Cổ phiếu của Salvatore Ferragamo tăng 4.38%, lên mức 14.06 Euro/cổ phiếu vào thứ Tư vừa qua khi nhà mốt Ý thông báo kết quả kinh doanh tốt hơn dự kiến.
Sau chín tháng đầu năm 2020, thương hiệu có trụ sở tại Florence này thông báo lỗ 96 triệu Euro. Doanh thu giảm 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, mức lỗ thấp hơn 4 triệu Euro so với dự đoán của các chuyên gia phân tích tài chính.
Báo cáo tài chính cho thấy: Tình hình kinh doanh vực dậy một phần nhờ thị trường Trung Quốc, nơi đã bắt đầu khởi sắc hậu COVID-19. Nhật Bản, Đài Loan cũng có nhiều dấu hiệu hồi phục tốt.
Một phần khác do Salvatore Ferragamo đã áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí triệt để. Và một phần cuối cùng do các tin đồn rằng các thành viên trụ cột của nhà mốt này đang muốn bán đi 20% cổ phần công ty.
Một năm khó khăn cho thương hiệu Ý
Trong năm 2020, Salvatore Ferragamo đã gặp khó khăn hơn rất nhiều đối thủ cạnh tranh trong làng thời trang xa xỉ vì dịch cúm COVID-19. Tất cả vì việc các quốc gia đóng cửa biên giới.
15% lượng cửa hàng của thương hiệu Ý này nằm tại các sân bay và khu vực mua sắm miễn thuế. Con số này cao gần gấp bốn lần so với Chanel hay Louis Vuitton.
Trước khi dịch cúm lan rộng toàn cầu, 10% tổng doanh thu của Ferragamo đến từ kênh du lịch. Con số này cũng cao hơn so với trung bình của nhóm thời trang xa xỉ (chỉ khoảng 6%, theo ước tính từ các chuyên gia phân tích thuộc công tư vấn tài chính Jefferies).
Theo các nhà phân tích tài chính, thương hiệu Ý này sẽ chỉ khởi sắc khi có vaccine ngừa COVID-19. Vaccine sẽ tạo lòng tin để dân mê dịch chuyển một lần nữa đi du lịch. Từ đó tạo nên tiền đề bán đi cổ phần công ty cho một đối tác đầu tư giàu tiền mặt.
Khi gia tộc làm kinh doanh
Salvatore Ferragamo là một trong những thương hiệu thời trang lâu đời vẫn nằm dưới quyền điều hành của gia đình, chứ không trực thuộc một tập đoàn lớn (như Dior hay Gucci).
Thương hiệu Ý này được thành lập năm 1927 bởi ông Salvatore Ferragamo. Sản phẩm của Ferragamo trở nên nổi tiếng vì được các minh tinh Hollywood như Greta Garbo và Marilyn Monroe yêu thích.
Khi Salvatore Ferragamo qua đời năm 1960, vợ ông, bà goá Wanda lên nắm quyền điều hành. Và bà đưa tất cả các con vào tham gia kinh doanh.
Năm 2011, thương hiệu được đưa lên sàn chứng khoán Milan. Tuy vậy, dòng đích tôn của gia đình Ferragamo vẫn nắm giữ quyền điều hành khi sở hữu 54.3% thương hiệu. Các thành viên thuộc họ hàng xa khác nắm 10.7%.
Một nguồn tin nội bộ chia sẻ cùng Reuters rằng, do có quá nhiều thành viên gia đình tham gia điều hành, nên thương hiệu đối mặt với sự chia năm xẻ bảy. Các thành viên không đồng tình với phương hướng phát triển của nhau. Đặc biệt, khi Salvatore Ferragamo ngày càng mất đi các khách hàng trẻ do phong cách khá chững, thì sự bất hoà của các thành viên gia đình ngày càng tăng cao.
Salvatore Ferragamo có khả năng được bán đi?
Khi bà goá Wanda mất năm 2018, tin đồn về việc các thành viên nhà Ferragamo sẽ bán đi cổ phần ngày càng lan rộng.
Nguồn tin nội bộ chia sẻ cùng Reuters rằng, con trai nhà sáng lập và chủ tịch tập đoàn Ferruccio Ferragamo đã gặp gỡ nhiều nhà đầu tư vào tháng Chín vừa qua. Nguồn tin này cũng cho biết, gia đình dự kiến sẽ bán đi 20% tổng cổ phiếu của mình. Nhưng, họ vẫn muốn giữ lại quyền điều hành. Mà sự ràng buộc này chắc chắn khó hấp dẫn giới đầu tư, những người sẽ muốn thay đổi cách vận hành của công ty nếu bỏ tiền ra mua cổ phần.
Trong khi đó, đại diện Salvatore Ferragamo vẫn quả quyết rằng thương hiệu hoàn toàn không tìm cách bán cổ phần.
“Tôi yêu công ty này và nó không phải là món đồ để mua bán trao đổi”, ông Ferruccio Ferragamo chia sẻ với Bloomberg. “Thương hiệu vẫn giàu năng lượng. Và chúng tôi có rất nhiều kế hoạch cho tương lai của hãng”.