10 bộ sưu tập thời trang kinh điển nhất của NTK Vivienne Westwood

Từ buổi trình diễn thời trang đầu tiên cho đến ngày qua đời, Vivienne Westwood luôn làm giới mộ điệu phải dấy lên câu hỏi: sức tác động của thời trang đối với xã hội là gì?

NTK Vivienne Westwood chào cuối trên sân khấu thời trang. Ảnh: Victor Virgile

Ngay trước thềm năm mới 2023, thế giới mất đi một trong những nhân vật mang tính biểu tượng của lịch sử thời trang thế kỷ 21: Nhà thiết kế Vivienne Westwood. Qua đời ở tuổi 81, bà để lại một di sản thời trang mang tính cách mạng, phá bỏ rào cản giữa thời trang đường phố và cao cấp, pha trộn ngôn ngữ thời trang truyền thống và phản kháng xã hội, tăng cường mối liên hệ giữa thời trang và chính trị.

Trang phục của Vivienne Westwood thể hiện tinh thần nổi loạn của thời đại, thể hiện rõ ràng sự đối lập với tư duy lối mòn của xã hội. Từ đấu tranh giải phóng nữ quyền cho đến ủng hộ phi giới tính và cộng đồng LGBTQ+, bà đều tham gia.

Ngoài việc giải phóng thế hệ trẻ khỏi guồng máy “rỉ sét” của chế độ tư sản cổ đại, Vivienne Westwood còn đấu tranh không mệt mỏi cho các cuộc khủng hoảng khí hậu. Nhà thiết kế gạo cội nước Anh luôn lên án những tác động của biến đổi khí hậu và tiêu dùng quá mức, tất nhiên là “chỉ tay” vào hệ thống thời trang vì những lỗi lầm của nó trong việc tôn vinh chủ nghĩa tiêu dùng và xu hướng tư bản chủ nghĩa. Với bộ sưu tập Cách mạng Khí hậu 2021, Vivienne đã thu hút sự chú ý của quốc tế về vấn đề sinh thái và phải nhắc đến sự kêu gọi của bà đối với thế hệ trẻ:

“Tôi muốn bạn giúp tôi cứu thế giới, nhưng tôi không thể làm điều đó một mình”

Để sức ảnh hưởng của Vivienne Westwood tiếp tục tỏa sáng và di sản thời trang của bà luôn được mở rộng, cùng nhìn lại những bộ sưu tập quan trọng nhất trong sự nghiệp đồ sộ của một trong những tâm hồn dị biệt nhất của làng thời trang thế giới.

>>> XEM THÊM: NHÌN LẠI CUỘC ĐỜI “NỮ HOÀNG PUNK” VIVIENNE WESTWOOD

Pirate Thu Đông 1981, bộ sưu tập chính thống đầu tay của Vivienne Westwod

Những thiết kế lấy cảm hứng từ cướp biển. Ảnh: David Corio / Redferns

Vivienne Westwood không được đào tạo thời trang bài bản. Bà và cộng sự/chồng cũ Malcolm McLaren khởi nghiệp với một cửa hàng thời trang high street trên phố Kings Road. Dù liên tục đổi tên, cửa hàng này vẫn gây được tiếng vang trong cộng đồng do kết hợp phong cách punk, BDSM, rock’n’roll… vào các thiết kế ready-to-wear.

Sau một thập kỷ khởi nghiệp, Vivienne Westwood và Malcolm McLaren quyết định đổi hướng, không còn quá tập trung vào punk mà tìm cảm hứng nhiều hơn ở nghệ thuật và lịch sử Anh Quốc. Bộ sưu tập Pirate ra đời năm 1981 đánh dấu bước chuyển mình này, và cũng là bộ sưu tập đầu tiên mà cặp đôi thiết kế một show diễn bài bản.

Pirate được giới thiệu tại sàn diễn Tuần lễ thời trang London năm 1981 với hàng loạt quần áo lãng mạn, đầy màu sắc, dành cho cả nam và nữ mùa Thu Đông. Những trang phục với tay áo Marie Antoinette, đường diềm xếp nếp của Dick Turpin trong tạo hình của những tên cướp biển, công tử và kẻ trộm, … Sau đó, đã trở thành đồng phục yêu thích của nhiều ngôi sao nhạc pop thuộc phong trào Lãng mạn cho đến giới ca nhac underground, từ Boy George đến Adam and the Ants.

Witches Thu Đông 1983–84

Madonna trong các thiết kế Vivienne Westwood bắt tay cùng Keith Haring. Ảnh: sevenblog

Khi Vivienne Westwood gặp gỡ Keith Haring thì thời trang sẽ chứng kiến điều gì? Witches chính là câu trả lời cho màn kết hợp giữa thời trang và phong cách đường phố.

Hai nghệ sĩ với tâm hồn bất cần hòa làm một, cùng thăng hoa mang đến sàn diễn hàng loạt các thiết kế đầy màu sắc, pha trộn giữa phong cách thể thao, cảm hứng châu Á và những nét họa hình quen thuộc của Keith Haring. Ngôi sao rất yêu thích bộ sưu tập thời trang này của Vivienne Westwood chính là nữ hoàng nhạc pop Madonna. Thời trẻ, bà liên tục xuất hiện nhiều lần với các thiết kế nằm trong bộ sưu tập.

Witches cũng là bộ sưu tập cuối cùng mà Vivienne Westwood và Malcolm McLaren hợp tác. Sau đó cặp đôi chia tay và đường ai nấy đi.

Portrait Thu Đông 1990-91 giúp Vivienne Westwood trở nên nổi tiếng đại chúng

Vivienne Westwood: Biến corset “từ trong ra ngoài”

Chiếc áo corset in hình bức tranh sơn dầu của François Boucher. Ảnh: Shutterstock

Portrait là BST thể hiện rõ nhất tâm hồn và tư duy thời trang của Vivienne Westwood. Bà đã từng nói: “Tất cả những ý tưởng của tôi đến từ việc nghiên cứu những ý tưởng của quá khứ. Có một mối liên hệ giữa nghệ thuật và thời trang. Tôi không thể thiết kế một thứ gì nếu tôi không nhìn vào nghệ thuật”.

Một trong những nguồn cảm hứng yêu thích của Vivienne Westwood là phòng tranh kiêm bảo tàng Wallace ở London. Nhà thiết kế từng phát biểu rằng “đây là trường nghệ thuật đỉnh cao của [Anh quốc]”. Bảo tàng này sở hữu một khối lượng tác phẩm nghệ thuật cổ điển được sáng tạo trong thế kỷ 17 đến 19.

Vivienne Westwood đã dùng những bức họa lịch sử trong bảo tàng Wallace để sáng tạo nên các thiết kế trong Portrait. Trong số đó nổi tiếng là những mẫu corset in tranh vẽ François Boucher, giúp mang corset trở lại mạnh mẽ trong thập niên 1990 và cũng giúp tên tuổi Vivienne Westwood trở nên nổi tiếng trong giới trẻ đại chúng.

>>> XEM THÊM: VIVIENNE WESTWOOD: NGƯỜI NHUỐM MÀU Y2K CHO ÁO CORSET

Anglomania Thu Đông 1993-94

Ảnh: nssgclub

Anglomania ra mắt với tư cách là bộ sưu tập thời trang pha trộn nhiều cảm hứng nhất của Vivienne Westwood, lấy từ các bộ sưu tập lưu trữ của bà trước đó. Bộ sưu tập trẻ trung thể hiện niềm yêu thích đối với kiểu dáng may đo và xếp nếp mang tính biểu tượng của Vivienne Westwood, đồng thời gợi nhắc các phong cách từ những bộ sưu tập trước là SEX, Pirate, Mini-Crini Bondage.

Trong giai đoạn 1993 đến năm 1999, Vivienne cũng bắt đầu định hình gu thẩm mỹ mới bằng cách kết hợp phong cách may đo trang nhã của Anh cùng niềm yêu thích dành cho tỷ lệ cường điệu của Pháp vào BST Anglomania.

Các thiết kế thuộc Anglomania được tạo ra cùng với sinh viên Andreas Kronthaler – người sau này trở thành người chồng cuối cùng của Vivienne Westwood – đưa người xem vào cuộc dạo chơi của những biến thể “rối mắt” với sự kết hợp giữa kẻ sọc, vải dệt kim, lông thú cho đến những đôi giày cao gót lênh khênh. Và rồi sự thách thức từ chiều cao đồ sộ của những đôi giày đã khiến Naomi Campbell tạo nên một cú ngã lịch sử trong huyền thoại làng mốt.

Café Society Xuân Hè 1994

Quảng cáo BST Cafe Society trên tạp chí. Ảnh: Instagram @thewestwoodarchives

Café Society được xem là một trong những bộ sưu tập đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thời trang của Vivienne Westwood. Bộ sưu tập thể hiện tính thẩm mỹ đặc trưng của Vivienne, tham khảo từ sự pha trộn giữa các nền văn hóa nhằm chống đối, châm biếm những quy chuẩn thông thường của xã hội.

Trên sàn diễn, những siêu mẫu huyền thoại bước đi với gương mặt trang điểm và kiểu tóc uốn xoăn truyền thống của thời đại Elizabeth trong dáng vẻ uể oải, liếm kem và nháy mắt với nhau. Hầu hết các người mẫu đều mặc trang phục khiêu khích.

Kate Moss trong show diễn Vivienne Westwood Xuân Hè 1994. Ảnh: Getty Images

Ấn tượng nhất là lúc siêu mẫu Kate Moss xuất hiện với ngực trần cùng chiếc váy cực ngắn. Tất cả tạo nên một Café Society làm chao đảo giới thời trang với một sàn diễn hoàn toàn nổi loạn và gây sốc.

On Liberty Thu Đông 1994-95

Ảnh: Conde Nast Archive

Bộ sưu tập Thu Đông 1994-95 On Liberty của Vivienne Westwood vẫn xoay quanh cuộc khám phá của Vivienne về lịch sử và tình dục. Tuy vậy, điểm đặc biệt của On Liberty là nhấn mạnh thêm vào chất liệu kẻ sọc tartan, pha trộn thêm cảm hứng từ trang phục cưỡi ngựa của giới thượng lưu và tinh thần hài hước đặc trưng của người Anh. On Liberty sau đó còn được giới chuyên môn nhận định là “phiên bản phôi thai” cho Lumps and bumps của thương hiệu Comme des Garçons.

>>> TÌM HIỂU: LỊCH SỬ VẢI TARTAN: TỪ CHẤT LIỆU SCOTLAND THÀNH BIỂU TƯỢNG PUNK

Anglophilia Thu Đông 2002-03

Ảnh: nssgclub

Mùa này, nhà thiết kế quay trở lại niềm yêu thích với những cảm hứng lịch sử vốn đã là thương hiệu của bà nhưng trong một tinh thần hiện đại, phù hợp hơn với thiên niên kỷ mới. Một trong những thiết kế nằm trong BST là chiếc váy lụa của Madame de Pompadour trong bức tranh của François Boucher, họa sĩ yêu thích của Vivienne, được nhà thiết kế diễn giải lại theo một cách mới mẻ. Những đường cắt bất đối xứng, tính thẩm mỹ của sự lập dị, nghệ thuật và lịch sử lại một lần nữa trở lại sống động trong Anglophilia.

Le Flou Taille Thu Đông 2003-04

Ảnh: nssgclub

Đến với Le Flou Taille, giới mộ điệu được dịp chứng kiến mong muốn của Vivienne trong việc đem đến chất lượng may đo chuẩn haute couture vào prêt-à-porter (dòng thời trang may đo sẵn). Nhà thiết kế nước Anh thể hiện chất lượng cùng sự khéo léo qua sự kết hợp uyển chuyển của những đường may tạo thành những thiết kế hoàn chỉnh trong Le Flou Taille. Ở BST này, phom dáng đồ sộ, xếp lớp trong trang phục của Vivienne cũng được tiết chế hơn những bộ sưu tập trước.

Propaganda Thu Đông 2005-06

Ảnh: nssgclub

Vivienne Westwood luôn sử dụng thời trang để thách thức hiện trạng xã hội. Vào những năm 2000, phần lớn hoạt động của bà là về tuyên truyền biến đổi khí hậu, đây là một trong những bộ sưu tập mà nhà thiết kế người Anh coi là mang tính chính trị nhất, đúng với tên gọi của BST. Trên thực tế, cùng với những ảnh hưởng lịch sử luôn hiện hữu, BST Propaganda mang đến áo nịt ngực, váy xếp nếp, áo khoác lấy cảm hứng từ quân đội, và các khẩu hiệu lồng ghép trên trang phục,..để lại những dấu ấn về thời trang và chính trị đặc biệt trong sự nghiệp sáng tạo của Vivienne.

Unisex: Time to Act Thu Đông 2015-16

Ảnh: nssgclub

Dù nguồn cảm hứng được tuyên bố là “Shepherds and Sumerians” (những kẻ chăn cừu và đoàn người Sumer) nhưng thực sự BST Unisex: Time to Act lại là cách mà Vivienne phản ánh quan điểm của bà về thời trang unisex và sự hòa nhập. Với Unisex: Time to Act, một lần nữa giới thời trang lại được chiêm ngưỡng hành động phá bỏ quan niệm chính thống về giới tính từ Vivienne. Bà gửi xuống đường băng những người mẫu có ngoại hình bất kể nam nữ, khoác lên người những thiết kế suit may đo chuẩn chỉnh, kết hợp với váy hula, váy dài in hoa, áo choàng có mũ trùm đầu cùng những kiểu tóc kỳ dị nhất.

Cũng vào thời điểm này, bà chính thức từ giã việc thiết kế hàng ngày. Thương hiệu Vivienne Westwood đón nhận giám đốc sáng tạo mới là Andreas Kronthaler, người chồng kém 25 tuổi của bà.

>>> XEM THÊM: DÂY CHUYỀN NGỌC TRAI VIVIENNE WESTWOOD KHÔNG BAO GIỜ HẾT MỐT

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm