Năm 2020 bắt đầu với một loạt những nỗi bất an. Dịch cúm corona lan rộng bất thình lình. Thị trường chứng khoán sụt dốc không phanh.
Giữa tình cảnh ấy, chúng ta đang đi tìm về sự thân thương, quen thuộc của những món đồ thời trang gắn liền với tuổi ấu thơ. Chính là những sản phẩm thời trang đậm chất thập niên 1970, 1980 mà chúng ta quen miệng gọi là phong cách vintage hay retro bây giờ.
Cả thế giới đang lục tục mở cửa hậu dịch cúm COVID-19. Và những món đồ phong cách retro, mặt hàng vintage tiếp tục dẫn đầu nhóm mặt hàng bán chạy nhất.
Khi nói đến phong cách retro, chúng ta nghĩ đến những chiếc áo thun bằng vải siêu mềm mại, những chiếc váy cotton thụng, quần jeans sờn rách do đã mặc nhiều năm…
“Khách hàng muốn thứ gì đó tạo cảm giác an toàn và hoài niệm giữa thời kỳ bất ổn. Chúng tôi thấy rằng các khách có xu hướng chọn những mẫu đơn giản, có in hình ảnh hay thiết kế gợi nhớ đến tuổi thơ của họ”, anh Bobby Kim, nhà sáng lập thương hiệu streetwear The Hundreds tại California, Mỹ, nhận xét.
Tất nhiên, một phần nữa cũng vì tình hình giãn cách xã hội.
Khi bị bó chân ở nhà, chúng ta nào có tâm trí mặc đầm dạ tiệc, đi giày cao gót? Hàng loạt người tiêu dùng chuyển sang mua đồ bộ, áo kimono và nội y thoải mái cho những ngày tự cách ly. Những món đồ thời trang retro, mặc định, tạo cảm giác ấm áp cho người dùng và ngay lập tức được ưu tiên trong thời gian vừa qua.
Một loạt nghiên cứu tâm lý cho thấy rằng: cảm giác hoài niệm và những kỷ niệm đẹp giúp não bộ cân bằng cảm giác bồn chồn khi đối mặt với thảm cảnh hay tương lai vô định.
Chẳng vì vậy mà một loạt các thương hiệu, từ bình dân đến cao cấp, đã nhanh tay tung ra những mẫu sản phẩm thời trang mang phong cách retro. Từ Gucci, Louis Vuitton, Coach… họ đã giới thiệu những bộ sưu tập phiên bản giới hạn đậm chất thập niên 1970, 1980. Onitsuka Tiger và Lacoste, cho mùa hè 2020, cũng tung ra các mẫu giày thể thao với những hình ảnh đồ họa mang phong cách xưa cũ.
>>> Xem thêm: GUCCI, LOUIS VUITTON, COACH, MLB ĐƯA THẬP NIÊN 1970 VÀO XU HƯỚNG LOGOMANIA
Bạn đừng cho rằng các thương hiệu hấp tấp, chỉ vì dịch cúm. Các quyết định này đều đến từ những con số đầy sức thuyết phục.
Theo một nghiên cứu thị trường gần đây của công ty tư McKinsey tại Mỹ, chỉ có 49% khách hàng được khảo sát cho rằng họ yên tâm về tình hình tài chính của bản thân. 64% bồn chồn vì không biết tình hình dịch sẽ kéo dài bao lâu (Mỹ vẫn chưa thật sự chấm dứt yêu cầu giãn cách xã hội).
Fila là một minh chứng khác. Thương hiệu thời trang thể thao này đã quay lại mạnh mẽ từ 2016 vì theo sát làn sóng thời trang vintage. Doanh thu tăng 205% chỉ trong hai năm ngắn ngủi. Bây giờ, Fila là một trong những thương hiệu có sức nhận diện mạnh nhất ở nhóm khách hàng trẻ của Mỹ, tuổi từ 18-25.
“Đây không phải lúc để ra mắt những sản phẩm thời trang phù phiếm hay mang thiết kế quá tân thời, vì nó đồng nghĩa với điều gì đó lạ lẫm. Các thương hiệu nên trở lại với phong cách và kiểu dáng đã được ưa chuộng từ nhiều thập niên”.
– Andrew Abeyta, phó giáo sư tâm lý tại đại học Rutgers University –
Ngoài ra, một nghiên cứu khác trong tờ chuyên san Journal of Consumer Research cho thấy, khách hàng mạnh tay chi tiêu hơn khi họ đang có cảm giác hoài niệm, nhung nhớ.
Bằng chứng là những bộ phim live action của Disney, như Aladdin và Cây đèn thần (2019) hay Vua sư tử (2019) đều doanh thu phòng vé toàn cầu cả tỷ đô-la Mỹ, vượt mặt những bộ phim siêu anh hùng của hãng. Vì những phiên bản live action dựa trên những bộ phim hoạt hình thập niên 1990 đã làm nền tảng tuổi thơ cho cả một thế hệ, đậm giá trị hoài niệm.
Thị trường thời trang Việt Nam chắc chắn không ngoại lệ.
Sự linh hoạt của các nhà thiết kế thời trang Việt Nam sẽ cho phép thương hiệu Việt bắt kịp xu hướng này rất nhanh.
Ngoài ra, sự hoài niệm cũng không nhất thiết phải bị giới hạn trong sản phẩm. Mà hình ảnh quảng cáo và thông tin trên mạng xã hội cũng có thể được thiết kế với phong cách retro tương tự.
>>> Xem thêm: XU HƯỚNG THỜI TRANG SẼ THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO HẬU DỊCH CÚM COVID?
Harper’s Bazaar Việt Nam