Cú giãy chết của tuần lễ thời trang

Các tuần lễ thời trang không còn đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp thời trang như trước.

xu huong thoi trang fashion calendar

Tuần lễ thời trang đang hấp hối. Nó không còn quan trọng với giới buyer mua hàng thời trang. Nó không còn hấp dẫn các nhà thiết kế. Và nó cũng không gây sức hút với người xem. Vậy chúng ta còn cần đến tuần lễ thời trang hay không? Và nó hiện hữu vì ai, cho ai?

 

Lịch sử tuần lễ thời trang, một cái nhìn khái quát

Trước khi nhắc đến lịch sử tuần lễ thời trang, chúng ta phải nói về vì sao nó được tổ chức theo hai mùa Xuân Hè và Thu Đông. Người khởi xướng khái niệm này là ông hoàng mặt trời: Vua Louis XIV của Pháp. Ông là người đầu tiên đã phân biệt hai mùa thời trang – Xuân Hè và Thu Đông. Vải vóc hai mùa được tách biệt rõ rệt theo màu sắc, họa tiết, độ dày và chất liệu. Chúng ta đã dựa theo cách sắp xếp này từ những năm 1600 đến bây giờ – hơn 400 năm!

Từ những năm 1700, Pháp đã có những show thời trang để bày bán các thiết kế mới nhất. Trang phục, vải vóc được mặc lên mannequin, từng chiếc một, và chỉ dành riêng cho giới thương lái. Những năm 1800, Charles Frederick Worth thay đổi cách trình bày. Ông style cho mannequin hẳn một bộ trang phục đầy đủ, với phụ kiện đi kèm. Paul Poiret là người đầu tiên mở tiệc chiêu đãi khách hàng hậu show.

Concept tuần lễ thời trang đương đại xuất hiện lần đầu tiên năm 1943, tại Mỹ. Nó được tổ chức với ý đồ cho phép giới thu mua thời trang có một địa điểm khác để giao dịch, khi Thế chiến II ngăn chặn việc mua bán tại Pháp. Các tuần lễ thời trang nối gót nhau mở ra: Milan năm 1958, Paris 1973 và London 1984.

Tuần lễ thời trang New York năm 1943

Tuần lễ thời trang New York năm 1943

 

Thời kỳ hưng thịnh ngắn ngủi của tuần lễ thời trang đương đại

Khi chúng ta nghĩ đến tuần lễ thời trang, chúng ta mường tượng dòng người nhộn nhịp, ăn mặc thời thượng. Những hình ảnh này thực chất mới được gầy dựng từ năm 1993. Và hoàn toàn nhờ tuần lễ thời trang New York.

Trước năm 1993, tuần lễ thời trang New York hầu như tự phát. Mỗi thương hiệu tự tổ chức show, tự mời khách, tự quảng cáo. Họ chỉ đơn giản là tổ chức vào thời gian giống nhau. Cho đến năm 1993, giám đốc điều đành CFDA Fern Mallis mong muốn tổ chức một tuần lễ liên kết hơn.

Từ lúc này, tuần lễ thời trang New York bắt đầu thuê địa điểm cụ thể: Công viên Bryant tại New York. Lều bạt trắng được dựng lên. Runway được thiết kế. Âm thanh, ánh sáng, phòng thay đồ, công tác bảo an…tất cả đều được quy vào một gói tổ chức chung. Lúc này, các nhà thiết kế chỉ cần “thuê” lại sàn diễn. Họ có thể rảnh tay tập trung vào bộ sưu tập của mình. Tất nhiên, chi phí này không rẻ.

Năm 2007, để trình diễn BST tại Tuần lễ thời trang New York, một thương hiệu sẽ phải trả tầm ngót nghét 50,000 đô-la Mỹ. Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh đi kèm biến tuần lễ thời trang thành một sự kiện thời trang bắt buộc phải tham gia.

Cho đến 2010. Tuần lễ thời trang New York đã bành trướng quá lớn. Sự kiện nằm ngoài khả năng và sức chứa của công viên Bryant. Mỗi năm ước tính đến 300 fashion show tham gia. Vì vậy, sự kiện đã dọn đến một địa điểm lớn hơn: Quảng trường Lincoln (cũng là khu vực tổ chức Met Gala). Tuy nhiên, sự kiện lại không đạt được sự thành công trước đây tại Bryant Park. Trong chỉ 5 năm ngắn ngủi, tuần lễ thời trang New York bị buộc phải rời Quảng trường Lincoln. Bây giờ, nó dường như trở về với lịch sử, với các show diễn được tổ chức lung tung khắp toàn New York.

"Căn lều trắng" của tuần lễ thời trang New York tại Bryant Park

“Căn lều trắng” của tuần lễ thời trang New York tại công viên Bryant Park

 

Vì sao tuần lễ thời trang khó tồn tại? Vì nó không còn mục đích sống.

Bạn có từng băn khoăn: vì sao các tuần lễ thời trang lại giới thiệu mẫu mã sớm đến 6 tháng trước mùa thời trang? Đó là hoàn toàn vì lý do kinh doanh.

Tuần lễ thời trang vốn xuất hiện vì mục đích rõ ràng: Mua bán, giao dịch thương mại. Thời Rococo, các salon show hiện hữu để kích thích thương lái mua vải vóc Pháp. Qua thế kỷ 18 và 19, các nhà thiết kế tổ chức show để giới thiệu mẫu mã mới đến các fan.

Thế kỷ 20, tuần lễ thời trang là địa điểm giới thiệu sưu tập mới dành riêng cho giới chuyên nghiệp. Đối tượng chính là nhóm thu mua của các chuỗi cửa hàng, boutique thời trang. Cùng với các phóng viên, biên tập thời trang. Trong vòng 6 tháng, nhóm thu mua sẽ chuẩn bị kế hoạch kinh doanh cho cửa hàng. Còn các tạp chí thời trang sẽ chuẩn bị nội dung cho các số báo, chụp ảnh bìa, v.v.

Tuy nhiên, qua đến thế kỷ 21, các tuần lễ thời trang gặp một vấn đề lớn: Fast Fashion và trào lưu See now Buy now. Những biến đổi trong thế kỷ 21 khiến việc tổ chức tuần lễ thời trang trở nên thừa thãi.

 

Ai đã giết tuần lễ thời trang?

Nói ngắn gọn: Internet.

Chi tiết hơn: Những mô hình kinh doanh mới được thiết lập sau sự ra đời của Internet. Ví dụ các blog thời trang và Fast Fashion.

Với sự ra đời của Internet, dịch vụ streaming video và các blog thời trang, các mẫu thời trang bị “rò rỉ” ngay khi được giới thiệu. Khi các blogger được mời tham dự show diễn, họ lập tức đăng tải hình ảnh lên Internet. Trước khi các mẫu thiết kế này xuất hiện trên tạp chí và các cửa hàng, hình ảnh chúng đã xuất hiện nhan nhản khắp Internet.

Fast fashion nhân cơ hội này để ăn theo các ông lớn. Thời trang nhanh có khả năng sản xuất một bộ sưu tâp chỉ trong phạm vi vài tuần. Các thương hiệu fast fashion lập tức tung ra ý tưởng “nhái” theo các thiết kế đã xuất hiện tại tuần lễ thời trang. Đến khi sản phẩm gốc được bày bán, bỗng nhiên chúng đã trở thành cũ kỹ so với các mẫu fast fashion.

Chưa kể, chính các blogger và fashionista cũng trở thành một đối tượng cạnh tranh với các thương hiệu tại tuần lễ thời trang. Trước đây, chúng ta quan tâm đến các bộ sưu tập mới nhất. Thì ngày nay, chúng ta lại quan tâm hơn đến street style của những người tham dự.

Street style các blogger và fashionista đôi khi được chào đón hơn cả những bộ sưu tập.

Street style các blogger và fashionista đôi khi được chào đón hơn cả những bộ sưu tập.

 

Tuần lễ thời trang không còn mang lại hiệu quả kinh doanh cho các thương hiệu cao cấp.

Thời trang nhanh hoặc high-street fashion hầu như chẳng bao giờ tổ chức show diễn. Họ tiết kiệm hẳn một khoản chi phí lớn, nhưng vẫn có thể tiếp cận khách hàng qua Internet.

Việc để lộ các mẫu thiết kế sớm 6 tháng khiến chúng dễ bị ăn cắp. Còn nếu thiết kế các bộ sưu tập số lượng giới hạn, thì lại chẳng cần quảng bá chúng tại tuần lễ thời trang.

Cố gắng theo đuổi lịch diễn của tuần lễ thời trang cũng khiến nhiều nhà thiết kế gặp nhiều áp lực. Hai mùa Xuân Hè, một mùa Resort/Cruise, một mùa Pre-Fall, thêm Menswear và Haute Couture (nếu có). Từ 4 đến 6 bộ sưu tập lớn hàng năm. Chẳng vì vậy mà Raf Simons phải rời nhà Dior.

Chưa kể, việc mua sắm quần áo mới liên tục không còn gây hấp dẫn nữa. Bây giờ, giới trẻ ưu tiên chi trả cho các trải nghiệm. Ăn tối với ngôi sao hay một doanh nhân có tầm cỡ. Đi du lịch đến một địa điểm hot trên Instagram. Tập yoga, thiền hay đi mát-xa để thư giãn. Có quá nhiều hoạt động ngoài việc mua sắm.

 

Đâu là tương lai của tuần lễ thời trang?

Tuần lễ thời trang đã và đang thay đổi mô hình kinh doanh để tồn tại. Ví dụ, tuần lễ thời trang New York bây giờ cho phép việc bán vé để giới hâm mộ thời trang bình dân cũng có thể đến xem show. Tuần lễ thời trang London tổ chức thêm một phiên bản gọi là London Fashion Week Festival, để giới trẻ có thể đến mua sắm và nghe tọa đàm. Tuần lễ thời trang Milan còn tổ chức thêm buổi đấu giá với Anna Dello Russo.

Hiệu quả của những sự thay đổi này là gì? Chúng ta không rõ. Và nếu không còn tuần lễ thời trang? Chắc chắn sẽ có những sự kiện thời trang khác mà thôi. Chỉ là chúng ta sẽ hoài niệm chúng, một chút.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm