NHẬT KÝ SỬA MŨI: 8 LƯU Ý KHI PHẪU THUẬT NÂNG MŨI S-LINE

Mũi cao giúp gương mặt bạn thanh tú hơn. Mũi Á thành mũi Âu giờ đây không khó, nhưng nếu muốn đẹp và an toàn, cùng Bazaar trải nghiệm những chia sẽ kinh nghiệm sau.

Gửi bạn hiền yêu dấu!

Hôm qua, bạn hỏi mình: “Nâng mũi ở đâu mà đẹp thế? Mình muốn đi cải thiện nhan sắc, chỉ chỗ đi. Mình sợ gặp bác sỹ “hàng chợ” lắm. Đang ở bữa tiệc lại lôi chuyện mổ xẻ ra thấy không tiện nên tối về mới lạch cạch kể cho bạn nghe đây! Mình đã làm gì cái mũi của mình nhỉ? Nhớ xem nào, ít nhất mình cũng bắt nó lên thớt 3 lần cơ đấy!

Nâng mũi lần thứ nhất

Bạn biết không, cách đây hơn 10 năm, mình đi nâng mũi chỉ vì… buồn hậu ly hôn. Lúc ấy, thẩm mỹ viện nào cũng dùng phương pháp truyền thống là đặt silicone dẻo để nâng cao mũi, chưa có nâng mũi bằng filler, bằng chỉ, nâng mũi S-line… nhiều như bây giờ. Bác sỹ tư vấn bảo: “Chỉ 10 phút biến mũi Á thành mũi Âu, có thể đi làm lại ngay” nên mình lên “thớt” tự tin lắm.

Đúng như bác sỹ nói, ngoài việc khám, xét nghiệm, tất cả các khâu chính thức chỉ diễn ra khoảng 10 phút bạn ạ. Chúng bao gồm việc gây tê tại chỗ, rồi rạch một đường nhỏ dọc theo bờ lỗ mũi phía bên trong lỗ mũi và đặt thanh silicone dẻo, trắng đã được cắt gọn cho vừa vặn lên trên xương mũi, kéo dài từ chân mày xuống tận đầu mũi.

Sau khi nâng xong, mình soi gương thấy mũi cao hẳn. Mũi cao nhìn mặt cũng sáng sủa và đẹp hơn. Mình liều lĩnh tự đi xe máy về nhà mà chẳng thấy đau. Con trai nhìn thấy mẹ băng bó ở mũi, khóc ré lên: “Mẹ bị làm sao thế?”. Thương con quá nhưng mình chẳng nói to được. Cái “đài phát thanh” như bị đông đá, cứng lại và đau nhức. Hình như thuốc tê hết rồi!

Đêm đầu tiên, mình không thể chợp mắt được khi nằm ngửa. Thức dậy, cái mặt phát phì tưởng như bác sỹ đã lỡ tay chích thêm vài xi-lanh botox để căng da mặt vậy!!! Rồi cảm giác đau nhức giảm dần, mình dán băng keo cá nhân lên mũi, đeo khẩu trang y tế và đi làm bình thường. Đến ngày thứ 3, mình chẳng đụng đến thuốc giảm đau, dù vẫn còn 2 ngày nữa. Có lẽ so với việc thêu chân mày, nâng mũi nhẹ nhàng hơn nhiều!

Chỉnh sửa mũi có thể mang lại cho bạn sự tự tin

Chỉnh sửa mũi có thể mang lại cho bạn sự tự tin

Sửa mũi lần thứ hai

Tự tin với “nhan sắc” mới nên gặp ai mình cũng xui “đi nâng mũi đi”.

Thế nhưng, sau chừng 6 năm, mình bắt đầu thấy mũi đẹp… lạ lùng. Đầu mũi bắt đầu căng bóng, cứng và đỏ, y như người mắc bệnh mũi đỏ. Lên mạng tra cứu, bác sỹ Google “chẩn đoán” tình trạng của mình rất dễ dẫn đến hoại tử mũi. Hoảng hồn, mình tìm đến bác sỹ đã từng nâng mũi lần 1 để cứu nguy. Bác sỹ bảo: “Con người còn có “date” huống hồ là silicone” và tiếp tục phẫu thuật tháo thanh silicone cũ ra, đặt một thanh mới vào.

Tuy nhiên lúc này, chiếc mũi phẫu thuật lần 2 không ổn định lâu như lần 1. Chỉ vài tháng sau khi vết mổ lành hẳn, mình thấy sóng mũi, đầu mũi đỏ và miếng silicone như muốn “bung da bay đi”. Nhìn vào mũi mình, có người còn hỏi “Chị đang bị viêm mũi à?”.

Mình lo đến nỗi ngày soi gương cả mấy chục lần, tìm hiểu mới biết bác sỹ đã phẫu thuật cho mình là “tay ngang” nên ruột gan càng rối bời. Đúng khi ấy, có một thẩm mỹ viện mời được bác sỹ Hàn Quốc, mình liền đến chầu chực để cứu chiếc mũi.

Bằng giọng tiếng Anh khó nghe, bác sỹ này bảo: “Da của chị quá mỏng, có thể nhìn rõ mạch máu nhưng lại chọn đặt miếng silicone quá dày. Do bị kéo căng, lớp da vùng mũi bên trên sụn độn silicone mỏng dần, không còn đủ sức che phủ mũi. Đó là lý do chị thấy chất liệu độn lộ rõ dưới da, vùng đầu mũi cứng, đỏ. Một số trường hợp nặng hơn còn làm thủng da vùng đầu mũi”. Sau khi kiểm tra, bác sỹ khuyên mình nên làm mũi S-line, vừa giúp nâng chiều cao bằng silicone, vừa điều chỉnh được toàn bộ dáng mũi, lại có bọc sụn ở 1/3 đầu mũi nên cứu được tình trạng đầu mũi cứng và căng bóng. Thời điểm đó, xu hướng S-line đang lên ngôi và phương pháp silicone chỉ còn là “vang bóng một thời”.

Nâng mũi lần thứ ba

Nói thật, bác sỹ thẩm mỹ nhìn đâu cũng ra… nhược điểm bạn ạ. Bình thường, mình thấy mũi mình đủ đẹp rồi đấy nhưng khi trò chuyện lại thấy lòi ra cái mình không thích. Nào là dáng mũi cao nhưng thẳng đuột, không uốn lượn hình chữ S mềm mại, cánh mũi hơi bè, không gọn gàng, kém sang. Mình quyết định liều lần nữa chỉ cách lần nâng thứ hai khoảng 5 tháng.

Lần này, mình phải gây mê vì không chỉ nâng cao mũi mà còn kết hợp chỉnh hình cấu trúc mũi bao gồm cắt cánh mũi, chỉnh lại vách ngăn… Mình hồi hộp, lo lắng lắm vì chỉ sợ chìm vào giấc ngủ sẽ… chìm luôn cả tính mạng. Trong thoáng chốc, mình hối hận tại sao ngày đó mình lại đua đòi nâng mũi làm gì?…

Tỉnh lại trong phòng hậu phẫu sau 2 giờ đồng hồ, bác sỹ cho mình biết, hai lần mổ trước đã làm tổn thương sụn đầu mũi và cánh mũi nên gây hiện tượng co rút đầu mũi. Bác sĩ đã giải phóng sẹo co rút và lấy sụn vách ngăn tạo hình lại đầu mũi. Do sụn vách ngăn không đủ để đặt ở 1/3 đầu mũi, bác sỹ phải lấy thêm sụn ở vành tai để bù vào phần thiếu hụt.

Khó chịu nhất là ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Hai miếng mesh đặt vào 2 bên lỗ mũi giúp tránh chảy máu từ việc mổ lấy sụn vách ngăn và định hình lỗ mũi khiến mình vừa đau vừa không thể thở nổi. Sau 24 giờ, bác sỹ rút bỏ mesh và vệ sinh mũi, mình tưởng như được sống lại lần nữa. Ngày thứ 2, mình bớt khó thở hơn thì lại thấy ngứa ngáy vì máu trong mũi bắt đầu khô, muốn gãi mà không được phép. Trong hai ngày đầu này, mình phải đến bác sỹ vệ sinh. Từ ngày thứ 3, mình mới tự vệ sinh mũi theo hướng dẫn tại nhà. 7 ngày sau, bác sỹ gỡ dụng cụ cố định mũi ra, cắt chỉ, đau giảm hẳn và mình mới đi làm trở lại.

Hôm qua gặp bạn, mình đã trải qua hành trình thứ 3 này được 8 tháng rồi. Bạn thấy đẹp phải không? À, nếu bạn muốn phẫu thuật, hãy chọn bác sỹ cho thật kỹ nhé!

Mũi S Line được nhiều phụ nữ ao ước

Mũi S Line được nhiều phụ nữ ao ước

8 lưu ý khi phẫu thuật nâng mũi S-Line:

Tiến sỹ Nguyễn Phan Tú Dung, Thẩm mỹ Hàn Quốc JW lưu ý bạn 8 điều sau đây:

  • Những trường hợp có bệnh lý rối loạn huyết học như đông máu hoặc máu khó đông, suy tim, luput ban đỏ, suy thận thì không nên phẫu thuật.
  • Người bị viêm xoang hoàn toàn có thể nâng mũi S-line.
  • Nhịn ăn 8 tiếng trước khi phẫu thuật.
  • Sau phẫu thuật, bạn cần nằm lại viện khoảng 5 tiếng và sau đó về nhà. 2 ngày đầu phải đến bác sỹ kiểm tra vệ sinh mũi theo đúng lịch. Uống thuốc giảm đau trong 2 ngày đầu và uống kháng sinh, kháng viêm trong 7 ngày sau phẫu thuật.
  • Không vận động nặng trong 2 tuần đầu tiên. Tránh mọi va chạm, sờ nắn, chỉnh sửa dụng cụ cố định mũi. Không nên đeo kính mát và chỉ đeo khẩu trang y tế khi bạn cần ra ngoài.
  • Mặc dù vùng mổ không gây sẹo nhưng nên kiêng thịt bò, rau muống, đồ nếp.
  • Người bị lệch vách ngăn tự nhiên không cần phải mổ chỉnh vách ngăn trước. Trong quá trình làm mũi S-line, vách ngăn lệch này sẽ được dựng lại cho hoàn hảo.
  • Giá nâng mũi S-line khoảng từ 30 triệu đồng trở lên, tùy thuộc vào mức độ can thiệp và số lần mũi đã đụng chạm “dao kéo”.

ĐỊA CHỈ CHO BẠN:

  • Thẩm mỹ Hàn Quốc JW, 141–143 Lê Thị Riêng, Q. 1, TP. HCM.
  • Bệnh viện Thẩm mỹ Á Âu , 32D Thủ Khoa Huân, Q. 1, TP. HCM.
  • Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, 286 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội.

Bài: Nguyễn Xoa

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm