Ngỡ ngàng trước kỹ thuật cẩn đá quý tỉ mỉ của đồng hồ Rolex

Bạn có biết Rolex phải trải qua bao nhiêu công đoạn để làm nên những chiếc đồng hồ đính đá quý?

Chi tiết cẩn đá đúng đến từng micron trên đồng hồ Rolex Oyster Perpetual Cosmograph Daytona

Chi tiết cẩn đá đúng đến từng micron trên đồng hồ Rolex Oyster Perpetual Cosmograph Daytona. Ảnh: Rolex

Kim cương và đá quý không chỉ dành cho nữ giới. Rolex đã chứng minh điều này khi giới thiệu đồng hồ Rolex Oyster Perpetual Cosmograph Daytona. Mẫu đồng hồ Rolex này đã khiến nhiều quý ông phải siêu lòng và không ngần ngại đeo thứ lấp lánh này lên cổ tay mình.

Những người yêu đồng hồ chân chính có thể nói rằng, việc gắn đá quý như sapphire và kim cương lên đồng hồ chẳng mang lại lợi ích gì đến công năng của nó. Nhưng không thể phủ nhận, kỹ thuật cẩn đá quý của Rolex quá siêu việt. Tuy không phải mẫu đồng hồ nào của Rolex cũng cẩn đá quý, thương hiệu đã tuyển dụng hẳn một êkíp các chuyên gia thẩm định và thợ kim hoàn lành nghề để thực hiện công đoạn này.

Đồng hồ Oyster Perpetual Cosmograph Daytona phô diễn kỹ thuật cẩn đá quý của Rolex

Trước khi giới thiệu mẫu đồng hồ này, Rolex thường chủ yếu dùng kim cương. Các viên kim cương sẽ được dùng để nạm lên mặt đồng hồ, lên con số chỉ giờ, hoặc lên thành bezel.

Mãi đến khi mẫu Oyster Perpetual Cosmograph Daytona cẩn sapphire 7 màu cầu vồng ra mắt, thiên hạ mới nhận ra sự tài tình trong kỹ thuật xử lý đá quý của Rolex. Chiếc đồng hồ này mau chóng được gọi với cái tên ưu ái là Daytona Cầu Vồng (Rainbow Daytona). Tương tự như những mẫu Daytona khác, chúng rất hiếm và khó có thể mua được.

Trái: Mặt đồng hồ đính kim cương nhí kiểu pavé. Phải: Chiếc đồng hồ Rainbow Daytona quý hiếm. Ảnh: Rolex

Trái: Mặt đồng hồ đính kim cương nhí kiểu pavé. Phải: Chiếc đồng hồ Rainbow Daytona quý hiếm. Ảnh: Rolex

Dựa trên sức hút của chiếc đồng hồ này, Rolex tiếp tục cho ra mắt một loạt mẫu khác cũng cẩn đá sapphire tương tự. Ví dụ mẫu Yatch Master 40 có bezel nạm sapphire. Hay đồng hồ Submariner 40mm với vàng trắng và vòng bezel nạm sapphire xanh.

Trái: Đồng hồ Yatch Master 40mm có bezel cẩn sapphire. Phải: Đồng hồ Submariner 40mm có bezel sapphire là mẫu đặc biệt phải được đặt riêng với Rolex.

Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu nghệ thuật cẩn đá quý thượng thừa của Rolex.

Đầu tiên, kỹ thuật thẩm định đá quý

Rolex đặt ra những tiêu chí cao nhất trong công đoạn thẩm định. Thương hiệu chỉ chọn đá quý thiên nhiên, chứ không dùng loại đá tổng hợp.

Mỗi viên đá đến tay Rolex đều đi qua khâu tuyển chọn khắt khe. Được đưa qua máy X-Ray để đảm bảo độ tự nhiên. Được phân loại theo màu sắc, độ tinh khiết và kiểu cắt đá sao cho phản chiếu ánh sáng lấp lánh nhất. Chỉ có những viên đẹp nhất mới được chọn để đưa qua khâu cẩn đá.

Các viên sapphire được xếp cạnh nhau để so sánh màu sắc. Ảnh: Rolex

Kế tiếp, quy trình cẩn đá

Các nhà kim hoàn không chỉ đơn giản là nạm đá quý được chọn vào chiếc đồng hồ. Mà họ còn đóng vai trò quan trọng hơn.

Bắt đầu từ khâu thiết kế mẫu mã, họ sẽ làm việc với êkíp thiết kế và kỹ sư. Họ cùng thảo luận để lên ý tưởng về cách chọn màu cũng như cách thiết lập rãnh cẩn đá quý. Bản thiết kế được vẽ đúng đến từng micron để cân bằng giữa thẩm mỹ của mẫu đồng hồ, lượng kim loại cần thiết để giữ cho đá quý không bị xê xịch, và kỹ thuật làm nên công năng chính của chiếc đồng hồ Rolex.

Sau khi tất cả công đoạn trên đã được chuẩn bị, họ sẽ cẩn đá bằng tay vào phần kim loại. Dưới kính lúp, họ xoay chuyển viên đá sao cho lấp lánh nhất. Các thợ kim hoàn sẽ điều chỉnh và xê xịch từng viên đá trong biên độ xao động là… 2/100 mm, tức 1/4 bán kính của sợi tóc người! Bước điều chỉnh này có thể được thực hiện lên đến 3000 lần cho các mặt đồng hồ cẩn kim cương nhí dạng pavé.

Ảnh: Rolex

Kỹ thuật cẩn đá của Rolex

Rolex sử dụng 4 kỹ thuật cổ điển để cẩn đá quý lên các mẫu đồng hồ của mình.

Kỹ thuật thường thấy nhất là bead.

Nghệ nhân sẽ dùng dụng cụ khoét một ô nhỏ trong phần kim loại, vừa khít với hình dạng viên đá quý. Đây là kỹ thuật được dùng để đính kim cương nhí dạng pavé vào mặt đồng hồ.

Các viên kim cương dùng cho kỹ thuật beading luôn được cắt theo kiểu tròn (brilliant cut). Viên kim cương được mài dũa sao cho có 57 hoặc 58 mặt (nếu có thêm mặt cắt ở đáy). Kiểu cắt này phô diễn tối đa độ lấp lánh của viên kim cương. Chúng sẽ được định vị với từ 3 đến 5 chấu hình hạt bẹt.

Mặt đồng hồ pavé nạm kim cương bằng kỹ thuật bead

Kế đến là kỹ thuật claw.

Gần giống với kỹ thuật closed, nhưng phô bày viên đá quý rõ rệt hơn kỹ thuật bead.

Vòng bezel nạm kim cương của đồng hồ Rolex bằng kỹ thuật claw

Đối với những viên đá quý hình tròn, Rolex sẽ dùng kỹ thuật định vị closed.

Những viên đá quý cắt tròn được định vị bằng một dải kim loại quấn quanh. Nó tạo vẻ hiện đại và mềm mại, tôn vinh màu sắc của những viên đá quý tròn.

Rolex cũng rất ưa chuộng các viên đá cắt kiểu chữ nhật xếp tầng (emerald).

Đối với những viên đá quý hình chữ nhật này, họ sẽ dùng kỹ thuật channel. Viên đá được cố định bởi hai dải kim loại hai bên. Đây là kỹ thuật được dùng để chế tác bề mặt đồng hồ 7 sắc cầu vồng của chiếc đồng hồ Rolex Oyster Perpetual Cosmograph Daytona.

Nghệ nhân Rolex xếp các viên sapphire vào vòng bezel theo độ chuyển màu (gradient) hợp lý nhất

>>> Xem thêm: QUY TRÌNH SẢN XUẤT KỲ CÔNG NHỮNG TUYỆT TÁC ĐỒNG HỒ ROLEX

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm