Mùa Xuân Hè 2021, những cảm hứng vintage và retro tiếp tục xuất hiện trên các sàn diễn. Trong số các xu hướng retro quay lại, phải kể đến phong cách thời trang patchwork. Đây là một xu hướng mà đếu mặc đúng thì bạn sẽ rất thời thượng, mà mặc sai thì sẽ rất quê. Vậy, bạn biết gì về xu hướng patchwork này?
Khởi nguồn phong cách thời trang patchwork
Patchwork trong tiếng Anh có nghĩa là những mảnh chắp vá. Phong cách thời trang patchwork vì thế có đặc trưng là kết nối những mảng màu, họa tiết, thậm chí là chất liệu vải khác nhau lại, tạo nên một tổng thể độc lạ.
Khác với nhiều phong cách thời trang được khởi xướng bởi giới quý tộc, phong cách patchwork lại có khởi nguồn bình dân.
Ngày nay, nhờ công nghệ mới mà thời trang được sản xuất đại trà, rẻ mạt và nhanh chóng. Nhưng trước kỷ nguyên của fast fashion, để làm nên một bộ trang phục hoàn hảo tốn rất nhiều công sức. Người ta trân quý trang phục hơn. Nếu món đồ có bị hư hại đôi chút, ví dụ bị lỗ thủng nhỏ hay bị sờn rách, người xưa sẽ chắp vá lại chứ chẳng vứt nó đi.
Nhưng, khó mà tìm thấy một tấm vải có màu sắc, chất liệu y hệt với món đồ nguyên thủy. Vì vậy mà những người sửa đồ – thường là người mẹ, người chị trong gia đình – sẽ tìm cách đắp vá miếng vải mới lên sao cho nghệ thuật và vui mắt. Có thể là họ cắt hình tấm vải đắp lên thành hình nghệ thuật. Hoặc thêu tay tỉ mẩn, tạo thành một chi tiết trang trí mới. Từ đó biến trang phục thành một tạo phẩm ngộ nghĩnh và mới lạ hoàn toàn.
Tại châu Âu, sản phẩm “đinh” của phong cách patchwork chính là những chiếc mền. Tận dụng quần áo cũ, các bà nội trợ cắt chúng thành ô vuông vắn rồi chắp nối tạo thành chăn đắp, bên trong nhồi vải vụn cho ấm. Tại Châu Á, thiết kế gắn liền với sự chắp vá là áo haori của người làm nông Nhật Bản.
Patchwork trở thành một xu hướng thời trang
Phong cách patchwork hưng thịnh vào những thập niên khó khăn, ví dụ thập niên 1930 của Đại khủng hoảng, hoặc thập niên 1940 của Thế chiến II. Túng thiếu tiền bạc lẫn vật liệu may đồ, các gia đình phải chắp vá trang phục để sống qua ngày.
Nhưng, lần đầu tiên nó trở thành một xu hướng thời trang, là vào thập niên 1960 của dân hippie. Hình ảnh patchwork cũng vì vậy thường gắn liền với phong cách thời trang hippie.
Sự chắp vá lãng mạn của thập niên 1960 – 1970
Vào thời điểm này, dân hippie tìm về những thứ thủ công, làm tay, khi chối bỏ sự công nghiệp hóa của ngành thời trang. Việc may tay, chắp vá các mảnh vải quá ư đơn giản, lại có thể được thực hiện nhanh chóng mà không tốn kém. Bất kỳ trang phục nào cũng có thể được đính một mảnh patch. Cho dù đó là quần jeans hay áo khoác.
Qua đến thập niên 1970. Những người hippie từ bỏ nền văn hóa Tây phương, tìm về với văn hóa Đông phương giàu sự cổ kính và tín ngưỡng thần linh. Trên con đường du mục, chu du qua những vùng đất như Thổ Nhĩ Kỳ, Ma Rốc và Ấn Độ, dân hippie bị quyến rũ bởi trang phục của những xứ sở này. Những chiếc áo kaftan phom rộng. Khăn in họa tiết hoa sặc sỡ. Quần harem bằng chất liệu vải mỏng nhẹ. Những chất liệu vải và họa tiết ngoại lai được mix vào trang phục của dân hippie bằng đường lối patchwork.
Phong cách ngông cuồng của thập niên 1990
Cho dù thời trang patchwork không thật sự biến mất, nhưng nó có một khoảng lặng nhất định vào thập niên 1980. Sau đó trở lại mãnh liệt vào thập niên 1990, khi giới trẻ nổi loạn hơn và xuống đường đòi quyền bình đẳng giới cho cộng đồng LGBTQ+.
Lúc này, không còn sự lãng mạn của giới hippie, phong cách patchwork của thập niên 1990 mang vẻ hầm hố của thời trang grunge. Đồng thời, giới thời trang cao cấp dần dần du nhập phong cách này vào các thiết kế của mình. Có thể kể đến thiết kế của Tom Ford cho Gucci, hay Marc Jacobs với phong cách avant garde.
Cách phối đồ với phong cách thời trang Patchwork
Miễn sao trang phục có những mảnh chắp vá, nó có thể được liệt kê là thời trang patchwork. Bạn có thể diện phong cách này theo hai chủ nghĩa: Hoặc trẻ trung tinh nghịch với những miếng patch nhỏ, hoặc nghệ thuật với các mảng màu và họa tiết đối lập.
Phối đồ với họa tiết patchwork theo phong cách tinh nghịch, đậm dấu ấn chủ nghĩa cá nhân
Những mảng chắp vá thường chỉ là một điểm nhỏ trên trang phục bạn. Ví dụ miếng patch ở cùi chỏ, trên đầu gối quần jeans, trên áo khoác khaki, v.v.
Bạn cũng có thể tự đính miếng patch lên trang phục. Miếng chắp vá này thường được bán như một kỷ vật lưu niệm tại nhiều địa điểm du lịch trên thế giới. Khi đi du lịch, bạn có thể sưu tầm chúng, rồi mang về đính lên áo thun, áo khoác.
Hoặc, bạn có thể mua các miếng patch hình thù ngộ nghĩnh như trái tim, con số… tại tiệm chuyên cung cấp vật liệu may mặc, chợ vải. Mang về đính trên túi xách, nón mũ, áo khoác của mình, thật dễ để làm nên một item độc bản chỉ riêng mình có.
Diện thời trang patchwork theo chủ nghĩa nghệ thuật
Những nhà mốt xa xỉ có cách phối patchwork rất hay. Sử dụng những họa tiết, màu sắc khác nhau, họ phối chúng cùng nhau thật ăn ý nhờ quy tắc bánh xe màu sắc. Điển hình là thương hiệu Versace, Dolce & Gabbana, hay Zimmermann.
Để phối đồ đẹp cùng trang phục có những mảnh chắp vá lớn này, bạn cần chú ý đến sự tinh giản. Chỉ nên sử dụng một item thuộc phong cách patchwork. Có thể là chiếc áo, quần jeans hay đầm. Các món đồ khác đi kèm trong bộ cánh nên tối giản nhất có thể. Mẹo phối đồ với thời trang patchwork này sẽ hạn chế cảm giác nặng nề, rối rắm. Bạn nên chọn phụ kiện đi kèm có cùng màu với một tông màu trên món đồ họa tiết patchwork để tránh bị quê kệch.
>>> Xem thêm: DOLCE & GABBANA XUÂN HÈ 2021: CÁC MẢNG PATCHWORK CHẮP VÁ
Trích dẫn Victoria & Albert Museum
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam