
Chaewon có thể xem là một nepo baby khi mẹ cô là ca sĩ Lee Ran Hee. Tuy nhiên, chiếc bóng của mẹ không phủ lên toàn bộ sự nghiệp của cô trong làng giải trí. Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao cư dân mạng Hàn không quá đặt nặng danh xưng này? Ảnh: @_chaechae_1
Làng giải trí Hollywood ở Hoa Kỳ có những gia đình nổi tiếng với truyền thống nghệ thuật cha truyền con nối. Vài ví dụ nổi bật là gia tộc diễn viên Barrymore (John Drew Barrymore, Drew Barrymore), gia tộc các nhà làm phim/diễn viên Coppola (Francis Ford Coppola, Sofia Coppola, Jason Schwartzman, Nicolas Cage). Họ có sức ảnh hưởng đến ngành dàn trải nhiều thế hệ với những đứa con nối nghiệp cha mẹ từ sớm.
Không nhất thiết phải từ một gia đình có sức ảnh hưởng, chỉ cần cha mẹ là người nổi tiếng, nhiều thế hệ F2 đã có một con đường trải thảm để bước vào làng giải trí.
Maude Apatow bắt đầu sự nghiệp diễn xuất năm 7 tuổi trong phim của cha là đạo diễn Judd Apatow. Phim đầu tay của Blake Lively là Sandman (1998) của đạo diễn Ernie Lively – cha cô. Blue Ivy Carter nhận giải Grammy năm 2019 và debut với vai trò diễn viên lồng tiếng trong bom tấn Mufasa: The Lion King (2024) với “tệp đính kèm” là mẹ Beyoncé – diễn viên lồng tiếng của phần trước The Lion King (2019).

Beyoncé cùng con gái Blue Ivy và dàn vũ công tại Beyoncé Bowl.
Danh xưng thường gắn liền những nghệ sĩ như vậy là nepo baby (nepotism baby hay những đứa trẻ được thiên vị), nhưng đây không phải là cụm từ để khen ngợi những đứa con thừa hưởng nhan sắc, tài năng hay lửa nghề của cha mẹ, mà mang một thái độ mỉa mai, chỉ trích những cậu ấm cô chiêu không thực tài trong làng giải trí nhưng vẫn được trao nhiều cơ hội nhờ danh tiếng của gia đình.
Không thể quên được cuộc chiến năm 2022 giữa người mẫu tự lực Vittoria Ceretti với Lily Rose-Depp, con gái Johnny Depp, với phần lớn dư luận đồng tình với Vittoria, chỉ trích Lily vì những quyền lợi cô nhận được trong làng mẫu nhờ cha mẹ.

Lily-Rose Depp có vị trí quan trọng trong show diễn của Chanel bất chấp chiều cao không đạt chuẩn. Mẹ cô, Vanessa Paradis, vốn hợp tác với thương hiệu rất nhiều lần. Ảnh: Getty
Cụm từ này đang ngày một sử dụng thoáng hơn, không nhất thiết phải con theo đúng nghề nghiệp của cha mẹ, mà chỉ cần cha mẹ có sức ảnh hưởng như một chính trị gia hay doanh nhân nổi tiếng, sở hữu tài sản khổng lồ, thì con cái của cũng có thể được gọi là nepo baby.
Song, ở trung tâm văn hóa phương Đông – Hàn Quốc, cụm từ này lại không phổ biến, những câu chuyện về những đứa con sinh ra từ vạch đích ít được khai thác và những nepo baby thành công lại càng hiếm gặp. Jeon Bo Ram, cựu thành viên T-ara, là cháu của diễn viên Chungmuro (tạm hiểu là Hollywood của Hàn Quốc) Hwang Hae và Baek Seol Hee, con gái của danh ca Jeon Young Rook, nhưng cô lại có một sự nghiệp ca hát không mấy nổi bật. Sunny (Girls’ Generation), dù là cháu của nhà sáng lập SM Entertainment, cũng không phải là thành viên được quảng bá nhiều nhất Girls’ Generation.
Điều gì đã làm nên sự khác biệt này?

Jeon Bo Ram đến từ một gia đình ba thế hệ nghệ sĩ, nhưng sự nghiệp của cô không hề nổi bật, chứng tỏ vị thế không phải là sức bật cho Bo Ram trong mắt khán giả như nhiều trường hợp tại làng giải trí Âu Mỹ. Ảnh: @boram_0322
Tại Hàn, các Nepo Baby lại là người kéo danh tiếng cho cha mẹ
Khi các đầu báo phương Tây thường có những bài viết gắn tên con cái với cha mẹ để nghệ sĩ trẻ nổi bật hơn, thì điều này lại ngược lại ở Hàn Quốc.
Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc thế hệ người hâm mộ trẻ trong quốc gia này đóng góp rất nhiều trong việc lan toả danh tiếng của nghệ sĩ. Đặc điểm của thế hệ này là ủng hộ nhiệt liệt cho các tài năng hiện tại, thông thường là trong độ tuổi tiệm cận với họ và luôn yêu thích những điều mới. Vậy nên giai đoạn hoàng kim của một nghệ sĩ thường khá ngắn. Chẳng hạn với các nhóm nhạc nữ, họ có cụm từ gọi là “lời nguyền 7 năm” – ý muốn nói là nhóm nữ thường sẽ tan rã sau 7 năm vì lúc này danh tiếng của họ đã sụt giảm nhiều.
Vậy nên, xét về đòn bẩy tên tuổi, tệp fan mà một diễn viên trẻ hay thần tượng nhắm đến chắc chắn không có nhiều điểm chung với cha mẹ họ, người có thể đã dừng hoạt động từ khoảng 5-10 năm trước đó. Những chiến lược truyền thông khác, chẳng hạn như hậu bối của một nhóm nhạc hay diễn viên nào đó đang ở đỉnh cao sự nghiệp, tên của một công ty lớn trong ngành… lại có giá trị hơn.

Khi Choo Young Woo nổi tiếng, khán giả mới bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến gia đình của anh. Ảnh: ZAPZEE

Thông thường, các nghệ sĩ không đi sự kiện cùng cha mẹ, mà họ thường nhắc đến gia đình qua show tạp kỹ để giải đáp sự hiếu kỳ của khán giả. Ảnh: Hong Seok Cheon Jewelry Box
Thông tin về gia thế thường chỉ được đào sâu thông qua những chia sẻ hậu trường về nghệ sĩ, là một cách để fan khám phá thêm về người mà họ yêu thích. Chẳng hạn, Choo Young Woo – diễn viên sinh năm 1999 vừa nhận đề cử Baeksang 2025 cho vai diễn trong Chuyện nàng Ok (Tale of Lady Ok) – có cha từng là người mẫu đình đám thập niên 1990, nhưng chỉ khi Young Woo gây chú ý nhờ các dự án lớn, người ta mới bắt đầu bàn luận về gia đình anh và biết được việc này.
Văn hoá đề cao sự tự lực ở Hàn Quốc khiến cái mác “nepo baby” không phải lợi thế

Yoon Sang (trái) và Anton (RIIZE) (phải). Ảnh: tvN
Trong làng giải trí phương Tây, dù các nepo baby vấp phải không ít chỉ trích, nhưng họ cũng có một lượng theo dõi không nhỏ thu được từ vị thế đặc biệt của mình, thậm chí, được o bế bởi không ít các nhãn hàng. Nhưng với sao Hàn, mỗi khi bị nghi ngờ là nepo baby, họ dường như không nhận được bất kỳ lợi ích nào trong lòng khán giả hay giới chuyên môn.
Anton (RIIZE) và cha Yoon Sang là mối quan hệ gia đình nghệ sĩ được biết đến khá rộng rãi trong làng giải trí Hàn. Việc có người cha thành danh khiến nhiều tin đồn xoay quanh con đường gia nhập ngành của Anton. Chính Yoon Sang từng lên tiếng về vấn đề này khi xuất hiện trên chương trình You Quiz On The Block của Yoo Jae Suk vào đầu năm 2024:
“Mỗi khi tôi nghe tin đồn rằng mình đã giúp Anton gia nhập SM Entertainment, tôi nghĩ những người nói vậy không thực sự hiểu cách ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc vận hành.”

Anton (ngoài cùng bên trái) hoạt động trong RIIZE. Ảnh: @riize_official
Ở Hàn Quốc, trước nhất, nghệ sĩ vẫn rất kín kẽ về đời tư. Tiếp theo đó, đất nước này có văn hóa đề cao sự nỗ lực cá nhân, và hầu hết nghệ sĩ, dù là diễn viên hay thần tượng, đều phải trải qua quá trình tuyển chọn khắt khe, từ casting công khai đến các chương trình sống còn. Các thần tượng thường hoạt động theo nhóm, rèn luyện tinh thần tập thể qua quá trình đào tạo nghiêm ngặt – đây cũng là lý do khiến nhiều thực tập sinh từ bỏ dù có lợi thế ban đầu. Anton, dù có cha là người nổi tiếng, vẫn phải trải qua quá trình đào tạo kéo dài 2-3 năm thay vì được “đi đường tắt” để ra mắt.
Hai cô con gái của nữ diễn viên Kyeon Mi Ri – Lee Yu Bi và Lee Da In – dù có mẹ nổi tiếng nhưng vẫn phải từng bước xây dựng sự nghiệp diễn xuất. Việc họ không có quá nhiều tác phẩm đình đám cho thấy xuất thân không đảm bảo thành công. Khi nhắc đến họ, truyền thông chủ yếu tập trung vào khả năng diễn xuất và các dự án, thay vì danh tiếng gia đình.

Từ trái sang: Lee Da In – Kyeon Mi Ri – Lee Yu Bi. Ảnh: Twitter/X
Kết quả là việc công khai xuất thân giàu có hay có người thân nổi tiếng không phải lợi thế cho nghệ sĩ trong mắt công chúng Hàn vì điều này đi ngược lại với văn hoá đề cao sự tự thân.
Khác với phương Tây, nơi các ngôi sao như Kate Moss và con gái Lila Moss thường cùng xuất hiện trên bìa tạp chí hay sàn diễn thời trang, hoặc Monica Bellucci thường đưa con gái Deva Cassel đến các sự kiện lớn, thì ở Hàn Quốc, các nghệ sĩ Hàn né tránh gắn tên tuổi của mình với tên tuổi của gia đình. Những dự án hợp tác giữa nghệ sĩ và cha mẹ nổi tiếng gần như không tồn tại. Nếu có xuất hiện cùng nhau, họ thường chọn các chương trình thực tế hoặc phỏng vấn nhỏ, thay vì cùng tham gia vào một dự án âm nhạc hay điện ảnh nghiêm túc.
Trong một số trường hợp, việc xuất thân danh giá thậm chí còn trở thành gánh nặng. Cha Joo Young, một nữ diễn viên có gia thế giàu có, bị xem là “người ngoài cuộc” trong ngành. Nhiều ý kiến cho rằng cô chỉ coi diễn xuất là một nghề tay trái, có thể từ bỏ bất cứ lúc nào để trở về với gia đình. Chính định kiến này khiến cô càng nỗ lực làm việc để thoát khỏi cái mác “ngậm thìa vàng” và khẳng định thực lực.
>>> ĐỌC TIẾP: CHA JOO YOUNG SỞ HỮU GU THẨM MỸ QUIET LUXURY ĐÁNG HỌC HỎI

Cha Joo Young trong tập 281 của You Quiz On The Block, chia sẻ về gia cảnh của mình, đồng thời phá tan tin đồn về gia đình tài phiệt đã giúp cô có một sự nghiệp dễ dàng và nhiều quyền lợi hơn. Ảnh: tvN
Khi có sự vụ bóc mẽ sự ưu ái mà một nghệ sĩ nhận được khi là nepo baby, vết nhơ đó rất dễ dàng khiến họ rời khỏi ngành giải trí. Một trong những scandal lớn liên quan đến nepo baby tại Hàn xảy ra với bộ Princess Aurora (2013).
Bộ phim này có nhiều tình tiết phát triển khá vô lý như chuyện nhân vật đột ngột đi nước ngoài và không bao giờ xuất hiện trở lại. Có tổng cộng 12 nhân vật trong phim biến mất theo cách đó, và khi càng đào sâu hơn, khán giả và truyền thông nhận ra rằng biên kịch Im Sung Han làm vậy để tăng thời lượng cho nhân vật của diễn viên Baek Ok Dam, cháu gái của cô.

Baek Ok Dam. Ảnh: HanCinema
Từ một diễn viên được đặt biệt danh “Thang Duy Hàn Quốc”, Baek Ok Dam lại trở thành diễn viên không thể dứt tên tuổi mình khỏi biên kịch Im Sung Han, dù diễn xuất của cô The Virtual Bride (2015) nhận được nhiều lời khen. Cô dừng sự nghiệp cùng lúc với Im Sung Han vào năm 2015. Khi Im Sung Han tái xuất vào năm 2021, Baek Ok Dam cũng được khán giả cho là sẽ tái xuất, nhưng chuyện này đã không xảy ra.
Với những nepo baby Hàn Quốc có cha mẹ làm doanh nhân hay chính trị gia, con đường lấn sân nghệ thuật của họ còn trắc trở hơn hẳn

Lee Yi Kyung có cha là chủ tịch LG Inotek. Ảnh: Screening ENT
Tại làng giải trí Hàn, với nghệ sĩ có cha mẹ thuộc giới chính trị hoặc kinh doanh, làm nghệ thuật tại châu Á vốn không phải nghề nghiệp được thế hệ ông cha đánh giá cao – chí ít là tính cho đến hiện tại. Lee Yi Kyung, chàng diễn viên đang ngày một gây dựng tên tuổi và thiện cảm với khán giả qua các vai diễn hài hước, là con trai của Lee Woong Beom, chủ tịch LG Innotek. Cha không giúp đỡ Lee Yi Kyung nhiều về mặt tài chính. Anh từng chia sẻ:
“Tôi phải tự lo tiền học diễn xuất, vì gia đình không hỗ trợ tài chính cho tôi. Mỗi sáng sớm, tôi chạy xe scooter đến trung tâm Anh ngữ YBM Gangnam để làm việc. Mọi người đi làm đều điểm danh bằng vân tay để được chính phủ hoàn trả học phí, và tôi chịu trách nhiệm kiểm tra dấu vân tay cũng như photo tài liệu. Sau đó, tôi quay lại Gangbuk để học diễn xuất, rồi buổi tối đi phục vụ ca đêm tại một quán cà phê ở ga Gangnam. Chỉ về nhà chợp mắt một chút rồi lại tiếp tục công việc vào sáng sớm hôm sau.”
Lee Yi Kyung gia nhập làng phim từ 2011, thông tin về gia thế của anh được tiết lộ năm 2015, nhưng cũng phải nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ suốt 3 năm tiếp theo mà chàng trai này mới có được vai diễn đầu tiên trong Welcome to Waikiki (2018).

Cha Joo Young. Ảnh: @jooyoungthej
Tương tự, Cha Joo Young vốn đã luôn có đời sống cá nhân được truyền tai bởi nhiều khán giả, rằng cô là con gái của một gia đình giàu sụ, có truyền thống làm trong ngành tài chính. Nhưng đây không phải là điều thuận lợi mà cản trở với cô. Cha của Joo Young nghiêm khắc và khiến cô gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu sự nghiệp, đến mức yêu cầu cô hủy vai diễn trong Cheese In The Trap (2016) và ông sẽ đền hợp đồng.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
CHOO YOUNG WOO: NEPO BABY THỰC LỰC CỦA MÀN ẢNH NHỎ XỨ HÀN
CHA JOO YOUNG, NỮ DIỄN VIÊN XUẤT THÂN THƯỢNG LƯU XỨ HÀN
Harper’s Bazaar Việt Nam