Onitsuka Tiger

Làm sao Onitsuka Tiger chỉ mất 5 thập kỷ để trở thành thương hiệu thời trang thể thao lớn nhất nước Nhật?

Lịch sử Onitsuka Tiger

Đôi giày Mexico 66 là một trong những dòng giày cổ điển nhất trong lịch sử Onitsuka Tiger. Ảnh: Onitsuka Tiger

Nguồn cảm hứng có thể đến từ nhiều nơi khó đoán.

Nhà sáng lập thương hiệu, anh Kihachiro Onitsuka, không bao giờ nghĩ rằng mình có thể sáng chế nên đôi giày làm nên lịch sử khi đang…ăn salad bạch tuộc và dưa leo.

Sinh năm 1918 ở tỉnh Tottori của Nhật, anh Kihachiro Onitsuka từng là sỹ quan quân đội. Năm 1949, sau khi Thế chiến II kết thúc, chàng trai 32 tuổi này mở công ty làm giày dép thể thao, Onitsuka Inc. Anh muốn làm nên sản phẩm gì đó tươi vui cho lũ trẻ, sau một thời kỳ chiến tranh khổ cực. Mà cách tốt nhất để vực dậy tinh thần, theo anh, là tập luyện thể dục thể thao.

Hậu Thế chiến II, Nhật Bản bị Mỹ kiểm soát. Văn hóa Mỹ, cũng như các bộ môn thể thao du nhập vào tầng lớp trẻ. Bóng rổ đặc biệt được ưa chuộng vì không cần nhiều dụng cụ đắt tiền.

Ăn theo xu hướng này, Kihachiro Onitsuka rất muốn thiết kế nên một đôi giày chơi bóng rổ gây tiếng vang. Anh cho rằng nó sẽ là sản phẩm cứu cánh cho công ty chưa được mấy thành công của mình. Vì giày chơi bóng rổ khá phức tạp để thiết kế. Phải vừa đủ êm và trơn để chạy nhanh. Lại có thể dừng ngay tắp lự mà không trượt mỗi khi các vận động viên phải dừng để chuyền bóng hay ghi bàn. Thời điểm ấy (năm 1951), chưa có mẫu giày thể thao nào đáp ứng được nhu cầu này.

Vừa suy ngẫm về vấn đề này, Kihachiro Onitsuka vừa ăn salad.

Bỗng, anh nhìn xuống một cái xúc tu bạch tuộc trong món ăn của mình. Những xúc tu này cho phép vòi bạch tuộc bám dính vào con mồi. Cũng như cách một đôi giày chơi bóng rổ cần bám dính vào sàn.

Eureka!

Ngay lập tức, anh nhờ một xưởng sản xuất làm nên đế giày có thiết kế tựa xúc tu bạch tuộc. Nhưng mẫu này có xúc tu bám chặt quá, khiến các vận động viên không thể nhấc chân lên khỏi sàn! Sau một thời gian căn chỉnh lại thiết kế, thu nhỏ các xúc tu này, thì đôi giày trở nên tuyệt vời. Đội bóng rổ của trường cấp Ba đã thử nghiệm mẫu giày này của Onitsuka ngay sau đó thắng giải liên trường địa phương.

Lịch sử Onitsuka Tiger gắn liền với đôi giày của những vận động viên Olympic

Một năm sau khi ra mắt dòng giày chơi bóng rổ, công ty đã bắt tay với Kenji Kimihara, một vận động viên chạy marathon từng đại diện Nhật Bản ở các kỳ Thế vận hội, để nghiên cứu ra một loại giày chạy bộ không gây chai chân.

Lịch sử Onitsuka Tiger

Vận động viên marathon Abebe Bibika. Ảnh: GQ

Anh Kihachiro Onitsuka sau đó tặng mẫu thiết kế hoàn chỉnh cho vận động viên Abebe Bikila đến từ Ethiopia. Vận động viên này nổi tiếng là thích chạy bộ bằng chân trần. Anh Kihachiro đã thuyết phục Abebe rằng việc mang giày Onitsuka sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Kết quả là năm 1957, Abebe đã mang đôi giày Onitsuka để tham dự một giải marathon tại Nhật – lần đầu tiên anh ta chạy bộ cùng giày thể thao! Vận động viên này sau đó hai lần đạt huy chương vàng Olympic cho bộ môn marathon.

Đội bóng rổ Nhật Bản tham dự Olympic cũng bị ấn tượng bởi công nghệ của Onitsuka. Tất cả thành viên của đội đều mang giày của Onitsuka khi tham dự Thế vận hội mùa hè năm 1956 ở Melbourne.

Sức lan tỏa của Onitsuka Tiger vượt khỏi ranh giới Nhật Bản

Anh Kihachiro Onitsuka khi còn trẻ. Ảnh: Bakers Online

Dù những đôi giày của Onitsuka tốt đến thế, nhưng khi mới lập nghiệp, anh không có mối quan hệ bán sỉ. Anh Kihachiro Onitsuka phải tự đi rao hàng đến từng cửa hàng một. Ban đầu, vì không dư dả, anh chỉ dám ngủ qua đêm trên các băng ghế tại trạm tàu để giảm chi phí. Sau nhiều năm làm việc khắc khổ, nhà sáng lập Onitsuka Tiger đã nhiễm bệnh lao.

Nhưng không uổng công của anh, các sản phẩm của Onitsuka rất được đón nhận. Cuối năm 1952, lượng tiêu thụ khá tốt. Chỉ trong ba năm, các sản phẩm được bày bán khắp các cửa hàng thể thao tại Nhật.

Danh tiếng của Onitsuka Tiger cũng lan truyền khỏi biên giới Nhật Bản.

Cuối thập niên 1950, Philip Knight phát hiện ra những đôi giày Onitsuka Tiger trong một chuyến du lịch Nhật Bản.

Philip Knight là một vận động viên tại trường đại học Oregon ở Mỹ. Anh ta bắt tay với Bill Bowerman, một huấn luyện viên bộ môn marathon, để lập nên công ty Blue Ribbon Sports, một công ty phân phối sản phẩm thể thao. Họ mong muốn phân phối giày Onitsuka Tiger tại Mỹ vì cho rằng sản phẩm này sẽ bán chạy.

Phillip Knight và Bill Bowerman, hai nhà sáng lập Blue Ribbon Sports, đồng thời là tiền thân của Nike

Năm 1963, đơn hàng đầu tiên của Onitsuka Tiger cập cảng Mỹ. Đây cũng là đơn hàng đầu tiên mà Blue Ribbon Sports phân phối. Ngày nay, công ty này đã tự nghiên cứu sản xuất mặt hàng riêng của mình, và đổi tên thành Nike.

Onitsuka Tiger không ngừng cải tiến chất lượng trong suốt lịch sử phát triển

Onitsuka Tiger đã mở đầu trào lưu đầu tư nghiên cứu và cải thiện chất lượng của sản phẩm thể thao Nhật Bản.

Xuyên suốt thập niên 1950 và 1960, Onitsuka Inc. tiếp tục mở rộng sang các dòng giày khác. Ví dụ như giày chơi tennis, bóng chuyền và chạy bộ. Những dòng giày thể thao làm nên tên tuổi của thương hiệu, như Fabre và Mexico 66, ra đời vào giai đoạn này.

Những mẫu giày tiêu biểu của Onitsuka Tiger. Ảnh: DAMAN

ASICS ra đời

Năm 1977, công ty của Kihachiro Onitsuka nhập lại với hai công ty khác – GTO và JELENK – để tạo thành tập đoàn ASICS. Lúc ấy, cái tên Onitsuka Tiger bị xóa đi, thay thế bởi thương hiệu ASICS. Thương hiệu mở rộng thị trường, sản xuất thêm cả dụng cụ thể thao như vật dụng chơi bóng chày, trượt tuyết, golf…

Anh Kihachiro Onitsuka vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu công nghệ mới. Vào thập niên 1980, ASICS đã áp dụng công nghệ GEL vào các đôi giày, giúp bảo vệ bàn chân tốt hơn khi chạy bộ. Công ty cũng cách tân giày chạy bộ, lấy cảm hứng từ những chiếc xe máy, để tạo ra đôi giày thoáng khí cho vận động viên. ASICS còn thậm chí chế tác giày cho Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản.

Đôi giày Onitsuka Tiger trở thành biểu tượng thời trang

Khi sáng chế ra dòng giày thể thao Mexico 66 với các đường vân biểu trưng, Kihachiro Onitsuka có lẽ chưa bao giờ cho rằng sản phẩm của mình sẽ trở thành một biểu tượng thời trang.

Người đã góp phần làm nên tên tuổi Onitsuka Tiger chính là Lý Tiểu Long. Nam diễn viên thường xuyên mang giày của thương hiệu, từ ngoài phố lên đến các phim trường.

Lý Tiểu Long mang giày Onitsuka Tiger trong phim Game of Death (1978)

Tưởng như sự phát triển của thương hiệu sẽ xuôi chèo mát mái. Nhưng không. Khủng hoảng kinh tế Nhật Bản vào thập niên 1990 đã khiến công ty ASICS trược dốc không phanh. Phải mất đến 8 năm sau thì công ty mới hồi phục. Một phần cũng vì họ đã tái sinh cho thương hiệu Onitsuka Tiger vào năm 2002, khi thị trường châu Âu mê mẩn mốt giày mang phong cách retro.

Năm 2003, nữ diễn viên Uma Thurman đã mang một đôi giày Onitsuka Tiger màu vàng trong bộ phim Kill Bill. Ngay lập tức, người tiêu dùng đổ xô đi tìm mua những đôi giày tương tự. Nhờ vậy, Onitsuka Tiger nhanh chóng mở cửa được 23 cửa hàng bán lẻ riêng tại Nhật Bản, sau đó là ở Hồng Kông, Paris, Berlin, London và Seoul.

Uma Thurman trong trang phục màu vàng và đôi giày Onitsuka Tiger cùng tông. Ảnh: Kill Bill – Quentin Tarantino

Ông Kihachiro Onitsuka qua đời năm 2007, hưởng thọ 90 tuổi. Trước khi mất, ông đã kịp thấy công ty do mình gầy dựng trở thành tập đoàn chế tác sản phẩm và thời trang thể thao lớn nhất Nhật Bản, cũng như lớn thứ năm toàn cầu. Còn riêng thương hiệu Onitsuka Tiger được phát triển thành dòng thời trang và street wear trẻ trung.

Ông Kihachiro Onitsuka bên mẫu giày cổ điển của mình. Ảnh: DAMAN

>>> Xem thêm: 7 LÝ DO PHẢI SỞ HỮU ĐÔI GIÀY ONITSUKA TIGER MEXICO 66

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Mới nhất về Onitsuka Tiger

Xem thêm

Thương hiệu

Năm thành lập: 1949
Địa điểm : Tottori, Nhật Bản
Nhà sáng lập : Kihachiro Onitsuka
Chủ sở hữu: ASICS
Giám đốc sáng tạo:
  • Andrea Pompilio (2013 – hiện tại)