Thức khuya, thiếu ngủ có tác hại gì đến làn da và sức khỏe?

Thực chất, thức khuya không có tác hại đến cơ thể nhiều như việc thiếu ngủ

Thức khuya, thiếu ngủ có tác hại gì đến làn da và sức khỏe?

Thức khuya và ít ngủ có tác hại gì đến làn da và sức khỏe? Đầu tiên, đó là khiến bạn mệt mỏi và cáu kỉnh. Ảnh: Instagram @lynhaky_artist

Cuộc sống đô thị bận rộn đôi khi khiến chúng ta cảm thấy không đủ thời gian để hoàn thành mọi việc muốn làm trong ngày. Công việc ngày càng nhiều trọng trách, phải duy trì các mối quan hệ xã hội, rồi phải dọn dẹp nhà cửa nữa. Ôm đồm nhiều thứ khiến ta ngày càng thức khuya hoặc ngủ ít lại.

Tuy nhiên, khoa học khuyến cáo rằng chúng ta nên ngủ đủ từ bảy đến chín tiếng đồng hồ mỗi ngày. Beauty Sleep (tạm dịch: giấc ngủ đẹp da) là có thật. Chỉ cần thức khuya vài hôm là bạn sẽ thấy làn da, sức khỏe xuống dốc rõ rệt.

Những tác hại của việc thức khuya, thiếu ngủ đến làn da và sức khỏe là gì?

1. Làn da mau lão hóa khi bạn thức khuya, ngủ ít

Theo chuyên viên làm đẹp Jeannel Astarita, giấc ngủ giúp tái tạo các tế bào trong cơ thể. “Trong khi bạn ngủ, cơ thể thải độc, loại bỏ tế bào chết. Ngủ đủ giấc cũng giúp giảm hàm lượng cortisol, loại hormone stress tạo nên tế bào gốc tự do gây hại đến da và cơ thể”. Ngủ không đủ khiến cơ thể không thể chữa lành những hư tổn từ tia tử ngoại, khiến da mau sạm đi và dễ hình thành nếp nhăn.

Còn bác sỹ da liễu Gretchen Frieling thì cho biết rằng giấc ngủ giúp sản xuất collagen, ngăn ngừa da bị chảy xệ và chùng nhão. Bên cạnh việc bị quầng mắt thâm đen, những ai thường xuyên ngủ ít, mất ngủ, thức khuya sẽ bị lão hóa da nhanh chóng hơn. “Làn da của bạn bị mất cân bằng về độ pH, từ đó giảm độ ẩm dưới da và trở nên khô, vàng vọt”.

2. Thức khuya, ngủ ít có tác hại gì? Gây nổi mụn

Khi làn da khô đi do mất cân bằng độ pH, điều này cũng làm hư tổn đến lớp màng bảo vệ da.

Theo bác sỹ da liễu Nick Lowe từ viện thẩm mỹ Cranley Clinic London, “Khi bạn ngủ, cơ thể dồn lượng máu giàu ôxy đến làn da để giúp tái xây dựng cấu trúc collagen của lớp màng bảo vệ da”. Nếu ngủ không đủ, làn da không nhận đủ lượng máu giàu ôxy ban đêm, không thể chống lại những hư tổn ở lớp màng bảo vệ da, từ đó khiến bạn dễ bị nổi mụn. Hàm lượng cortisol tăng cao cũng là một nhân tố thúc đẩy nổi mụn khác.

Cách làm mặt nạ cho da nhờn lỗ chân lông to

Ảnh: Shutterstock

3. Vì sao thức khuya khiến mắt thâm quầng?

Lý do mắt bị thâm đen do tuần hoàn máu kém. Như bác sỹ Nick Lowe đã giải thích ở trên, thiếu ngủ khiến tuần hoàn máu trở nên kém đi. Vì vậy mà khi bạn thiếu ngủ, mắt thêm thâm quầng. Làn da cũng trở nên trắng bệch, xanh xao, vàng vọt do tuần hoàn máu kém.

Bạn lưu ý rằng: Không có bất kỳ mỹ phẩm nào có thể cải thiện độ thâm quầng của mắt. Cách duy nhất để điều trị độ thâm hiệu quả là đến viện thẩm mỹ, dùng laser hoặc peel da hóa học.

4. Thức khuya, thiếu ngủ khiến bạn dễ đổ bệnh

Thức khuya có tác hại gì bên cạnh gây lão hóa da? Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy bạn dễ bị mắc bệnh hơn khi thường xuyên thiếu ngủ. Lý do vì hệ miễn nhiễm của bạn bị yếu đi khi bạn ngủ không đủ giấc.

Nghiên cứu này được thực hiện trên 11 cặp song sinh. Một người sẽ ngủ đủ giấc, người còn lại thì cắt giảm thời lượng ngủ mỗi đêm. Kết quả cho thấy người thiếu ngủ có hệ miễn nhiễm kém đi, dễ bị nhiễm virút gây bệnh.

Có lẽ bạn cũng từng gặp tình trạng này. Sau nhiều đêm cày bừa cho một dự án gấp hay deadline khẩn, bạn vừa hoàn tất công việc xong, thì cũng đổ bệnh, cảm cúm luôn.

5. Thức khuya, ngủ không đủ giấc có tác hại gì đến sức khỏe? Khiến bạn mau quên

Giấc ngủ có bốn giai đoạn, trong đó, giai đoạn REM (Rapid Eye Movement – giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh). Theo bác sỹ tâm lý học Melissa Weinberg từ trường đại học Deakin, “REM là khi chúng ta mơ. Nó cũng là cách để não bộ thải độc”. Trong lúc này, não bộ hoàn tất việc ghi nhớ những thông tin mới chúng ta đã học trong ngày. “Nếu bạn ngủ không đủ và không đạt được giấc ngủ REM, não bộ của bạn không thể tiếp thu thông tin mới”. Điều này khiến trí nhớ của bạn trở nên tồi tệ.

6. Và cũng khiến bạn trở nên nhạy cảm, tiêu cực

Tình trạng thiếu ngủ cũng dẫn đến khả năng mất kiểm soát cảm xúc của bạn. Những người thiếu ngủ cảm thấy tiêu cực, căng thẳng và dễ tức tối.

7. Thức khuya có tác hại gì? Khiến bạn dễ chóng mặt, té ngã

Khi bạn thức khuya và ngủ không đủ giấc, não bộ quá mệt mỏi, không thể vận hành hết công suất, và tìm cách nghỉ ngơi khi có thể. Kết quả là bạn có thể bị chóng mặt, xây xẩm mặt mày, thiếu linh hoạt.

Vào thập niên 1960, chàng thiếu niên Randy Garner quyết định tự thách thức bản thân không ngủ suốt 11 ngày. Anh chàng 17 tuổi ghi chú những thay đổi mình nhận ra ở bản thân. Sau chỉ hơn một ngày, cậu đã hoa mắt và mất kiểm soát phối hợp tay chân. Các nhà khoa học nhận xét rằng thiếu ngủ có khả năng gây tai nạn xe cộ tương đương say rượu bia.

Ngủ bao nhiêu là đủ?

Theo bác sỹ Nick Lowe, bạn nên ngủ từ khoảng 6 đến 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày. “Ngủ ít hơn 5 tiếng đồng hồ thì không đủ thời gian cho cơ thể chống lão hóa, chữa lành thương tổn hiệu quả”.

Thứa khuya không tệ bằng thiếu ngủ

Thức khuya có tác hại gì? Nghiên cứu khoa học cũng cho thấy rằng thức khuya không có hại bằng thiếu ngủ. Dù bạn có ngủ khuya, nhưng nếu bạn ngủ đủ giấc và thời gian đi ngủ đều đặn mỗi ngày, cơ thể sẽ mau chóng thích nghi với thời gian biểu của bạn.

Như vậy, bạn hoàn toàn có thể đi ngủ lúc 2 giờ sáng và thức dậy lúc 10 giờ sáng, đều đặn 30 ngày trong một tháng, mà không gặp những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Ngược lại, nếu bạn ngủ sớm trong tuần và thức đêm cuối tuần, cơ thể sẽ cảm thấy mất cân bằng do sự thay đổi giờ giấc thất thường.

Nếu bạn cảm thấy khó ngủ, hãy tham khảo những mẹo giúp ngủ ngon và sâu từ Harper’s Bazaar:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm