Để nói về những màn debut độc đáo nhất của SM Entertainment từ đầu thập niên 2020 đến nay, phải kể đến hai thần tượng có mối liên hệ chặt chẽ: aespa – nhóm nhạc nữ với concept hòa quyện thực và ảo, và sắp tới là nævis – thần tượng ảo với xuất phát điểm là một nhân vật AI từ cốt truyện của aespa.
Nếu aespa từng khiến khán giả hào hứng khi là một trong những nhóm nhạc tiên phong giới thiệu phiên bản trong vũ trụ ảo (metaverse), thì nævis là thần tượng ảo solo đầu tiên mà “gã khổng lồ” của ngành công nghiệp giải trí ra mắt.
Là nhân vật trong vũ trụ ảo KWANGYA, nævis được thông báo chính thức lấn đến thế giới thực trong bài hát Welcome to My World của aespa, ra mắt hồi tháng 5/2023.
Thời điểm đó, nhiều người xem đây chỉ đơn giản là bước phát triển mới trong cốt truyện và concept của các cô gái aespa. Điều bất ngờ rằng SM Entertainment thực sự thương mại hóa ý tưởng này và thông báo nævis sẽ trở thành một nghệ sĩ dưới trướng của họ vào tháng 10/2023.
Đến tháng 6/2024, nævis có màn trình diễn bất ngờ trong concert aespa, một bài hát chưa phát hành kéo dài 1 phút. Tiếp tục tháng 8/2024, SM Entertainment mới tung ra những teaser đầu tiên cho single debut của cô. Trong MV Teaser phát hành ngày 02/09, nævis hé lộ tên bài hát là Done, cùng một phần giọng hát và tạo hình của mình, giống với tạo hình trong concert của aespa.
Như vậy, thần tượng ảo đầu tiên của SM Entertainment sẽ chính thức ra mắt trong ít ngày nữa, sau một năm chuẩn bị và hoàn thiện.
Thần tượng ảo nævis chứng thực cho tham vọng thực hiện metaverse của SM Entertainment
SM Entertainment đặt tên cho vũ trụ ảo Metaverse của riêng họ là SM Culture Universe (SMCU). Tại đó, gửi gắm tầm nhìn và kế hoạch của tập đoàn về kỷ nguyên số hóa nền công nghiệp âm nhạc và giải trí thông qua một thế giới quan pha trộn giữa thực và ảo. KWANGYA chính là tên gọi của thế giới đó, và aespa là một trong những nghệ sĩ đầu tiên giới thiệu tầm nhìn này đến với khán giả thông qua các nhân vật æ-aespa vào năm 2020.
æ-aespa là avatar ảo dành cho 4 thành viên, sống trong thế giới ảo, có ý thức riêng và có thể tương tác với các thành viên ở thế giới thực qua giao thức kết nối SYNK. Bản chất hình thức này giống với cách metaverse vận hành. Ngay từ khi được công bố, æ-aespa gây bùng nổ sự hứng thú từ khán giả. Họ cũng có kế hoạch ra mắt được suy tính chỉn chu, với những tuyến nội dung sáng tạo như phỏng vấn cùng các thành viên chính thức, xuất hiện trong nhiều phân cảnh từ MV và cả những phim ngắn về cốt truyện trong SMCU của họ.
Song, æ-aespa không được duy trì lâu. Công nghệ và số vốn đầu tư không đủ để các nhân vật ảo có sức hút trên đường dài. Ý tưởng của SM Entertainment bị chỉ trích khá nhiều khi æ-aespa cùng aespa biểu diễn tại MAMA 2021 với chuyển động cứng đơ và đồ họa có chất lượng kém. Sức hút của các thành viên aespa cũng lấn át hoàn toàn và æ-aespa được xem là “tệp đính kèm lỗi” của họ.
Thêm cách mà SM Entertainment quảng bá cho KWANGYA bằng việc thêm vào lời bài hát của nhiều nghệ sĩ một cách vô tội vạ, trong khi chưa xây dựng/chưa phổ biến rộng hiểu biết về mối liên kết giữa nghệ sĩ đó và vũ trụ ảo càng khiến người hâm mộ thêm khó hiểu. Sự xuất hiện của các nhân vật ảo trong MV ngày càng ít dần cùng với cụm từ KWANGYA, và kể từ MV Girls ra mắt vào năm 2022, æ-aespa không còn xuất hiện trong các sản phẩm âm nhạc chủ chốt của nhóm.
Bước đi quan trọng trong tham vọng kết hợp thế giới thực và ảo của SM Entertainment từ đó cũng lắng đi. Tuy nhiên, lúc æ-aespa biến mất cũng là lúc một nhóm idol ảo có thành công nhất định xuất hiện – PLAVE.
PLAVE là nhóm nhạc nam từ công ty VLAST, sử dụng công nghệ ghi hình chuyển động (motion capture) để điều khiển avatar 2D-3D, trong khi đó, giọng nói, cử chỉ và tính cách vẫn xuất phát từ những con người thực thụ mà không phải từ chương trình máy tính như trí tuệ nhân tạo, deepfake. Họ nhanh chóng đạt được doanh số album khá và thậm chí là giành giải tân binh.
Lý giải cho sự thành công của PLAVE so với æ-aespa, các chuyên gia chỉ ra rằng các nhân vật/thành viên PLAVE có cá tính rõ rệt, gần gũi hơn vì họ là virtual idol (vẫn có người thật đứng sau) còn æ-aespa là thần tượng ảo 100% (do phần mềm máy tính tạo ra) và đồng thời cũng không tồn tại người thật để so sánh về ngoại hình, tính cách như trong trường hợp của æ-aespa.
Việc cho ra mắt thần tượng ảo nævis được xem là một nước đi kinh nghiệm của SM Entertainment. Nhân vật này bất ngờ nhận được lượng người hâm mộ nhất định vì tạo hình được đánh giá là dễ mến hơn cả các æ-aespa. Nhận thấy điểm này, SM Entertainment quyết định cho ra mắt riêng nævis – một thần tượng ảo thực thụ mà không phải là avatar ở thế giới ảo của bất kỳ nghệ sĩ nào khác, vừa giúp tập trung số vốn đầu tư, vừa loại bỏ sự so sánh từng xảy ra với æ-aespa.
nævis sẽ là Virtual Idol (thần tượng ảo) hay AI Idol (thần tượng trí thông minh nhân tạo)?
Virtual Idol và AI Idol là hai ý niệm khác nhau nhưng dễ gây nhầm lẫn.
AI Idol – thần tượng AI là những ca sĩ được tạo ra ứng dụng công nghệ AI, có thể là bằng cả hình ảnh và giọng hát, âm nhạc. Trong khi đó, Virtual Idol về căn bản là người thật, nhưng sử dụng avatar 2D-3D để che đi ngoại hình thật của họ.
Cho đến hiện tại, chưa thể xác định nævis là thuộc loại thần tượng cụ thể nào. Dù lúc được giới thiệu trong cốt truyện của aespa là một nhân vật AI hoàn toàn với giọng nói kết hợp của rất nhiều người khác nhau, nhưng qua hình ảnh teaser công bố cho màn ra mắt solo của cô, có thể thấy rõ cơ thể của nævis là người thật, với phần đầu và gương mặt ảo thông qua sự khác biệt về độ mịn, độ sáng của da cũng như các nếp nhăn quần áo mà phần mềm máy tính khó có thể mô phỏng.
Bên cạnh đó, trên trang web chính thức của nævis, có thể thấy cô tồn tại 5 bản dạng khác nhau: Người thật – đầu và khuôn mặt ảo; Ảo hoàn toàn với hình dáng 3D mô phỏng gần với con người; Phiên bản 2D như nhân vật anime; Phiên bản 3D gần giống với nhân vật game ZEPETO; Phiên bản 3D chibi.
Giọng hát mà nævis thể hiện trong teaser có độ hoàn thiện cao hơn và thật hơn so với giọng hát của cô trong concert aespa. Vẫn chưa thể khẳng định cụ thể liệu giọng hát và cơ thể sẽ thuộc về người thật, với phần đầu ảo tương tự như Virtual Idol, hay sẽ hoàn toàn là một nhân vật ảo với công nghệ tân tiến vì SM Entertainment chưa công bố rõ rệt thông tin. Song, nhiều người thể hiện sự nghi ngại của họ và phản đối nếu SM Entertainment quyết định làm nhạc hoàn toàn bằng AI. Thêm vào đó, lấy từ kinh nghiệm của PLAVE, một virtual idol sẽ được lòng khán giả hơn.
“Tân binh” nævis được SM Entertainment ưu ái
Bắt đầu từ 20/08, SM Entertainment đẩy mạnh quảng bá cho thần tượng ảo mới của mình. Họ đầu tư nỗ lực để phổ biến đến khán giả về sự ra đời của nhân vật thông qua nhiều tuyến nội dung, ứng dụng hoạt họa đa dạng từ 3D như game nhập vai cho đến 2D theo phong cách truyện tranh. “Tân binh” sớm ra mắt cũng nhanh chóng sở hữu nhiều tài khoản trên khắp nền tảng MXH, website chính thức được đầu tư bắt mắt và chi tiết hơn so với một số màn comeback của nghệ sĩ cùng nhà.
Dễ thấy, nævis sẽ không chỉ là cầu nối để kết nối các nghệ sĩ của SM vào trong thế giới KWANGYA một cách mượt mà hơn so với cách thức quảng bá trước đây hay thực hiện tham vọng tiến vào một metaverse hoàn chỉnh. Cô sẽ còn là một khoản đầu tư lâu dài của công ty, với sức hút và một fandom nhất định.
Single debut của nævis, Done, chính thức ra mắt vào ngày 10/09/2024 lúc 16h00 chiều (theo giờ Việt Nam)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
VIRTUAL INFLUENCER: NHỮNG NGƯỜI MẪU ẢO THAY ĐỔI NGÀNH THỜI TRANG
ANN – NỮ NGHỆ SĨ ẢO ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM – DEBUT VỚI MV CA NHẠC
SM ENTERTAINMENT GIỚI THIỆU NHÓM NHẠC NAM ANH QUỐC VISUAL NHƯ ONE DIRECTION
Harper’s Bazaar Việt Nam