Đầu năm 2020, khi đại dịch toàn cầu vừa ập đến, người tiêu dùng bị bế quan tỏa cảng tại nhà đã dồn toàn bộ ngân sách du lịch sang cho mua sắm. Bắt đầu lúc ấy, thị trường thời trang và vật phẩm xa xỉ đã đón nhận sự tăng trưởng cao đến không ngờ. Người tiêu dùng đã đua nhau mua những vật phẩm cao cấp vì cho rằng chúng là sản phẩm đầu tư đáng đồng tiền bát gạo, đặc biệt là trang sức và đồng hồ.
Cơn cuồng mua sắm đồng hồ này đã giúp các thương hiệu Thụy sỹ như Rolex, Omega, Audemars Piguet, Patek Philippe và các hãng khác tăng vọt về doanh thu, thúc đẩy xuất khẩu đồng hồ Thụy Sỹ lên mức kỷ lục – gần 25 tỷ franc (khoảng 690 nghìn tỉ đồng) vào năm 2022.
Tuy nhiên cuộc vui nào cũng tàn. Ngành đồng hồ xa xỉ bắt đầu đối mặt với sức ép kinh tế.
Do đó, các nhà sản xuất đồng hồ đã đau đầu khi doanh thu tăng nhẹ, thậm chí là sụt giảm về dưới con số âm, trong những tháng cuối năm 2023.
Trong khi đó, giá bán trên thị trường thứ cấp, chuyển nhượng và second-hand cũng giảm mạnh. Theo Bloomberg theo dõi, thị trường thứ cấp đã mất khoảng 42% tổng giá trị tính từ tháng 4/2022. Các dòng đồng hồ, kể cả những mẫu vô cùng được săn lùng như Rolex Submariner “Kermit” có vòng đai bezel xanh (ảnh trên), đều được giảm giá bán.
Ngành đồng hồ xa xỉ không thể kháng lại suy thoái kinh tế thị trường
Thời gian qua, các tập đoàn thời trang xa xỉ đã công bố kết quả kinh doanh Quý 3/2023 cho thấy nhu cầu mua sắm đã giảm so với nửa đầu năm. Cả Hermès, LVMH và Kering đều chứng kiến doanh số bán hàng bị sụt giảm ít nhiều do lo ngại lạm phát và suy thoái kinh tế.
Còn ở phân khúc chuyên đồng hồ xa xỉ, sự suy giảm được hé lộ rõ thông qua báo cáo tài chính của tập đoàn Richemont. Chủ sở hữu Cartier và Vacheron Constantine cho biết rằng doanh số bán đồng hồ giảm 3% và giảm 17% ở riêng Bắc Mỹ, nơi đã có sức phát triển mãnh liệt nhất vào giai đoạn đại dịch toàn cầu và đã thậm chí vượt qua cả Trung Quốc về sức tiêu thụ trong năm 2021–2022.
“Trong thực tế, hàng xa xỉ không thể chống lại suy thoái kinh tế (recession-proof)”, các nhà phân tích tài chính tại HSBC đã nhận xét như vậy khi họ cảnh báo rằng đã đến lúc nói lời chia tay với sự tăng trưởng vượt trội của giai đoạn trong và hậu đại dịch.
Francois-Henry Bennahmias, giám đốc điều hành của Audemars Piguet, chia sẻ suy nghĩ về giai đoạn ba năm vừa qua: “Những gì chúng tôi chứng kiến vào năm 2021 và 2022 là không bình thường. Tôi tin rằng chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy điều này xảy ra lần nữa”.
DOANH THU RICHEMONT NỬA ĐẦU NĂM 2023 ĐƯỢC CỦNG CỐ BỞI THỊ TRƯỜNG TRANG SỨC CHÂU Á
KẾT QUẢ KINH DOANH QUÝ 3/2023 ẢM ĐẠM, TẬP ĐOÀN KERING ĐƯA RA CÁC GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
Nguyên nhân
Một số lý do thị trường đồng hồ xa xỉ suy thoái đến từ yếu tố không thuộc kiểm soát của các thương hiệu, ví dụ như lãi suất cho vay từ các ngân hàng trung ương cao vọt, kinh tế không ổn định và chiến tranh bùng phát gây bất ổn tinh thần. Một số lý do khác lại đến từ chính họ, khi mở rộng sản lượng và phải tăng giá bán để bù cho chi phí tăng cao.
Khi nhu cầu mua sắm đồng hồ cao cấp bùng nổ, các thương hiệu đã đổ xô đi mở rộng quy mô của nhà xưởng. Khoản đầu tư này vô cùng tốn kém. Đi kèm với lạm phát tăng vọt, đồng thời muốn đưa ra mức giá để tái định vị bản thân trên thương trường, các thương hiệu hầu hết đều chọn giải pháp tăng giá bán.
Cụ thể, Rolex – thương hiệu Thụy Sỹ bán ra hơn một triệu chiếc đồng hồ mỗi năm với doanh thu ước tính vượt quá 9 tỉ franc – đã hai lần tăng giá trong năm 2022. Theo truyền thống, Rolex sẽ điều chỉnh giá bán vào tháng Giêng hàng năm. Nhưng vào tháng Chín thì hãng lại nâng giá bán để đối kháng đồng Euro và bảng Anh suy yếu khi so với đồng đô-la Mỹ.
Omega, Longines và Tissot của tập đoàn Swatch cũng đã tăng giá trong tháng Hai ở châu Âu. Riêng Omega còn tăng thêm 8% ở Mỹ vào mùa hè 2023, ngay vào giai đoạn khi nhu cầu mua sắm đồng hồ xa xỉ bắt đầu giảm mạnh.
Trong khi đó, Jaeger-LeCoultre thậm chí nâng giá của một số mẫu lên đến 20%!.
Dù lý do có là gì đi nữa, thông tin cho thấy rằng người tiêu dùng – ngay cả những người có hầu bao rủng rỉnh nhất – cũng đang bắt đầu thắt chặt chi tiêu.
Đối mặt với doanh thu giảm sút, các nhà sản xuất Thụy Sỹ đã bắt đầu cắt giảm nhân sự, dù cách đấy mới một năm còn đang lùng sục chiêu mộ nhân tài trẻ tuổi.
Trích dẫn Yahoo Finance, Bloomberg
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam