Ăn tết tinh thần: Chơi tranh viết chữ

Nhắc đến Tết là phải nói đến tranh. Tranh treo ngày Tết cũng gợi cho người ta biết bao điều về quá khứ, hiện tại và những triết lý tưởng chừng đơn giản

Người Việt đều nói ăn Tết nhưng ai ai cũng hiểu ăn không chỉ là ăn. Ăn Tết đâu chỉ là bánh chưng, thịt mỡ hay dưa hành. Tinh thần cũng cần Tết nữa chứ. Cho nên, mua bức tranh treo trong nhà để đón năm mới là một tập tục đẹp của người Việt. 

TRANH TẾT VỚI MỖI THỜI, MỖI NGƯỜI CÓ KHÁC

Cho đến tận thập niên 1980, năm nào chợ hoa Tết ở phố Hàng Lược, Hà Nội, cũng có một quầy bán tranh Tết. Những cái Tết nghèo của thời chiến tranh, cả những năm hậu chiến và trước thời mở cửa, vẫn đẹp, vẫn đáng nhớ. Nghèo nhưng đẹp.

Chợ Tết phải có hàng tranh Tết. Tranh gà, tranh lợn in bằng phẩm màu trên giấy dó quét điệp, giản dị mà thật đẹp. Cả người vẽ và người mua tranh đều gửi gắm vào đó nỗi niềm, ước mơ, khao khát và hy vọng của mình về một năm mới an lành hơn. Thời đó, ai cũng chỉ mong mỏi sự an lành thôi.

Cuộc sống đổi thay, mỗi thời mỗi khác. Ước mơ làm giàu không sai, nhưng ở một cách tiếp cận nào đó, nó làm lòng người không yên, đối với cá nhân cũng như cộng đồng. Ý nghĩa của Tết cũng đã khác trước nhiều lắm. Thế mới biết, không phải giàu có là tất cả, cái giàu đến nhưng cũng lấy đi của người ta nhiều thứ. Giờ đây, chợ Tết không còn quầy tranh Tết. Tết bây giờ, còn có mấy ai mua tranh? Cái nếp sống đẹp đó đã nhạt đi nhiều rồi. Tranh không chỉ là tranh, chữ cũng là tranh. Chữ đẹp, ý hay là thư họa. Đây cũng là một thú chơi mỗi dịp năm mới. Tranh chữ có thể là hoành phi, câu đối hoặc đại tự. Người có tiền thì sắm hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng hoặc tân tiến hơn là chữ gò đồng, chữ ghép bằng đá quý rởm (đang là mốt). Người nghèo thì ra chợ Tết vỉa hè “xin” chữ của các ông đồ. Đó là những chữ viết bằng mực Tàu trên giấy đỏ điều, thường là chữ Tâm, chữ Đức hoặc Phúc, Lộc, Thọ.

Một góc quen thuộc của chợ Tết xưa mình

Một góc quen thuộc của chợ Tết xưa mình

Người biết, chỉ chơi một chữ Phúc là đủ. Phúc là nguồn gốc của mọi sự ở đời. Thịnh suy, hay dở, vui buồn, tủi hổ, đau đớn hay hoan lạc cũng ở đó mà ra, huống hồ Lộc hay Thọ. Lá tử vi có 12 đại sự, cha mẹ, anh em, vợ con, công danh, tiền bạc, điền địa, bệnh tật… nhưng thực ra tất cả đều do Phúc. Tạo Phúc phải bằng Đức và từ Tâm. Phật bảo: vạn pháp duy Tâm tạo.

NHỮNG CÁI TẾT CỦA THỜI GIÀU TÌNH VÀ DUY TÌNH 

Chợt nhớ, giáp Tết năm ngoái, cô Đ. N bạn tôi, làm ở công ty buôn bán máy văn phòng, hớt hải đến đặt tôi vẽ một bức tranh phong cảnh dòng sông trong sương sớm để chơi Tết. Cô ta kể lể dài dòng, đại khái sau nhiều trầm bổng, ly hợp, giờ cô ta chỉ muốn sang năm mới sẽ được cân bằng trở lại. Vì vậy, cô ấy muốn gửi điều mong muốn giản dị đó vào bức tranh phong cảnh bình yên như một lời tự chúc mình.

Tôi rất thông cảm với cô bạn, nhưng vì phong cảnh không là sở trường, tôi đã mách nước cho cô ra cửa Văn Miếu. Vài ba năm trở lại đây, cứ gần Tết là có rất nhiều thầy đồ già có, trẻ có trải chiếu, bày biện mực Tàu, giấy đỏ lỉnh kỉnh như một cái “chợ chữ“.

Viết câu đối ngày Tết

Viết câu đối ngày Tết

Trước khi đi, cô hỏi: “Theo anh, tôi xin chữ gì về treo thì hợp”. Tôi nghĩ mãi không ra, đành ang áng: “Với cô chỉ cần một chữ An là đủ“. Nói bừa đâm lại đúng hay sao mà cô ta gật đầu lia lịa, lên xe phóng biến đi. Mấy tháng sau gặp lại, cô ấy bảo: “Hôm đó, tôi chẳng vội vã gì đâu mà tôi muốn về nhà ngay để được một mình, để khóc với mình”. Tôi nghĩ bụng, một đời sống an lành trong lúc này, cứ tưởng dễ nhưng khó lắm. Với tôi, tôi cũng chỉ ước lòng mình luôn được bình an là thỏa nguyện rồi. Tết năm 1968, chiến tranh ùng oàng, cả nhà tôi bồng bế nhau về nơi sơ tán. Chiều 30, bà tôi ôm tôi, vừa khóc vừa bảo: “Chỉ mong hết bom đạn, Tết bà cháu mình ăn cơm với muối cũng được“. Ông tôi im lặng ngồi nghe rồi rút cái đóm hút thuốc lào, chấm vào lọ mực tím, viết lên tờ giấy học sinh chữ Phúc theo lối cuồng thảo. Đó là một cái Tết chiến tranh, cơ cực và đói rét, nhưng tôi còn nhớ mãi.

Mỗi năm biểu tượng bằng một con vật, tính từ Tý lần lượt tiếp theo là Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, gọi là thập nhị địa chi. Các họa sĩ Việt Nam hay chọn đề tài này để vẽ tranh Tết. Người thành công nhất là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Ông vẽ nhiều và đẹp về 12 con giáp. Ngoài Kiều – Kim Trọng, múa cổ, đây là một mạch cảm xúc chính của ông. Ngoài ra, họa sỹ Bùi Xuân Phái năm nào cũng vẽ những con đó trên giấy, trên bìa để mừng tuổi bạn bè. Những món quà tặng đầy tấm lòng chỉ có ở thời giàu tình và duy tình như thế.

 Tranh hổ của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm

Tranh hổ của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm

Người biết chơi, chỉ một chữ Phúc là đủ. Phúc là nguồn gốc của mọi sự ở đời – thịnh suy, hay dở, vui buồn…

Bài: Lê Thiết Cương – Ảnh: AFP, TTXVN, Eva Lindskog

Xem thêm