Xu hướng thời trang sẽ thay đổi như thế nào hậu dịch cúm COVID?

Chắc chắn xu hướng logomania và cách ăn mặc brand tag sẽ biến mất trong thời gian ngắn sắp tới

Những thương hiệu thời trang làm nên sản phẩm tối giản, dễ sử dụng, thiết kế vượt thời trang và ít logo dự kiến sẽ thành công nhất trong chuyện vượt bão COVID-19. Ảnh: Burberry

Những gì các nhà thiết kế đã dày công lên ý tưởng, phác thảo và thiết kế cho năm 2020 gần như bị dẹp bỏ hoàn toàn. Vì dịch cúm corona, chính phủ toàn cầu yêu cầu giãn cách xã hội. Không cần đến quần áo đi tiệc hay giày dép xa hoa mới, trong suốt nhiều tháng qua, các fashionista tập trung mua đồ thoải mái (như quần áo sweats và trang phục athleisure), cũng như ưu tiên gam màu đen cổ điển (theo WWD). Chẳng mấy người còn quan tâm đến xu hướng thời trang 2020 mới.

Nhưng, đây không phải lần đầu tiên cả thế giới đối mặt với nạn dịch và khủng hoảng kinh tế như thế này. Lần cuối cùng nạn dịch trải rộng khắp toàn cầu là dịch cúm Spanish Influenza năm 1918. Mỹ từng có cuộc Đại khủng hoảng vào thập niên 1930. Thế chiến II cũng khiến kinh tế toàn cầu suy thoái tương tự.

Sau những vụ khủng hoảng trong quá khứ, xu hướng thời trang đã thay đổi ra sao? Hãy cùng Harper’s Bazaar dự đoán tương lai của ngành thời trang dựa trên lịch sử.

Xu hướng thời trang 1: Quần áo dễ giặt giũ

20192906 - quan ao dinh dang -1 (7)

Corset dần dần bị nội y thay thế, một phần vì trào lưu giải phóng cơ thể phụ nữ, một phần vì nó dễ giặt hơn và không tốn quá nhiều thời gian giặt tay.

Trước khi nạn dịch toàn cầu năm 1918 diễn ra, người ta vốn không giặt quần áo thường xuyên. Lúc này, máy giặt đã ra đời được khoảng một thập kỷ, nhưng chưa được ưa chuộng lắm. Hầu hết các gia đình vẫn giặt tay là chủ yếu.

Khi dịch cúm Spanish Influenza ùa đến, bỗng nhiên người ta nhận ra việc giặt quần áo thường xuyên rất quan trọng. Đây là khâu quan trọng để loại bỏ virút, vi khuẩn. Nhưng các chị em khốn khó vì khâu giặt tay. Thời gian đâu ra để giặt tay trong khi phải vừa chăm sóc người bệnh, vừa nấu ăn, vừa lau dọn nhà cửa?

Trong tình cảnh này, các loại quần áo khó giặt như corset, đầm xếp pli phức tạp…bị xếp xó. Những trang phục có phom dáng đơn giản, bằng vải cứng cáp và được nhuộm bằng màu khó phai trở nên được ưa chuộng.

NHÌN QUÁ KHỨ ĐOÁN TƯƠNG LAI

Các chất liệu như cotton, lanh (linen), len merino, hay lụa có thể giặt máy sẽ được ưu tiên mua nhiều hơn. Còn các trang phục bị yêu cầu phải giặt hấp hay giặt tay sẽ bị khách hàng bỏ qua vì quá phức tạp trong khâu giặt giũ.

>>> Xem thêm: CÁCH GIẶT TẤT CẢ CÁC CHẤT LIỆU VẢI THÔNG DỤNG, TỪ LỤA, LEN, ĐẾN LINEN VÀ DA THUỘC

Xu hướng thời trang 2: Thời trang không logo

Xu hướng logomania được dự đoán là sẽ biến mất khỏi thị trường trong thời gian ngắn sắp tới

Tờ New York Times với bề dày lịch sử sâu đậm từng có một bài viết nói về thời trang trong giai đoạn Đại khủng hoảng (Great Depression) của thập niên 1930. Bài viết nói lên sự bất an của giới thượng lưu trong việc ăn mặc thời trang loè loẹt.

“Nhiều quý nữ thượng lưu, dù không phải sống kham khổ, vẫn lựa chọn những trang phục đơn giản. Họ cảm thấy ăn mặc xa hoa là vũ nhục những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình”, trích dẫn tờ New York Times.

Cách đây không lâu, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, những chất liệu xa hoa như lông thú và đính kết bị bỏ qua. Không ai muốn khoác lên mình những trang phục bị xem là đắt đỏ trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng.

Và gần đây nhất, tập đoàn Kering sở hữu Gucci vừa công bố kết quả kinh doanh. Doanh số ba tháng đầu năm giảm đến 23.2% (theo số liệu từ Bloomberg). Trong khi đó, tập đoàn LVMH chỉ bị giảm khoảng 10%. Giới đầu tư e ngại rằng những sản phẩm đầy logo GG của Gucci đang bị khách hàng bỏ qua khi không muốn ăn mặc phô trương.

NHÌN QUÁ KHỨ ĐOÁN TƯƠNG LAI

Các món đồ bán chạy trong thời gian tới hẳn là item đơn giản như áo thun, quần jeans, đầm trơn phong cách tối giản (minimalist). Còn những món đồ theo phong cách brand tag hay logomania sẽ được tiết chế lại.

>>> Xem thêm: SẢN PHẨM THỜI TRANG KHÔNG LOGO, MẬT MÃ CỦA GIỚI THƯỢNG LƯU

Xu hướng thời trang 3: Tái chế kiểu upcycle

Emma Watson trong đầm dạ hội của Kitx làm từ vải lụa tơ tằm hữu cơ và viscose tái chế (upcycle). Ảnh: Getty Images

Khi Thế chiến II diễn ra, chính quyền toàn cầu yêu cầu người dân giảm chi tiêu để tăng cường cung cấp nhu yếu phẩm cho tiền tuyến. Trong bối cảnh này, gấu váy của phụ nữ ngày càng ngắn lên để tiết kiệm vải may. Ngoài ra, các chị em còn phải sáng tạo để vừa có đồ mới, vừa không tốn kém. Một loạt các bà nội trợ Mỹ đã dùng…vải bao bố đựng gạo và bột để biến thành váy đầm hay tạp dề!

Marilyn Monroe trong một chiếc đầm được tái chế upcycle từ bao đựng bột mì. Ảnh: Nutshell School

Ngày nay, trong tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế, hàng loạt chị em đã tập cách tự may khẩu trang vải từ chất liệu cũ (mà chúng ta gọi là xu hướng upcycle). Giám đốc sáng tạo Jeremy Scott của nhà mốt Moschino thậm chí còn lên Instagram dạy may mặc.

NHÌN QUÁ KHỨ ĐOÁN TƯƠNG LAI

Các thương hiệu được ưa chuộng sẽ là những thương hiệu tập trung vào trào lưu upcycle. Ví dụ như, giảm giá cho khách hàng nếu họ mang những món đồ thời trang cũ vào để tái chế. Hoặc trả một ít bạc cắc cho những món đồ cũ này. Vừa giúp giảm tải cho môi trường khi không phải sản xuất vật liệu mới, vừa giúp các chị em thanh lọc tủ quần áo, lại đồng thời bán được hàng.

>>> Xem thêm: LEINNÉ KHỞI ĐỘNG CHIẾN DỊCH TÁI CHẾ THỜI TRANG ĐẦY Ý NGHĨA REFINITY

Xu hướng thời trang 4: Slow Fashion

Nhà thiết kế Raf Simons từng rời khỏi Dior vì không chịu nổi áp lực thiết kế nên 6 bộ sưu tập thời trang khác nhau trong năm

Trước cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thập niên 1930, thời trang đã có những cuộc chơi xa hoa phù phiếm. Phái nữ thoát khỏi gông xiềng của corset, thử nghiệm đủ loại trang phục kiểu cách mới mẻ. Ví dụ như menswear và trang phục flapper che giấu mọi đường cong.

Nhưng khi khủng hoảng ập đến, các chị em lại quay trở lại với những trang phục nữ tính, nền nã và cổ điển. Phom dáng cổ điển và vượt thời gian giúp chị em đỡ phung phí, không phải liên tục thay đổi trang phục vì không sợ bị hết mốt.

Qua đến thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp thời trang phát triển đẻ ra hàng tá mùa thời trang. Một thương hiệu xa xỉ phải thực hiện 6 bộ sưu tập thời trang lớn trong năm: Xuân Hè, Pre-Fall, Thu Đông, Resort, và hai mùa cho nam giới. Guồng quay công việc này khiến các giám đốc sáng tạo mệt mỏi.

Giữa bối cảnh dịch cúm corona, một loạt các nhà thiết kế như Donatella Versace, Rick Owens, và Guram Gvasalia của thương hiệu Vetements đều tỏ ý muốn ngành thời trang hãy chậm lại. Slow fashion là từ khóa mới.

NHÌN QUÁ KHỨ ĐOÁN TƯƠNG LAI

Các mùa thời trang sẽ được tinh giản. Các loại best-seller sẽ không còn chạy theo xu hướng thời trang mới. Mà nó sẽ được thiết kế để có thể mặc quanh năm. Ví dụ, đầm cotton mùa hè sẽ được phối với áo khoác layer cho mùa thu, chẳng hạn.

Xu hướng thời trang 5: Điện ảnh vẫn xa hoa

Một thuớc ảnh của Greta Garbo trong phim Romance (1930) đã được tô màu lại. Ảnh: Imgur

Dù thắt lưng buộc bụng thì các chị em vẫn có quyền mơ ước. Không thể chi tiêu nhiều cho bản thân thì ngắm người khác mặc đẹp vậy.

Trong khủng hoảng của thập niên 1930, nhà nhà người người lũ lượt kéo nhau đến rạp chiếu phim. Tuy nền kinh tế ảm đạm, nhưng những thước phim được yêu thích nhất thời bấy giờ lại đầy rẫy ngọc ngà châu báu, lụa là và lông thú. Đầm dạ tiệc xa hoa vẫn được trưng dụng.

NHÌN QUÁ KHỨ ĐOÁN TƯƠNG LAI

Nếu các nhà thiết kế thời trang có một lĩnh vực để bành trướng, đó sẽ là thời trang điện ảnh. Sự ra đời của những trình duyệt xem phim qua mạng như Netflix, Disney+, Viki, iQiyi… mở rộng lượng phim đến tay người xem. Đồng thời cần nhiều các sản phẩm và phụ kiện thời trang hơn bao giờ hết, cho dù là thời trang hiện đại hay cổ trang.

>>> Xem thêm: THỜI TRANG ĐIỆN ẢNH: PHIM ẢNH ĐÃ THAY ĐỔI CÁCH CHÚNG TA ĂN MẶC NHƯ THẾ NÀO?

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm