Tập đoàn xa xỉ của Pháp Hermès vừa kết lại Quý 2/2023 với một báo cáo tài chính chói lọi.
Thương hiệu đồ da, khăn lụa và đồ trang sức cho biết lợi nhuận ròng đạt 2,2 tỷ euro trong nửa đầu năm 2023, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của hãng tăng 22% lên 6,7 tỷ euro.
Lợi nhuận của tập đoàn tăng vọt trong nửa đầu năm. Tất cả các ngành hàng và các khu vực đều có đà tăng thuận lợi, nhưng mức tăng trưởng vượt trội đến từ châu Á.
Doanh số bán hàng ở châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, tăng 23,7% lên 3,3 tỷ euro. Hermès cho biết thành công đặc biệt nhờ Tết Nguyên đán – thời gian mua sắm mạnh tay ở các quốc gia châu Á. Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Úc là các thị trường phát triển mạnh của hãng trong nửa đầu năm nay. Đặc biệt là Trung Quốc, khi mở cửa lại sau nhiều năm bị hạn chế vì giãn cách xã hội trong đại dịch.
Doanh số bán hàng tại Trung Quốc đại lục, thị trường lớn nhất của hãng, đã tăng 46% trong 13 tuần liên tiếp tính đến ngày 1/7, phản ánh sự trỗi dậy của đất nước sau đợt phong tỏa do COVID-19 vào năm ngoái.
Doanh số từ châu Âu tăng 17%. Còn châu Mỹ vẫn là một điểm yếu khi doanh số hàng quý giảm 8%, tương đương với quý trước.
Tình hình kinh doanh Quý 2/2023 của Hermès tốt vượt trội so với LVMH, Kering, Richemont
Kết quả kinh doanh trong Quý 2/2023 của tập đoàn Hermès là một điểm sáng cho ngành thời trang xa xỉ, khi cổ phiếu các tập đoàn chịu áp lực trước phán đoán rằng doanh số ngành hàng xa xỉ sẽ sớm sụt giảm.
Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tăng tỉ suất cho vay để chống lạm phát, khiến người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, các nhà phân tích tài chính lo lắng rằng tình hình lạm phát đình trệ (stagflation) sẽ diễn ra. Những ngành hàng không thiết yếu như xa xỉ phẩm sẽ là những sản phẩm đầu tiên bị cắt giảm chi tiêu.
Trước khi Hermès báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh Quý 2/2023 của tập đoàn LVMH (sở hữu Louis Vuitton, Dior) , Kering (Gucci, Balenciaga) và Richemont (Cartier, Piaget) cho thấy số liệu kinh tế mờ nhạt ở Trung Quốc. Các tập đoàn này đều cho biết sẽ thận trọng trong các chiến lược tương lai.
Tuy nhiên, Hermès – với khách hàng là những người tiêu dùng giàu có, sẵn sàng mở hầu bao cho túi xách Birkin và Kelly trị giá từ 10.000 đô-la Mỹ trở đi – luôn được biết đến với khả năng vượt qua bất ổn kinh tế tốt hơn các đối thủ. Bằng chứng là tập đoàn Pháp đã chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ ở châu Âu và châu Á.
Chủ tịch điều hành Hermes Axel Dumas phát biểu: “Chúng tôi không thấy xu hướng (tăng trưởng) bị gián đoạn chút nào.”
Ông cho biết rằng trong những thời điểm khó khăn, người tiêu dùng không chi xài nhiều nhưng họ sẽ vẫn ưu ái vật phẩm có chất lượng cao cấp và giá trị đầu tư cao. Do đó Hermès đã được hưởng lợi trong bối cảnh này.
Điểm sáng đến từ phân khúc đồng hồ cao cấp
Tất cả các ngành hàng của Hermès đều phát triển tốt trong Quý 2/2023, tuy nhiên đồng hồ chính là phân khúc gây bất ngờ. Doanh thu đến từ dòng đồng hồ của tập đoàn đã tăng 24% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo thường niên của công ty tài chính Morgan Stanley về tình trạng của ngành đồng hồ Thụy Sỹ, Hermès đã trở thành nhà sản xuất lớn thứ 17 vào năm ngoái với doanh thu 542 triệu Euro.
Mức tăng trưởng 24% trong năm nay, và dự kiến trong năm tới, sẽ đưa Hermès vào địa hạt doanh thu tỉ đô-la Mỹ. Hiện tại chỉ có bảy thương hiệu đạt được mức doanh thu này, bao gồm Rolex, Omega, Cartier, Patek Philippe, Audemars Piguet, Richard Mille và Longines.
Hermès ghi nhận sự phát triển cho ngành hàng đồng hồ nhờ “sự sáng tạo, phong cách đặc biệt và bí quyết chế tạo đồng hồ đáng chú ý, cho cả những mẫu phức tạp và mẫu cổ điển của hãng”. Trong số các mẫu đồng hồ, dòng H08 được đặc biệt nhắc đến như mẫu thiết kế giúp doanh thu tăng trưởng vượt bậc trong Quý 2/2023.
TIN KINH DOANH NGÀNH THỜI TRANG XA XỈ:
TẬP ĐOÀN LVMH LÀ NHÀ TÀI TRỢ CHÍNH CHO THẾ VẬN HỘI MÙA HÈ PARIS 2024
TẬP ĐOÀN KERING HY VỌNG GIẢI CỨU GUCCI KHI THAY ĐỔI CEO
TẬP ĐOÀN KERING MUA LẠI 30% CỔ PHẦN THƯƠNG HIỆU VALENTINO
Trích dẫn Reuters, Economic Times, Watch Pro
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam