Cách giặt tất cả các chất liệu vải thông dụng, từ lụa, len đến linen và da thuộc

Bảo quản chất vải đúng cách để giữ cho trang phục đẹp và lâu bền

Chúng ta nói nhiều về chất liệu vải trong xu hướng thời trang bền vững. Việc chọn mua chất vải thân thiện với môi trường là bước đầu tiên. Bước kế tiếp là bảo quản trang phục đúng cách. Một trong những cách bảo quản trang phục để giúp sản phẩm bền lâu nằm ở bước giặt giũ. Nhãn giặt luôn có thông tin chi tiết về cách giặt giũ, phơi và ủi quần áo. Tuy nhiên, bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo đặc biệt sau. Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu cách giặt ủi các chất liệu vải thông dụng nhất.

>>> Xem thêm: TỪ ĐIỂN THỜI TRANG: 18 LOẠI CHẤT LIỆU VẢI THÔNG DỤNG

Acrylic

Acrylic là một sợi gốc dầu mỏ như polyester. Sợi acrylic thường xuất hiện trong các loại áo dệt kim như sợi chủ đạo; hoặc phối cùng len, viscose và lông angora.

Là sợi gốc dầu mỏ nên acrylic khá dễ giặt. Nếu chiếc áo dệt của bạn được làm bằng 100% acrylic, bạn có thể giặt máy sản phẩm này. Còn nếu pha với các chất liệu khác, hãy kiểm tra kỹ nhãn giặt.

Bạn cũng lưu ý hai điều. Một, chất liệu acrylic dễ xù và xuất hiện những điểm vón cục nếu bị chà xát quá mạnh tay. Hai, chất liệu này có thể sản sinh ra vi nhựa trong quá trình giặt. Vì vậy, bạn nên ưu tiên chế độ giặt nhẹ (delicate), và đặt trang phục trong túi giặt, để tăng cường tuổi thọ của sản phẩm. Nếu áo xuất hiện những cục bị vón lại, bạn có thể dùng dao cạo chuyên dụng cho áo dệt để cắt bỏ chúng.

Cashmere

Ảnh: J Crew

Len cashmere được làm từ lông dê cashmere sống trên núi. Vì những con dê này sinh trưởng ở vùng núi lạnh, sợi lông của chúng mềm và ấm hơn so với lông cừu. Ngoài ra, vì len cashmere mỏng hơn len cừu, cần lượng lông lớn hơn để dệt nên áo len cashmere. Trung bình, người ta phải thu hoạch lông từ 4 con dê cashmere để làm nên một chiếc áo len cashmere!

Vì len cashmere quá xa xỉ, nhiều người sợ hãi làm hỏng khi giặt nó và luôn ưu tiên giặt hấp. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải giặt hấp mỗi lần. Tất nhiên, áo len cashmere khó bắt mùi hôi. Nhưng nếu bị dính vết bẩn, áo len cashmere hoàn toàn có thể giặt tại nhà. Cách giặt cashmere gói gọn trong các bước sau:

  • Pha thau nước lạnh với xà bông gội đầu trẻ em hoặc nước giặt chuyên dụng cho len và cashmere.
  • Ngâm sản phẩm cashmere trong vòng nửa tiếng đồng hồ.
  • Xả áo sạch với nước lạnh. Tuyệt đối không vắt áo.
  • Bạn phơi áo ngang trên mặt phẳng, thay vì treo, để tránh làm mất hình dạng của áo. Mẹo nhỏ: bạn có thể dùng rổ quay rau để quay ráo một phần nước trước khi phơi.
  • Khi áo đã khô, bạn gấp vào tủ thay vì treo để tránh làm giãn áo.

Cotton

Cotton còn có thể dệt như áo dệt kim. Ảnh: Mango

Vải cotton là sợi vải thiên nhiên phổ biến nhất thế giới. Được làm từ những cụm bông gòn, cotton dễ trồng, dễ may dệt và cũng dễ bảo quản. Chất liệu cotton phù hợp cho nhiều hình thức dệt vải và may vá, làm nên từ áo thun, denim cho đến dệt áo dệt kim.

Đối với các sản phẩm cotton dệt mảnh như áo thun, quần jeans hay drap trải giường, bạn thường có thể giặt máy và ủi phẳng. Nhớ kiểm tra nhãn giặt để chọn chế độ nước phù hợp (lạnh, ấm hoặc nóng). Thông thường, cotton màu trắng nguyên thủy có thể giặt nước nóng, còn cotton nhuộm màu thì nên dùng nước lạnh hoặc nước ấm. Ngoài ra, các áo dệt từ cotton nên được giặt tay hoặc giặt chế độ nhẹ (delicate).

Nếu bạn có máy sấy quần áo, nên sấy cotton ở nhiệt độ thấp để tránh làm co vải.

BẠN BIẾT CHƯA: Trong trường hợp của quần jeans, bạn không cần phải giặt quần sau mỗi lần mặc. Đây là lý do vì sao.

Da thuộc / da lộn

Bạn có thể áp dụng cách bảo quản đồ da này cho tất cả sản phẩm da thuộc; từ áo khoác biker đến túi xách. Ảnh: Salvatore Ferragamo

Chúng ta cho rằng da thuộc hoặc da lộn (suede) không nên giặt rửa. Nhưng thực tế, bạn vẫn nên bảo quản chúng tại gia để tăng cường tuổi thọ của các sản phẩm này. Cả hai chất liệu này đều xuống cấp khi bị bám bụi và bị khô. Theo lời chuyên gia da thuộc David Morgan, có 4 lý do khiến sản phẩm da thuộc hư hỏng: (1) tiếp xúc với dầu, (2) bị ô-xy hóa do tiếp xúc với không khí hanh khô, (3) bị chà sát mạnh và (4) bị trầy sước.

Bạn có thể bảo quản trang phục, phụ kiện và túi xách da thuộc như sau:

  • Nếu bạn sử dụng thường xuyên: Pha nước ấm với xà bông ít kiềm. Dùng khăn thấm dung dịch và lau bề mặt nhẹ nhàng. Sau đó lau lại với khăn khô.
  • Khoảng 3-6 tháng/lần: Sử dụng sản phẩm dưỡng để giữ độ mềm cho da thuộc. Các thương hiệu thời trang cao cấp, từ Coach đến Tumi, đều có bán sản phẩm chuyên dụng này.
  • Một năm/lần: Đưa sản phẩm da thuộc đến chuyên gia để bảo trì và bảo dưỡng.

Ngoài ra, bạn cũng tránh đặt các sản phẩm da thuộc gần với nguồn nhiệt, gây khô và nứt nẻ sản phẩm.

 

Lanh (linen)

Vải lanh (linen) dễ nhăn, nên bạn cũng cần ủi chúng sau mỗi lần giặt. Ảnh: Spruce

Vải lanh cũng là một chất liệu dễ giặt tại nhà. Giặt máy với chế độ nước lạnh hoặc ấm để có kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, vải lanh hấp thụ nước mạnh hơn các loại vải khác. Vì vậy, bạn nên chừa khoảng trống trong máy giặt để chất liệu này “nở” ra khi thấm nước. Vải lanh cũng dễ nhăn, nên phương thức ủi tốt nhất là dùng chế độ ủi hơi ở nhiệt độ nóng nhất cho phép.

>>> Xem thêm: BIỆN PHÁP CHĂM SÓC QUẦN ÁO LÀM TỪ VẢI LANH (LINEN) ĐỂ NÓ LÂU HỎNG

Len

Áo len và quần len từ Zara

Len làm từ lông cừu rất ấm, thường được sử dụng cho áo ấm và trang phục mùa đông. Do cấu trúc của sợi len chống bám mùi hôi, bạn không nhất thiết phải giặt sản phẩm len sau mỗi lần sử dụng. Hạn chế giặt len cũng giúp giữ cho sản phẩm lâu bền hơn, vì các nước giặt thông thường khá nặng và bào mòn sợi len không cần thiết.

Để bảo quản áo len: Sau khi mặc, bạn phơi áo lên khu vực nhiều nắng. Tia nắng chứa UV sẽ diệt khuẩn và khử mùi hôi. Sau đó, bạn hẵng gấp và cất áo đi.

Để giặt áo len: Các thương hiệu xa xỉ thường khuyên bạn giặt hấp đồ len. Điều này không nhất thiết. Tương tự như cách giặt cashmere, hãy dùng nước giặt chuyên dụng cho len. Các nước giặt này thường có chứa lanolin, một loại sáp tiết ra từ bã nhờn cừu và dê. Lanolin có tác dụng bảo dưỡng sợi len khi giặt. Cách giặt len tốt nhất là giặt tay; hoặc chọn chế độ giặt êm (delicate) cùng nước lạnh. Bạn nên đặt áo len vào túi giặt để tránh gây giãn trong quá trình giặt.

Lụa tơ tằm

Khăn lụa Burberry

Một trong những chất liệu sang trọng nhất thế giới, lụa tơ tằm thường bị gắn mắc là khó giặt và dễ hư. Thực tế, lý do vì sao các thương hiệu đề nghị bạn giặt hấp sản phẩm lụa là để giữ cho màu sắc lâu bền.

Nếu không cẩn thận khi giặt, lụa có thể dễ phai màu và loang màu. Nhưng bạn vẫn có thể giặt lụa ở nhà với các bước sau:

  • Đầu tiên, kiểm tra độ bền màu của trang phục lụa tơ tằm. Bằng cách dùng khăn ướt thấm lên một góc nhỏ, kín đáo của sản phẩm. Nếu xuất hiện trường hợp phai màu ngay lập tức, sản phẩm này chỉ phù hợp để giặt hấp/giặt khô. Nếu không phai màu, bạn có thể giặt tay sản phẩm lụa này.
  • Để giảm việc phai màu của lụa, bạn ngâm sản phẩm trong thau nước lạnh pha với 4, 5 giọt giấm trắng trước khi giặt khoảng 10 phút.
  • Dùng xà bông ít kiềm (như dầu gội đầu em bé) hoặc xà bông giặt lụa chuyên dụng.
  • Lụa tơ tằm “nhả” vết dơ rất mau, nên bạn không cần phải vò mạnh. Chỉ cần khoắng nhẹ trong thau nước khoảng vài phút. Sau đó xả lại bằng nước sạch.
  • Tuyệt đối không vắt đồ lụa! Bạn chỉ nên phơi sản phẩm trong bóng râm sau khi giặt. Nếu muốn sản phẩm lụa khô nhanh hơn, hãy cuộn nó lại bằng khăn bông để thấm nước trước khi phơi.

Nylon

Nylon thường được dùng làm đồ thể thao, nội y và quần vớ. Ảnh: Carbon38

Nylon cũng là sợi vải gốc dầu mỏ như acrylic. Đây là chất liệu thường được tìm thấy trong quần vớ, nội y hay các sản phẩm thời trang thể thao.

Chế độ giặt thường với nước lạnh là cách giặt nylon tốt nhất. Bạn cũng nên phơi thay vì sấy sản phẩm làm từ nylon, vì độ nóng có thể khiến chất vải này bị bóp méo và nhăn lại.

Polyester

Có nguồn gốc từ dầu mỏ, sợi polyester xuất hiện khắp nơi trong giới thời trang. Từ quần tây đến áo khoác. Từ áo sơ-mi đến đầm dạ hội. Sự mềm dẻo và giá rẻ của polyester biến nó thành một trong những chất liệu thông dụng nhất thị trường thời trang. Hiện tại, trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện sợi polyester làm từ nhựa tái chế, như một biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa bị đổ ra biển.

Tương tự như nylon và acrylic, bạn giặt polyester thoải mái trong máy giặt. Tuy nhiên, việc giặt trang phục chứa polyester đang thải hàng triệu hạt vi nhựa vào nguồn nước. Để giảm thiểu việc này, hãy đặt quần áo làm từ polyester vào bao giặt và chọn chế độ giặt nhẹ (permanent press hoặc delicate).

Rayon/Viscose/Tencel/Lyocell

Áo làm từ sợi rayon pha lụa tơ tằm, Dolce & Gabbana

Các sợi này nửa thiên nhiên, nửa nhân tạo. Chúng được làm từ thực vật thân gỗ hoà tan trong dung môi và dệt sợi nhân tạo. Quá trình tạo nên những chất liệu này tương tự như quá trình làm giấy.

Tuy các sợi vải này được ca tụng là vải sinh học, do sử dụng nguồn gỗ mọc nhanh (như tre trúc hay bạch đàn) và không tốn nước, nhưng quá trình giặt chúng lại là cả một vấn đề đau đầu.

Đối với các chất liệu nguồn gốc từ gỗ này, bạn nên ưu tiên chế độ giặt vừa phải (permanent press) với nước lạnh. Giặt nước nóng có thể khiến vải bị nhăn nhúm. Chế độ giặt mạnh và nước nóng cũng dễ khiến cho vải bị xù lên, xuất hiện những cục bông lăn tăn.

Sau khi giặt, khi vải còn ướt, bạn có thể ngay lập tức ủi hơi để tránh xuất hiện vết nhăn trên sản phẩm. Nếu lỡ chờ đến khi vải đã khô mới ủi, các chất vải này thường giữ nếp nhăn rất lâu; bạn sẽ phải ủi hơi cho thật ẩm để làm phẳng trang phục.

>>> Xem thêm: TỪ ĐIỂN THỜI TRANG: THẾ NÀO LÀ CHẤT LIỆU VẢI XANH?

Spandex

Áo bơi Calvin Klein.

Vải spandex thường được dùng để làm trang phục thể thao, nội y định hình (như quần gen) và áo bơi, vì độ co giãn cao. Tuy nhiên, do được làm từ sợi nhân tạo nên trang phục spandex rất dễ hôi. Mùi trên cơ thể bám vào sản phẩm spandex ngay sau mỗi lần sử dụng. Vì vậy, bạn nên giặt đồ thể thao và nội y làm từ spandex thường xuyên.

Vải spandex cũng dễ phai màu. Để tránh lem màu, bạn nên phân loại màu sắc theo quy luật trắng/sáng/tối màu khi giặt. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng giấm trắng thay cho nước xả vải để giúp trang phục giữ màu tốt hơn.

***

Lời lưu ý cuối: Đừng quên đọc nhãn giặt!

Nếu chưa hiểu rõ ký tự trên nhãn giặt, hãy tham khảo bảng ký hiệu giặt ủi chi tiết này.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm