Trong mười nguyên tắc ăn uống bất biến được viết trong cuốn sách best-seller Food Rules: An Eater’s Manual của tác giả Michael Pollan, hai nguyên tắc đầu là dành cho việc ưu tiên nguyên liệu organic (hữu cơ); thức ăn được nuôi trồng và sản xuất tự nhiên tại địa phương. Tại sao lại như thế? Vì thực phẩm hữu cơ hay organic được sản xuất theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ. Thực phẩm này hầu như không sử dụng các nguyên vật liệu nhân tạo; như thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh. Nhờ đó, chúng chứa ít hơn; hay hầu như không chứa dư lượng trừ sâu – thứ rất có hại cho sức khỏe con người.
Những điều cần biết về thực phẩm hữu cơ
Theo nghiên cứu từ trường Đại học Stanford, thực phẩm hữu cơ (organic); hay nuôi trồng tự nhiên còn chứa mức cadmium (kim loại độc thường được biết đến với tên gọi carcinogen) thấp hơn 48% so với các thực phẩm thông thường. Một yếu tố chủ chốt khác khiến thực phẩm hữu cơ và tự nhiên có giá trị chính là nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa – vốn giúp ngăn chặn sự hoạt động của các gốc tự do, là biện pháp hữu hiệu để chống lão hoá.
Theo nhiều nghiên cứu, so với thực phẩm thường và không rõ nguồn gốc; thực phẩm hữu cơ chứa chất chống oxy hoá cao hơn từ 18 đến 69%. Trên toàn thế giới, nhu cầu dùng thực phẩm sạch, hữu cơ đang ngày càng tăng cao. Các nhà bán lẻ tại Anh cho biết; nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm hữu cơ đã tăng kỷ lục trong vòng 10 năm qua.
Theo thống kê của TechSci, thực phẩm hữu cơ có mặt trên khắp nước Mỹ với 20.000 cửa hàng; và gần ¾ các cửa hàng tạp hóa vào năm 2016. Con số này dự báo sẽ còn tăng trưởng với tỷ lệ 16% đến năm 2020. Còn tại Nhật Bản, người có thu nhập từ mức trung bình trở lên là khách hàng thường xuyên tiêu thụ các thực phẩm hữu cơ.
Thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Theo báo cáo về Nghiên cứu xu hướng tiêu dùng do AC Nielsen thực hiện năm 2015; 86% người được hỏi cho biết họ ưu tiên chọn các đặc sản địa phương, các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ khi có thể. Nhu cầu sử dụng đồ hữu cơ càng trở nên cấp bách, khi vấn nạn thực phẩm bẩn; thực phẩm kém chất lượng ngày càng đe dọa tính mạng của nhiều người Việt. Theo thống kê từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam có khoảng 250–500 vụ ngộ độc thực phẩm với 7.000-10.000 nạn nhân và 100-200 ca tử vong.
Bài: Hải Yến
Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam