Vì sao cotton là chất liệu nên tuyệt đối tránh mặc trong ngày mưa bão

Những ngày mưa bão ẩm ướt, gây cảm giác nhớp nháp khó chịu. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế cảm giác này khi chọn trang phục làm từ chất liệu vải phù hợp.

Mặc gì trong ngày mưa bão để không bị cảm? | Chất liệu vải kháng nước

Những ngày vừa qua, những cơn mưa trắng trời mang theo cơn gió lạnh ập về. Đã đến lúc rũ bỏ những bộ cánh tươi mát của mùa hè, để khoác lên mình các trang phục ấm áp hơn. Tuy nhiên, bạn có biết không phải chất vải nào cũng bảo vệ bạn tốt trong tiết trời ẩm ướt? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu những chất liệu vải kháng nước để bảo vệ sức khỏe và diện mạo trong ngày mưa.

Lưu ý gì khi chọn quần áo ngày mưa?

Đa phần chúng ta mới chỉ dừng ở việc chú ý đến phom dáng trang phục ngày mưa. Suy nghĩ lôgíc là tránh những trang phục dáng dài. Ví dụ quần palazzo hay đầm maxi. Những phom dáng ngắn trên gối như đầm bút chì, váy sheath dress phối cùng với vớ chân là lựa chọn ít phiền phức hơn.

Nhưng việc chọn chất liệu vải kháng nước còn quan trọng hơn. Tất nhiên là bạn có thể mặc áo mưa, che dù. Nhưng dù sao thì chúng không thể bảo vệ bạn hoàn toàn khỏi bị mưa tạt. Chỉ cần chút gấu váy áo ẩm ướt cũng có thể khiến bạn cảm lạnh, đặc biệt nếu bạn làm việc ở môi trường công sở máy lạnh hay phải đi dự tiệc tối tại nhà hàng, khách sạn.

Chúng ta ai cũng biết về những chất liệu chống thấm. Vải dù, vải bạt làm áo mưa và dù là những ví dụ điển hình. Nhưng chúng không thật sự phù hợp để may quần áo công sở, họp hành. Chẳng ai có thể mặc áo sơ-mi làm từ vải dù!

Chất liệu vải kháng nước là gì?

Những loại vải này phải khó thấm nước. Nếu có thấm thì chúng cũng khô nhanh.

Các chất liệu kháng nước tốt là: Vải tổng hợp, lụa tơ tằm và len.

Vải tổng hợp

Mặc gì trong ngày mưa bão để không bị cảm? | Chất liệu vải kháng nước

Những chất liệu nhân tạo gốc dầu mỏ như polyester, polyamide, neoprene, nylon… luôn là lựa chọn tối ưu nhất. Chúng cũng có tính năng hút ẩm, hút mồ hôi và mau khô thoáng. Chính vì vậy mà những chất liệu này luôn được dùng cho đồ bơi, đồ tập thể thao, trang phục yoga. Trang phục công sở làm bằng polyester hay áo khoác polyamide khá dễ tìm trên thị trường.

Tuy nhiên, chất liệu vải gốc dầu mỏ không phải là lựa chọn tốt cho những người theo đuổi lối sống xanh. Việc khai thác dầu mỏ gây ô nhiễm môi trường. Sợi vải từ nhựa cũng khó phân hủy tự nhiên, gây ô nhiễm nguồn nước.

Hiện tại, chưa thật sự có chất liệu nào ưu việt hơn vải tổng hợp ở phương diện kháng nước và chống thấm. Nếu muốn tìm mua những sản phẩm thân thiện với môi trường hơn, bạn có thể tìm đến trang phục làm từ polyester tái chế. Những sản phẩm này được dệt từ sợi polyester làm từ vỏ chai nhựa PET cũ, thay vì khai thác dầu mỏ petroleum mới.

Các thể loại vải len

Ảnh: J.Crew

Những vải dệt từ len nói chung, ví dụ len cashmere từ dê núi, len merino, hay len alpaca, đều có tính năng kháng nước. Đây là chất liệu vải kháng nước thiên nhiên dành cho những người không muốn dùng sản phẩm làm từ sợi tổng hợp gốc dầu mỏ.

Len được làm từ lông các loài động vật, chính là sợi keratin. Chúng quăn tự nhiên, tạo nên những túi không khí giữ hơi ấm cho người mặc.

Đồng thời, sợi keratin có khả năng hút mồ hôi ẩm, tạo độ thoáng khí cho người mặc. Vì vậy, từ cả trăm năm trước, len đã được dùng cho trang phục thể thao. Chính vì khả năng hấp thu độ ẩm này mà len có thể hút một lượng lớn nước trước khi trở nên bị sũng nước – chính xác là 30% tổng trọng lượng của chúng.

Có nhiều kiểu dệt cũng như chất lượng len. Mỗi loại sẽ phù hợp cho một trang phục khác nhau. Chân váy, áo blazer tiếp xúc với da thịt người mặc nên được làm từ len chất liệu cao hơn, vì loại len thấp cấp có thể gây ngứa ngáy. Còn vớ/tất thì nên được làm từ len merino, vừa kháng nước vừa kháng mùi hôi.

>>> Xem thêm: CÁCH KHỬ MÙI ÁO LEN, ÁO CASHMERE MÀ KHÔNG CẦN GIẶT HẤP

Lụa tơ tằm

6 cách tạo kiểu khăn lụa sáng tạo này sẽ khiến bạn bất ngờ

Khăn lụa Hermès

Bạn có thể cảm thấy lạ khi lụa tơ tằm xuất hiện trong danh sách vải kháng nước. Thực chất, có rất nhiều lý do vì sao bạn có thể mặc lụa tơ tằm quanh năm và trong mọi điều kiện thời tiết.

Sợi lụa tơ tằm cũng là một loại sợi protein tự nhiên, như len. Chính vì vậy, nó có những đặc tính tương tự. Tại châu Á, lụa đã từ lâu được biết với tính năng điều tiết nhiệt độ cơ thể – giữ ấm trong tiết trời lạnh và tạo độ thoáng khí mát mẻ trong tiết trời nóng. Khả năng kháng khuẩn tốt, giúp ngăn ngừa mùi hôi.

Tuy nhiên, điều ít người biết là lụa đặc biệt có tính kháng nước cao. Một nghiên cứu khoa học tại Mỹ cho thấy, lụa tơ tằm có thể chống nước y hệt như khẩu trang y tế, vì vậy là lựa chọn tối ưu nhất trong các loại chất liệu dùng làm khẩu trang.

Lụa tơ tằm có rất nhiều kiểu dệt đa dạng. Vải satin lụa mỏng nhẹ cho áo sơ-mi văn phòng. Crepe lụa cho đầm. Lụa twill dày dặn để may quần hay áo khoác blazer. Riêng lụa tơ tằm đã đủ để cung cấp toàn bộ tủ đồ thời trang công sở cho bạn trong mùa mưa bão.

Vải cotton, chất liệu nên tránh trong thời tiết ẩm ương

trang phục denim 3

Cotton là chất liệu có khả năng thấm hút cao. Nhưng, khác với polyester, cotton không “nhả” nước. Vì vậy khi mặc trang phục làm từ vải cotton, bao gồm cả denim, bạn dễ bị ướt sũng khi thấm nước mưa. Khi vào đến phòng máy lạnh, bạn sẽ dễ cảm lạnh hơn khi mặc trang phục bằng vải cotton.

Vì vậy, hãy để dành áo khoác denim hay quần jeans cho tiết trời khô nóng, khi bạn cần chắn ánh nắng và tia UV từ mặt trời. Còn trong mùa mưa, hãy cất chúng đi.

>>> Xem thêm: CÁCH GIẶT TẤT CẢ CÁC CHẤT LIỆU VẢI THÔNG DỤNG, TỪ LỤA, LEN ĐẾN LINEN VÀ DA THUỘC

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm