Toong là một chuỗi không gian làm việc cho người hiện đại do Dương Đỗ sáng lập. Đặc biệt, cơ sở Toong Coworking Space trên đường Phạm Ngọc Thạch tại TP. Hồ Chí Minh là một công trình mang tính lịch sử. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ tài hoa đã thiết kế nên không gian này. Ông cũng là tác giả của công trình Dinh Độc Lập, chợ Đà Lạt và Viện đại học Huế.
Ba nghệ sỹ Andy Cao, Trần Nguyễn Ưu Đàm và diễn viên – nghệ sỹ Trần Nữ Yên Khê đã mang các tác phẩm sắp đặt của họ đến ba cơ sở của Toong. Cả ba đều là những nghệ sỹ gốc Việt thành danh ở thị trường quốc tế. Hợp tác với GốcCreation, các nghệ sỹ đã trưng bày tác phẩm tại không gian triển lãm nhỏ và siêu nhỏ, thuộc những cơ sở Toong khác nhau. Đó là Toong Nha Trang, Toong Phạm Ngọc Thạch và Toong Vista Verde ở quận 2, Thủ Đức. Bên cạnh đó, tác phẩm REFLEXION của nghệ sỹ điêu khắc người Pháp Barnavon Laurent cũng đang được trưng bày tại Toong. Bạn có thể thưởng lãm REFLEXION ở số 126 Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là sự kết hợp đầu tiên giữa nghệ thuật sắp đặt cố định và một môi trường làm việc ở Việt Nam. Các tác phẩm sẽ được đặt vĩnh viễn tại các cơ sở của Toong. Nghệ thuật sẽ mang lại nguồn năng lượng mới, đồng thời nâng cao thẩm mỹ của giới văn phòng.
Quả biển, tác phẩm kỳ ảo của nghệ sỹ cảnh quan Andy Cao
Andy Cao là một nghệ sỹ cảnh quan. Anh được biết đến với những công trình nghệ thuật thú vị. Ví dụ như Mây Pha Lê (Crystal Cloud) cho hãng kim hoàn Swarovski Crystal World rộng 1,400 mét vuông ở Áo. Hay vườn cây nhà kính Glass Garden ở Los Angeles, Mỹ. Không chỉ tỉ mỉ, công phu, các tác phẩm còn mở ra thế giới kỳ ảo của trí tưởng tượng. Andy Cao thường mất một vài năm để hoàn thành xong một công trình.
Andy Cao trưng bày tác phẩm nghệ thuật sắp đặt Quả biển ở Toong Nha Trang. Trải qua thời thơ ấu trên những bãi cát tại đây, Andy Cao tạo ra tác phẩm từ những ký ức riêng tư. Quả biển được trưng bày tại quầy lễ tân. Những ô cửa kính rộng lớn hướng tầm nhìn phóng khoáng ra thành phố biển hoa lệ.
Andy Cao chia sẻ: “Đây là cơ hội – mối nhân duyên bất ngờ để tôi tái kết nối với Việt Nam sau quãng thời gian dài sáng tác trên trường quốc tế. Quả biển là một tác phẩm mang tính thể nghiệm. Tôi có ý định sẽ tiếp tục phát triển ý tưởng này từ 5 đến 10 năm nữa”.
Thở của nghệ sỹ thị giác Trần Nguyễn Ưu Đàm
Bên cạnh đó, nghệ sỹ thị giác Trần Nguyễn Ưu Đàm cũng có tác phẩm được triển lãm tại Toong Vista Verde ở quận 2, TP. Thủ Đức. Nghệ sỹ Ưu Đàm được biết đến với những tác phẩm táo bạo xuyên không gian. Ví dụ như Serpents’ Tails, tạo thành từ hàng trăm chiếc xe gắn máy được sắp đặt trên 42 tầng lầu. Mới đây, anh tham gia dự án ECO-ĐI, thuộc chương trình Vietnam Designer Week 2020.
Nghệ sỹ mang đến không gian làm việc Toong tác phẩm sắp đặt Thở. Được hình thành từ những chiếc túi nylon nhiều màu sắc, Thở nhấn mạnh vấn đề rác thải nhựa. Sự phồng xẹp nhịp nhàng như hơi thở của nylon giải thích cho tên tác phẩm. Nghệ sỹ Ưu Đàm chia sẻ, nhựa là một phát minh vĩ đại. Do đó, con người nên tôn trọng và sử dụng cẩn thận thay vì kết tội nhựa.
Vortex, Living Water của Trần Nữ Yên Khê
Trần Nữ Yên Khê là một nghệ sỹ đương đại hiện đang sống tại Pháp. Cùng với các cộng sự ở Ykonic Creation, cô mang đến không gian làm việc chung Toong Phạm Ngọc Thạch tác phẩm Vortex, Living Water. Công trình nghệ thuật gây ấn tượng với chiều cao 17m. Lõi thang kết nối 5 tầng lầu của tòa nhà Toong Coworking Space. Tác phẩm thể hiện dòng nước được vật chất hóa bằng nhựa thu hồi từ chai nước khoáng.
Vortex, Living Water còn là lời mời gọi đầy hấp dẫn. Tác phẩm đưa người xem vào khám phá tòa nhà lịch sử nhiều bí ẩn. Nghệ sỹ Yên Khê chia sẻ, việc triển lãm các tác phẩm thể hiện sự chuyển mình và tiếp nối trong sáng tạo nghệ thuật. Mặt khác, tháp nước tại Hồ Con Rùa do người Pháp xây dựng năm 1878 là để cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng. Nhưng ngày nay tháp nước này không còn hoạt động nữa.
Lấy cảm hứng từ đó, nghệ sỹ Yên Khê lựa chọn nước và nhựa để tạo thành tác phẩm Vortex, Living Water. Hiện tượng xoáy nước (vortex phenomenon) và khái niệm sự sống của nước, do nhà tự nhiên học người Áo Viktor Shcauberger phát hiện, cũng là nguồn cảm hứng của cô.
>>> Xem thêm: DỰ ÁN ÂM – THANH SẮC – MÀU: BỮA TIỆC PHỐI HỢP NGHỆ THUẬT TÂY TA TỪ NGHỆ SỸ GỐC VIỆT CYRIL KONGO
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam