Giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri mong muốn sử dụng show diễn Dior Haute Couture Xuân Hè 2022 để trình bày sâu sắc hơn về yếu tố thủ công mỹ nghệ, và mối tương quan giữa nó với thời trang. Tuy nhiên, thay vì chỉ đưa ra cái nhìn về nghệ thuật châu Âu, bà lại nhìn xa hơn về châu Á, hướng ánh nhìn của khán giả đến với một quốc gia khác: Ấn Độ.
Dior Haute Couture Xuân Hè 2022 tôn vinh nghệ thuật thêu thùa Ấn Độ
Ấn Độ là một quốc gia có truyền thống thêu thùa lâu đời, và bây giờ cũng là một trong những thủ phủ sản xuất thời trang may mặc sẵn, bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ… Tuy nhiên, do giá thành gia công tại quốc gia này tương đối rẻ mạt, “người ta thường cho rằng sản phẩm thêu của Ấn Độ là đồ thấp cấp”, Maria Grazia Chiuri nói.
Pháp và Ý là hai quốc gia nổi tiếng với các xưởng thủ công, thêu và đính kết. “Nhưng Ấn Độ cũng có các nghệ nhân lành nghề, có truyền thống thêu thùa và đính kết không khác gì Pháp và Ý. Nghề thêu không phải là nghề độc quyền của riêng châu Âu”, bà nhấn mạnh.
Bên cạnh thời trang, sản phẩm nổi tiếng nhất sử dụng kỹ thuật thêu Ấn Độ chính là thảm. Dior đã nhờ Trường dạy nghề và xưởng thêu Chanyakya, dưới trướng của Nehal Shah và Karishma Swali, để tạo ra những tấm thảm cỡ đại viền quanh bức tường của bảo tàng Musée Rodin nơi show diễn Dior được tổ chức. Bà Maria Grazia Chiuri từng cộng tác với Swali từ năm 1995 đến nay, khi còn làm việc cho Fendi, và hiểu rõ hơn ai hết tay nghề của xưởng Chanyakya.
Các tấm thảm truyền tải những bức tranh nổi tiếng của hai nghệ sỹ người Ấn là Madhvi Parekh và Manu Parekh. Tác phẩm của họ đều mang phong cách văn hóa dân gian của Ấn Độ. Hai nghệ sỹ đặt ra những câu hỏi về giá trị truyền thống, về thần linh và tâm linh, trong văn hóa Ấn Độ. Thế giới của Madhvi xoay quanh sức mạnh nữ giới. Còn tác phẩm của chồng bà, Manu Parekh, mang hơi thở đương đại và trừu tượng hơn. Từ đó, tạo ra sự tương phản thị giác với bộ sưu tập Dior Haute Couture Xuân Hè 2022.
Kỹ thuật thêu thùa là cầu nối giữa hai văn hóa Âu – Ấn
Các thiết kế mùa Haute Couture Xuân Hè 2022 lần này của Dior tương đối tối giản. Các thiết kế chủ yếu khai thác những đường xếp ly tay, uốn lượn trên nền vải trơn, gợi nhắc đến hình ảnh những tượng thần điêu khắc cổ đại.
Xen kẽ với những đường nét mềm mại đó là những mảng thêu, đính kết từ xưởng Dior. Điểm nhấn đặc biệt hẳn là những đôi vớ chân trong suốt đính kết pha lê. “Bạn nghĩ rằng một đôi vớ thì đơn giản thôi, nhưng thêu và đính lên chúng cũng rất phức tạp đấy”, bà Maria Grazia Chiuri giải thích. Bên cạnh đó, những đôi giày trong bộ sưu tập lần này cũng có gót được thêu tỉ mẩn.
Kỹ thuật thêu, đính chính là cầu nối giữa đôi bên văn hóa Âu – Ấn, theo bà. Bà cho rằng, Ấn Độ chẳng khác gì Ý hay Pháp cả. “Ở Ý, quê hương của tôi, và Ấn Độ, ngày càng khó tìm những nghệ nhân mới. Nghệ thuật thủ công bị mai một vì các gia đình hướng nghiệp con cái đến những nghề được trọng vọng hơn như bác sỹ, kỹ sư. Một phần nữa vì trong thời trang, chúng ta quá đề cao tên tuổi các nhà thiết kế thay vì chia sẻ hào quang đồng đều với các nghề nghiệp quan trọng khác”.
Kết show, bà Maria Grazia Chiuri nhấn mạnh: “Một nhà một haute couture của thời đại mới còn phải có trách nhiệm xã hội đối với những nghệ nhân sống dựa vào mình, và hỗ trợ các cộng đồng thời trang khắp thế giới”.
HOÀNG HẢI TRÌNH DIỄN ÁO DÀI NHÂN DỊP KỶ NIỆM 50 NĂM VĂN HÓA VIỆT – ẤN
DIOR HAUTE COUTURE THU ĐÔNG 2021: LỜI TRI ÂN GỬI TỚI NHỮNG NGHỆ NHÂN DỆT MAY
DIOR HAUTE COUTURE XUÂN HÈ 2021: MARIA GRAZIA CHIURI BÓI BÀI TAROT CHO BẠN
Ảnh: Dior
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam