Deconstruction Fashion: Thời trang giải cấu trúc ngỗ nghịch

Thời trang giải cấu trúc (deconstruction fashion), cùng với Y2K và punk được xem là phong cách phản thời trang (anti-fashion)

Bz-deconstruction-fashion-thoi-trang-giai-cau-truc-feature

Áo sweater thủng lỗ chỗ mà bà Rei Kawakubo thuộc bộ sưu tập Destroy của Comme des Garçons năm 1982 là một ví dụ điển hình của thời trang giải cấu trúc (deconstruction fashion). Ảnh: Peter Lindbergh

“Ai sẽ mặc những trang phục này chứ?” là câu hỏi thường được nghe khi thảo luận về các show diễn thời trang. Và câu trả lời không bao giờ giống nhau cả, đa dạng đến vô định. Những cuộc tranh luận về thời trang luôn tồn tại. Và một trong những chủ đề gây ra tranh cãi lớn nhất là xung quanh một phong cách thời trang phá vỡ mọi quy tắc – thời trang giải cấu trúc (deconstruction fashion).

Deconstruction Fashion: Chủ nghĩa giải cấu trúc trong thời trang là gì?

Deconstruction, dịch từ tiếng Anh, có nghĩa là sự phá bỏ kết cấu, hoặc nói văn vẻ hơn là giải cấu trúc. Do đó, “deconstructed fashion” hoặc “deconstruction in fashion” là việc phá bỏ những quy tắc, những quan niệm, những định kiến truyền thống và các giới hạn thông thường trong thời trang.

Chủ nghĩa này xuất phát từ các lý luận triết học của Jacques Derrida, một triết gia người Pháp vào cuối những năm 60. Ông mô tả thuật ngữ này là “quy trình phá vỡ những hình mẫu ổn định”. Phong trào này đã nhanh chóng được lan tỏa mạnh mẽ. Từ kiến trúc, âm nhạc đến nghệ thuật và phê bình nghệ thuật. Hòa vào dòng chảy nổi loạn đó, chủ nghĩa giải cấu trúc cũng được phát hiện trong lĩnh vực thời trang.

Bz-deconstruction-fashion-thoi-trang-giai-cau-truc-Jacques-Derrida

Triết gia Jacques Derrida. Ảnh: AFP/Getty Images

Suốt những thập niên 1980, 1990 của thế kỷ 20, phong cách thời trang giải cấu trúc nổi lên như một hiện tượng. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1989, khi tờ Details đăng tải loạt hình ảnh từ bộ sưu tập Maison Martin Margiela Thu/Đông với lời bình của nhiếp ảnh gia kỳ cựu Bill Cunningham. Ông sử dụng từ “deconstruction” để mô tả về những trang phục đó.

“Bộ sưu tập gợi nhớ đến phong trào ‘giải cấu trúc’ trong lĩnh vực kiến trúc. Cấu trúc thiết kế trang phục trông như đang hứng chịu một cuộc tấn công. Những đường may không ở đúng chỗ, bề mặt trang phục như bị dày vò bởi những vết rạch khác nhau. Tất cả điều đó làm ta liên tưởng tới một vẻ đẹp thời trang thanh lịch lụi tàn.”

Bz-deconstruction-fashion-thoi-trang-giai-cau-truc-bill-cunningham-martin-margiela-the-collection-1990-deconstructivist-01
Bz-deconstruction-fashion-thoi-trang-giai-cau-truc-bill-cunningham-martin-margiela-the-collection-1990-deconstructivist-02

Ảnh Bill Cunningham chụp cho show Martin Margiela Xuân Hè 1989/1990. Nguồn: thefashionproject

Theo Alison Gill, một nhà nghiên cứu thời trang, định nghĩa về thời trang giải cấu trúc như là “những sản phẩm may mặc chưa hoàn thiện, dang dở, được tái chế, đường may lộ và thô ráp” theo nghĩa đen. Những trang phục được tháo gỡ, phá hủy trước khi được ráp lại, tái tạo thành một thiết kế mới. Cũng chính vì điều đó mà người Pháp gọi thuyết deconstruction với cái tên Le Destroy – sự phá hủy thời trang.

Những yếu tố làm nên phong cách giải cấu trúc trong thời trang

Bz-deconstruction-fashion-thoi-trang-giai-cau-truc-05

Các thiết kế mang phong cách thời trang giải cấu trúc của nhà thiết kế Rei Kawakubo.

Thời trang giải cấu trúc đôi khi còn bị gọi là phản thời trang (anti-fashion) vì nó đi ngược lại với những gì được xem là quy chuẩn cổ điển. Một vài đặc điểm làm nên thời trang phá kết cấu có thể kể đến:

  • Những đường may lộ ra ngoài, mép thô, gấu váy/quần chưa viền, như trang phục chưa hoàn thiện
  • Trang phục có nhiều đường rách rưới (distressed), trông như sản phẩm cũ kỹ
  • Hoán đổi các bộ phận trong trang phục như: Mặt trong của trang phục được lộn ngược ra ngoài, mặt sau được quay ra đằng trước, cổ áo biến thành thân áo, v.v.
  • Các chi tiết bất đối xứng (asymmetrical)
  • Phong cách phi giới tính (unisex)
Bz-deconstruction-fashion-thoi-trang-giai-cau-truc-maison-martin-margiela-06

Hàng loạt thiết kế mang phong cách thời trang giải cấu trúc của NTK Martin Margiela trong BST Xuân Hè 1999.

Nếu nhìn bằng mắt thường, những trang phục mang phong cách này có thể sẽ trông có chút lộn xộn, không đẹp mắt như tiêu chuẩn của vẻ ngoài thông thường trong thời trang (kể cả trong quá khứ lẫn hiện tại).

“Đó là vì thời trang giải cấu trúc thách thức quan niệm truyền thống quy ước về cái đẹp. Nó phá vỡ sự ổn định vốn có của thời trang bằng thành quả sau cùng: một vẻ đẹp mới lạ, khắc hẳn cái đẹp xưa cũ.” – Alison Gill, tiến sỹ thời trang đang giảng dạy tại trường đại học nước Úc Western Sydney University viết trong một bài nhận xét.

Vì sao chủ nghĩa giải cấu trúc bị xem là phản thời trang (anti-fashion)?

Tại Việt Nam, Cường Đàm với thương hiệu CHATS by C.DAM là NTK thích theo đuổi phong cách giải cấu. Anh dùng cổ áo dài làm túi xách, tạo ra chân váy lộn ngược…

Sự hiểu biết truyền thống về thời trang, chức năng thật sự của phong cách ăn mặc được thể hiện qua phong cách, các loại vải và may đo. Nó đại diện cho địa vị xã hội, định kiến giới, thu nhập và giá trị văn hóa của một người thông qua quần áo họ đang mặc. Nó thể hiện bản sắc và vai trò của hàng may mặc cả trong đời sống cá nhân lẫn xã hội.

Nhưng, liệu sử dụng thời trang làm thước đo địa vị có phải một việc đúng đắn? Khi mà đến cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, phong cách ăn mặc đang vô tình phác thảo ra những khuôn mẫu, những chuẩn mực và những giới hạn mà các nhà thiết kế trang phục phải tuân theo?

BZ-burberry-fashion-show-fw22-women-19

Những thiết kế mang phong cách deconstructionism trong BST Burberry Thu Đông 2022. Áo khoác trench coat biến thành đầm dài và cổ áo khoác đặc trưng được cải biên thành ngực áo. Ảnh: Burberry

Và khi phương pháp giải cấu trúc được ứng dụng vào lĩnh vực thời trang, nó đã tạo ra những cách thể hiện và diễn giải thời trang theo kiểu mới. Phong cách này vượt qua những khuôn mẫu và quan điểm về trang phục thời bấy giờ, đồng thời vượt qua cả những biên giới vô hình.

Thông qua giải cấu trúc, trang phục tạo nên một hiện tượng mới, thể hiện cả sự phản kháng, gây nên sự hỗn loạn cho mô hình quần áo truyền thống. Từ việc tái tạo thiết kế cũ đến việc tạo ra một cách tiếp cận trang phục mới, thời trang giải cấu trúc mang lại một cái nhìn khác về chuẩn mực thời trang – chủ đề vốn đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực và tranh cãi.

Những người tiên phong trong công cuộc “phá vỡ”

Qua phần diễn giải của Harper’s Bazaar, bạn sẽ phần nào nhận ra rằng có nhiều nét tương đồng giữa phong cách deconstruction fashion với những trào lưu thời trang khác như punk hay avant-garde. Punk, khi nhấn mạnh vào những trang phục rách rưới mặc cùng phong cách nổi loạn, có lẽ là ví dụ đầu tiên của thời trang giải kết cấu trong lịch sử. Còn avant-garde, với mong muốn gây sốc, luôn có nhiều yếu tố giải kết cấu.

Do đó, những tên tuổi theo đuổi phong cách giải cấu trúc nổi trội phải kể đến các nhà thiết kế Antwerp 6+1 (Martin Margiela, Van Beirendonck…); làn sóng Nhật Bản như Rei Kawakubo, Yohji Yamamoto; và những tên tuổi đi đầu trào lưu punk như Jean-Paul Gaultier hay Vivienne Westwood. Nhìn vào BST của họ, chúng ta có thể thấy được các kỹ thuật đột phá và hình ảnh của phong cách thời trang giải cấu trúc hiện hữu, nếu xét theo tư tưởng của Derrida.

Margiela và bước đầu của thời trang giải kết cấu

Bz-deconstruction-fashion-thoi-trang-giai-cau-truc-maison-martin-margiela-02

Quá trình Margiela tái sử dụng vớ vào các thiết kế mới. Tài liệu tại Triển lãm Margiela/Galliera 1989 – 2009, diễn ra tại bảo tàng Galliera, Paris. Nguồn: Palais Galliera

Nói về nhà thiết kế người Bỉ Margiela, ông đã mang lại diện mạo mới cho những trang phục cũ. Ông lấy cảm hứng từ lĩnh vực kiến trúc theo chủ nghĩa giải cấu trúc, học tập và áp dụng những kỹ thuật đó vào thiết kế. Ông “chơi đùa” với những bộ quần áo cũ, những phụ kiện, những hiện vật dở dang một cách tự nhiên. Thời trang của Margiela không đòi hỏi một tỷ lệ cơ thể hoàn hảo hay một sản phẩm rõ ràng về giới tính. Ông từ chối các tiêu chuẩn và ranh giới thời trang thông thường, từ đó tạo nên những “bộ mặt” mới của quần áo.

Bz-deconstruction-fashion-thoi-trang-giai-cau-truc-maison-martin-margiela-01

Tài liệu về quá trình thiết kế của Margiela tại Triển lãm Margiela/Galliera 1989 – 2009, diễn ra tại bảo tàng Galliera, Paris. Nguồn: Palais Galliera

Margiela đã làm một trong những điều mà trước đó chưa từng có ai làm: đưa toàn bộ những bí mật ẩn sau trang phục ra ngoài bề mặt. Bằng những đường viền thô, những lớp lót lộ ra ngoài, những bộ quần áo trông như chưa hoàn thiện, các thiết kế của ông làm dậy lên một làn sóng lớn trong ngành thời trang bấy giờ. Vào thời điểm đó, thương hiệu của Margiela xuất hiện như một sự tương phản với thời kỳ hoàng kim của tình dục và sự quyến rũ. Khi mà hàng may mặc đang nhấn mạnh vào hình thể gợi cảm của phụ nữ, càng nhiều càng tốt.

Bz-deconstruction-fashion-thoi-trang-giai-cau-truc-maison-martin-margiela-03

Hai chiếc áo len làm từ vớ quân đội với những đường viền lộ, những phần ráp trông như chưa hoàn thiện, nhấn mạnh phong cách thời trang giải kết cấu mà Margiela theo đuổi. Nguồn: The Museum at FIT

Bz-deconstruction-fashion-thoi-trang-giai-cau-truc-maison-martin-Margiela-Galliera-2

Triển lãm Margiela/Galliera 1989 – 2009, diễn ra tại bảo tàng Galliera, Paris. Nguồn: Palais Galliera

Ảnh hưởng từ phong cách Nhật Bản

Trong khi đó, các BST của Rei Kawakubo và Yohji Yamamoto, hai nhà thiết kế người Nhật, đã khiến Tuần lễ thời trang Paris năm ấy trở thành chủ đề được bàn tán mãi đến tận bây giờ. Khi mà Kawakubo tạo ra những trang phục trông như bị lỗi có chủ đích, chưa hoàn thành, phần viền để nguyên, không có hàng khuy giữa áo hay chiếc váy dáng suông rách rưới. Cô ấy đã rất cố gắng để BST trông thật sự lộn xộn. Quả là một chất punk thực thụ!

Bz-deconstruction-fashion-thoi-trang-giai-cau-truc-Rei-Kawakubo-for-Comme-des-Garcons-18th-Century-Punk-autumn-winter-2016–17

Thiết kế từ BST Comme des Garcons Thu Đông 2016/17 của Rei Kawakubo trưng bày tại triển lãm MMA. Nguồn ảnh: Paolo Roversi

Bz-deconstruction-fashion-thoi-trang-giai-cau-truc-Rei-Kawakubo

Nhà thiết kế Rei Kawakubo và những thiết kế từ BST năm 1981.

Bz-deconstruction-fashion-thoi-trang-giai-cau-truc-Yohji-Yamamoto-ss22

Những thiết kế trong BST Menswear 2022 của Yohji Yamamoto.

Rei Kawakubo và Yohji Yamamoto đã mang góc nhìn của người Nhật tới Tây phương. Với sự thống trị của những gam màu tối, những bộ trang phục dài, chẳng rõ dành cho nam hay nữ đã ảnh hưởng tới một thế hệ thời trang mãi sau này. Họ là những người phá vỡ truyền thống trong thời trang, một phong cách chưa từng tồn tại ở phương tây trước đó.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm