Rose Bertin, nhà thiết kế thời trang đầu tiên trong lịch sử Tây phương
Thời trang haute couture được khởi xướng vào cuối thế kỷ XVIII và người mẫu tiêu biểu là hoàng hậu Marie Antoinette. Những trang phục xa hoa, cầu kỳ của hoàng hậu nước Pháp chính là những minh họa rõ nét nhất cho thời trang haute couture.
Thật ra lúc mới lên ngôi hoàng hậu, Marie Antoinette còn rất trẻ và bà không quan tâm lắm đến diện mạo, quần áo và tóc tai của mình. Người có công thay đổi phong cách và biến Marie Antoinette thành biểu tượng thời trang vương giả chính là Rose Bertin, nghệ nhân may vá đồng thời là stylist cho hoàng hậu.
Có thể nói Rose Bertin chính là nhà thiết kế thời trang và stylist đầu tiên trong lịch sử, được xem là người có công khiến thời trang haute couture trở thành trào lưu lan tỏa mạnh mẽ trong nước Pháp và cả Châu Âu. Cung điện Versailles chính là “sàn diễn” thời trang nơi hoàng hậu Marie Antoinette và những phụ nữ tầng lớp quý tộc khoe những váy áo lộng lẫy nhất do Rose Bertin thiết kế. Những thiết kế này sẽ nhanh chóng được bên ngoài sao chép và tạo thành trào lưu thời trang. Rose Bertin được hoàng hậu xem như Bộ trưởng thời trang lúc bấy giờ.
>>> XEM THÊM: MARIE ANTOINETTE: BIỂU TƯỢNG THỜI TRANG VÀ SẮC ĐẸP TAI TIẾNG CỦA CHÂU ÂU THẾ KỶ 18
Charles Frederick Worth, “cha đẻ” của haute couture
Tuy nhiên, chỉ đến giữa thế kỷ XIX người ta mới bắt đầu dùng đến từ haute couture để chỉ những thiết kế của nhà thiết kế Charles Frederick Worth (1826-1895). Ông được xem là cha đẻ của thời trang haute couture, người quyết định phong cách thời trang Paris vào giữa thế kỷ XIX. Mặc dù được sinh ra tại Anh, Charles lại ghi dấu ấn trong ngành thời trang nước Pháp, dưới thời hoàng đế Napoleon III (1808-1873).
Dưới bàn tay của hoàng đế, nước Pháp đã được khôi phục kinh tế và Paris trở lại là kinh đô thời trang của cả châu Âu. Nhu cầu sử dụng các hàng hóa cao cấp bao gồm chất liệu vải và sản phẩm may mặc thời trang tăng cao nhất kể từ sau cuộc cách mạng Pháp (1789-1799). Khi Napoleon III kết hôn cùng hoàng hậu Eugénie (1826-1920), gu thời trang của bà trở thành chuẩn mực trong cung điện Pháp. Và đó là khi những thiết kế của Charles Frederick Worth do hoàng hậu mặc được ưa chuộng. Ông trở thành nhà thiết kế nổi tiếng bắt đầu từ những năm 1860.
Các thiết kế của Worth sử dụng nhiều chất liệu và chi tiết trang trí phong phú, đặc biệt chú trọng sự vừa vặn. Ngoài thiết kế đầm độc bản dành riêng cho khách hàng VIP, cha đẻ của thời trang haute couture là một trong những người tiên phong cho người mẫu mặc các thiết kế mẫu của nhà mốt House of Worth riêng của ông. Khách hàng có thể chọn lựa các thiết kế mẫu này, sau đó chọn chất liệu, màu sắc và Worth sẽ may riêng theo số đo của họ. Charles Frederick Worth kết hợp giữa yếu tố may đo riêng với thiết kế mẫu có sẵn đã giúp trang phục của ông tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Đến thập niên 1870, tên tuổi của Worth xuất hiện liên tục trên các tạp chí thời trang, giúp danh tiếng của ông lan rộng ra ngoài nước Pháp. Nhà mốt House of Worth được các tầng lớp giàu có ở Mỹ và những nhân vật trong hoàng tộc Châu Âu ưa chuộng.
Paul Poiret tạo nên những kỹ thuật cắt may hiện đại
Người thứ ba có công nâng thời trang couture lên tầm cao mới là nhà thiết kế Paul Poiret (1879-1944). Ông là nhà thiết kế người Pháp nổi bật nhất trong hai thập niên đầu của thế kỷ XX.
Sự đóng góp của ông trong ngành thời trang được ví ngang với huyền thoại Picasso trong nghệ thuật hội họa. Tại Mỹ, ông được gọi là “ông hoàng thời trang” còn tại Pháp là Le Magnifique, một mỹ từ thích hợp để nói về nhà couture tạo nên khái niệm Orientalism (đưa yếu tố phương Đông vào trong trang phục phương Tây). Ông sử dụng màu sắc rực rỡ và sáng tạo nên các kiểu dáng lạ mắt, điển hình như áo tunic dạng chụp đèn, quần harem hay quần pataloon (kiểu quần ống rộng túm lại ở dưới, vạt xòe).
Paul Poiret cũng là một trong những nhà thiết kế tiên phong tạo ra các trang phục rộng rãi, thoải mái, giúp giải phóng phụ nữ khỏi chiếc corset ôm khít. Đóng góp lớn của Poiret trong ngành thời trang là sáng tạo nên kỹ thuật may xếp nếp (draping), xuất phát từ cách cắt may trong quá khứ. Sự đơn giản trong cấu trúc của các trang phục ông thiết kế đại diện cho thời khắc quan trọng trong sự lên ngôi của chủ nghĩa hiện đại (modernism) nói chung và thiết lập một cách hiệu quả mô hình thời trang hiện đại nhưng không làm thay đổi hướng đi của lịch sử trang phục.
>>> XEM THÊM: THỜI TRANG HAUTE COUTURE BẮT ĐẦU TỪ KHI NÀO?
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam