Vì sao các thương hiệu thời trang ngừng kinh doanh tại Nga?

Hàng loạt các thương hiệu thời trang như LVMH, Chanel, Louis Vuitton, Gucci, Hermès, Prada,... đình chỉ hoạt động tại Nga

Chanel là một trong những thương hiệu đã ngừng kinh doanh tại Nga. Ảnh: Getty Images/Harper’s Bazaar Mỹ

Đầu năm 2022, tưởng như thế giới sẽ bước vào kỷ nguyên phục hồi hoàng kim hậu hai năm đại dịch – nhưng rồi chiến tranh giữa Nga và Ukraine đánh tan mọi hy vọng này. Trước tình hình chiến sự hạ hồi phân giải, hàng loạt thương hiệu thời trang đã quyết định sẽ ngừng hoạt động tại Nga.

Những đơn vị đình chỉ kinh doanh do chiến tranh Nga – Ukraine

Theo Harper’s Bazaar ghi nhận, các công ty thời trang xa xỉ bao gồm Louis Vuitton, Gucci, Hermès, Prada, Chanel… lần lượt tuyên bố tạm dừng giao dịch thương mại tại Nga. Tuy nhiên, dù đóng cửa thì tập đoàn LVMH cho biết sẽ vẫn tiếp tục trả lương cho nhân viên của họ. Tính đến nay thì tập đoàn LVMH có đến 120 cửa hàng và 3500 nhân viên tại Nga.

Các công ty chuyên kinh doanh hàng thời trang xa xỉ qua kênh thương mại điện tử là Net-A-Porter và Farfetch cũng đã ngừng shipping sản phẩm đến Nga.

Tập đoàn Richemont đã thông báo ngừng hoạt động ở Nga vào ngày 3 tháng 3. Tập đoàn này sở hữu các thương hiệu như Cartier, Jaeger-Le Coultre, Montblanc, Piaget, Vacheron Constantin, Van Cleef & Arpels… Trên LinkedIn, tập đoàn Richemont cho biết đã quyên góp từ thiện cho Hiệp hội Bác sỹ Không Biên giới (Médecins Sans Frontières) để giúp đỡ cho các cư dân tị nạn người Ukraine.

Trên LinkedIn, các thương hiệu thời trang thể thao như Nike, Puma, Under Armour cũng theo chân các thương hiệu xa xỉ trên ra thông báo dừng kinh doanh tại đất nước này.

Lý do các hãng thời trang ngừng hoạt động tại Nga

Burberry cho biết ngừng vận hành vì không thể vận chuyển sản phẩm đến Nga. Ảnh: Burberry

Một số hãng thời trang muốn chứng tỏ không ủng hộ chiến tranh khi ngừng kinh doanh tại Nga. Ví dụ như Adidas.

Chia sẻ cùng Reuters, Adidas cho biết sẽ đình chỉ hoạt động không chỉ 500 cửa hàng mà cả trang web mua sắm trực tuyến tại Nga cho đến khi có thông báo mới. Hãng thời trang này cũng đã dừng quan hệ đối tác với Liên đoàn bóng đá Nga sau khi chiến tranh nổ ra. Quyết định của Adidas được thông báo sau khi các liên đoàn bóng đá FIFA và UEFA tuyên bố cấm các đội tuyển Nga không được thi đấu.

“Với tư cách là một công ty, chúng tôi lên án mọi hình thức bạo lực. Chúng tôi muốn thể hiện sự đoàn kết với những người kêu gọi hòa bình,” một phát ngôn viên của Adidas chia sẻ.

Một số đơn vị khác, trong đó có Burberry, lại cho biết không thể tiếp tục kinh doanh do không có cách nào vận chuyển hàng đến Nga, do nhiều công ty vận tải như Fedex và DHL đã ngừng hoạt động. Các cửa hàng đã rỗng hàng trước tình trạng mua sắm điên cuồng của khách hàng.

Trước khi các cửa hàng xa xỉ đóng cửa, giới thượng lưu Nga đã tăng cường mua sắm các vật phẩm đắt giá như một cách bảo vệ khối lượng tài sản ròng. Trước tình trạng đồng ruble của Nga mất giá vì trừng phạt kinh tế từ các quốc gia phương Tây, trang sức và đồng hồ cao cấp được xem là khoản đầu tư an toàn nhất, không bị mất giá tương tự.

Trong khi đó, nhiều khách hàng trung lưu lại mong muốn gom góp mua được chiếc túi xách yêu thích trước khi nó trở nên quá đắt đỏ, vượt khỏi tầm tay. Theo giám đốc cửa hàng Gucci tại Trung tâm thương mại Tsum của Moscow, “Lượng khách hàng mua sắm đã tăng gấp 3 (trước khi cửa hàng đình chỉ hoạt động). Tất cả mọi người đều biết giá sẽ tiếp tục tăng, và họ muốn mua càng nhiều càng tốt trước khi không có cơ hội nữa”.

Việc kinh doanh tại Nga trong thời điểm này cũng không có lợi về mặt dòng tiền. Do bị trừng phạt kinh tế, đồng ruble ngày càng mất giá. Việc lưu trữ đồng ruble trong thời gian này không có lợi. Trong khi đó, các thương hiệu lại không thể chuyển lượng tiền này ra nước ngoài hay chuyển đổi nó thành một thứ tiền tệ khác, do Nga đã bị cắt khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế.

Riêng Uniqlo đi ngược dòng dư luận

Uniqlo sẽ không ngừng kinh doanh tại Nga. Ảnh: Uniqlo

Các hãng thời trang nhanh và thời trang trung cấp cũng theo chân các hãng thời trang xa xỉ trong việc ngừng kinh doanh tại Nga. Tuy nhiên, còn trụ lại đến thời điểm này lại là Fast Retailing, công ty Nhật Bản sở hữu thương hiệu Uniqlo.

Chống lại sức ép từ các quốc gia phương Tây, ông Tadashi Yanai, Tổng giám đốc tập đoàn Fast Retailing, cho biết sẽ tiếp tục vận hành 50 địa điểm ở Nga. “Trang phục là một phần cốt yếu của cuộc sống. Người Nga cũng có quyền ăn mặc và sinh sống như tất cả chúng ta”.

Nikkei ghi nhận, song song với việc tiếp tục kinh doanh tại Nga, Uniqlo cũng sẽ hỗ trợ dân tị nạn Ukraine. Cụ thể, hãng thời trang Nhật quyên góp 10 triệu đô-la Mỹ đến Liên hiệp quốc, và gửi 200.000 kiện quần áo đến các trại tị nạn ở Ba Lan thông qua Liên hiệp quốc.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm