Nhóm Antwerp 6+1 bao gồm: Dries Van Noten, Dirk Bikkembergs, Marina Yee, Dirk Van Saene, Walter Van Beirendonck, Ann Demeulemeester và Martin Margiela.
‘Six và Margiela (được gọi là Antwerp 6+1) là nhóm nhà thiết kế tốt nghiệp khoa Thời trang của Học viện Antwerp năm 1980, ’81 và ’82. Họ được khen ngợi vì phong cách thiết kế độc đáo, cung cách xây dựng phong cách cá nhân và toàn quyền kiểm soát mọi chi tiết. Mặc dù mỗi người trong số họ đã phát triển sự nghiệp của riêng mình, song cái tên ‘Antwerp Six vẫn là một dấu ấn cho đến ngày nay.
Bill Castyham, nhiếp ảnh gia thời trang của New York Times, đã từng bình luận về sự xuất hiện của nhóm Antwerp 6+1 như sau:
“Với một nửa thế giới thời trang trong những bộ đồng phục vải tweed của Chanel, chắc chắn sẽ có một cuộc nổi loạn trẻ trung. Một nhóm gồm bảy nhà thiết kế người Bỉ đã nổi lên như một điều tất yếu của thời cuộc. Và ba trong số họ – Martin Margiela, Ann Demeulemeester và Dirk Van Saene – đã trình diễn các bộ sưu tập ở đây trong tuần này. Họ là những nhà thiết kế người Bỉ phô diễn vẻ đẹp của lớp lót, xem đường may là những chi tiết trang trí trên quần áo”.
Vậy, họ đã thay đổi ngành thời trang như thế nào? Hãy cùng điểm qua các thành tựu của họ.
Dirk Bikkembergs: Người tiên phong làn sóng athleisure
Nhắc đến Bikkembergs là nhắc đến người tiên phong trong làn sóng kết hợp thời trang thể thao với thời trang đại chúng. Mà bây giờ chúng ta gọi là athleisure.
Các bộ trang phục của anh luôn thể hiện sự khoẻ khoắn của những vận động viên thông qua kỹ thuật may đo và các chất liệu cứng cáp.
Bóng đá cho đến nay là môn thể thao phổ biến nhất. Bikkembergs hiểu rằng các cầu thủ bóng đá nổi tiếng là những thần tượng đương đại nổi tiếng nhất. Điều này đã dẫn anh đến, vào năm 2001, trưng bày bộ sưu tập của mình tại sân vận động bóng đá San Siro ở Ý, khác xa với các tuần lễ thời trang.
Nhà Dirk Bikkembergs sở hữu ba dòng thời trang chính: Sport Couture (dành cho các vận động viên); dòng thời trang may sẵn Bikkembergs; và dòng thời trang tầm thấp mang tên Bikkembergs Sport.
Năm 2003, anh được bổ nhiệm làm nhà thiết kế chính thức cho câu lạc bộ bóng đá Inter Milan. Hai năm sau, vào năm 2005, anh trình bày bộ sưu tập của mình tại sân vận động lớn nhất châu Âu, Camp Nou ở Barcelona.
Năm 2011, thương hiệu Dirk Bikkembergs đã được bán cho Zeis Excelsa SpA, một công ty chuyên gia công giày dép tại Ý.
Ann Demeulemeester: Tôn vinh đỉnh cao may đo trong thời trang tối giản
Cô là một trong hai nhà thiết kế nữ duy nhất của nhóm Antwerp 6+1.
Ann Demeulemeester thành lập công ty của mình cùng với chồng, nhiếp ảnh gia Patrick Robyn vào năm 1985. Cô đã tổ chức buổi trình diễn đầu tiên của mình trong tuần lễ thời trang Paris cho mùa Xuân Hè 1992. Trong bộ sưu tập này, phom dáng mà Demeulemeester giới thiệu đã thể hiện tinh thần hiện đại tinh tế. Các thiết kế phô diễn những đường cắt cúp đầy nghệ thuật, tạo sự mềm mại cho cơ thể người mặc.
Ann thích tạo nên sự tương phản trong trang phục của mình. Cô đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về các đường cắt trên trang phục. Mục đích để cho trang phục luôn có cảm giác chuyển động ngay cả khi người mặc hoàng toàn không chuyển động.
Với Ann, câu hỏi luôn được cô đặt ra là: “Làm thế nào để phá vỡ sự cân bằng của cơ thể?” và “Nên khai thác những đường cắt như thế nào có thể thách thức trọng lực?”.
Ann Demeulemeester cũng được biết đến như người tiên phong trong phong trào thời trang phi giới tính. Phom dáng này cho phép cô tạo sự tương phản giữa chất liệu xù xì cùng chi tiết trang trí mỏng manh, ví dụ như lông vũ.
Các nhà phê bình thời trang đã sớm nhận ra và ca ngợi những vần thơ mong manh trong thẩm mỹ Demeulemeester, được tạo ra bởi sự phối hợp giữa thời trang và âm nhạc. Vào tháng 11 năm 2013, Demeulemeester viết một lá thư tay, tuyên bố rời khỏi nhà mốt của mình.
Walter Van Beirendonck: Tiên phong thử nghiệm các chất liệu sáng tạo
Nhà thiết kế Walter Van Beirendonck được biết đến với các bộ sưu tập đầy màu sắc, thị hiếu về cái đẹp khác lạ, các show diễn phá vỡ mọi nguyên tắc, và luôn đề cập đến các vấn nạn xã hội qua thời trang.
Giới chuyên môn cho rằng, các bộ sưu tập quan trọng nhất của anh được sáng tạo từ 1993 đến 1999. Lúc ấy, anh bắt tay cùng nhà sản xuất đồ jeans Đức Mustang để ra mắt thương hiệu thời trang trẻ W.&L.T. (Wild and Lethal Trash).
Từ thập niên 1990, cho thương hiệu W.&L.T. , Walter Van Beirendonck đã biết khéo léo kết hợp công nghệ mới, chất liệu mới, cùng những khẩu hiệu về xã hội và xu thời. Điều này chứng tỏ tư duy đi trước thời đại của anh.
Walter Van Beirendonck vô cùng thích thử nghiệm. Anh kết hợp những chất liệu lạ lùng vào dòng ready-to-wear.
Một số chất liệu anh ưa thích gồm neoprene (vốn dùng cho đồ lặn), vải phản quang (dùng trong đồ bảo hộ lao động), và chất liệu dạ quang. Ngày nay, chúng thông dụng, nhưng trước kia, các thiết kế này gây bất ngờ cho giới fashionista.
Anh thậm chí còn thử nghiệm in họa tiết mang mùi hương lên trang phục. Ví dụ, trang phục in họa tiết dâu tây sẽ có mùi hương dâu thật.
Khi màn bắt tay với công ty Mustang kết thúc, Walter Van Beirendonck trở về với các bộ sưu tập mang tính chất may đo, số lượng nhỏ và kinh phí thấp hơn. Anh một lần nữa khiến giới mộ điệu phải nhớ, mình có tay nghề thực hiện sản phẩm couture rất tuyệt. Năm 2006, anh được bổ nhiệm làm giám đốc ngành học thời trang tại trường Đại học Hoàng gia Mỹ thuật ở Antwerp.
Walter Van Beirendonck là thầy dạy học trực tiếp cho Raf Simons, cựu giám đốc sáng tạo của Dior và Calvin Klein, và Kris Van Assche, giám đốc sáng tạo của Berluti.
Dries Van Noten: Mở rộng giới hạn của thời trang may đo cao cấp
Dries Van Noten là một trong những nhà thiết kế có sức mạnh thương mại lớn của nhóm Antwerp 6+1.
Nhà thiết kế này bắt đầu thương hiệu cá nhân năm 1986. Các bộ sưu tập thời trang cho nam và nữ của anh mang mọi người đến những miền giả tưởng và vị lai. Để thể hiện viễn tưởng của mình, anh dùng rất nhiều chi tiết thêu, đính kết, dệt dập nổi và in hoa.
Để làm nên các họa tiết trademark của mình, anh phải tìm đến một quốc gia có tay nghề thêu thượng thừa: Ấn Độ. Anh đã tìm đến các xưởng thêu ở Calcutta, Ấn Độ. Gần 3000 công nhân làm việc để tạo nên những thiết kế phức tạp của anh.
Vì vậy, Dries Van Noten đã khơi gợi lên khái niệm: Thời trang cao cấp không nhất thiết là sản phẩm Made in Italy hay Made in France. Cho dù trang phục làm ở Ấn Độ, Trung Đông hay Mỹ, nếu nó đạt chất lượng đỉnh cao thì nó vẫn có thể gọi là thời trang cao cấp.
Tuy vậy, Dries Van Noten không bao giờ tự nhận sản phẩm của mình là haute couture. Các sản phẩm của anh luôn thuộc dạng thời trang may sẵn, được bày bán rộng rãi trong các cửa hàng. “Có thể nói tôi hơi ngây thơ. Nhưng tôi không thích trình diễn trang phục mà bạn không thể mua ngay tại các cửa hàng”.
Là một công ty tư nhân, Dries Van Noten không tiết lộ nhiều về tình hình kinh doanh. Nhưng sản phẩm của thương hiệu được cho là được bày bán ở hơn 400 cửa hàng thời trang vòng quanh thế giới. Doanh thu ước tính là 30 triệu euro/năm. Năm 2018, thương hiệu Dries Van Noten được bán cho công ty thời trang và nước hoa Puig của Tây Ban Nha.
Dirk Van Saene: Bứt phá khỏi lịch diễn và nguyên tắc thời trang phổ thông
Thành viên bí ẩn nhất của nhóm những nhà thiết kế Antwerp 6+1, Dirk Van Saene sinh ra trong một gia đình của các họa sỹ. Chính vì vậy, nhà thiết kế này bày tỏ những ý tưởng sáng tạo của mình không chỉ qua thời trang, còn còn qua tranh vẽ, tranh minh họa, và tác phẩm nghệ thuật gốm sứ.
Như bất kỳ một họa sỹ nào, Dirk Van Saene cũng rất tuỳ hứng. Anh trình làng bộ sưu tập mới khi mình thích, bán trang phục khi mình muốn, chẳng hề bó buộc bản thân vào quy tắc lịch trình giới thời trang vốn luôn tuân thủ. Anh bán các sản phẩm nơi mình muốn, khi mình muốn. Đơn giản là vậy thôi.
Vừa là nhà thiết kế độc nhất, vừa là chủ sở hữu thương hiệu, Dirk Van Saene không bị ép buộc bởi những chủ đầu tư khác. Sở hữu êkíp sản xuất nhỏ, anh không bị sức ép về mặt tài chính. Kết quả là anh được thỏa sức thiết kế và ra mắt sản phẩm mới tuỳ thích.
Năm 1990, Dirk Van Saene tổ chức show diễn thời trang đầu tay ở Paris. Sàn diễn của anh gây ấn tượng vì phản ánh xu hướng thời trang trên đường phố Paris, hơn là một bộ sưu tập bài bản theo ý nghĩa truyền thống.
Các thiết kết của Dirk Van Saene sử dụng nhiều môtíp của hội họa như trompe l’oeil (hiệu ứng đánh lừa thị giác), vẽ tay lên vải, hoặc in lại tranh vẽ của mình lên trang phục. Anh kết hợp cùng các chi tiết như nơ và đính kết làm nên thời trang haute couture, chỉ để…châm biếm nó. Ví dụ, anh dừng ra mắt bộ sưu tập 2D Fake Couture mùa Thu Đông 1998, châm biếm thời trang cao cấp.
Từ năm 2008, Dirk Van Saene trở thành thầy giáo, dạy Thạc sỹ thời trang tại trường Đại học Hoàng gia Mỹ thuật ở Antwerp.
Marina Yee: Đẩy mạnh xu hướng thời trang tái chế và upcycle
Nhà thiết kế nữ còn lại của nhóm Antwerp 6+1, Marina Yee luôn cảm thấy lạc lõng trong thế giới thời trang.
Ngay sau khi tốt nghiệp năm 1981, cô thành lập thương hiệu riêng, Marie. Nhưng cô không thích khía cạnh thương mại của thời trang. Vì vậy, cô lại thiết lập thêm một thương hiệu cá nhân nhỏ và mang tính chất may đo hơn.
Năm 1990, Marina Yee tuyên bố rút lui khỏi giới thời trang. Nhưng rồi cô lại trở lại năm 2005. Lâu lâu cô lại cộng tác với các nhà thiết kế Antwerp 6+1 khác. Năm 2018, cô mở một cửa hàng nhỏ tại Tokyo.
Khi nói về sản phẩm của Marina Yee, khía cạnh thời trang bền vững và tái chế là điểm mạnh của cô. Marina Yee có một xưởng may đo chuyên sản xuất các sản phẩm độc nhất vô nhị từ trang phục second-hand. Cô đề cao phong cách thời trang đọc lập đến từ việc tái chế đồ cũ. Tuy là thời trang upcycle, nhưng các thiết kế của Marina Yee vẫn mang tính chất may đo cao cấp.
Bây giờ, Marina Yee toàn tâm toàn ý nuôi dưỡng một thế hệ các nhà thiết kế trẻ mới. Cô dạy học tại trường Nghệ thuật KASK ở Ghent, Bỉ.
Martin Margiela: Tiên phong làn sóng thời trang tách kết cấu (deconstruction)
Nhà thiết kế Martin Margile là con số +1 trong số các nhà thiết kế Antwerp 6+1. Lý do vì anh ra trường và thành danh trễ hơn nhóm Antwerp 6 một chút. Nhưng sức ảnh hưởng của Martin Margiela cũng không kém cạnh đàn anh đàn chị, nên anh được ưu ái gộp chung vào nhóm.
Năm 1988, Martin Margiela và Jenny Meirens chung sức thành lập nhà mốt Maison Martin Margiela. Ngay lập tức, nó trở nên đồng điệu với thời trang avant-garde. Phom dáng của Maison Martin Margiela luôn phóng khoáng, đậm tính chất tách kết cấu (deconstruction) trông như chưa hoàn tất. Thiết kế chuyên sử dụng vải tái chế, hoặc vải thừa, vải vụn. Các show diễn được set up ở các khuôn viên kỳ khôi.
Những thiết kế của Margiela luôn tìm cách phô bày những gì mà giới thời trang che giấu. Ví dụ anh sẽ để lộ cách cắt may một sản phẩm thời trang, cho dù nó có thể không phù hợp với cái đẹp hoàn mỹ của thời trang truyền thống. Sản phẩm nhiều khi nhìn như được chắp vá, chưa hoàn tất.
Chính Martin Margiela cũng rất kiệm lời, hiếm khi xuất hiện trước truyền thông. Trước 2018, không ai biết gương mặt thật của Martin Margiela ra sao. Anh trả lời phỏng vấn qua fax. Khi nói về Maison Martin Margiela, anh luôn tự nhận ở vế “chúng tôi” thay vì “tôi” để tỏ lòng tôn trọng các thành viên của êkíp.
Từ năm 1997 đến 2003, Martin Margiela được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của Hermès. Nhưng năm 2009, thương hiệu Maison Martin Margiela tuyên bố nhà thiết kế đã rời thương hiệu thầm lặng. Nhà thiết kế John Galliano được mời thay thế cương vị giám đốc sáng tạo năm 2014.
Những ảnh hưởng của nhóm Antwerp 6+1 đến làng thời trang thế giới
Không chỉ là một hiện tượng thời trang ở thời điểm thập niên 80, nhóm Antwerp 6+1 còn tạo dựng danh tiếng cho một quốc gia châu Âu vốn chưa có một bản sắc cụ thể trong ngành công nghiệp thời trang vốn đang chịu ảnh hưởng từ những nhà thiết kế từ Pháp, Italy hay Nhật Bản.
Sức ảnh hưởng và phong cách thẩm mỹ của nhóm đa dạng tới mức quả thật là một điều kỳ diệu khi tất cả đều cùng học ở một trường, trong cùng một giai đoạn. Đó là sự thanh lịch sâu sắc của Dries van Noten, bảng màu nặng nề tông đen của Ann Demeulemeester, sự lập dị trong màu sắc và hoạ tiết của Walter van Beirendonck, phong cách may đo phá vỡ tái cấu trúc của thành viên danh dự Martin Margiela.
Phong cách đa dạng và danh tiếng toàn cầu của nhóm đã giúp Học viện Nghệ thuật Antwerp thu hút được một lượng lớn học sinh trên toàn thế giới như Raf Simons, Haider Ackermann, Kris Van Assche và Demna Gvasalia trong những năm tiếp theo.
Mặc dù mỗi người đều có một dấu ấn riêng, có con đường phát triển khác nhau, theo cả hướng sáng tạo lẫn thương mại, thì cái tên ‘Antwerp Six’ vẫn là một dấu son đặc biệt quan trọng với mỗi người cho đến ngày nay.
>>> XEM THÊM: RAF SIMONS TÁI XUẤT KỂ TỪ KHI CHIA TAY CALVIN KLEIN, NÓI VỀ CHÂN LÝ TRONG NGÀNH THỜI TRANG
Trích CR Fashion Book
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam