Doanh thu sụt giảm, tập đoàn LVMH, Kering, Prada đưa ra giải pháp vượt bão COVID

Tuần này, hàng loạt các tập đoàn thời trang lớn thông báo kết quả kinh doanh của Q2/2020, cũng như phương thức vượt qua khó khăn mà đại dịch toàn cầu mang lại

Hậu COVID-19, các tập đoàn thời trang đều ngỏ ý sẽ tăng cường trải nghiệm mua sắm qua mạng, để không phải khốn đốn trong trường hợp các cửa hàng bị bắt buộc phải đóng cửa. Ảnh: cửa hàng Gucci ở Seoul, thuộc tập đoàn Kering.

Các tập đoàn thời trang vừa báo cáo kết quả doanh thu của quý 2/2020. Không ngoài dự đoán, số liệu vô cùng xấu. Nhưng, tất cả họ đều đánh giá sự tăng trưởng tốt từ nguồn mua sắm qua mạng, cũng như thị trường châu Á Thái Bình Dương đang dần hồi phục.

Tập đoàn LVMH: Lợi nhuận giảm nhưng sẽ không cắt quá nhiều chi phí

Tại tập đoàn LVMH, doanh số của các thương hiệu lớn như Louis Vuitton và Christian Dior bền vững

Tại tập đoàn LVMH, doanh số của các thương hiệu lớn như Louis Vuitton và Christian Dior bền vững

Tại cuộc họp báo cáo tài chính, tập đoàn LVMH cho biết doanh thu của đầu năm 2020 khá bền vững. Nhìn chung, doanh số chỉ giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận thì lại là câu chuyện khác.

Lợi nhuận của tập đoàn LVMH giảm đến 84%. Lý do là vì những chi phí tăng vọt trong giai đoạn COVID-19. Các cửa hàng không mở, nhưng xưởng vẫn hoạt động. Một phần vì sản xuất hàng dự trữ cho mùa cuối năm 2020. Một phần vì làm đồ bảo hộ và nước rửa tay khô cũng như xịt diệt khuẩn tặng cho ngành y tế Pháp.

Các thương hiệu thời trang lớn của hãng, gồm Louis Vuitton và Christian Dior, có doanh số bền vững. Tuy nhiên, nhóm thương hiệu đồng hồ và trang sức, như TAG Heuer và Bulgari, bị ảnh hưởng mạnh. Nếu trong Q1, phân khúc này giảm 17%; thì trong Q2 nó tiếp tục sụt giảm 38%.

>>> Xem thêm: TẬP ĐOÀN LVMH MUỐN TÁI ĐÀM PHÁN THƯƠNG VỤ MUA HÃNG TRANG SỨC TIFFANY & CO

“Các thương hiệu lớn nhất của chúng tôi khá ổn định. Nhưng việc hạn chế du lịch ảnh hưởng khá nặng đến mảng kinh doanh phụ thuộc vào du lịch, ví dụ như nhóm cửa hàng miễn thuế DFS ở sân bay”, Giám đốc tài chính, ông Jean Jacques Guiony phát biểu.

Tuy nhiên, tập đoàn LVMH cho biết không có ý định cắt giảm chi phí quá nhiều. “Chúng tôi đã giảm khoảng 30% chi phí trong quý 2. Nhưng chúng tôi sẽ không cắt giảm thêm, tránh bị tụt hậu khi tình hình kinh tế hồi phục”, ông nói.

Tập đoàn Kering: Tình hình kinh doanh online khởi sắc

Bottega Veneta là ngôi sao sáng của tập đoàn Kering trong đại dịch COVID-19

Bottega Veneta là ngôi sao sáng của tập đoàn Kering trong đại dịch COVID-19. Vẻ đẹp vượt thời gian, dễ sử dụng của sản phẩm Bottega Veneta giúp nó trường tồn.

Tại buổi họp tài chính của Q2/2020, tập đoàn Kering, chủ sở hữu các thương hiệu Gucci, Alexander McQueen, YSL, Bottega Veneta… cho biết: dấu hiệu hồi phục đang đến từ phân khúc mua hàng qua mạng.

Doanh thu của Q2/2020 của tổng tập đoàn Kering giảm 44%. Nhưng, riêng trong Q2/2020, doanh thu đến từ việc bán hàng qua mạng đã tăng 72%. Dẫu sao thì nó vẫn chỉ đạt 13% khi so sánh với doanh thu đến từ các cửa hàng. Tập đoàn Kering cho biết, mục tiêu sắp đến của tập đoàn là cải thiện trải nghiệm mua sắm online cho người dùng.

Đặc biệt, thương hiệu sáng giá nhất là Bottega Veneta. Những chiếc túi dễ sử dụng, có giá trị vượt thời gian của Bottega Veneta đặc biệt được ưa chuộng trong giai đoạn này. Doanh thu của Bottega Veneta chỉ giảm 24%, thấp hơn khi so với các thương hiệu gạo cội Gucci và Saint Laurent.

>>> Xem thêm: GUCCI TĂNG GIÁ TÚI XÁCH CHỐNG LỖ HẬU COVID-19

Tương tự như LVMH, tập đoàn Kering cũng cho biết gặp nhiều khó khăn vì sự hạn chế của ngành du lịch. Thông thường, mùa hè là mùa tăng trưởng doanh số rất tốt, khi khách du lịch toàn cầu đổ về hưởng thụ mùa hè mát mẻ ở châu Âu.

Tuy vậy, tập đoàn Kering cũng cho biết sẽ không cắt giảm chi phí quá đà. Đầu năm 2020, Kering đảm bảo sẽ chi 7% tổng doanh thu để cải thiện hoạt động kinh doanh. Con số này đã bị cắt giảm xuống còn 5%, nhưng “chúng tôi sẽ không cắt giảm các hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế”, phó tổng giám đốc tập đoàn phát biểu.

Prada: Trên hết là cắt giảm chi phí

Prada tập trung vào việc cắt giảm chi phí, tăng năng suất hiệu quả của mảng e-commerce. Ảnh: The Purse Blog

Prada tập trung vào việc cắt giảm chi phí, tăng năng suất hiệu quả của mảng e-commerce. Ảnh: The Purse Blog

Tập đoàn Prada, sở hữu các thương hiệu như Prada và Miu Miu, cũng thông báo kết quả tài chính khá kém. Doanh số giảm 40%.

Xuyên suốt giai đoạn dịch cúm COVID-19, Prada đã đóng lên đến 70% cửa hàng toàn cầu của hãng. Giai đoạn này, tập đoàn tập trung vào việc tái cấu trúc hoạt động chuỗi cung ứng (supply chain). Đồng thời tái thương lượng hợp đồng thuê mặt bằng của các cửa hàng, để cắt giảm chi phí.

Tương tự như tập đoàn LVMH và tập đoàn Kering, doanh thu đến từ mảng e-commerce của Prada cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, ba thị trường chính tăng trưởng mạnh hậu dịch cúm COVID-19 là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Nhật Bản cũng đang từ từ hồi phục. Nhân cơ hội này, tập đoàn đã tái thiết kế lại website toàn cầu của Prada để cải thiện trải nghiệm mua sắm qua mạng cho người dùng.

Tuy nhiên, mảng bán sỉ của Prada bị ảnh hưởng nặng nhất, giảm đến 70%. Bán sỉ ở đây là việc phân phối túi xách qua các bên thứ ba, ví dụ như trung tâm thương mại. Prada cho biết, mục tiêu cho năm 2020 là đẩy mạnh doanh số từ bán hàng qua mạng, đồng thời cắt bớt các hợp đồng bán sỉ.

>>> Xem thêm: DÙ ĐƯỢC TỶ PHÚ CHỐNG LƯNG, HÃNG THỜI TRANG CAO CẤP NÀY VẪN PHÁ SẢN

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm