Phong cách thời trang military được giới chính trị yêu thích vì tính chất ngầu và sự thực dụng. Tuy nhiên, từ lâu nó đã không còn là đặc quyền của quân nhân mà mọi người từ già đến trẻ đều ưu ái đưa thời trang quân đội vào tận góc bếp, sân vườn.
Lịch sử các item mang phong cách thời trang quân đội military
Quần túi hộp (cargo pant)
Cargo pant là quần của lính nhảy dù. Chúng được may những chiếc túi hộp lớn, dùng để đựng lương khô và lựu đạn, chưa kể 45kg thiết bị mà họ đeo trên vai. Những chiếc quần cargo pant ngày càng được nâng cấp và là phương tiện gia tăng cơ hội sống sót cho lính nhảy dù.
Áo khoác phong cách quân đội
Vào năm 1962, Yves Saint Laurent cho ra mắt chiếc áo khoác pea coat đầu tiên lấy cảm hứng từ áo khoác của Hải quân Mỹ. Ngay lập tức chiếc áo đã châm ngòi cho một trào lưu thiết kế tinh tế lấy cảm hứng từ đồng phục nhà binh. Rất nhiều nhà mốt tài danh lúc bấy giờ như Dries Van Noten, Balmain hay Givenchy đã không lỡ nhịp cơn sốt.
Những thanh niên và người trẻ theo phong cách hippie đã phản đối chiến tranh Việt Nam bằng cách mặc những chiếc quần túi hộp (cargo pant) và áo khoác bomber lấy cảm hứng từ áo của không quân Air Force tham gia vào cuộc chiến.
Các câu lạc bộ thể thao ở trường trung học cũng nhanh chóng tiếp thu phong cách military dưới dạng áo khoác letterman. Scooter boys là một phiên bản khác của áo kháoc letterman, xuất hiện nhan nhản trên phố những năm 1960-1970.
Những kiểu áo trên đã ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa hip-hop và phong cách đường phố, trong khi một số khác vẫn giữ được tính thẩm mỹ vốn có của những chiếc áo khoác phi công Air Force.
Phụ kiện: mũ/nón, kính mát và giày bốt
Cũng trong thời điểm này, ở Oakland, California (Mỹ) đã xuất hiện sự trỗi dậy của Đảng Báo Đen (Black Panther Party). Đảng này tập hợp những người da màu với trang phục đặc trưng là áo khoác da và quần đen, kính mát đen và đặc biệt là chiếc mũ beret từng được quân châu u đội vào hàng trăm năm trước, hiện nay vẫn được quân đội Hoa Kỳ sử dụng. Chiếc mũ beret chính là đặc điểm nhận dạng quốc tế của tổ chức cách mạng này.
Ngoài mũ thì kính mát cũng là một phụ kiện của quân đội được thời trang hóa từ rất sớm. Vào năm 1937, hãng Bausch & Lomb đã cho ra mắt dòng sản phẩm kính mát Ray-Ban Aviator với lời hứa ngăn chặn (ban) tia cực tím (ray) một cách hiệu quả và khoa học. Không chỉ được các phi công ưa chuộng, dòng kính này còn được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động ngoài trời như câu cá, đi săn và đánh golf.
Nhờ sự thời thượng này mà kính ray-ban được các người mẫu tin dùng trong các shoot chụp ảnh. Đến năm 1958, kính ray-ban đã trở thành biểu tượng thời trang khi tài tử Marlon Brando đeo nó trong phim The Wild Ones.
Năm 1976, Robert De Niro cũng đeo kính ray-ban Caravan trong phim Taxi Driver. Những ngôi sao ca nhạc như Elvis Presley, David Bowie, Paul và Linda McCartney cũng đeo kính khi chụp ảnh cùng gia đình.
Phong cách thời trang quân đội military thực sự đã ảnh hưởng từ đầu đến chân người tiêu dùng, khi đôi giày combat boot vốn dùng cho chiến trận, nhưng sau đó lại được thiết kế phù hợp cho mọi môi trường gồ ghề, chẳng hạn những cánh đồng nông nghiệp. Ngày nay, nhiều hãng đã ứng dụng kỹ thuật làm giày leo núi để tăng độ thông thoáng và thoải mái cho giày combat boot.
Trang sức kiểu quân đội: Dây chuyền gắn thẻ bài dog tag
Chiếc dây chuyền thẻ bài dog tag có khắc tên và đơn vị công tác của người lính, vốn là đặc điểm nhận dạng của quân nhân, nhưng cũng được người dân yêu mến và đeo nó như một món đồ thời trang thể hiện sự cá tính và mạnh mẽ.
Ảnh hưởng của thời trang quân đội được nâng tầm nhờ âm nhạc
Các nghệ sĩ nổi tiếng không hề e ngại sử dụng phong cách military khi xuất hiện trước công chúng. Khi Michael Jackson thắng 8 giải Grammy vào năm 1984, ông đã đeo kính ray-ban và khoác chiếc áo lấy cảm hứng military. Đêm hôm đó, Michael Jackson không chỉ là ông Vua nhạc Pop mà còn giống một sĩ quan cấp cao.
Xuyên suốt tour diễn Circus vào năm 2009, nữ ca sĩ Britney Spears cũng đã không ngừng mặc trang phục biểu diễn giống như người lính đang thi hành nhiệm vụ.
Trong show diễn giữa giờ tại Super Bowl 2016, Beyoncé và các vũ công đã mặc trang phục quân đội gợi nhớ tới Michael Jackson. Nghệ sĩ chính của chương trình là ban nhạc Coldplay nhưng sự chú ý của khán giả lại đổ dồn vào Beyoncé khi cô bước ra sân.
Sự khác biệt giữa đồng phục quân đội thật cùng thời trang military
Yêu cầu chính của đồng phục quân đội là tính ngụy trang, giúp người lính chìm vào môi trường xung quanh. Thế nhưng trong thời trang, đặc tính ngụy trang này lại giúp người mặc thêm nổi bật.
Từ lâu các họa tiết rằn ri (camo) đã không chỉ xuất hiện trên quần áo mà còn trên giày thể thao Nike, túi xách Louis Vuitton hay băng dán trị thương. Ảnh hưởng của phong cách thời trang military lấn sang cả nội thất và phương tiện di chuyển, chẳng hạn như bàn di động của Hermes hay xe máy Yamaha Exciter Camo 150.
Ngoài ra, phong cách thời trang quân đội còn lấy cảm hứng từ loại quân phục diễu hành, ví dụ của lính gác tại cung điện Buckingham. Những trang phục này khá loè loẹt, đa sắc, mang tính chất trang trọng hơn là tiện lợi để hành quân. Từ đó, ta có mũ gắn lông vũ, hàng nút màu đồng lấp lánh, cầu vai gắn đủ thứ huân chương sáng chói.
Phong cách thời trang military cũng giống như kỹ thuật quân đội, ngày càng được cải tiến để đáp ứng nhu cầu thị trường và sẽ luôn dẫn đầu về độ cool ngầu tất thắng.
>>> Xem thêm: PHONG CÁCH SAFARI, MỘT CHI NHÁNH KHÁC CŨNG BẮT NGUỒN TỪ THỜI TRANG QUÂN ĐỘI
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam