RAF SIMONS TÁI XUẤT KỂ TỪ KHI CHIA TAY CALVIN KLEIN, NÓI VỀ CHÂN LÝ TRONG NGÀNH THỜI TRANG

Nhà thiết kế Raf Simons trò chuyện ngắn gọn tại một buổi tọa đàm ở Antwerp, Bỉ về những khó khăn trong ngành thời trang và cách nền công nghiệp nên thay đổi

Nhà thiết kế Raf Simons tại Fashion Talk ở Antwerp. Ảnh: Getty Images

Lần đầu tiên kể từ khi chia tay Calvin Klein vào cuối năm 2018, nhà thiết kế Raf Simons mới lại xuất hiện trước công chúng. Ông biến mất gần như trong một năm. Và cuộc gặp gỡ đám đông cũng chỉ vỏn vẹn 35 phút. Xuất hiện tại buổi tọa đàm Fashion Talks tại thành phố Antwerp, Bỉ; nhà thiết kế Raf Simons bày tỏ quan điểm rõ ràng của mình về nền công nghiệp thời trang hiện tại.

***

Raf Simons nói về những thương hiệu thời trang xa xỉ lâu đời…

“Những thương hiệu lớn bây giờ tập trung vào hai việc: quảng cáo và bành trướng kinh doanh. Rất khó để một nhà thiết kế thời trang giỏi ở cả hai khía cạnh này. Bản thân tôi cũng vậy. Tôi hiểu khả năng của mình nằm ở đâu. Quan trọng nhất là nhà thiết kế biết nên cộng tác cùng ai để giúp đỡ mình tốt nhất. Đôi khi người này không phải lựa chọn của bạn.”.

“Công việc một giám đốc sáng tạo bây giờ ngày càng phức tạp. Bạn đến một tập đoàn thời trang, suy nghĩ rằng mình chỉ thiết kế bộ sưu tập. Nhưng sau đó bạn phải giúp bổ khuyết tất cả những mảng chưa hoàn thiện. Có thể là tìm người cho mảng mua hàng (merchandising).”

Raf Simons giải thích vì sao anh khá im lặng…

“Bạn bị đánh giá rất nhanh dựa trên một vài câu nói. Và tôi không chỉ nói về bản thân; mà đang giãy bày thay cho những người bạn thân, những nhà thiết kế khác. Thật sợ hãi phải bày tỏ quan điểm. Đặc biệt khi chúng ta có một ý kiến mạnh mẽ, khác người; và sau đó bị chê bai hay chỉ trích về mọi mặt. Vì vậy, tôi nghĩ giới thiết kế thời trang cố gắng không gây xì-căng-đan, và chỉ tiếp tục với công việc chuyên môn.”

Raf Simons kể lại quá trình đến với ngành thời trang…

“Tôi đã bị “tẩy não” từ trẻ. Khởi đầu, tôi học việc tại Walter Van Beirendonck (nhà thiết kế thời trang nam người Bỉ). Ông ấy luôn đề bạt những gương mặt trẻ. Thuở ấy, tôi chẳng có nhiều kinh nghiệm, nhưng ông ấy đã chào đón tôi và dạy nghề cho tôi.”

“Khi mới bước chân vào nghề, tôi chỉ biết những nhà mốt tự thân như vậy. Lúc ấy, tôi chưa hề biết đến những tập đoàn như LVMH hay nghề giám đốc sáng tạo. Nhìn xung quanh và tôi thấy Walter Van Beirendonck, Ann Demeulemeester, Dirk Van Saene, Dries Van Noten, và Martin Margiela. Ai cũng sở hữu thương hiệu riêng.”

“Tôi nhớ, Dries [Van Noten] và Walter [Van Beirendonck] làm việc trong cùng một tòa nhà. Ai cũng có phong cách riêng, nhưng vẫn có thể chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau. Tôi nghĩ, cảm giác này thật tuyệt đẹp.”

Raf Simons nhớ lại giai đoạn làm việc cùng Dior…

“Có một áp lực khổng lồ đến từ cánh báo chí. Họ luôn muốn theo sát chân tôi khi tôi đang thiết kế, khi may sản phẩm mẫu, khi ướm thử lên người mẫu. Sau đó tôi phải sắp đặt thời gian để cánh báo chí có thể xem trang phục trước. Và trả lời phỏng vấn trước khi show diễn ra. Tôi không thích cách làm việc này. Có thể những nhà thiết kế khác dễ chịu với quá trình này. Nhưng đây không nên là quy trình cho tất cả các nhà thiết kế”.

Raf Simons thường chào cuối show với nụ hôn gió nổi tiếng. Gương mặt tươi rói của ông không để lộ những sự mệt mỏi ở hậu trường.

Raf Simons suy nghĩ gì về tài chính như thước đo thành công…

“Thật khó chịu. Đa phần những bài review đến từ các tờ báo lớn, ai cũng chỉ nhìn về mặt tài chính. Tôi cho rằng cái nhìn này tạo ra nhiều giới hạn. Tôi nghĩ, bạn nên biết thành công là gì, tự tìm hiểu định nghĩa cho bản thân, về những điều làm cho bạn hạnh phúc. Thành công tài chính cũng quan trọng nhưng nó không nên là giá trị đo lường đối với người làm sáng tạo”.

“Không liên quan gì đến bao nhiêu khách hàng bạn có. Không liên quan gì đến bạn sở hữu bao nhiêu cửa hàng. Tôi không nghĩ những con số này nên được quan trọng hóa như vậy. Nhiều khi, tôi thấy một bộ sưu tập rất gớm ghiếc, nhưng ai cũng khen ngợi nó vì thương hiệu đang mạnh trên thương trường.”

“Tôi nghĩ, đối với đa phần các nhà thiết kế, điều này rất đau lòng. Nói thật nhé, tôi sẽ rất buồn nếu như bạn nghĩ thiết kế của tôi rất xấu, nhưng vẫn phải khen vì thương hiệu đang nổi tiếng. Nhưng về mặt khác, kinh doanh là một mạng lưới khép kín. Các thương hiệu quảng cáo trên tờ báo; nên các đầu báo phải viết những điều hay ho về các thương hiệu. Nếu bộ sưu tập không đẹp, thì chỉ có cách là khen kinh doanh đang phát triển tốt”.

Raf Simons định hướng tương lai cho thương hiệu cá nhân…

“Tôi muốn giữ vững suy nghĩ trẻ trung và hiện đại. Tôi không muốn buông xuôi. Có rất nhiều thương hiệu bắt đầu rất hay ho, nhưng càng về sau càng chỉ tập trung về khía cạnh kinh doanh và trở nên nhàm chán.”

>>> Xem thêm: RAF SIMONS LÀ NHÀ THIẾT KẾ ĐƯỢC TÌM KIẾM NHIỀU NHẤT TRÊN GOOGLE NĂM 2015

Theo Hypebeast
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm