Ngọc lục bảo (emerald): Tất cả những gì bạn cần biết để chọn mua khôn ngoan

Bạn có biết: Ngọc lục bảo thực chất quý hiếm gấp 20 lần so với kim cương?

Nhẫn bằng vàng 18, cẩn ngọc lục bảo (emerald) và kim cương, của Cartier. Ảnh: Sotheby's

Nhẫn bằng vàng 18K, cẩn ngọc lục bảo (emerald) và kim cương, của Cartier. Ảnh: Sotheby’s

Đầu tháng 12/2020, một chiếc nhẫn gắn ngọc lục bảo (emerald) và kim cương của Cartier đã trở thành món trang sức đắt giá nhất buổi đấu giá Magnificent Jewels tại New York của Sotheby’s. Chiếc nhẫn được bán đi với mức giá 3,6 triệu đô-la Mỹ. Đắt hơn bất kỳ viên kim cương màu nào khác trong cùng buổi đấu giá này.

Chiếc nhẫn nạm viên ngọc lục bảo Colombia nặng 21,86 carat. Xung quanh cẩn các viên kim cương kiểu pavé nhí và baguette dài. Đây là một sản phẩm vintage đến từ bộ sưu tập của Cecile Zilkha, vợ nhà tài phiệt Ezra K. Zilkha.

Vì sao chiếc nhẫn này thu hút đến thế? Có phải vì nó là một tư trang của bộ đôi nhà hảo tâm nổi tiếng từng lọt top 400 người giàu nhất hành tinh của Forbes? Hay bởi vì chính viên ngọc lục bảo xanh thẫm? Khả năng lý do thứ hai cao hơn nhiều!

Từ lâu, ngọc lục bảo đã là một viên đá quý được liệt kê vào hàng ngũ tứ quý của giới trang sức. Nó sánh đôi bên kim cương, lam ngọc sapphire, và hồng ngọc ruby. Nhóm đá quý này cũng được xem là một phương thức đầu tư, trữ tiền tài không kém gì vàng bạc. Vì đâu nó lại quý hiếm đến thế? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu.

Ngọc lục bảo (emerald) là gì?

Vòng cổ Cartier Thèia thuộc bộ sưu tập Haute Joaillerie Magnitude. Điểm đặc sắc là các viên ngọc lục bảo Colombia ghép mượt mà với đá quartz trong suốt.

Vòng cổ Cartier Thèia thuộc bộ sưu tập Haute Joaillerie Magnitude. Điểm đặc sắc là các viên ngọc lục bảo Colombia ghép mượt mà với đá quartz trong suốt.

Cái tên emerald có nguồn gốc từ tiếng Pháp cổ, esmeraude, hay chữ Latin esmaralda, có nghĩa là “viên đá xanh lá”. Cái tên khá tương tự với đá sapphire, có nghĩa là viên đá xanh lam. Tuy nhiên, nếu sapphire thực chất có rất nhiều tông – hồng, cam, vàng… thì emerald lại chỉ có màu xanh lá cây thẫm.

Về khía cạnh khoa học, emerald là một loại đá thuộc họ beryl (cấu trúc Be3Al2(SiO3)6). Đá ngọc lục bảo có màu xanh đến từ khoáng chất chromium và đôi khi vanadium. Họ beryl còn gồm các loại đá bán quý khác như tourmaline, aquamarine, heliodor, morganite… Vì vậy, để một viên đá được gọi là ngọc lục bảo, nó phải đảm bảo đạt đến một mức độ xanh thẫm nhất định.

Một đặc điểm dễ nhận dạng ở emerald (cũng như các loại đá họ beryl khác) chính là chúng có rất nhiều tạp chất, thể hiện qua những đường vằn vện bên trong viên đá. Vì lẫn nhiều tạp chất tự nhiên nên chúng khá dễ bị trầy xước hay vỡ. Độ cứng của họ beryl chỉ ở khoảng 7,5 đến 8 trên thang điểm Mohs.

>>> Xem thêm: SAPPHIRE, VIÊN ĐÁ QUÝ BẢO MỆNH CỦA THÁNG 9, KHÔNG CHỈ CÓ MÀU XANH

Hiểu về tạp chất trong ngọc lục bảo

Ảnh dưới kính lúp của một số tạp chất trong ngọc lục bảo thiên nhiên đến từ Ethiopia. Những tạp chất này có thể là lẫn viên đá khác (A và C), không khí và nước bị kẹt lại trong đá khi nó hình thành (B và D).  Ảnh: Viện nghiên cứu khoáng chất Mỹ GIA

Bạn hẳn từng nghe câu “trong như ngọc, trắng như ngà”? Câu này ám chỉ rằng, ngọc (và đá quý) chất lượng thượng hạng phải trong suốt, không vẩn đục, không tạp chất.

Tuy nhiên, điều này lại không áp dụng cho ngọc lục bảo.

Tất nhiên thì viên ngọc lục bảo càng ít tạp chất thì càng đắt giá. Nhưng nếu viên emerald trong suốt không tì vết, có khả năng nó là đồ giả!

Dưới kính lúp, bạn có thể thấy những đường vân đá hơi vằn vện. Về căn bản, các đường vân do khoáng chất tạo màu của đá (chromium và vanadium) phản ứng với khoáng thạch chính (beryllium). Nhưng, mỗi viên emerald đến từ một khu vực khác nhau sẽ có một kiểu vân đá hơi khác nhau, tuỳ thuộc vào loại khoáng chất địa phương.

BẠN CÓ BIẾT?

Tạp chất là một yếu tố giúp phân biệt giữa ngọc lục bảo thiên nhiên, đá nhân tạo và đồ giả. Emerald nhân tạo có những cấu trúc rất đặc thù, khác với loại đá thiên nhiên. Thứ đồ giả mạo bằng quartz cũng vậy, không có vân đá giống với ngọc lục bảo thiên nhiên. Và dĩ nhiên hàng nhái làm bằng thủy tinh sẽ trong suốt, không có bất kỳ tạp chất nào.

Hiệu ứng “giọt dầu loang”

Nhẫn Harry Winston vintage. Viên emerald có hiệu ứng gota de aceite, trông như dầu hay mật ong đang bám vào mặt đá. Ảnh: Lang Antiques

Loại ngọc lục bảo cao cấp nhất thế giới thể hiện một hiệu ứng gọi là gota de aceite (tạm dịch: hiệu ứng giọt dầu loang). Vì cấu trúc đặc thù của viên đá, ánh sáng khi xuyên qua viên emerald bị khúc xạ. Từ đó tạo ảo giác hơi mờ ảo như khi ánh sáng tiếp xúc với các lớp dầu. Không sắc sảo trong suốt như kim cương, mà tạo cảm giác mượt mà như nhung.

Một cái tên khác cho hiệu ứng này là efecto alecta de mariposa, tức hiệu ứng cánh bướm. Vì nó gợi nhớ cách ánh sáng khúc xạ xuyên qua cánh bướm mỏng tang.

Theo nghiên cứu khoa học, cấu trúc khác biệt này không hẳn vì tạp chất. Mà nó liên quan đến môi trường hình thành những viên đá này. Hiện tại, chỉ có những viên emerald từ Colombia mới thể hiện hiệu ứng này.

Xuất xứ của những viên ngọc lục bảo thượng thặng

Việt Nam có mỏ đá hồng ngọc, lam ngọc và spinel. Nhưng chúng ta lại không có những viên emerald nổi tiếng thế giới.

Đắt đỏ nhất là những viên đá đến từ Colombia, Nam Mỹ.

Hầu hết những món nữ trang triệu đô đều dùng đá Colombia. Đây là quốc gia đã khai thác emerald từ thế kỷ 16.

Màu ngọc đậm vì giàu chromium. Những mỏ đá tại đây hình thành những viên đá kích cỡ to. Emerald Colombia cũng là loại duy nhất có hiệu ứng gota de aceite.

Tuy nhiên thì đá Colombia khá nhiều tạp chất. Vân đá hình thành họa tiết jardin, trong tiếng Pháp có nghĩa là khu vườn, vì nó trông tương tự như vườn mê cung thịnh hành ở châu Âu.

Vì nhiều tạp chất nên những viên đá này khó cắt. Đồng thời đòi hỏi thợ cắt đá phải biết chọn cách cắt tôn lên màu đá đậm nhất. Nếu không khéo tay, họ có thể mài đi mất phần đá tạo nên độ xanh thẫm quý giá. Những lý do này đẩy giá thành emerald Colombia lên cao ngất ngưởng.

Tảng ngọc thô nặng 88.4 gram từ Coscuez, Colombia. Trực thuộc bộ sưu tập Roz and Gene Meieran Collection. Ảnh: Robert Weldon/GIA

Giá thành rẻ hơn là những viên emerald đến từ Brazil.

Brazil trở thành quốc gia cung cấp đá emerald giá mềm từ thập niên 1960. Lý do vì quốc gia Nam Mỹ này có một trữ lượng ngọc lục bảo khổng lồ. Hàng loạt các mỏ đá tại các vùng Bahia, Goias và Minas Gerais chưa hề cạn kiệt.

Lý do emerald Brazil giá thành dễ chấp nhận vì màu đá ngả vàng chứ không ngọt như màu đá Colombia hay Zambia. Nước đá tương đối trong, nhưng thiếu đi sự rực lửa của emerald từ Colombia.

Các viên ngọc lục bảo đến từ Zambia ở châu Phi rẻ hơn hẳn, nhưng lại là loại đá quý chất lượng tốt.

Nhẫn nạm ngọc lục bảo Zambia và kim cương của thương hiệu trang sức Laviere đến từ Anh. Ảnh: 1stdibs

Emerald lần đầu tiên được khai thác tại Zambia vào năm 1976. Châu Phi là miền đất giàu khoáng thạch. Tại đây có nhiều các mỏ đá quý như kim cương, hồng ngọc, tanzanite cao cấp. Vì vậy không ngạc nhiên khi ngọc lục bảo Zambia chất lượng cũng rất tốt.

Ngọc từ Zambia đặc biệt trong suốt, ít tạp chất. Màu xanh cổ vịt hơn là xanh lá cây thẫm, vì các viên đá nhiễm khoáng chất sắt. Có một vài viên thậm chí có gam màu hơi neon! Vì vậy, khi emerald lần đầu tiên được xuất khẩu từ Zambia, có người nghi ngờ rằng nó là đá nhân tạo. Chính Tiffany & Co đã xác nhận rằng ngọc lục bảo Zambia là hàng thiên nhiên thật, và trở thành thương hiệu kim hoàn đầu tiên sử dụng viên đá này trong các thiết kế của mình.

Do là quốc gia non trẻ trong ngành công nghiệp emerald nên giá ngọc Zambia còn tương đối phải chăng. Nếu muốn sở hữu ngọc lục bảo chất lượng tốt ở giá thành hợp lý, bạn có thể chọn mua emerald Zambia.

Thị trường cũng có các viên đá đến từ mỏ tại Mỹ, Afghanistan, Ethiopia, Zimbabwe…

Nhưng nhìn chung, giá trị đầu tư của chúng không tốt bằng loại đến từ Colombia, Brazil và Zambia. Vì top 3 quốc gia khai thác ngọc lục bảo này có các công ty quy mô lớn, đảm bảo quy trình hoạt động an toàn cho môi trường và tôn trọng người lao động. Họ được các tổ chức đá quý lớn trên thế giới chứng nhận. Nên các viên đá của họ cũng đáng giá nhất.

Nên đầu tư vào ngọc lục bảo như thế nào?

Vòng cẩn 16 viên ngọc lục bảo và kim cương của BVLGARI. Các viên đá có xuất xứ từ mỏ Sandawana của Zimbabwe. Richard Burton đã mua tặng minh tinh quá cố Elizabeth Taylor sản phẩm này năm 1964 như món quà cưới. Sau khi bà mất, nó được bán đấu giá. Và BVLGARI đã một lần nữa mua lại tạo vật của mình, với mức giá 6,1 triệu đô-la Mỹ. Ảnh: Sotheby's

Vòng cẩn 16 viên ngọc lục bảo và kim cương của BVLGARI. Các viên đá có xuất xứ từ mỏ Sandawana của Zimbabwe. Richard Burton đã mua tặng minh tinh quá cố Elizabeth Taylor sản phẩm này năm 1964 như món quà cưới. Sau khi bà mất, nó được bán đấu giá. Và BVLGARI đã một lần nữa mua lại tạo vật của mình, với mức giá 6,1 triệu đô-la Mỹ. Ảnh: Sotheby’s

Bạn có biết, để hình thành nên ngọc lục bảo trong vỏ Trái đất khó khăn hơn kim cương rất nhiều? Chính xác là gấp 20 lần! Nên một viên ngọc lục bảo chất lượng tốt đôi khi đắt giá hơn một viên kim cương cùng carat.

Thứ gì quý hiếm thì cũng luôn có giá trị đầu tư. Tương tự như kim cương, ngọc lục bảo cũng được định giá theo chỉ số 4C: Carat, Colour, Clarity, Cut.

Carat: Độ to của viên đá

Viên đá càng to thì càng quý. Một viên ngọc lục bảo chất lượng cực phẩm có thể dao động từ 40,000 đến 90,000 đô-la Mỹ /carat*. Điều đáng mừng là ngọc lục bảo có tỷ trọng (density) thấp hơn kim cương. Cùng cân nặng thì viên emerald sẽ to hơn khi so với kim cương.

*Một carat là 0.2 gram.

Colour: Màu sắc

Từ trái sang phải: Đá đến từ Brazil, Colombia và Zambia. Ảnh: Gem Pundit

Trong ngành khoáng vật học, màu của đá quý được chia làm ba khái niệm: Hue (sắc thái), Saturation (độ thẫm màu), và Tone (độ trong).

Sắc thái của emerald ngả từ xanh vàng (như đá Brazil) qua xanh cổ vịt (từ Zambia). Sắc xanh lá cây đậm quý giá nhất. Viên đá ngả xanh dương/xanh cổ vịt cũng được coi trọng hơn loại ngả vàng.

Các viên đá cần đạt một độ thẫm nhất định thì mới được gọi là ngọc lục bảo. Nếu không, nó sẽ được gọi là beryl màu xanh (green beryl). Vì vậy, bạn cần yêu cầu bên bán xuất trình giấy tờ chứng nhận nguồn gốc viên đá. Để đảm bảo bạn đang mua emerald chứ không phải green beryl vốn có giá trị thấp hơn.

Cuối cùng, tone miêu tả về độ trong của viên đá. 0% là trong suốt và 100% là đậm đặc. Một viên ngọc lục bảo tốt sẽ ở khoảng 75% tone. Không quá trong, nhưng cũng không đục ngầu.

Clarity: Độ trong suốt

Như Harper’s Bazaar đã chia sẻ, viên đá trong suốt hoàn mỹ, không tì vết chắc chắn là emerald giả. Ngọc lục bảo cần có một ít tạp chất nhất định.

Nếu bạn mua trang sức chỉ để đeo, thì có lẽ yếu tố này không quá quan trọng đối với bạn. Nhưng nếu bạn mua ngọc để đầu tư, thì bạn cần lưu ý về tạp chất trong viên đá.

Quan trọng là viên đá không có vết nứt lớn, vì điều này khiến viên đá dễ hư tổn. Những tạp chất nhạt màu không ảnh hưởng đến màu sắc cũng được ưu tiên hơn loại tạp chất đậm màu (ví dụ nếu trong viên đá lẫn một khoáng chất đậm màu như carbon hay pyrite).

Ảnh kính lúp cho thấy những viên đá đã được xử lý. A và B: Đá ngâm dầu, trộn lẫn vào các vết nứt nhỏ. C: Emerald đã xử lý nhiệt, biểu hiện qua ánh sáng xanh dương. D: Đá được củng cố bằng filler resin. Ảnh: GIA

Một số loại emerald được xử lý để tăng cường màu sắc, xóa mờ tạp chất. Phương pháp này khá phổ thông. Nhưng bạn hãy cẩn thận loại chất lượng thấp bị ngâm dầu có màu xanh. Hãy yêu cầu người bán xuất trình giấy tờ liệt kê các phương thức xử lý đá.

Cut: Cách cắt

Thông thường, emerald có kiểu cắt hình chữ nhật cổ điển. Vì ngọc lục bảo không có độ óng ánh như kim cương, không cần thiết phải cắt nó theo các kiểu nhiều giác cắt. Hình thù càng phức tạp càng đòi hỏi phí phạm nhiều đá thô.

Một lựa chọn được yêu thích khác là kiểu cắt tròn (cabochon). Kiểu cắt này tôn vinh lên độ thẫm màu của viên đá.

Nhẫn Louis Vuitton thuộc bộ sưu tập Haute Joaillerie Riders of the Knight. Viên ngọc lục bảo được cắt theo lối giác cắt truyền thống, tuy hình dáng vuông thay vì chữ nhật. Ảnh: Louis Vuitton

Nhẫn Louis Vuitton thuộc bộ sưu tập Haute Joaillerie Riders of the Knight. Viên ngọc lục bảo được cắt theo lối giác cắt truyền thống, tuy hình dáng vuông thay vì chữ nhật. Ảnh: Louis Vuitton

Trâm cài áo Flower Bud cao cấp của Cindy Chao làm bằng titan, kim cương và ngọc lục bảo cắt kiểu cabochon. Ảnh: Cindy Chao

Trâm cài áo Flower Bud cao cấp của Cindy Chao làm bằng titan, kim cương và ngọc lục bảo cắt kiểu cabochon. Ảnh: Cindy Chao

Những yếu tố khác

Nói chung, khi chọn đá để đầu tư, thì bạn nên ưu tiên loại màu vừa phải nhưng không quá đục ngầu và không lẫn quá nhiều tạp chất; thay vì chọn loại màu đẹp nhưng lẫn lộn cực kỳ nhiều tạp chất.

Luôn ưu tiên các viên đá đẹp tự nhiên, không cần xử lý dầu và nhiệt. Chúng có thể cao giá gấp 10 lần so với loại được xử lý.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng ngọc lục bảo Colombia luôn là thứ đắt giá nhất. Nếu chọn đá để đầu tư thay cho vàng, bạn luôn nên ưu tiên những viên đá đến từ quốc gia Nam Mỹ này. Và những viên đẹp hoàn hảo luôn đắt. Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy một viên ngọc Colombia “giá rẻ” đâu!

Nhẫn Vert Sinople trong BST Gem Dior năm 2018. Ảnh: Brigitte Niedermair/Dior

CÓ NÊN MUA EMERALD NHÂN TẠO?

Thị trường bây giờ có khá nhiều loại emerald giá rẻ, vì được sản xuất trong phòng thí nghiệm. Về mặt chất lượng, chúng không kém gì so với loại thiên nhiên.

Nếu bạn chỉ muốn tìm một viên đá xanh cho món nữ trang đeo hàng ngày, ngọc lục bảo nhân tạo là một lựa chọn rất tốt. Giá mềm, lỡ tay làm trầy hay đánh mất cũng không quá tiếc.

Còn loại ngọc lục bảo thiên nhiên mà Harper’s Bazaar miêu tả trong bài viết này thì khác. Nó là một vật phẩm để đầu tư thay thế cho vàng hay cổ phiếu. Hãy cất giữ những viên đá này an toàn trong két sắt, bạn nhé!

Trích dẫn thông tin từ Viện nghiên cứu khoáng chất Mỹ GIA
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm