Vì sao tên các thương hiệu thời trang càng ngày càng ngắn?

Từ LSEOUL thành LSOUL, Christian Dior thành DIOR và Yves Saint Laurent thành Saint Laurent, vì sao các thương hiệu lại tối giản hoá tên và thay đổi hình ảnh của họ?

Sự thay đổi của Saint Laurent khi Hedi Silmane trở thành giám đốc sáng tạo: Tên thương hiệu bị xóa mất chữ Yves, thêm chữ Paris. Ảnh: ImaxTree và Saint Laurent Paris

Giới mộ điệu vẫn đang thắc mắc sau khi rời Celine, Hedi Silmane sẽ “đập đi xây lại” thương hiệu thời trang nào khác. Từ Saint Laurent tới Celine, Hedi Slimane đã thay đổi hoàn toàn hình ảnh và thay đổi tên gọi của thương hiệu để phù hợp với tầm nhìn của ông. Tuy nhận về không ít những phản ứng tiêu cực nhưng vì sao nhiều thương hiệu lại theo bước của nhà thiết kế này.

Tên càng gọn nhẹ, càng dễ nhớ thì càng thuận lợi cho kinh doanh

Hiện nay, phần lớn việc tìm kiếm và mua sắm thời trang được thực hiện thông qua Internet và mạng xã hội. Do đó, thương hiệu có cái tên quá phức tạp, rườm rà sẽ khó lưu lại trong trí nhớ của khách hàng.

Trong quá khứ, các nhà thiết kế có xu hướng đặt tên thương hiệu theo tên riêng của mình. Christian Dior, Salvatore Ferragamo, Elsa Schiaparelli, Yves Saint Laurent, Garavani Valentino… là một số ví dụ điển hình. Tuy nhiên, sự thật là tên riêng của họ có thể trở nên quá dài dòng và khó nhớ. Vì lẽ đó, theo sự thay đổi của thời gian, rất nhiều cái tên đã được rút gọn.

Cụ thể như thương hiệu Salvatore Ferragamo. Vào năm 2022, thương hiệu đã lược bỏ chữ Salvatore, chỉ còn là Ferragamo, trong công cuộc trẻ hóa thương hiệu. Font chữ cũng trở nên dễ đọc và sạch gọn hơn.

Điều này cũng đã từng diễn ra ở Dior vào thập niên 1990. Tuy tên gọi chính thức và đầy đủ vẫn là Christian Dior, song trong các chiến dịch quảng bá, thương hiệu chủ động sử dụng tên Dior rút ngắn. Chữ Dior dễ đọc, dễ nhớ, dễ viết và giúp thương hiệu dễ tạo ra những câu slogan bắt tai. Ví dụ như cách chơi chữ “J’Adior” kết hợp từ “J’Adore” và “Dior” (tôi yêu thích Dior). Hay các thiết kế Miss Dior hướng đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi hơn.

Áo phông J’ADORE DIOR Thu Đông 2001 và áo măng tô MISS DIOR Thu Đông 2024. Ảnh: ImaxTree

Thay đổi tên để mở ra một đường hướng mới cho thương hiệu

Với nhiều thương hiệu, việc thay đổi cái tên không chỉ nhằm thuận lợi cho việc quảng bá, mà còn đánh dấu cả sự thay đổi trong bộ nhận diện thương hiệu. Sự thay đổi này thường diễn ra khi thương hiệu đón chào một giám đốc sáng tạo mới.

Quay lại với Hedi Slimane. Ông đã nhiều lần thay đổi và đơn giản hóa tên của thương hiệu mà mình hợp tác. Ví dụ, khi đến với Yves Saint Laurent năm 2012, Hedi đã thực hiện một cuộc cải cách lớn, bỏ đi tên của người sáng lập và chỉ giữ lại Saint Laurent. Font của logo cũng được cập nhật. Dòng chữ Yves Saint Laurent bay bổng và thanh thoát được cập nhật với font dày và đậm, cho thấy tinh thần hiện đại cởi mở. Đổi tên và logo thương hiệu, Hedi Slimane đã mang tới phong cách đậm chất rock và grunge, tập trung vào dòng ready-to-wear và xóa sổ dòng thời trang may đo cao cấp.

Sau đó khi hạ cánh ở Céline thì ông xóa dấu sắc trên chữ e, biến tên thương hiệu thành Celine. Céline thì nghe đậm chất Pháp nữ tính và dịu dàng. Trong khi đó Celine mang tầm quốc tế hơn và có sự sắc sảo hơn. Sự thay đổi này là cần thiết, khi Hedi Slimane đã giới thiệu dòng thời trang may mặc sẵn cho nam năm 2019, và có lẽ không quý ông nào muốn chọn trang phục từ một thương hiệu nghe có vẻ nữ tính cả!

VUI VUI: Saint Laurent không phải là sự phá cách chuyên quyền của Hedi Silmane. Năm 1966, khi Yves Saint Laurent mở cửa hàng ready-to-wear đầu tiên ở Paris, ông đã đúng tên và phông chữ này làm biển hiệu cho cửa hàng.

Yves Saint Laurent và cửa hàng ở Rive Gauche (bờ nam sông Seine). Ảnh: Musée Yves Saint Laurent Paris

Nhiều thương hiệu thậm chí còn thay đổi chính tên gọi của mình. Thời gian gần đây, hai thương hiệu Việt được nhiều người yêu mến là Lobbster và LSEOUL cũng đã có động thái tương tự.

Lobbster đổi tên thành Montsand trong công cuộc tiến công thị trường quốc tế. Cái tên Lobbster lúc trước nghe có vẻ nhí nhảnh, không phù hợp với hình tượng kiều diễm, sang trọng mà thương hiệu hướng đến.

Trong khi đó, LSEOUL thì đổi tên lại thành LSOUL vào dịp local brand Việt này mở cửa hàng tại Thái Lan. Cái tên LSEOUL sẽ khiến khách hàng bị nhầm lẫn rằng đây là một thương hiệu Hàn Quốc. Đặc biệt hơn, thương hiệu này đã ba lần đổi tên. Khi mới thành lập, đây chỉ là một trang bán quần áo nhập khẩu mang tên L’JIN. Khi mục tiêu kinh doanh thay đổi, việc thương hiệu đổi tên cũng hợp lý.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm