dệt vải… Đặc biệt là diện thử trang phục áo dài, áo bà ba, áo yếm may bằng lụa đũi và chụp ảnh check-in bên ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi.

Làng nghề vàng bạc: Châu Khê, Hải Dương

Làng mỹ nghệ vàng bạc truyền thống Châu Khê tọa lạc tại xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, cách thành phố Hải Dương khoảng 20km về phía Tây Nam. Nơi đây nổi tiếng với sản phẩm trang sức bằng vàng, bạc với mẫu mã phong phú, nhiều kiểu dáng thời trang, bền đẹp.

Theo sử sách ghi lại, nghề thủ công vàng bạc vùng này được xuất phát từ nghề đúc bạc nén dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Khi đó, cành vàng, trâm ngọc, ly chén ngọc và đồ trang sức của nghệ nhân làng Châu Khê đã nổi tiếng, được tiến cung cho các bậc đế vương.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, có giai đoạn nghề chế tác vàng bạc ở Châu Khê trầm lắng và tưởng chừng mai một. Hiện nay, cả làng có hơn 98% hộ gia đình làm nghề. Trong đó có 19 nghệ nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Quốc gia. Sản phẩm kim hoàn thủ công như dây chuyền, lắc tay, bông tai, nhẫn… rất được ưa chuộng.

Hàng năm, vào ngày 19 tháng Giêng (Âm lịch), làng nghề Châu Khê lại nô nức vào hội xuân và làm lễ giỗ tổ nghề vàng bạc.

Làng nghề chằm nón lá: Thới Lai, Cần Thơ

Ảnh: Lê Văn Hải

Chiếc nón lá từ lâu đã trở thành hình ảnh vô cùng quen thuộc trong văn hóa sinh hoạt của người Việt Nam. Trải dài khắp đất nước, ta dễ bắt gặp nhiều làng nghề làm nón lá.

Tuy nhiên, tại Cần Thơ – trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có làng nghề chằm nón lá nằm ven kênh Xẻo Sào, thuộc ấp Thới Tân A, huyện Thới Lai ít người biết với truyền thống hơn 70 năm. Len lỏi ở các con đường quê thanh bình, bạn sẽ bắt gặp nhiều phụ nữ miệt mài chằm những chiếc nón lá để bán cho người ra đồng, thăm ruộng, đi vườn.

Để có một chiếc nón bền, đẹp, cần trải qua nhiều khâu tỉ mỉ, khéo léo như làm mô (khung), chuốt vành, đan lá, chằm nón… Khác với nón Bài thơ miền Trung được làm bằng lá buông và dây thao, người dân ở Thới Lai chọn loại lá mật cật. Đây là loại cây nhỏ, thấp, mặt lá xòe rộng như lá cọ, mọc thành từng bụi. Thân cây trúc là nguyên liệu chính để làm khung nón.

Tùy mục đích sử dụng mà nón lá có độ dày, mỏng khác nhau. Ảnh: Duy Tân

Khi làm nón, người thợ vừa khâu vừa giữ cho kết lá đều. Chỉ may bền chắc, mảnh và trong. Nón lá thành phẩm sẽ được quét một lớp dầu bóng pha với xăng để chống thấm nước cũng như tăng độ thẩm mỹ, bền đẹp cho sản phẩm. Đây cũng là đặc điểm giúp nón lá Thới Lai được ưa chuộng rộng rãi trên thị trường.

Tùy vào nhu cầu sử dụng mà nón chia thành hai loại: nón đi ruộng và nón đi chợ. Nón đi ruộng được làm dày dặn, chắc chắn và có vành rộng hơn. Nón đi chợ có cọng lá được lựa chọn tỉ mỉ, đẹp, trau chuốt hơn rất nhiều.

Làng nghề thổ cẩm Khmer: Văn Giáo, An Giang

Khi ghé thăm Văn Giáo, bạn có thể kết hợp tham quan rừng tràm Trà Sư, làng nghề nấu đường thốt nốt…

Trải qua bao thăng trầm, làng nghề dệt thổ cẩm của các nghệ nhân đồng bào Khmer ở ấp Srây Skốth, xã Văn Giáo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.

Đến bất kỳ phum sóc (xóm làng theo cách gọi của tiếng Khmer) nào của ấp Srây Skốth cũng nghe thấy tiếng khung cửi rộn ràng.

Ngoài tiêu thụ ở các tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống, sản phẩm thổ cẩm còn được xuất khẩu sang Thái Lan, Campuchia, Myanmar… đồng thời phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước với thương hiệu “Silk Khmer”.

Họa tiết đăc trưng của thổ cẩm Khmer

Xưa kia, làng nghề chỉ dệt một loại xà rông. Từ sản phẩm truyền thống ban đầu, thợ dệt sáng tạo hoa văn cách điệu sắc sảo, mẫu mã đa dạng, màu sắc hài hòa. Sau đó ứng dụng lên khăn choàng cổ, màn cửa, túi xách, các loại trang phục khác theo đặt hàng… Người thợ dệt sẽ phác thảo hoa văn trên giấy hoặc trực tiếp trên khung dệt.

Trước đây, để nhuộm màu. người ta dùng nguyên liệu tự nhiên để chế thuốc nhuộm, đa phần từ các loại cây, củ, quả có sẵn trong vùng. Thời gian nhuộm và nhiệt độ quyết định độ đậm nhạt của màu sắc. Sau khi nhuộm, sợi được phơi khô trước đi đem dệt, nhờ đó sợi vải óng ả, mượt mà, không xù lông. Hiện nay, màu nhuộm công nghiệp được sử dụng khi muốn tạo ra những sắc độ tươi hơn.

Có nhiều kỹ thuật dệt khác nhau như dệt trơn, dệt đan, dệt thắt hoa. Sau khi dệt hoàn tất, tấm vải được giặt sạch, sẵn sàng để may thành phẩm khác.

ĐỌC TIẾP:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm