Từ khi nào thời trang nhanh (fast fashion) được gọi là thời trang?

Dù được yêu thích đến điên cuồng hay bị ghét bỏ đến cực độ, thời trang nhanh đã hoàn toàn thay đổi cách thức tiêu dùng trên toàn thế giới. Nhưng liệu có bao giờ bạn tự hỏi từ khi nào thời trang nhanh được chính thức bắt đầu?

Đối với nhiều người, thời trang nhanh (fast fashion) vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ, đến từ những mô hình thời trang như Zara, khi sở hữu khả năng bán ra xu hướng với tốc độ kỷ lục trong mức giá phải chăng. Nhưng trên thực tế, thời trang nhanh chính là thuật ngữ được đưa ra cho một hệ thống sản xuất đã liên tục phát triển từ những năm 1800.

Lịch sử Fast Fashion: Những năm 1800

thoi trang nhanh 02

Trước những năm 1800, hầu hết mọi người đều dựa vào lông cừu để lấy len và dệt vải. Chu kỳ thời trang này đã được cải cách trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp; khi các loại máy dệt, nhà máy và quần áo may sẵn bắt đầu xuất hiện với số lượng lớn; mang nhiều kích cỡ khác nhau thay vì làm theo đơn đặt hàng như trước đó. Được cấp bằng sáng chế đầu tiên vào năm 1846; máy may đã góp phần nhanh chóng làm giảm giá thành và tăng quy mô sản xuất trang phục.

Bên ngoài các cửa hàng thời trang cao cấp; doanh nghiệp may mặc địa phương vẫn đảm nhiệm việc tạo nên trang phục cho những phụ nữ trung lưu. Trong khi những phụ nữ có thu nhập thấp tiếp tục tự làm ra quần áo để mặc. Các doanh nghiệp may mặc địa phương thường bao gồm một đội ngũ nhân viên làm trong phòng làm việc. Mặc dù trong một vài khâu sản xuất có thể tồn tại hiện tượng bóc lột sức lao động. Và song song với đó, cũng tồn tại lớp người làm việc ở nhà với thu nhập hạn hẹp.

Mặc dù các loại hình hoạt động này chủ yếu vẫn tồn tại ở địa phương; thực tế việc bóc lột sức lao động vào những năm 1800 vẫn báo trước điều gì đó về thực trạng sản xuất thi trang nhanh trong kỷ nguyên hiện đại.

Lịch sử thời trang nhanh: Từ những năm 1900 đến 1950

thoi trang nhanh 03

Mặc dù ngày càng có nhiều nhà máy sản xuất quần áo và phát minh mới trong may mặc; lượng lớn quần áo vẫn được làm ra tại nhà; hay các xưởng nhỏ trong suốt những năm đầu thế kỷ 20. Sự hạn chế trong vải vóc và yêu cầu chức năng của trang phục từ Thế chiến II đã dẫn đến sự gia tăng trong tiêu chuẩn hoá sản xuất quần áo. Sau khi đã quen với việc chuẩn hóa như vậy; người tiêu dùng trung lưu dần cảm thấy dễ chấp nhận hơn với việc quần áo được sản xuất hàng loạt sau chiến tranh.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là không phải bất cứ đổi mới nào cũng tốt. Vào ngày 25 tháng 3 năm 1911, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà máy may Triangle Shirtwaist ở New York đã cướp đi mạng sống của 146 công nhân may mặc. Nhiều người trong số họ là những người nữ nhập cư trẻ tuổi. Điều này cũng gợi đến những ví dụ gần đây như vụ cháy năm 2012 tại nhà máy thời trang Tazreen ở Bangladesh, làm ít nhất 117 người chết.

Lịch sử thời trang nhanh: Từ những năm 1960 đến 2000

thoi trang nhanh 04

Nếu từng thắc mắc từ khi nào thời trang nhanh bắt đầu chuyển động với tốc độ chóng mặt; thì câu trả lời là vào những năm 1960. Vào thời điểm đó, những người trẻ tuổi bắt đầu chuộng quần áo rẻ tiền để theo kịp xu hướng. Họ bác bỏ những truyền thống may mặc từ những thế hệ trước. Không lâu sau; các thương hiệu thời trang phải tìm cách đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về quần áo giá rẻ; dẫn đến sự mở cửa của hàng loạt nhà máy dệt may lớn ở các nước đang phát triển; để các công ty Mỹ và châu Âu tiết kiệm hàng triệu đô bằng cách thuê nhân công giá rẻ.

Nhưng, cái tên nào mới là nhà bán lẻ thời trang nhanh đúng nghĩa đầu tiên? Câu trả lời này vẫn chưa rõ ràng. Vì nhiều thương hiệu mà như ta biết là ông trùm trong lĩnh vực này ngày nay, bao gồm cả Zara, H&M TopShop đều bắt đầu từ những cửa hàng nhỏ ở châu Âu vào khoảng giữa thế kỷ XX. Tất cả đều tập trung vào quần áo hợp thời trang giá rẻ; cuối cùng mở rộng khắp Châu Âu; và thâm nhập thị trường Mỹ vào những năm 1990 hoặc 2000.

Nhưng nếu xét về thời điểm xuất hiện, có lẽ H&M chính là cái tên đầu tiên cần được nhắc đến. Ra đời từ năm 1947 ở Thuỵ Điển với cái tên Hennes; thương hiệu này tiến đến London năm 1976; và chính thức đạt được “giấc mơ Mỹ” năm 2000. Theo New York Times, nhà sáng lập Erling Persson tìm thấy nguồn cảm hứng cho H&M sau khi tham quan các cơ sở bán lẻ quy mô lớn ở Mỹ sau Thế chiến II.

Người sáng lập Zara – Amancio Ortega – người mở ra cửa hàng đầu tiên ở Bắc Tây Ban Nha vào năm 1975, được cho là sử dụng nguyên tắc tương tự như ngày nay: biến tốc độ thành động lực tăng trưởng. Khi Zara đến New York vào đầu năm 1990, New York Times đã sử dụng thuật ngữ thời trang nhanh để mô tả cửa hàng, tuyên bố rằng họ chỉ mất 15 ngày để một bộ quần áo đi từ đầu óc của một nhà thiết kế đến vị trí bày bán trên các kệ.

Vì đều có xuất thân khiêm tốn và sức tăng trưởng khổng lồ; thật khó để quyết định cái nào đã ảnh hưởng đến cái nào. Sự tăng trưởng nhanh chóng vốn định hình nên các thương hiệu này đã song hành cùng các phương pháp cắt giảm chi phí sản xuất; đồng thời tạo ra nhiều tranh cãi xoay quanh việc bóc lột sức lao động giá rẻ ở nước ngoài.

Mặc dù rất khó xác định nguồn gốc thời trang nhanh như những gì chúng ta biết đến ngày nay. Nhưng thật dễ hiểu hiện tượng này xảy ra như thế nào. Vào cuối những năm 90 và đầu những năm 2000; việc thể hiện tình yêu với thời trang giá rẻ ngày càng được chấp nhận hơn. Và khả năng phối kết thời trang cao cấp cùng bình dân dần trở thành biểu hiện của sành điệu. Khi H&M mở cừa lần đầu tiên ở Mỹ vào tháng 4 năm 2000, New York Times nhận định thương hiệu đã đến đúng thời điểm vì người tiêu dùng gần đây đã có xu hướng săn tìm đồ giá rẻ; và việc mua sắm đồ bình dân giờ đây đã trở thành ý niệm về sự sành điệu thực thụ.

Các nhãn hàng thời trang nhanh còn được đưa lên tầm cao mới, khi các vị phu nhân như Kate Middleton và Michelle Obama liên tục xuất hiện cùng các mẫu đầm đến từ những nhà bán lẻ như Zara và H&M. Sự tôn vinh thời trang “mì ăn liền” từ những người phụ nữ như thế vốn là điều khá xa lạ ở những thập kỷ trước. Nhưng sự “dân chủ hoá thời trang” giờ đây đã tạo ra khái niệm sản xuất hàng loạt; cho phép nhiều người được giao tiếp thông qua quần áo bất kể nguồn gốc kinh tế và xã hội.

Lịch sử thời trang nhanh: Ngày nay

thoi trang nhanh 05

Nhìn nhận lại con đường dài từ việc dệt vải và may đồ cho chính bản thân đến khả năng sản xuất với quy mô toàn cầu, có vẻ như chúng ta đang sống trong một thời đại tuyệt vời khi có khả năng mua một món đồ bằng điện thoại cầm tay, chỉ vài giây sau khi nó xuất hiện trên sàn diễn thời trang.

Tất nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng có nhiều vấn đề lớn đang nảy sinh từ hệ thống thời trang hiện hành, như thực tiễn lao động không công bằng và khoản lãng phí lớn. Trong một ngành công nghiệp từng tập trung vào việc tiến nhanh hơn; đã đến lúc phải cân nhắc việc làm chậm lại. Hay ít nhất cũng cần phải cân nhắc nhiều hơn trong mỗi lần mua sắm.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm