Tinh dầu thơm, lựa chọn mùi hương tốt hơn nước hoa cho làn da khô

Dầu (oil) có tác dụng đa năng, giúp chăm sóc toàn bộ cơ thể, từ mái tóc đến làn da của bạn. Sao không áp dụng ngay trong ngày cuối tuần này?

Tinh dầu thơm (perfumed oil) từ thương hiệu Nest. Hương Turkish Rose có các nốt hoa hồng Thổ Nhĩ Kỳ, mận đen, gỗ đào. Ảnh: Sephora

Harper’s Bazaar từng chia sẻ rằng, chọn thể loại nước hoa phù hợp với làn da sẽ giúp bạn giữ được hương thơm lâu hơn trên cơ thể. Điều nhiều người không biết là nước hoa phổ thông có gốc cồn không thực sự phù hợp với làn da khô. Lý do vì làn da khô khá khó giữ lại mùi hương khi nền cồn đã bay hơi mất.

Nếu bạn sở hữu làn da khô, lựa chọn tốt hơn cho bạn là nước hoa khô dạng sáp (wax) hoặc tinh dầu thơm (fragrance oil/scented oil). Loại nước hoa khô tỏa mùi vì nền sáp, không thấm vào da cũng không bay hơi, nên vì vậy giữ mùi thơm lâu hơn. Còn tinh dầu thơm thì vừa giúp giữ cho làn da bạn ẩm mượt, vừa tạo nền tảng giữ mùi lâu.

>>> Xem thêm: MẸO ĐỘC ĐÁO GIỮ HƯƠNG THƠM LÂU PHAI: HÃY CHỌN NƯỚC HOA THEO LOẠI DA

Mua tinh dầu thơm có sẵn trên thị trường thì quá dễ rồi. Nhưng bạn có biết, sản phẩm này cũng rất dễ để tự pha chế? Nếu bạn muốn sở hữu mùi hương độc quyền của mình, bạn có thể dễ dàng tự làm tinh dầu thơm tại nhà. Đây cũng là một dự án DIY (do it yourself – tự làm) vui cho ngày cuối tuần, kích thích sự sáng tạo và tạo niềm vui cho bản thân.

Trong bài viết này, Harper’s Bazaar sẽ hướng dẫn cho bạn tất cả những gì bạn cần biết về tinh dầu thơm và cách pha chế chúng.

Tinh dầu thơm (fragrance / perfumed oil) là gì?

Tinh dầu thơm từ thương hiệu Nest, hương Indian Jasmine. Các nốt hương từ hoa nhài, dâu rừng đỏ, tiêu hồng. Ảnh: Sephora

Đúng như cái tên, sản phẩm này sử dụng dầu làm gốc nền để tỏa hương, thay vì dùng cồn như các loại nước hoa phổ cập.

Thực chất, đây là thể loại nước hoa đầu tiên mà nhân loại phát hiện ra. Từ Ai Cập cho đến Trung Đông và Ấn Độ, con người cổ đại đã biết cách ép hoặc đun bay hơi để chiết xuất tinh dầu từ các loại hoa và gỗ. Phương pháp cổ đại tạo ra những lọ tinh dầu thơm cô đặc, nhưng cũng rất đắt đỏ. Mãi đến năm 1370, tinh dầu mới được pha chế cùng cồn để tạo ra loại nước hoa giống với phiên bản hiện đại ngày nay.

So sánh tinh dầu thơm cùng nước hoa

Dầu thơm Bois de Balincourt từ thương hiệu Maison Louis Marie. Tổ hợp họ gỗ kết hợp ba tầng hương là gỗ đàn hương, cỏ vetiver và gỗ Amberwood. Ảnh: Sephora

• Tinh dầu thơm tốt hơn cho da khô, nước hoa gốc cồn phù hợp hơn cho da dầu. Dầu thấm vào da thay vì bay hơi như cồn, vì vậy lưu lại mùi thơm lâu hơn. Cồn khi bay hơi gây khô da, dầu thì nuôi dưỡng làn da khô.

• Tinh dầu thơm có thể không phù hợp cho làn da nhạy cảm. Dầu thơm là tổ hợp của một loại dầu nền (dầu hạnh nhân, dầu jojoba) cùng tinh dầu từ các loài hoa, thảo mộc và gỗ tự nhiên. Một số loại tinh dầu có thể gây kích ứng da ở thể trạng cô đặc, ví dụ như tinh dầu bạc hà, tinh dầu hoa oải hương. Nếu tự pha tinh dầu thơm ở nhà, bạn có thể kiểm soát hàm lượng tinh dầu để đảm bảo không gây kích ứng cho làn da mình.

• Tinh dầu thơm có thể bị ôi vì là gốc dầu, nếu tiếp xúc với không khí và ánh sáng mặt trời. Trong khi đó, cồn trong nước hoa phổ thông là một chất bảo quản tốt, ngăn ngừa mùi hương bị mau hư hỏng. Nếu tự pha chế tinh dầu thơm tại nhà, bạn không nên pha một lọ quá to, và cũng cần cẩn thận trong khâu bảo quản.

Cách tự pha chế tinh dầu thơm tại nhà

1. Đầu tiên, hiểu về mùi hương bạn muốn pha chế

Các loại tinh dầu thiên nhiên là sản phẩm cần có để tự pha chế dầu thơm tại nhà. Ảnh: Instagram @naturelle_essentials

Dù tinh dầu thơm không dùng cồn để làm nền, nó cũng cần được pha chế với tổ hợp hương đầu (top note), hương giữa (middle note), và tầng hương cuối (base note) như nước hoa phổ cập. Bạn có thể hiểu rằng, top note là loại hương dễ phai nhất, middle notes là những mùi hương quan trọng nhất, còn base note là những mùi hương có khả năng duy trì mùi thơm lâu nhất.

Khi pha chế dầu thơm tại nhà, bạn có thể thoải mái thử nghiệm:

Nếu bạn thích nước hoa hương hoa cỏ (floral) thì bạn có thể chọn tinh dầu hoa hồng, hoa ylang ylang, hoa nhài, mộc lan.

Thích dạng hương thảo mộc (herbal) thì bạn có thể phối tinh dầu oải hương cùng các loại thảo mộc như chanh lá, lá xô thơm, bạc hà.

Loại dầu thơm quyến rũ (woody) thì chọn các tông trầm ấm như đinh hương, nhục đậu khấu, xạ hương, gỗ thông, vani.

Dầu thơm dạng tươi mát thường phối hợp tinh dầu hoa họ chanh và cam quýt cùng bergamot.

Bạn có thể tham khảo chai nước hoa yêu thích của mình để tìm ý tưởng pha chế.

2. Liều lượng sản phẩm

Như Harper’s Bazaar đã nói ở trên, áp dụng tinh dầu trực tiếp lên da có thể gây kích ứng. Vì vậy mà tinh dầu thiên nhiên cần được phối cùng dầu nền để trung hoà.

Quy tắc chung để pha chế tinh dầu thơm là: Một lọ sản phẩm sẽ có 100 giọt chất lỏng. 80% đến từ dầu nền (carrier oil). 20% là tinh dầu thiên nhiên (essential oil).

Bạn chia phần tinh dầu thiên nhiên theo tỉ lệ 10 giọt nốt hương cuối : 5 giọt nốt hương giữa : 5 giọt nốt hương đầu.

3. Nguyên vật liệu cần chuẩn bị

Tinh dầu thơm thường được đựng trong lọ dạng lăn (rollerball) để hạn chế tiếp xúc với không khí. Ảnh: Bal D’Afrique của Byredo

1 lọ thủy tinh dạng lăn (rollerball). Đầu dạng lăn giúp chống lại không khí thâm nhập vào trong lọ tinh dầu thơm của bạn. Tốt nhất, bạn chọn loại chai có màu tối (ví dụ màu nâu hay xanh, hoặc đục) để tránh ánh nắng làm ảnh hưởng đến tinh dầu thơm của bạn.

3 loại tinh dầu thiên nhiên. Mùi hương tùy chọn.

1 loại dầu nền. Dầu nền nên là loại không có mùi hương nồng, ví dụ như hạnh nhân hay jojoba. Bạn nên tránh dầu dừa, dầu mè vì các loại dầu này có mùi khá đậm, sẽ lấn át mùi thơm từ tinh dầu.

Dụng cụ là ống pipet nhỏ giọt.

Giấy báo cũ dùng để trải mặt bàn nơi bạn sẽ pha chế dầu thơm. Tránh để dầu thấm vào trang phục, để lại những vết dầu khó gột tẩy.

4. Bước pha chế

Một số người thêm hoa khô vào lọ tinh dầu để tăng vẻ đẹp cho sản phẩm. Ảnh: Lesya @Airbnb Experience

Đầu tiên, bạn nhỏ giọt 10 giọt tinh dầu của tầng hương cuối, 5 giọt tầng hương giữa, và 5 giọt tầng hương đầu vào trong lọ thủy tinh.

Tiếp đó, bạn nhỏ 80 giọt dầu nền vào trong chai.

Lắc đều cho các mùi hương hoà quyện.

Cuối cùng, bạn cất chai thủy tinh vào một ngăn tối và khô thoáng. Bước này sẽ giúp các mùi hương hoà quyện đều nhất. Sau một tuần, bạn có thể bắt đầu sử dụng chai tinh dầu thơm của mình.

5. Bảo quản và sử dụng

Sản phẩm gốc dầu có thể bị ôi khi tiếp xúc với không khí, ánh nắng mặt trời và nguồn nhiệt. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên bảo quản sản phẩm trong nơi tối và khô thoáng (ví dụ hộc tủ).

>>> Xem thêm: LÀM SAO BIẾT NƯỚC HOA CỦA BẠN ĐÃ HẾT HẠN SỬ DỤNG?

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm