Gucci Horsebit Loafer, đôi giày lười cứu cánh nhà mốt Ý trong thời kỳ tăm tối

Đôi giày lười (loafer) mang một ý nghĩa quan trọng trong lịch sử nhà mốt Gucci

Đôi giày lười Gucci Horsebit Loafer là một ngôi sao trong cả lịch sử Gucci lẫn bộ phim House of Gucci vừa ra mắt

Đôi giày lười của Gucci lần đầu tiên ra đời vào năm 1953.

Lúc ấy, nhà sáng lập, ông Guccio Gucci vừa qua đời. Ông để lại đế chế đồ da mình gầy dựng cho các con. Chỉ từ năm 1921 đến 1953, ông đã biến Gucci thành thương hiệu đồ da cao cấp, nổi tiếng với rương du lịch, vali và phụ kiện cho nam.

Người con cả của ông, Aldo Gucci, tiếp quản thương hiệu. Aldo có tầm nhìn xa và giấc mơ lớn. Anh ngay lập tức tìm cách khuếch trương cái tên Gucci ra địa bàn toàn cầu. Dưới thời của Aldo, Gucci đồng nghĩa với cửa hàng flagship hào nhoáng trên Đại lộ số 5 của New York, giới thượng lưu châu Âu và các ngôi sao Hollywood.

Một đôi giày Gucci vintage từ những thập niên cũ. Ảnh: GearPatrol

Trong số những sản phẩm ra mắt tại cửa hàng Gucci mới ở New York, được ưa thích nhất là những mẫu loafer Gucci Horsebit cho nam.

Mẫu Gucci Horsebit Loafer này được lấy ý tưởng từ một mẫu giày moccasin ra đời vào thập niên 1930. Phần mũi giày hơi thuôn gọn hơn so với các mẫu moccasin thô kệch đang được bán tại thị trường Mỹ. Nó sử dụng da thuộc mềm, mang lại cảm giác thoải mái và nhẹ tênh cho người dùng. Nhưng đồng thời, chất lượng cao cấp giúp giữ vững độ bền cho đôi giày này.

Chúng được giới thiệu ngay vào thời điểm Mỹ và Ý đang tìm cách thoát ra khỏi văn hóa bó buộc và đầy lề lối của Anh Quốc. Do vừa thoải mái lại đủ nghiêm túc, phù hợp với bất cứ hoàn cảnh nào, nên những đôi giày loafer này ngay lập tức được đón nhận.

Cấu tạo của đôi giày lười nguyên thủy năm 1950 của Gucci

Đôi giày lười xuất hiện trên bàn chân của những người đàn ông thành đạt nhất Mỹ.

Đầu tiên là những sinh viên của các trường Ivy League bậc nhất. Các anh sinh viên này đã mang chúng từ trường học lên thị trường chứng khoán Wall Street phù hoa. Đôi giày Gucci Horsebit Loafer, cùng với quần chino và áo khoác bomber, trở thành biểu tượng thời trang trẻ trung, xa hoa mà không bị gò bó.

Cựu tổng thống Hoa Kỳ, ông George H.W. Bush, trong giày loafer Gucci. Ảnh: Getty Images

Kế đó, những đôi giày này tiến thân vào Hollywood. Từ đạo diễn Francis Ford Coppola cho đến Matt Dillon, việc kết đôi với Hollywood khiến chúng càng trở nên nổi tiếng.

Nam tài tử Matt Dillon diện giày Gucci Horsebit Loafer lên phim Drugstore Cowboy năm 1988. Ảnh: Everett Collection

Điều này dẫn đến trường hợp những đôi giày loafer Gucci bị đạo nhái liên tục. Tuy vậy, những mẫu nhái không thể nào bắt chước được chất lượng cao cấp của hàng nguyên bản. Một phóng viên thời trang của Wall Street Journal từng viết, phiên bản nhái, tuy hơi giống mẫu giày của Gucci, không êm chân bằng và có phần nặng hơn.

Gucci cũng ra mắt phiên bản loafer cho nữ không lâu sau đó.

Giá thành phải chăng và độ mềm mại của chúng khiến những chị em công sở xiêu lòng. Vợ của những nhà tài phiệt Mỹ cũng sắm sửa mẫu giày này cho các chuyến du lịch, vì chúng đủ thanh lịch khi phối hợp với đầm hay quần, lại vẫn thoải mái khi đi lại.

Năm 1969, ước tính Gucci đã bán ra khoảng 84,000 đôi giày loafer toàn cầu. Lúc ấy, một đôi giày này vào khoảng 32 đô-la Mỹ (tương đương với 300 đô-la Mỹ thời bây giờ). Nó là một trong những biểu tượng thời trang cao cấp dễ đặt mua nhất.

Ngày nay, đôi giày loafer Gucci có mức giá từ 500 đô-la Mỹ trở lên, vẫn là một mức giá dễ chịu cho mặt hàng xa xỉ. Ảnh: Gucci

Đôi giày này cũng là sản phẩm đã duy trì doanh số cho Gucci trong thập niên tăm tối của nhà mốt Ý.

Vào thập niên 1980, gia đình Gucci lục đục nội bộ. Các thành viên tìm cách giành giật thương hiệu về tay mình, thậm chí tố tụng nhau ra tòa. Cái tên Gucci đồng nghĩa với những vụ scandal tốn giấy mực báo chí hơn là sản phẩm thời trang.

Thế hệ thứ ba của gia đình Gucci, ông Maurizio Gucci, vất vả giành quyền điều hành từ chú Aldo Gucci và anh họ Paolo Gucci. Ông đã mời nữ doanh nhân Dawn Mello từ Mỹ về để giúp ông chấn chỉnh công ty.

Lúc này, sản phẩm của Gucci không còn được xem trọng như thuở ban đầu. Làm sao để giới thiệu một sản phẩm đinh giúp củng cố hình ảnh thương hiệu?

Bà Dawn Mello đã quyết định dùng đôi giày loafer Gucci làm điểm tái khởi. Bà nhận ra rằng giới yêu thời trang vẫn tiếp tục săn lùng các bản vintage từ thời thập niên 1950 của đôi giày này. Thậm chí, có nhiều người không mua mẫu mới, mà được nhận đôi Gucci Horsebit Loafer lại từ ông hay cha chú.

Bà Dawn Mello bên những sản phẩm Gucci, vào năm 1990. Ảnh: Getty Images

Sự biến hóa của đôi giày loafer Gucci

Qua năm tháng, như bao sản phẩm thời trang khác, những đôi giày loafer Gucci này đã thay đổi ít nhiều. Đôi khi mũi giày vuông hơn, đôi khi lại tròn hơn. Đế giày lúc cao lúc thấp – thậm chí, trong thập niên 1970, từng có phiên bản giày loafer nam cao gót hệt như sản phẩm cho nữ. Trong thập niên 1990 cũng xuất hiện phiên bản cồng kềnh với đế cao su được giới thời trang mỉa mai gọi yêu là “SUV Gucci”.

Nhưng, cho dù có thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì bây giờ, đôi giày Gucci Horsebit Loafer vẫn là một biểu tượng của nhà mốt Ý. Chẳng vì vậy mà nó đã trở thành một vật phẩm trưng bày vĩnh viễn trong bảo tàng Metropolitan Museum of Art ở New York, Mỹ.

Quá trình làm nên một đôi giày loafer của Gucci. Ảnh: Sidney Teo for Gucci

Những phiên bản loafer hiện đại của Gucci. Ảnh: Gucci

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm