Năm 2019, khi Victoria’s Secret tuyên bố hoãn vô thời hạn show diễn thời trang hàng năm của mình, điều này như thông báo sự kết thúc của một thế hệ các thiên thần.
Kể từ lúc ấy đến bây giờ, Victoria’s Secret đã có một thời gian dài ngủ đông. Dù công ty vẫn vận hành bình thường, nhưng mọi hoạt động quảng cáo hầu như đóng băng.
Năm 2021, Victoria’s Secret đã sẵn sàng hồi sinh. Hãng chính thức chấm dứt mô hình quảng cáo với dàn thiên thần cũ. Thay thế sẽ là những gương mặt đại diện cho nữ quyền, cho người phụ nữ hiện đại.
Những “thiên thần” Victoria’s Secret mới
Các gương mặt mới của hãng, được liệt kê vào nhóm VS Collective, là những người phụ nữ “có tâm, có tầm. Họ luôn mong muốn mang lại một thế giới qua niềm yêu thương và lòng thân ái”. Đó chính là:
Priyanka Chopra, vợ nam ca sỹ Nick Jonas. Cô là một diễn viên, nhà sản xuất điện ảnh và nữ doanh nhân thành công.
Cầu thủ bóng đá Mỹ Megan Rapinoe. Dễ nhận diện bởi mái tóc hồng, cô là một phụ nữ đồng tính và nhà hoạt động xã hội vì sự bình đẳng thu nhập giữa nam và nữ.
Amanda de Cadenet, nhà báo và nhiếp ảnh gia vì quyền bình đẳng giới.
Người mẫu đến từ Sudan, Adut Akech. Thời gian gần đây, Adut Akech đang dần trở thành một biểu tượng mới cho sắc đẹp da màu trong làng thời trang, khi liên tục được giao nhiệm vụ vedette ở nhiều thương hiệu xa xỉ.
Vận động viên trượt tuyết 17 tuổi người Mỹ gốc Trung Quốc Eileen Gu. Cô gái trẻ này cũng vừa trở thành gương mặt toàn cầu cho dòng Tiffany T1 từ Tiffany & Co.
Paloma Elsesser, người mẫu ngoại cỡ.
Và người mẫu Valentina Sampaio, người mẫu chuyển giới đầu tiên của Victoria’s Secret.
Tổ hợp bảy người phụ nữ này không chỉ là gương mặt đại diện của Victoria’s Secret. Họ còn luân phiên tư vấn đường đi nước bước của hội đồng quản trị công ty.
Song song với nhóm VS Collective, Victoria’s Secret cũng sẽ khởi động quỹ từ thiện chống ung thư Global Fund for Women’s Cancer.
Chia sẻ về việc từ bỏ hệ thống thiên thần, tân Tổng giám đốc Victoria’s Secret – ông Martin Waters nói: “Chúng tôi đang bắt đầu một chuyến đi dài để trở thành đơn vị vì phụ nữ hùng mạnh nhất toàn cầu”. Các dự án mới là bước ngoặt thay đổi 180º so với một thương hiệu Victoria’s Secret cũ, ông nhấn mạnh.
Thay đổi mô hình quảng cáo, nhắm đến phụ nữ hơn là nam giới
Từ khi khai sinh năm 1977, Victoria’s Secret đã luôn nhắm đến khách hàng chủ đạo là nam giới. Vốn đây là nơi khách hàng nam có thể cảm thấy thoải mái mua sắm nội y tặng mẹ, chị em gái, bạn gái hay vợ.
Dần dần, nó trở thành một thương hiệu đại diện cho những vui thích phòng the của phái mạnh. Từ đó xuất hiện những mẫu lingerie nâng ngực, toàn ren xuyên thấu. Và đó cũng là tiền đề khai sinh cho các thiên thần Victoria’s Secret, những người có vóc dáng mà những chị em “người trần mắt tục” chẳng bao giờ có thể đạt được.
Năm 1995, khi khai sinh show diễn nội y lớn nhất hành tinh, Victoria’s Secret Fashion Show, thương hiệu nội y này đã định hình phong cách của mình qua duy nhất hai chữ: Gợi cảm (sexy). Tất cả những gì không quyến rũ đều không hợp với hình ảnh thương hiệu. Vì vậy, Victoria’s Secret chưa từng có áo ngực cho mẹ trẻ cần cho con bú, và cũng chưa một lần ăn mừng Ngày của Mẹ.
Dù là một thương hiệu nội y nhắm đến phái nữ, Victoria’s Secret cực kỳ chậm chạp trong việc theo kịp trào lưu nữ quyền trong một thập kỷ trở lại. Đỉnh điểm là vào giai đoạn phong trào #MeToo, khi hãng bị vướng vào lùm xùm với ông trùm tỷ phú ấu dâm Mỹ, Jeffrey Epstein. Hàng loạt thiên thần Victoria’s Secret viết thư dài kể tội những hành động đồi bại của Jeffrey Epstein, khiến hình ảnh của thương hiệu cũng lao đao theo.
Trong lúc Victoria’s Secret chậm chạp giải quyết những vấn đề này, hàng loạt thương hiệu nội y khác đã kịp chiếm lấy thị trường bỏ ngỏ của hãng. Trong đó có thể kể đến Savage x Fenty của Rihanna, Aerie của American Eagle, Third Love…
Bây giờ, Victoria’s Secret thông báo mình đã sẵn sàng thay đổi. Dưới sự điều hành của tân Tổng giám đốc Martin Waters – người vừa được bổ nhiệm vào tháng 02/2021 – cũng như một hội đồng quản trị toàn nữ giới, thương hiệu sẽ được biết đến với việc ủng hộ nữ giới hơn là gò ép họ vào một khuôn mẫu trong mơ của cánh đàn ông.
Các hình ảnh thiên thần Victoria’s Secret trong cửa hàng thương hiệu sẽ dần được thay thế. Nội y sẽ được mở rộng sang các dòng đa năng hơn. Ví dụ cả nội y cho những ngày đèn đỏ, nội y cho mẹ bầu, hay thời trang thể thao.
Dấu chấm hết cho nội y Victoria’s Secret quyến rũ?
Hội đồng quản trị mới của Victoria’s Secret, cũng như dàn VS Collective, phải rất cẩn thận trong việc thay đổi thương hiệu quá đột ngột.
Vốn, công ty này đạt doanh thu 7 tỷ đô-la Mỹ (trước COVID-19) nhờ định vị thương hiệu xoay quanh hai chữ “gợi cảm”. Liệu ngay lập tức loại bỏ hệ thống thiên thần, cũng như những gì quyến rũ, có làm mếch lòng khách hàng Victoria’s Secret hay không? Điều này khó mà nói trước.
Tuy nhiên, tất cả các gương mặt VS Collective đều cho rằng, đã đến lúc phải tái định nghĩa hai từ quyến rũ.
Paloma Elsesser, người mẫu ngoại cỡ, cho rằng trở thành gương mặt đại diện cho Victoria’s Secret sẽ giúp thay đổi suy nghĩ về vẻ đẹp ngoại cỡ (plus size) nhanh chóng hơn. Cô đang thuyết phục hãng thiết kế các sản phẩm lên đến kích cỡ XXXXXL.
Còn Megan Rapinoe, nữ cầu thủ bóng đá tóc hồng, mong muốn truyền tải lăng kính quyến rũ con mắt của người đồng giới. “Tôi hài lòng rằng tôi không chỉ là một gương mặt quảng cáo, mà còn có nhiều nhiệm vụ hơn, ví dụ trong việc phát triển sản phẩm hay sử dụng từ ngữ phù hợp trong những chiến dịch lớn”, cô nói.
Có thể nói, với Victoria’s Secret bây giờ, hai từ quyến rũ sẽ đa diện hơn rất nhiều.
>>> Xem thêm: THỜI TRANG NGOẠI CỠ (PLUS SIZE) VÀ CUỘC CHIẾN CHỐNG KỲ THỊ VÓC DÁNG
Ảnh: Victoria’s Secret. Trích dẫn New York Times, People
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam