Doanh thu Richemont nửa đầu năm 2023 được củng cố bởi thị trường trang sức châu Á

Cartier khai trương cửa hàng lớn nhất Thái Lan ở TTTM Emporium Bangkok vào tháng 9/2023. Ảnh: Cartier

Tập đoàn Richemont, sở hữu các thương hiệu như Cartier, Van Cleef & Arpels và Vacheron Constantine, vừa tổ chức buổi báo cáo tài chính cho dịp nửa đầu năm 2023. Như các tập đoàn xa xỉ phẩm khác, Richemont cũng cho biết rằng khách hàng đang cắt giảm chi tiêu khi đối mặt với bất ổn kinh tế.

Cụ thể, doanh số tổng tập đoàn tăng 6%, đạt 10,2 tỉ Euro, hơi thấp hơn mức ước tính là 10,34 tỉ. Tuy nhiên lợi nhuận ròng lại chỉ đạt 1,5 tỉ Euro, thấp hơn mức dự đoán 2,17 tỉ từ các nhà phân tích tài chính. Điều này cho thấy rằng lạm phát và chi phí tăng đã khiến các hoạt động của tập đoàn xa xỉ phẩm bị ảnh hưởng. Dẫu vậy, trang sức tiếp tục là điểm sáng trong bản báo cáo tài chính của thương hiệu, cho thấy sự hấp dẫn trường tồn của kim cương và đá quý.

“Nửa đầu năm 2023 đã bắt đầu một cách mạnh mẽ, vượt xa sự mong đợi của chúng tôi. Tuy nhiên, sức tăng trưởng trong quý 2/2023 đã giảm vì áp lực lạm phát và căng thẳng địa-chính trị ở bắt đầu ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng. Do đó, chúng tôi đã chứng kiến ​​sự bình thường hóa trên diện rộng các kỳ vọng tăng trưởng thị trường trong toàn ngành”, theo lời ông Johann Rupert, Chủ tịch tập đoàn Richemont.

Chi tiết doanh thu dịp nửa đầu năm 2023 của tập đoàn Richemont

Hiện tại, Richemont đang sở hữu thương hiệu từ bốn ngành hàng khác nhau: Nhóm đồng hồ, nữ trang, thời trang may mặc, và bán lẻ.

Doanh thu ngành đồng hồ, với những thương hiệu như Piaget, Vacheron Constantine, IWC, Jaeger-LeCoultre, giảm 3%. Biên lợi nhuận giảm 23%, xuống chỉ còn 391 triệu Euro.

Ngành sản phẩm may mặc, với các thương hiệu như Chloé, Alaïa và Delvaux, giảm 1%. Lợi nhuận của ngành hàng này đối mặt với sức ép từ thị trường ngoại hối.

Khoản đầu tư vào Net-A-Porter, trang e-commerce chuyên phân phối các mặt hàng xa xỉ phẩm qua mạng, lại tiếp tục lỗ. Doanh số từ Net-A-Porter tiếp tục giảm 10% trong giai đoạn nửa đầu năm 2023.

Dòng trang sức hàng hiệu của Cartier có sức nhận diện tốt. Ảnh: Cartier

Đối lập với các ngành hàng trên, thị trường trang sức đã cứu vãn tình hình kinh doanh của tập đoàn. Các thương hiệu trang sức có doanh số tăng 10% so với cùng kỳ năm trước nhờ sức tăng trưởng của thị trường Châu Á – Thái Bình Dương. Các thương hiệu như Cartier, Van Cleef & Arpels, và Buccellati, mang lại tổng doanh thu đạt 6,95 tỉ Euro. Doanh số ở Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông, và Macau tăng 34%. Thị trường châu Âu và Bắc Mỹ cũng ổn định.

Tập đoàn chia sẻ rằng hiệu ứng tốt có thể thấy ở nhiều dòng sản phẩm khác nhau, mà trong đó các bộ sưu tập trang sức mang tính biểu tượng đã đóng góp đáng kể. Cụ thể, dòng Clash, Grain de Café và Trinity của Cartier; dòng Blossom, Opera Tulle của Buccellati; và dòng Perlée của Van Cleef có sự nhận diện tốt.

“Chúng tôi đang giành được thị phần trong lĩnh vực trang sức. Tôi không nói rằng tổng thị trường đang tăng trưởng, nhưng chúng tôi đang vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh”, ông Rupert nói thêm.

Tập đoàn sẵn sàng ứng phó với các bất ổn

Từ năm 2020 đến 2022, đại dịch toàn cầu đã mang tới làn sóng bùng nổ trong chi tiêu cho xa xỉ phẩm. Khi mọi người trên khắp thế giới không thể đi du lịch và buộc phải ở nhà, họ đã vung tiền cho các mặt hàng cao cấp. Nhưng tình thế trên đã thay đổi kể từ khi giá cả tăng vọt vì lạm phát và lãi suất cho vay tăng cao.

“Nhu cầu mua sắm đã về mức vừa phải. Đây chính xác là những gì các ngân hàng trung ương trên thế giới nhắm đến”, chủ tịch tập đoàn Richemont, ông Johann Rupert chia sẻ.

Richemont không phải là tập đoàn duy nhất chứng kiến sự sụt giảm của ngành hàng xa xỉ phẩm trong năm 2023. Các đối thủ cạnh tranh gồm tập đoàn LVMH và Kering cũng chứng kiến áp lực kinh tế ảnh hưởng đến việc mua hàng xa xỉ của họ. LVMH tăng trưởng chậm, còn Kering thì sụt giảm doanh số ở mọi thương hiệu.

Trong báo cáo tài chính nửa đầu năm 2023 của Richemont, tập đoàn cho thấy rằng châu Âu bị ảnh hưởng nặng, Bắc Mỹ có doanh số tốt hơn dự kiến và Trung Quốc có thể sẽ trở nên tệ hơn trong thời gian tới.

Đồng hồ Vacheron Constantin Traditionelle Tourbillon được dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Ảnh: Vacheron Constantin

Dịp đầu năm 2023, thị trường Trung Quốc phát triển tốt, nhưng hiện tại tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng cao đã làm thị trường này trở nên ảm đạm. Nói về thị trường chiếm đến 30% tổng doanh thu của tập đoàn, ông Johann Rupert nhấn mạnh rằng nhóm khách hàng mà tập đoàn nhắm đến không phải là không có khả năng mua sắm, “Họ đang thận trọng hơn và không dễ dàng dùng tới thẻ tín dụng”.

Dẫu vậy, ông vẫn tin rằng tập đoàn có đủ khả năng để chống đỡ các bất ổn kinh tế – thị trường trong thời gian tới, do đã trữ đủ lượng tiền mặt cho các hoạt động quảng cáo, sản xuất và khai trương cửa hàng mới. “Tôi không không lo lắng về tình hình trong vòng 3 đến 5 năm tới”.

Cartier khai trương cửa hàng lớn nhất Thái Lan ở TTTM Emporium Bangkok vào tháng 9/2023. Ảnh: Cartier

CÁC TẬP ĐOÀN BÁO CÁO TÀI CHÍNH QUÝ 3/2023:

Trích dẫn Reuters, Financial Times, Richemont
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm