Thiền chuông đá có thật sự giúp giảm đau và chữa lành tâm linh?

Thiền chuông đá, một loại trị liệu âm thanh (sound therapy), gần đây đã du nhập vào Việt Nam. Bạn biết gì về nó?

Thiền chuông đá có thật sự giúp giảm đau và chữa lành tâm linh?

Gần đây, một người bạn của tôi vừa thử nghiệm phương pháp thiền chuông đá (crystal singing bowl therapy). Cô ấy là một quản lý cấp cao của công ty tài chính, bận bịu suốt ngày, hay nhức mỏi vì thường xuyên ngồi văn phòng. Khi tìm đến biện pháp thiền chuông đá, cô ấy chỉ hy vọng được thư giãn hơn sau ngày làm việc bận rộn. Nhưng sau đó cô ấy lại hưng phấn nói với tôi, “Mình cảm thấy giác quan nhạy cảm hơn. Suy đoán cũng chuẩn xác hơn. Chị chuyên viên nói rằng đây là do con mắt chakra thứ ba được mở ra đấy”.

Phương pháp thiền chuông đá có lẽ còn mới ở Việt Nam. Nhưng trên thế giới, nó đã khá phổ biến. Đây là một trong những liệu pháp thiền và thư giãn thuộc thể loại trị liệu bằng âm thanh (Sound Therapy). Nhiều người tin rằng nó giúp củng cố tâm linh. Người khác lại tìm đến nó như liệu pháp giảm đau. Vậy thực hư ra sao?

Sound Therapy là gì?

Nhạc cụ didgeridoo của thổ dân Úc được dùng cho các buổi lên đồng tâm linh của bộ lạc

Sound Therapy là một trường phái chữa lành thương tổn tâm linh bằng âm thanh. Nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng thực chất đây không phải là ý tưởng mới mẻ.

Từ lâu, con người đã biết sử dụng âm thanh như một cách xoa dịu đau đớn. Chúng ta hẳn ai cũng từng có lần thất tình, gặm nhấm nỗi đau với những ca khúc ballad êm ái và hộp socola ngọt ngào!

Xa xưa hơn, từ 40,000 năm trước, thổ dân Aborigine của Úc châu chế tác nên nhạc cụ hình ống didgeridoo bằng gỗ, một nhạc cụ họ cho rằng tạo nên âm thanh của thần linh. Các vị tăng Tây Tạng thì dùng chuông đá và tụng kinh như phương pháp thiền định.

Ở thời hiện đại, sound therapy có thể bao gồm nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ như lắng nghe CD âm thanh của chim chóc, tiếng sóng biển hay thác nước chảy, để tĩnh tâm. Hoặc hiện đại hơn là các hình thức thiền chuông đá, mà theo các chuyên gia có khả năng khai mở giác quan tâm linh.

Sound Therapy, biện pháp giảm đau không xâm lấn, không tác dụng phụ

Sound therapy không chỉ có thiền chuông đá. Nó còn có thể sử dụng các dụng cụ khác như chuông đồng, gõ mõ, tiếng nước chảy…

Về yếu tố tâm linh, không nghiên cứu khoa học nào có thể xác nhận. Vì đây là trải nghiệm cá nhân, tuỳ thuộc vào tín ngưỡng mỗi người. Nhưng, khoa học lại quan tâm đến sound therapy ở phương diện giảm đau.

Trong vài thế kỷ vừa qua, khoa học Tây phương đã quan trọng hóa việc giảm đau bằng thuốc men.  Tuy nhiên, thuốc giảm đau có thể gây tác dụng phụ. Đồng thời lại trở nên tốn kém trong thời gian dài sử dụng. Vì vậy, nhiều người muốn tìm về những liệu pháp thiên nhiên. Dần dà, ngày càng có nhiều nghiên cứu về cách giảm đau không xâm lấn. Mà một chọn lựa là sử dụng trị liệu âm thanh.

Một luận văn tham khảo 400 nghiên cứu khoa học cho thấy, âm nhạc có khả năng tác động tốt về mặt tâm lý. Sử dụng âm nhạc phù hợp có thể giảm stress. Nhịp điệu (chứ không phải giai điệu) cũng có thể xoa dịu nỗi đau vật lý.

Một nghiên cứu khác đăng tải trên chuyên san khoa học Journal of Evidence-Based Integrative Medicine cho thấy, trị liệu âm thanh kéo dài một tiếng đồng hồ có thể giảm buồn bực, trầm cảm và sự phẫn nộ. Nghiên cứu này sử dụng thiền chuông đá làm trị liệu chủ yếu (95% thời gian), kết hợp cùng âm thanh cồng chiêng, didgeridoo của người thổ dân, và các loại chuông bạc. Sau buổi sound therapy, 62 người tham gia đều cho thấy có cảm giác thư thái hơn.

Khoa học đằng sau liệu pháp sound therapy

Thiền chuông đá có thật sự giúp giảm đau và chữa lành tâm linh?

Lý do vì sao sound therapy có tác dụng giảm đau, theo bác sỹ Vijay B. Vad tại Bệnh viện Phẫu thuật Đặc biệt ở New York, vì cảm giác đau đớn thường là cảm xúc chủ quan.

Tài liệu y khoa cho thấy, 35% người bị đau lưng cảm thấy đỡ đau khi sử dụng thuốc trấn an (placebo, tức liệu pháp chỉ có yếu tố trấn định tâm thần chứ không trực tiếp cải thiện cơn đau vật lý).

Sound therapy cũng có tác dụng như một liệu pháp trấn an. Trị liệu âm thanh khiến tâm trí bệnh nhân “xao nhãng”, không để tâm đến cơn đau. Vì vậy có thể xoa dịu nỗi đau ở khía cạnh tâm lý. “Chỉ cần ngắt quãng cảm xúc đau đớn trong vòng 15 là đã có tác dụng giảm đau lớn”, bác sỹ Vijay nói.

Tác giả quyển sách Healing Sounds: The Power of Harmonics (tạm dịch: Những âm thanh chữa lành), ông Jonathan Goldman thì diễn giải một cách giản đơn hơn: “Khi bị vấp té, chúng ta hay thốt lên một tiếng kêu đau. Đây là bản năng của con người, sử dụng âm thanh để giảm đau. Bạn có bao giờ từng vấp té mà có gắng không kêu lên chưa? Cảm giác đau hơn rất nhiều!”.

Sử dụng thiền chuông đá thay thế thuốc giảm đau

Đối với những người ít ốm đau, đôi khi dùng thuốc giảm đau không nguy hại. Nhưng những người bị đau kinh niên – ví dụ bị ung thư hoặc bệnh mãn tính khó điều trị – lại là trường hợp khác.  Thuốc giảm đau y tế hiện tại hầu hết đều có gốc thuốc phiện (opioid). Sử dụng quá liều hoặc quá lâu có thể gây nghiện.

Vì vậy, những người mắc bệnh mãn tính sẽ là những người được hưởng lợi nhất từ phương pháp thay thế.

Một biện pháp khác đang được nhiều người ủng hộ là trị giảm đau bằng CBD. Bạn có thể đọc thêm về CBD qua bài viết bên dưới của Harper’s Bazaar.

>>> Xem thêm: TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ “THẦN DƯỢC CBD”

Còn về yếu tố tâm linh, tôi không dám khẳng định là bạn sẽ được khai mở chakra khi sử dụng phương pháp thiền chuông đá. Vì dù sao đây cũng là cảm nhận cá nhân chủ quan. Và nếu bạn muốn thử sound therapy để thiền chống stress chứ không vì mục đích giảm đau, thì điều này cũng chỉ có lợi, không có hại!

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm